Bài soạn "Vi hành" của Nguyễn Ái Quốc số 3

Kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm

I. Tác giả

- Nguyễn Ái Quốc (1890 - 1969) là một trong những bút danh của Hồ Chí Minh - nhà cách mạng, vĩ lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ XX, một chiến sĩ cộng sản quốc tế.

- Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta một sự nghiệp văn chương lớn lao về tầm vóc, phong phú, đa dạng về thể loại và đặc sắc về phong cách sáng tác. Có thể xếp tác phẩm của Người vào ba thể loại: Văn chính luận, truyện và kí, thơ ca. Mỗi thể loại có một đặc sắc riêng và đều có tác phẩm thành công. Văn chính luận có Tuyên ngôn Độc lập, Truyện kí có Vi hành, thơ có Nhật kí trong tù.

Nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) các em có thể tham khảo nội dung soạn bài Tuyên ngôn độc lập - Phần tác giả.


II. Tác phẩm

- Vi hành là truyện ngắn xuất sắc của Hồ Chí Minh, được viết bằng tiếng Pháp, đăng trên báo Nhân đạo - cơ quan của đảng Cộng sản Pháp - số ra ngày 19 - 2 - 1923, vào đúng dịp vua Khải Định được chính phủ Pháp đưa sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa tổ chức ở Macxây.

- Tác phẩm đã sử dụng bút pháp hiện thực phê phán trào phúng, hướng đến mục đích chính trị để cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới thấy rõ sự vô dụng của Khải Định, một tên vua bù nhìn, ngu dốt, không phải là kẻ đại diện chân chính cho nhân dân Việt Nam; đồng thời vạch trần bộ mặt xảo trá của những kẻ thực dân.


- Tóm tắt nội dung chính của tác phẩm:

Trên chuyến xe điện ngầm, đôi trai gái người Pháp nhìn thấy nhân vật tôi, người kể chuyện, là một người An Nam nên tưởng đó là Khải Định. Họ bàn luận nhận xét về Khải Định và coi hắn như một tên hề, một trò giải trí rẻ tiền. Đôi trai gái xuống tàu, người kể chuyện nhớ về ngày ấu thơ, về câu chuyện vi hành của Vua Pie, vua Thuấn rồi liên hệ, bình luận về cuộc "vi hành" mờ ám vì mục đích riêng của Khải Định. Tác giả cũng kể về sự nhầm lẫn của người Pháp, của chính quyền thực dân. Qua đó châm biếm cách đối xử của thực dân Pháp đối với người Việt Nam yêu nước.


- Bố cục tác phẩm: Căn cứ vào mạch truyện có thể chia tác phẩm thành 3 phần:

+ Phần 1 (từ đầu đến “Nghe nói ông bầu Nhà hát múa rối có định kí giao kèo thuê đấy...”): Nhân vật tôi kể chuyện một đôi thanh niên Pháp nhầm mình là vua Khải Định. Họ tưởng tác giả không biết tiếng Pháp nên đã bình luận rất vô tư về người mà họ tưởng là Khải Định. Họ bình luận về trang phục, hình thức, tính cách và tỏ ra rất khinh thường người mà họ đang bình luận. Khải Định được coi như một trò giải trí hấp dẫn trong số rất nhiều trò giải trí li kì và rẻ tiền của người Pháp lúc đó.

+ Phần 2 (Từ “Tàu đỗ, cặp trai gái bước xuống...” đến “... nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé?”: Nhân vật tôi nhớ đến những ngày được nghe kể chuyện vi hành của các ông vua nổi tiếng vì dân vì nước trong lịch sử, rồi liên hệ, so sánh với chuyện vi hành của Khải Định. Từ đó thể hiện thái độ châm biếm mỉa mai hành động của Khải Định.

+ Phần 3 (các đoạn còn lại): Nhân vật tôi kể chuyện và bình luận về thái độ của người Pháp đối với mình và những người Việt Nam khác, chính quyền thực dân sai mật thám bám gót họ khắp nơi.


Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1 trang 171 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện ngắn "Vi hành" ?
Trả lời:
Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện ngắn “Vi hành” là mâu thuẫn giữa bản chất bên trong và hình thức bên ngoài, giữa bản chất bù nhìn sa đọa của vua Khải Định và việc làm của chính quyền thực dân khi đưa Khải Định sang thăm Pháp. Mâu thuẫn của truyện được triển khai trên tình huống truyện nhầm lẫn đầy thú vị và hài hước.

Câu 2 trang 171 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Một trong những vấn đề then chốt của nghệ thuật truyện ngắn là tạo được tình huống truyện độc đáo. Theo anh (chị), tác giả đã sáng tạo tình huống gì trong truyện ngắn này? Tình huống đó có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm và khắc họa nhân vật Khải Định?
Trả lời:
- Tác giả xây dựng tình huống nhầm lẫn (đôi nam nữ Pháp hiểu nhầm tôi là Khải Định).
- Tác dụng của tình huống truyện:
+ Tạo sự khách quan trong đánh giá Khải Định.
+ Chế giễu, đả kích sự lố bịch, bản chất bù nhìn, tính chất một thứ đồ chơi của Khải Định.


Câu 3 trang 171 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Phân tích hình tượng nhân vật Khải Định, qua đó làm rõ tính chất chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc?
Trả lời:
Phân tích hình tượng nhân vật Khải Định:
- Trang phục: cái nón chụp đèn, quấn khăn, tay đeo đầy nhẫn, người đủ lụa là, hạt cườm.
- Diện mạo: mũi tẹt, mắt xếch, da vàng bủng như vỏ chanh.
- Cử chỉ, tác phong: nhút nhát, lúng túng.
- Những nơi lui tới: trường đua, tiệm cầm đồ, xe điện ngầm.
- Với người Pháp: Khải Định là thứ đồ chơi lạ mắt khi kho giải trí của họ đã cạn kiệt.
=> Châm biếm, đả kích Khải Định, vị vua bù nhìn, lố bịch, thứ đồ chơi để bọn thực dân Pháp lợi dụng tô điểm cho lá cờ khai hóa, bảo hộ bịp bợm và tàn bạo của chúng.

Tổng kết

Vi hành là truyện ngắn xuất sắc của Hồ Chí Minh nhằm đả kích, phê phán sự vô dụng của Khải Định, một tên vua bù nhìn, ngu dốt, không phải là kẻ đại diện chân chính cho nhân dân Việt Nam; đồng thời vạch trần bộ mặt xảo trá của những kẻ thực dân.
Sức mạnh đả kích của thiên truyện được tạo nên bởi giọng điệu trần thuật hài hước, tự nhiên dí dỏm và thâm thúy đã làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm, thực hiện xuất sắc thái độ châm biếm, đả kích. Tính chất đa giọng điệu với nhiều sắc điệu khác nhau, từ giọng điệu giễu cợt mát mẻ, phê phán đả kích đến giọng điệu trữ tình tự sự, đã làm nên sự hấp và sức chiến đấu của tác phẩm.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy