Bài soạn "So sánh" số 2

I. So sánh là gì?

So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.


Câu 1 - Trang 24 SGK

Tìm những tập hợp từ chứa hình ảnh so sánh trong các câu sau:

a)

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.

(Hồ Chí Minh)

b) […] trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.

(Đoàn Giỏi)

Trả lời:

Những tập hợp từ ngữ chứa hình ảnh so sánh:

a) Trẻ em như búp trên cành.

b) Rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành dài vô tận.


Câu 2 - Trang 24 SGK

Trong mỗi phép so sánh trên, những sự vật, sự việc nào được so sánh với nhau? Vì sao có thể so sánh như vậy? So sánh các sự vật, sự việc với nhau như vậy để làm gì?

Trả lời:

Những sự vật được mang so sánh: trẻ em – búp trên cành; rừng đước – cao ngất như hai dãy trường thành.

– Giữa các sự vật trong 2 vế có nét tương đồng nên có thể so sánh như vậy.

– So sánh sự vật, sự việc với nhau để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm co sự diễn đạt.


Câu 3 - Trang 24 SGK

Sự so sánh trong những câu trên có gì khác với sự so sánh trong câu sau:

"Con mèo vằn vào tranh, to hơn cả con hổ nhưng nét mặt lại vô cùng dễ mến."

(Tạ Duy Anh)

Trả lời:

Sự so sánh ở dưới đây không phải so sánh tu từ mà là so sánh lý luận, thiên về chức năng nhận thức hơn biểu cảm.


II. Cấu tạo các phép so sánh

Câu 1 - Trang 24 SGK

Điền những tập hợp từ chứa hình ảnh so sánh trong các câu đã dẫn ở phần I vào chỗ trống theo mô hình phép so sánh theo mẫu dưới đây:

Vế A (Sự vật được so sánh)- Phương tiện so sánh- Từ so sánh- Vế B (Sự vật dùng để so sánh)
Trả lời:

Vế A (Sự vật được so sánh)- Phương tiện so sánh-Từ so sánh-Vế B (Sự vật dùng để so sánh)
Trẻ em - như - Búp trên cành
Rừng đước - Dựng lên cao ngất- như- Hai dãy trường thành dài vô tận
Con mèo vằn - To hơn - Con hổ


Câu 2 - Trang 25 SGK

Nêu thêm các từ so sánh mà em biết.

Trả lời:

– Cặp từ hô ứng: “bao nhiêu… bấy nhiêu…”

– Từ “là”

– Từ “tựa như”


Câu 3 - Trang 25 SGK

Cấu tạo của phép so sánh trong những câu dưới đây có gì đặc biệt?

a)

Trường Sơn: chí lớn ông cha

Cửu Long: lòng mẹ bao la sóng trào.

(Lê Anh Xuân)

b)

Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất.

(Thép Mới)

Trả lời:

Cấu tạo của phép so sánh:

+ Sử dụng dấu hai chấm thay cho từ so sánh

+ Sử dụng cấu trúc đảo ngữ.


III. Soạn bài So sánh phần Luyện tập

Câu 1 - Trang 25 SGK

Với mỗi mẫu so sánh gợi ý dưới đây, em hãy tìm thêm ví dụ:

a) So sánh đồng loại

– So sánh người với người:

Lúc ở nhà, mẹ cũng là cô giáo

Khi tới trường, cô giáo như mẹ hiền.

(Lời bài hát)

– So sánh vật với vật:

Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ […].

(Vũ Tú Nam)

b) So sánh khác loại

– So sánh vật với người:

Ngôi nhà như trẻ nhỏ

Lớn lên với trời xanh.

(Đồng Xuân Lan)

Bà như quả đã chín rồi

Càng thêm tuổi tác, càng tươi lòng vàng.

(Võ Thanh An)

– So sánh cái cụ thể với cái trừu tượng:

Trường Sơn: chí lớn ông cha

Cửu Long: lòng mẹ bao la sóng trào.

(Lê Anh Xuân)

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

(Ca dao)

Trả lời:

a) So sánh đồng loại:

– So sánh người với người:

+ Cô giáo em hiền như cô Tấm.

+ Ông em râu bạc phơ như ông Bụt.

– So sánh vật với vật:

+ “Mặt trời xuống biển như hòn lửa”.

+ “Từ xa nhìn lại cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ”.

b) So sánh khác loại:

– So sánh vật với người:

+ Cá nước bơi hàng đoàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.

+ Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.

– So sánh cái cụ thể với cái trừu tượng:

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm.

(Tố Hữu)

Đừng xanh như lá bạc như vôi


Câu 2 - Trang 26 SGK

Dựa vào những thành ngữ đã biết, hãy viết tiếp vế B vào những chỗ trống dưới đây để tạo thành phép so sánh:

– khỏe như…

– đen như…

– trắng như…

– cao như…

Trả lời

– Khỏe như voi/ Khỏe như trâu.

– Đen như cột nhà cháy/ Đen như than.

– Trắng như trứng gà bóc/ Trắng như giấy.

– Cao như núi/ Cao như cây sậy.


Câu 3 - Trang 26 SGK

Hãy tìm những câu văn có sử dụng phép so sánh trong các bài Bài học đường đời đầu tiên và Sông nước Cà Mau.

Trả lời

a) Phép so sánh trong Bài học đường đời đầu tiên:

+ Những ngọn cây gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua.

+ Hai cái răng đen nhánh…như hai lưỡi liềm máy làm việc.

+ Cái anh chàng Dế Choắt…. gã nghiện thuốc phiện.

+ Đã thanh niên rồi mà… như người cởi trần mặc áo gi-lê.

+ Chú mày hôi như cú mèo…

+ Mỏ Cốc như cái dùi sắt…

+ Như đã hả cơn tức…

b) Phép so sánh trong Sông nước Cà Mau

+ Càng đổ dần về hướng mũi Cà Mau… như mạng nhện.

+…gọi là kênh Bọ Mắt….như những đám mây nhỏ.

+ Trông hai bên bờ… cao ngất như hai dãy trường thành dài vô tận.

+…những đống gỗ cao như núi chất dựa bờ…

+…những ngôi nhà bè ánh đèn măng sông… như những khu phố nổi….

+…đã điểm tô cho Năm Căn một màu sắc độc đáo, hơn tất cả các xóm chợ…


Tổng kết

• Mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm:

- Vế A (nêu tên sự vật, sự việc được so sánh);

- Vế B (nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc nói ở vế A);

- Từ ngữ chỉ phương diện so sánh;

- Từ ngữ chỉ ý so sánh (gọi tắt là từ so sánh).

• Trong thực tế, mô hình cấu tạo nói trên có thể biến đổi ít nhiều:

- Các từ ngữ chỉ phương diện so sánh và chỉ ý so sánh có thể được lược bớt.

- Vế B có thể được đảo lên trước vế A cùng với từ so sánh.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy