Bài tham khảo số 4
“Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Lân. Truyện đã miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Đồng thời tác giả còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kỳ diệu của họ. Nổi bật trong truyện là chi tiết bữa cơm ngày đói sau khi Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà.
Tràng - một người dân nghèo khổ sống cùng với mẹ già ở xóm ngụ cư. Một ngày nọ, trên đường kéo xe bò vào dốc tỉnh, Tràng tình cờ gặp gỡ với Thị. Chỉ với câu đùa và bốn bát bánh đúc, Thị đã đồng ý theo làm vợ và theo Tràng về nhà. Khi về đến nhà, bà mẹ của Tràng ban đầu rất ngạc nhiên, sau đó là đón nhận người đàn bà khốn khổ ấy làm con dâu với một sự thương cảm sâu sắc. Sáng hôm sau, Tràng bỗng cảm thấy mình đổi khác. Anh cảm thấy mình có trách nhiệm hơn. Bữa cơm đầu tiên của nàng dâu mới chỉ có vài món ăn đơn giản: “Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành”.
Đó là bữa cơm đầu tiên sau khi Tràng có vợ - một bữa cơm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước hết, hình ảnh bữa cơm là một tín hiệu nghệ thuật quan trọng, gợi mở về hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Thông thường trong cuộc sống bình, sau khi lấy vợ thì cuộc sống trong gia đình sẽ có sự thay đổi, bữa ăn hàng ngày sẽ đầy đủ, chỉn chu hơn. Nhưng trong hoàn cảnh của Tràng thì bữa cơm đầu tiên của lại chỉ có vài món ăn đơn giản. Đó là sự thảm hại của cuộc sống người nông dân nơi xóm ngụ cư vào những ngày nạn đói hoành hành. Cuộc sống của họ vốn đã rất khó khăn, nhưng giữa nạn đói, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn. Chi tiết bữa ăn ngày đói càng làm nhấn mạnh cuộc sống khổ cực của họ. Nhưng đặc biệt là nhà văn lại miêu tả, họ ăn rất ngon lành, lại nói với nhau những điều rất vui vẻ. Từ đó cho thấy sự lạc quan, niềm tin vào một vào tương lai tốt đẹp của những người dân lao động nghèo.
Đặc biệt là hình ảnh nồi cháo cám mà bà cụ Tứ gọi đó là “chè khoán”. Kim Lân đã miêu tả thật khéo léo:
“Bà lão lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:
- Chè đây. - Bà lão múc ra một bát - Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.
Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:
- Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta còn khối nhà chả có cám mà ăn đấy…”.
Hình ảnh nồi cháo cám của bà cụ Tứ lại kéo họ trở về thực tế. Bà cụ Tứ gọi là “chè khoán” chứ thực chất đó là món cháo cám - đó là thứ đồ ăn dùng để chăn nuôi gia súc. Thái độ của thị khi đón lấy bát “cháo cám” được miêu tả: “hai con mắt thị tối lại”. Còn Tràng, “gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun lại ngay, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ”. Không khí bữa ăn cũng vì thế mà lắng xuống. Cả gia đình “không ai nói câu gì”, “tránh nhìn mặt nhau” và đeo đuổi theo “nỗi tủi hờn” của riêng mình. Hình ảnh nồi cháo cám càng làm cho hoàn cảnh trở nên thê thảm hơn. Nhất là đối với người vợ nhặt, những tưởng sau khi theo Tràng về sẽ thoát khỏi cuộc sống nghèo đói, nhưng nào đâu gia cảnh của nhà Tràng cũng chẳng khá hơn.
Như vậy, chi tiết bữa ăn ngày đói thật giàu ý nghĩa. Bữa ăn ngày đói tuy có thảm hại nhưng vẫn thể hiện về niềm tin vào một tương lai tươi sáng.