Bài tham khảo số 10
Kim Lân là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn, am hiểu sâu sắc về nông thôn Việt Nam với những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê. Ông viết chân thật và xúc động về cuộc sống của người dân quê với tình cảm đứa con của ruộng đồng. Và tác phẩm "Vợ nhặt" được trích từ tập "Con chó xấu xí" của ông là một trong số những tác phẩm tiêu biểu tái hiện được chân thật cuộc sống khổ cực của người nông dân trước nạn đói khủng khiếp 1945. Qua tác phẩm, ta thấy nổi bật lên chi tiết bữa cơm ngày đói của gia đình Tràng gây nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Truyện ngắn Vợ nhặt tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được Kim Lân sáng tác ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.
Chi tiết bữa cơm ngày đói cũng là bữa cơm đầu tiên đón con dâu về nhà Tràng là một chi tiết đặc sắc vừa tái hiện chân thực tình cảnh khốn cùng của người nông dân trong hoàn cảnh nạn đói hoành hành, vừa mang một giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Thông thường bữa cơm ngày đầu tiên đón con dâu về sẽ rất quan trọng vì nó thể hiện được sự gắn kết của con dâu với nhà chồng. Nhưng với gia đình Tràng thì bữa cơm đầu tiên ấy lại vô cùng đơn giản đến thảm hại "Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành". Chỉ với những chi tiết đơn giản nhưng Kim Lân đã khắc họa được sự khủng khiếp của nạn đói lúc ấy. Lúc này ăn chỉ để sống qua ngày, con người đang cố gắng giành lấy chút sự sống mong manh từ tử thần. Bữa cơm được chuẩn bị vô cùng sơ sài đến thảm hại, chắc hẳn chúng ta ai cũng biết với bữa cơm như vậy thì sao mà ăn ngon lành cho được nhưng ở đây cả gia đình Tràng đều ăn rất ngon lành. Có lẽ ai cũng hiểu được hoàn cảnh lúc này nhưng họ cố nén cảm xúc trong lòng và cố tỏ ra vui vẻ để động viên nhau, làm động lực giúp nhau vượt qua hoàn cảnh khốn cùng này. Nhưng cũng có lẽ đó là niềm vui thật sự bởi dù trong gian khổ nhưng họ vẫn có nhau, vẫn lạc quan và vẫn hạnh phúc yêu thương nhau. Vượt qua mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu hà khắc và hoàn cảnh nghèo khó bà cụ Tứ vẫn đón nhận, cảm thông và yêu thương cô con dâu mới, gia đình họ vô cùng hòa hợp, hạnh phúc. Chính vì thế mà trong bữa cơm "Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này: Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà... này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem". Những câu chuyện bà nói đều là những chuyện tốt đẹp sau này, đều nói về tương lai tươi sáng đầy hy vọng phía trước. Qua đây ta thấy được sự lạc quan, luôn hướng về phía trước của bà cụ Tứ, cũng như của cả đất nước trong cái giai đoạn khó khăn cực khổ ấy.
Nhưng những tiếng cười cũng như niềm hy vọng mong manh của cả gia đình nhanh chóng bị dập tắt vì "niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn". Dường như đã liệu được tình huống này sẽ xảy ra người mẹ nghèo khó với tấm lòng nhân hậu, thương người và hết mực thương yêu con đã "lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Vừa khuấy khuấy vừa cười: chè khoán đây, ngon đáo để cơ". Tuy nói là chè khoán nhưng thật sự đó là nồi cháo cám chát xít, vốn là thứ thức ăn của súc vật. Qua đây, ta càng thấm thía hơn cái thực trạng tàn khốc của nạn đói 1945 và tội ác tàn bạo của phát xít và tay sai đẩy những con người khổ cực ấy vào tình cảnh khốn cùng. Nhưng qua đây ta lại càng thấy ngời lên được những phẩm chất tốt đẹp của con người, họ bị bần cùng hóa nhưng không hề tha hóa. Nổi bật nhất đó chính là bà cụ Tứ, nào đâu phải bà không biết nồi cháo cám kia chát xít chẳng hề ngon lành gì nhưng bà vẫn bảo "ngon đáo để cơ" mà là bà đang cố động viên con mình cũng như con dâu vượt qua hoàn cảnh khó khăn lúc ấy. Ta cảm thấy như bà mẹ già đang cố kìm nén những cảm xúc tủi hờn nhất, những nỗi lo lắng khôn nguôi về tương lai vào tận sâu trong lòng để cười mà động viên các con: "Cám đấy mày ạ", "Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy", gieo vào lòng các con mình niềm hy vọng sống và vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Thật xót xa biết bao! Bà cụ Tứ quả thật là một người mẹ nhân hậu, đảm đang, hết mực yêu thương con, sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp của một người mẹ nông thôn Việt Nam. Hơn thế nữa, chẳng phải ngẫu nhiên mà Kim Lân lại để người mẹ ở cái tuổi xế chiều ấy là người lạc quan nhất, luôn đon đả kể chuyện vui và luôn động viên, gieo hy vọng vào lòng các con mình. Bởi lẽ, một người gần đất xa trời như bà cụ Tứ mà còn khát khao sống mãnh liệt đến như vậy thì những người trẻ hơn sẽ lấy đó làm động lực mà tiếp tục nuôi hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Bà cụ Tứ là người thắp lửa, giữ lửa, và truyền ngọn lửa khát khao sống, khát khao thoát khỏi đói nghèo, khát khao tự do đến với các con cũng như những người khác.
Không chỉ có bà cụ Tứ mà qua hình ảnh bữa cơm ngày đói nhất là ở chi tiết nồi cháo cám ta còn thấy được sự chuyển biến trong tính cách cũng như thái độ của anh Tràng và người vợ nhặt. Khi Tràng gợt một miếng cháo cám bỏ vội vào miệng "mắt hắn chum ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ". Qua đây ta thấy anh Tràng là một người vô cùng khéo léo trong cách ứng xử. Mặc dù có hổ thẹn vì không lo được cho vợ một bữa cơm đón dâu đầy đủ nhưng anh cũng hiểu được hoàn cảnh mà không một lời oán than. Còn với người vợ nhặt, ta thấy được sự chuyển biến trong tính cách của thị vô cùng rõ ràng. Ta không còn thấy một người đàn bà "chỏng lỏn", "đanh đá", "chua ngoa" và "cong cớn, sưng sỉa" khi nói chuyện với anh Tràng, ta không còn thấy người đàn bà bỏ hết cả sự duyên dáng và danh dự vì miếng ăn mà "cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc" trong ngày anh Tràng đưa thị về làm vợ. Mà thay vào đó là một người đàn bà hiểu chuyện: khi nhận bát cháo cám từ tay mẹ chồng "người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tốt lại. Thị điềm nhiên và vào miệng". Ta thấy được thị là người dâu hiền, vợ thảo, hiểu chuyện và biết chấp nhận và cảm thông với gia đình chồng mà không một lời kêu ca, muốn cùng gia đình chồng vượt qua khó khăn. Đồng thời, ta cũng thấy được nổi khao khát một mái ấm gia đình hạnh phúc của người đàn bà ấy cho dù có khó khăn nhưng thị vẫn đồng cảm và sẵn sàng đồng cam cộng khổ cùng nhà chồng. Thật đáng quý!
Không chỉ dừng lại ở đó, chi tiết bữa cơm ngày đói còn phản ánh được cái hiện thực tàn khốc lúc đó và lên án tội ác tàn bạo của bọn phát xít và tay sai. Chúng bắt người dân ta phải nhổ lúa trồng đay, triệt đường sống của người nông dân lương thiện. Chúng khiến người dân ta sống cũng như chết, sống lay lắt, vất vưởng như những thây ma ngoài đường, nhiều khi sống cũng không bằng chết. Nhân dân ta phải ăn cháo cám, thứ thức ăn của gia súc, thậm chí có nhà còn không có cám mà ăn. Trong hoàn cảnh ấy, cháo cám lại như một thứ đồ xa xỉ. Quả thật là một hiện thực tàn khốc.
Bằng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn: bữa cơm đón dâu thảm hại chỉ với niêu cháo lõng bõng cùng nồi cháo cám chát xít. Kết hợp với nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật chân thật, sinh động với cách miêu tả tâm lí sắc sảo, tinh tế cũng như nghệ thuật trần thuật mộc mạc, chắt lọc, có sức gợi cảm cao Kim Lân đã xây dựng lên được bữa cơm ngày đói của gia đình Tràng trong ngày đầu đón con dâu thật chân thật và nhiều ý nghĩa.
Hình ảnh bữa cơm ngày đói mà đặc biệt là nồi cháo cám đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Ta thấy được một hiện thực nạn đói vô cùng tàn khốc nhưng qua đó lại ngời lên những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của con người. Trong cái khó khăn, bần cùng cơ cực ấy nhưng họ vẫn có nhau, vẫn yêu thương nhau, vẫn hạnh phúc và luôn lạc quan tin tưởng vào cách mạng thành công và tương lai tươi sáng.