Bài tham khảo số 9
“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là một truyện ngắn “trữ tình đượm buồn”. Tác phẩm chứa những nỗi đau hiện thực và vẻ đẹp khuất lấp tựa thứ hương hoàng lan chưng cất từ những nỗi đời. Đặc biệt, bức tranh phố huyện nghèo được khắc họa trong tác phẩm thể hiện rất rõ phong cách, tài năng cũng như bức thông điệp nhân văn mà tác giả muốn truyền tải.
Thạch Lam mang giọng văn đa dạng, kết hợp giữa chất lãng mạn và hiện thực tinh tế, ý văn giàu cảm xúc. Nội dung văn Thạch Lam thể hiện hiện thực xơ xác, buồn khổ nhưng đằm thắm, đầy tính nhân văn, nhân ái. Do vậy truyện ngắn của nhà văn có tính chất gần như không có cốt truyện. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” thể hiện bức tranh thiên nhiên phố huyện nghèo mà ở đó cả thiên nhiên và con người vừa nghèo khổ, xơ xác cũng vừa đẹp đẽ, thơ mộng, đáng yêu, đáng quý.
Bức tranh thiên nhiên phố huyện bắt đầu với “tiếng trống thu không trên cái chòi canh huyện nhỏ từng tiếng một vang ra gọi buổi chiều”. Tiếng trống gợi một khoảng không gian mênh mông của đất trời vừa đẹp vừa buồn. Hòa lẫn với đó là âm thanh vang vọng rời rạc từ to đến nhỏ của “ếch nhái ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Thiên nhiên được phát ra với những nét bút có hồn gợi lên một sự tàn lụi mơ hồ khiến lòng người thổn thức. Có buổi chiều nào “êm ả như ru” trong cái nhìn của Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng? Thạch Lam đã phác họa một bức tranh thiên nhiên nơi phố huyện nghèo nhuộm màu buồn tàn lụi nhưng vẫn toát lên vẻ thơ mộng trữ tình.
Song, cái áo khoác thơ mộng ấy không thể che lấp đi cảnh tàn tạ của những kiếp người tàn nơi phố huyện nghèo. Những kiếp người thấp thoáng trong phong cảnh chợ vãn hay đêm tối thật đáng thương. Khi “người về hết và tiếng ồn ào cũng mất” tất cả những gì còn lại chỉ là lèo tèo vài ba người thu dọn hàng, bóng vài đứa trẻ đi thu lượm những thứ tàn trong một đống tàn. Cái mùi ẩm ẩm bốc lên lẫn với mùi cát bụi quen thuộc của mảnh đất bình dị đặc trưng nơi phố huyện ấy lần lượt hiện lên dưới ngòi bút tài tình của Thạch Lam. Những kiếp người lam lũ, mòn mỏi, héo hắt mong đợi một cái gì mơ hồ xa xôi hiện ra từ trong bóng tối. Đó là những đứa trẻ nhặt rác, mẹ con chị Tí, bác phở Siêu, cụ Thi điên… Phố huyện nghèo như một cái xác không hồn và “chừng ấy con người” như những cái bóng dật dờ trong đêm. Hai chị em Liên được đặt bên cạnh một cái chõng xập xệ, vài phong thuốc lào, bánh xà phòng; mẹ con chị Tí với tài sản cũng chỉ là một cái chõng tre đội đầu; quán hàng ế bác phở Siêu, nhà bác Xẩm bên manh chiếu rách hay bà cụ Thi điên… đều là tập hợp những nạn nhân hiện thân đầy đủ nhất của kiếp người tàn nơi phố huyện.
Trong bức tranh phố huyện, Thạch Lam đã rất tinh tế khi vẽ lên một bức tranh có sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối để truyền tải thông điệp về cuộc sống. Bóng tối “ngập dần đầy” của một đêm mùa hạ “êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Bóng tối giống như một cái chảo đen khổng lồ úp lên phố huyện nghèo. “Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các con ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn”. Ánh sáng thì ít ỏi, thưa thớt bị bóng tối lấn át. Ánh sáng từ xa xôi từ vũ trụ “hàng ngàn ngôi sao lấp lánh”, “phương tây đỏ rực” đến ánh sáng con người là khe sáng hắt ra từ phên nứa, đèn hoa kỳ leo lét hay một thứ ánh sáng nhân tạo rực rỡ hơn đó từ chuyến tàu đêm. Thạch Lam đã để tất cả con người nơi phố huyện mong chờ ánh sáng từ chuyến tàu đêm để ca ngợi phẩm chất căn bản của con người đó là khát vọng hạnh phúc. Chuyến tàu mang tuổi thơ trong quá khứ đã mất đi của Liên và khiến chị như đang được sống êm đềm. Ngọn lửa xanh biếc, ánh sáng từ toa tàu, tiếng còi xe, tiếng bánh xe… tất cả diễn ra trong giây lát rồi vụt tắt nhưng ít nhiều đã cho thấy con người luôn cố gắng hướng ra cuộc sống vui vẻ dù trong hoàn cảnh khổ cực tới đâu.
Thông qua truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam đã thể hiện bức tranh thiên nhiên nơi phố huyện nghèo buồn mà đẹp và hiện thực của con người tuy đói khổ nhưng luôn chứa ẩn chứa tâm hồn lạc quan, khát khao hạnh phúc. Tác phẩm đã làm sống lại những tình cảm nhỏ bé nhất trong lòng mỗi người đọc yêu văn Thạch Lam.