Bài tham khảo số 10

Có một nhà văn đã từng khẳng định: “Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ một người nào khác.” Thật vậy, mỗi người nghệ sĩ khi đứng trên văn đàn văn học cần phải có một phong cách riêng, một “giọng nói riêng” hay một “đôi mắt” khác người thì tác phẩm của họ mới để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. “Một khi phong cách trở thành máu thịt của nhà văn sẽ tạo nên sắc điệu thẩm mĩ riêng biệt, không thể trộn lẫn với bất kỳ ai”. Và Thạch Lam đã hoàn thành xuất sắc thiên chức của mình. Ở “Hai đứa trẻ”, ông tạo cho người đọc một cảm giác khác lạ, hoàn toàn không giống với những tác phẩm cùng thời ông. Đặc biệt ông phát hiện bức tranh đời sống phố huyện nghèo khi chiều buông xuống.


Đến với “Hai đứa trẻ” chắc ai cũng không khỏi tò mò tại sao một nhà văn lại có thể len lỏi vào giữa những phố huyện nghèo như vậy mà tìm hiểu cặn kẽ? Câu trả lời thật dễ dàng khi ta nhìn lại tiểu sử của ông: thuở nhỏ Thạch Lam sống ở quê ngoại thuộc phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương... Có lẽ chính trong khoảng thời gian này đã giúp Thạch Lam thấu hiểu và đồng cảm với con người và nhịp sống nơi đây. Ở đó không chỉ là bức tranh thiên nhiên với cảnh vật u ám, tiêu điều mà còn là bức tranh cuộc sống nơi phố huyện nghèo khổ, mệt mỏi... Bên cạnh đó, in trong tập ”Nắng trong vườn”, “ Hai đứa trẻ” là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Thạch Lam. Tác phẩm mang sự hòa quyện của hai yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình.


Trước hết là bức tranh cuộc sống phố huyện nghèo lúc chiều tà. Hình ảnh chợ chiều nghèo nàn, xơ xác “chợ họp giữa phố vãn từ lâu”. Mọi người trong phiên chợ cũng đã về hết và không còn tiếng ồn ào. Chỉ còn lại là “rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”. Đặc biệt là mùi vị nơi đây, một mùi vị đặc trưng mà không pha lẫn được với vùng miền nào: “Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này”. Hình ảnh con người cũng được phác họa nhưng nghèo khổ, thưa thớt và đơn điệu. Đó là những đứa trẻ con nhà nghèo tìm tòi trên mặt đất, “nhặt nhạnh những thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được”; đó là chị em Liên; là mẹ con chị Tí... Đặc biệt là bà cụ Thi điên nghiện rượu, tiếng cười khanh khách. Hình ảnh cụ “đi lần vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng” khiến cho ta liên tưởng đến một sự quẩn quanh và không lối thoát. Cụ Thi chính là đại diện cho một kiếp người tàn, những con người đáng thương nhất. Như vậy, bằng vài nét phác họa Thạch Lam đã cho độc giả thấy được một bức tranh đời sống phố huyện nghèo khổ, tiêu điều, mỗi người một cảnh nhưng đều giống nhau ở cái nghèo, sự mệt mỏi và buồn chán. Ngoài ra, tác giả còn thể hiện cảm xúc của mình qua tâm trạng Liên “Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó”. Đây chính là tình người, lòng trắc ẩn của một con người. Hay qua lời hỏi thăm, lo lắng của Liên với mẹ con chị Tí cho ta thấy được sự quan tâm, động viên, hỏi han của những con người cùng khổ. Thực trong mọi hoàn cảnh, nhất là hoàn cảnh đáng thương chúng ta cần phải quan tâm chia sẻ lẫn nhau. Qua đây, tác giả cũng như đánh thức chúng ta về lòng trắc ẩn, về tâm hồn tinh tế, nhạy cảm...


Theo dòng thời gian, tiếp theo chính là bức tranh đời sống phố huyện khi đêm về. Đầu tiên là qua bút pháp tượng trưng ở cảnh vật và không gian phố huyện tác giả đã làm bật lên những kiếp người sống chìm khuất đồng thời cũng miêu tả cuộc sống con người tù đọng, tăm tối nhưng ở họ vẫn le lói những tia sáng “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Nhịp sống, cuộc sống nơi đây lúc nào cũng tẻ nhạt, đều đặn: mẹ con chị Tí ngày nào cũng dọn hàng “Tất cả phố xá trong huyện bây giờ đều thu nhỏ lại nơi hàng nước của chị Tí”, bác Siêu gánh phở ra đầu làng rồi lại gánh về, gia đình bác Xẩm chủ yếu sống bằng sự thương hại của người đời; chị em Liên hôm nào cũng phải tính tiền hàng, ngồi chõng tre,... Cuộc sống lặp đi lặp lại thật tù túng và đơn điệu! Có thể thấy dù nghèo khó nhưng người ta vẫn lao đầu bằng những gì vốn có, chân chính nhất.


Cuối cùng chính là bức tranh phố huyện khi chuyến tàu đêm đi qua. Hình ảnh đoàn tàu đặc biệt được tác giả miêu tả rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng, theo đúng trình tự từ khi tàu sắp đến, tàu đến và cho đến khi tàu đi qua. Đoàn tàu đi qua như là hoạt động cuối cùng đêm mạnh mẽ, sôi động, phá toang đi sự tịch mịch của phố huyện. Hình ảnh này là thế giới khác hẳn thế giới ở phố huyện, giống như một con thoi xuyên thủng màn đêm, ánh sáng đoàn tàu có thể xóa đi những ánh sáng mờ ảo, lẻ loi nơi phố huyện. Âm thanh đoàn tàu mạnh mẽ đủ sức át bản hòa tấu đều đều, đơn điệu! Chị em Liên cũng vì chờ đợi chuyến tàu mà buồn ngủ nhưng vẫn gượng thức cho thấy sự mong mỏi, khát khao được chứng kiến hoạt động cuối chở đầy hy vọng ấy. Bên cạnh đó, chuyến tàu đi qua cũng là đánh thức thế giới kỷ niệm đẹp của một thời đã qua “Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”. “Liên nhớ lại khi ở Hà Nội chị được hưởng những thức quà ngon, lạ - bấy giờ mẹ Liên nhiều tiền - được đi chơi Bờ Hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”. Chính chuyến tàu khơi gợi, dấy lên khát vọng, ước mơ về một thế giới, tương lai tốt đẹp hơn. Có thể nói, nhìn thấy đoàn tàu không chỉ thỏa mãn thị giác mà nó còn là tư tưởng của Liên, nó lấp đầy khoảng trống mênh mông trong tâm hồn chị em Liên bằng những hoài niệm và ước mơ. Chính chuyến tàu đêm này mà Liên thấy rõ hơn sự ngưng đọng, tù túng của cuộc sống đầy bóng tối nghèo nàn của cuộc đời mình và những người xung quanh. Như vậy, “Hai đứa trẻ” là bức tranh hiện thực của một thời đã qua, cuộc sống phố huyện chỉ sáng lên một khoảnh khắc. Bằng tài năng, bằng “con mắt” riêng của mình Thạch Lam đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh cuộc sống phố huyện từ khi chiều xuống.


Qua đó, bằng việc sử dụng bút pháp lãng mạn; các hình ảnh tương phản, đối lập tác giả đã làm nổi bật cuộc sống của phố huyện. Có thể nói, trang văn của Thạch Lam rất đẹp. Cái đẹp được tỏa ra từ hình ảnh gợi hình, gợi cảm; tình người với trái tim rất đỗi nhân hậu. Ngòi bút Thạch Lam , lời văn giàu bản sắc: nhẹ nhàng, khách quan, ẩn hiện lòng thương với những con người phố huyện, ông vẫn phát hiện ra khát vọng của họ.


“Hai đứa trẻ” là kết quả của quá trình sáng tạo và chắt lọc những tinh hoa cuộc sống, những xúc cảm thẩm mỹ của Thạch Lam. Khác với các nhà văn Tự lực văn đoàn, Thạch Lam quan niệm “Đối với tôi, văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Với ông, văn chương chân chính là văn chương phục vụ con người, vì con người mà cất lên tiếng nói, văn chương “vị nhân sinh” chứ không phải văn chương “vị nghệ thuật”. Có thể nói, “nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo”. Vì vậy “nó đòi hỏi phải có phong cách tức là phải có nét gì đó mới mẻ, riêng biệt thể hiện trong tác phẩm của mình”. Và Thạch Lam đã xuất sắc khi làm điều đó. Nhà văn đã mang tiếng nói riêng của mình để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy