Bài soạn "Ông đồ" số 4

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nhà thơ Vũ Đình Liên (1913 - 1996), quê ở Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương.

Vũ Đình Liên nổi tiếng với bài thơ Ông đồ từ phong trào Thơ mới. Nhiều năm ông làm nghề dạy học. Từng là Chủ nhiệm khoa Tiếng Pháp, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, là thành viên nhóm văn học Lê Quý Đôn (gồm : Lê Thước, Trương Chính, Lê Trí Viễn,...).


2. Ông đồ là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên. Tuy sáng tác thơ không nhiều, nhưng chỉ với bài Ông đồ, Vũ Đình Liên đã có vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ mới.

Bằng thể thơ năm chữ, kết cấu giản dị, ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm, bài thơ Ông đồ thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của ông đồ, qua đó gợi lên niềm cảm thương chân thành trước một lớp người bị gạt ra lề cuộc sống, và nỗi hoài niệm, nhớ tiếc một thời lịch sử của đất nước.


II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

Câu 1. Trong hai khổ thơ đầu, hình cảnh ông đồ viết chữ nho ngày Tết là một hình ảnh đẹp. Đây là cái thời đắc ý của ông. Ông xuất hiện cùng hoa đào, với mực tàu giấy đỏ. Ông đem lại niềm vui cho mọi người khi viết câu đối Tết. Bao nhiêu người nhờ ông. Bao nhiêu người tấm tắc khen ngợi ông. Ông viết câu đối mà như người biểu diễn thư pháp : Hoa tay thảo những nét - Như phượng múa rồng bay.


Khổ thơ 3 và 4 vẫn diễn tả không gian ấy, thời gian ấy. Song là một không khí khác : Nhưng mỗi năm mỗi vắng. Không phải là vắng ngắt ngay lập tức, mà theo thời gian. Người cần đến ông cứ giảm dần. Và bây giờ thì hầu như không thấy họ : Người thuê viết nay đâu ? Giấy cũng buồn vì cảnh này, mực cũng sầu vì không được dùng vào việc viết. Ông đồ vẫn có mặt, nhưng người ta đã không nhận ra ông. Người ta chẳng còn chú ý đến ông nữa. Bởi thế mà ông như nhòa lẫn trong lá vàng và mưa bụi. Sự khác nhau của hai hình ảnh ông đồ chủ yếu ở vị trí của ông với công chúng. Trước ông ở trung tâm của sự chú ý. Nay ông ra ngoài rìa của sự chú ý, gần như bị lãng quên.


Sự khác nhau này gợi cho người đọc cảm xúc thương cảm cho ông đồ, ông đang bị gạt ra rìa cuộc sống, ông đang bị lãng quên cùng với nhũng gì gắn với chữ Hán, với tâm lí chuộng thú chơi câu đối một thời. Hai câu thơ : Lá vàng rơi trên giấy - Ngoải giời mưa bụi bay không chỉ là hai câu thơ tả cảnh mà còn là hai câu thơ tả tâm trạng, tả cảnh ngộ của ông đồ. Lá vàng rơi, một biểu hiện của sự tàn úa. Lại kèm với mưa bụi bay. Lạnh lẽo và buồn thảm.


Câu 2. Tâm tư của nhà thơ thể hiện qua bài thơ một cách kín đáo. Tác giả đã mô tả hai cảnh đối lập và gợi niềm thương cảm ông đồ một cách gián tiếp. Chỉ đến phần cuối bài thơ, khi không còn thấy ông đồ, tác giả mới thốt lên:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ ?


Không chỉ cảm thương cho ông đồ, nhà thơ còn cảm thương một lớp người đã trở thành quá khứ. Hơn thế nữa, sự hoài cổ còn là hoài niệm một vẻ đẹp văn hoá gắn với những giá trị tinh thần truyền thống. Chính vì thế mà bài thơ có sức lay động sâu xa. Không chỉ hay ở nội dung hoài niệm, bài thơ còn hay ở nghệ thuật. Trước hết là dựng cảnh tương phản. Một bên tấp nập, đông vui; một bên buồn bã, hiu hắt. Một bên nét chữ cũng như bay múa : phượng múa, rồng bay ; bên kia cả giấy cũng buồn, cả mực cũng sầu, thêm nữa lại kèm lá vàng, mưa bụi.


Kết cấu đầu cuối tương ứng. Cũng là thời gian ngày áp Tết, cũng là không gian mùa xuân, cũng vẫn có hoa đào nở. Nhưng hình ảnh ông đồ thì cứ nhạt nhòa dần. Cuối cùng thì không thấy ông đồ nữa. Ông đã thành ông đồ xưa. Không phải là ông đồ cũ. Ông đã thành xưa, như không còn tồn tại nữa. Bài thơ làm theo thể năm chữ - thể thơ ngũ ngôn. Lời lẽ của bài thơ dung dị, không có gì tân kì. Nhung hình ảnh thơ gợi cảm. Hình ảnh : Hoa tay thảo những nét - Như phượng múa rồng bay thật sinh động. Những hình ảnh :

Giấy đỏ buồn, không thắm

- Mực đọng trong nghiên sầu

- Lá vàng rơi trên giấy

- Ngoài giời mưa bụi bay

không phải chỉ là hình ảnh thiên nhiên đơn thuần, mà là thiên nhiên nhuốm đầy tâm trạng.


Câu 4. Những câu thơ :

Giấy đỏ buồn không thắm

- Mực đọng trong nghiên sầu ;

Lá vàng rơi trên giấy

- Ngoài giời mưa bụi bay là những câu thơ không chỉ tả cảnh. Tác giả đã dùng biện pháp nhân hoá làm cho giấy, mực - những vật vô tri - như cũng biết sầu buồn. Phải chăng, cái buồn của bản thân ông đồ cũng lan sang cảnh vật ? Lá vàng, mưa bụi thật là buồn. Lá lại rơi trên giấy không thắm, mưa bụi lại làm cho cảnh vật như nhoè mờ. Ông đồ đã bị lãng quên, càng bị khuất lấp. Nhũng câu thơ như thế đã làm cho bài thơ tạo được cho người đọc ấn tượng và ám ảnh sâu sắc.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Top 6 Bài soạn "Ông đồ" của Vũ Đình Liên (lớp 8) hay nhất

  1. top 1 Bài soạn "Ông đồ" số 1
  2. top 2 Bài soạn "Ông đồ" số 2
  3. top 3 Bài soạn "Ông đồ" số 3
  4. top 4 Bài soạn "Ông đồ" số 4
  5. top 5 Bài soạn "Ông đồ" số 5
  6. top 6 Bài soạn "Ông đồ" số 6

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy