Bài soạn "Tiếng mẹ đẻ nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức" số 2

I. Về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

Nguyễn An Ninh (1900 – 1943) là một nhà báo, một nhà văn và trước hết là một nhà yêu nước tiến bộ nổi tiếng đầu thế kỉ XX.

Sự nghiệp và tên tuổi của ông gắn liền với những buổi diễn thuyết sôi động và những bài báo nổi tiếng đã từng một thời cuốn hút thanh niên và dư luận trong nước. Ông mạnh dạn lên án chính sách bóc lột và ngu dân của thực dân Pháp. Là một trí thức trẻ tân tiến, ông phê phán mạnh mẽ đạo Khổng và đề cao tinh thần học hỏi văn hóa châu Âu để xây dựng một nền văn hóa đặc sắc riêng của nước nhà. Văn phong của ông khúc chiết, trong sáng, vừa độ sâu về tư duy văn hóa vừa tràn đầy nhiệt huyết của một người yêu nước gần gũi với đời sống và người lao động.


2. Tác phẩm

Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức là bài chính luận xuất sắc của Nguyễn An Ninh với bút danh Nguyễn Tịnh đăng trên báo Tiếng chuông rè năm 1925.

Bố cục: 3 phần

- Phần 1: Từ đầu đến “lo lắng”- phê phán những hành vi học đòi “Tây hóa”

- Phần 2: Từ tiếp đến “để nói ra”- Giá trị và vai trò của tiếng mẹ đẻ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc

- Phần 3: Còn lại- quan niệm của tác giả về mối quan hệ giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài.


II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 91 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):

Trong bài văn, Nguyễn An Ninh đã phê phán những hành vi của thói học đòi “Tây hóa”:

- Đó là việc: “Nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình”, bởi họ cho đó là “một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc”.

- Nhiều người khác lại bắt chước những “kiểu kiến trúc và trang trí lai căng” của phương Tây.

- Ông phê phán quan niệm sai lầm cho rằng tiếng nước mình nghèo nàn nhưng vẫn khuyến khích giới tri thức học tiếng nước ngoài.


Câu 2 (trang 91 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):

Theo tác giả, tiếng nói vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của dân tộc: “Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị”. Do đó, tiếng nói có tầm quan trọng đặc biệt đối với vận mệnh dân tộc:

- Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất của nền văn học dân tộc.

- Tiếng nói là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc thống trị.


Câu 3 (trang 91 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):

Tác giả đưa ra dẫn chứng để khẳng định rằng tiếng nước mình không nghèo nàn:

- Ngôn ngữ giàu có của Nguyễn Du: “Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu”.

- Người Việt có thể dịch những tác phẩm lớn của Trung Quốc sang tiếng Việt: “Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự”.

- Ngôn từ thông dụng (sinh hoạt, khẩu ngữ...) của tiếng Việt rất phong phú: “Ở An Nam cũng như mọi nơi khác, đều có thể ứng dụng nguyên tắc này: Điều này người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”.


Câu 4 (trang 91 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):

Quan niệm của tác giả về mối quan hệ giữa ngôn ngữ nước ngoài với ngôn ngữ “nước mình”:

- Tiếng nước ngoài là cần thiết đối với mỗi người. Tuy nhiên, sự cần thiết biết một ngôn ngữ Châu Âu không hoàn toàn kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ.

- Tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình.


Câu 5 (trang 91 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):

Quan niệm của tác giả đưa ra: “Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian” là đúng đắn trong hoàn cảnh đất nước đang bị thực dân thống trị. Tuy nhiên, nếu muốn giải phóng dân tộc, quan niệm của Nguyễn An Ninh đưa ra cần phải biết kết hợp các yếu tố khác như Đường lối của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng...

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy