Bài tham khảo số 11

Ngoài là một nhà thơ xuất sắc, Tố Hữu còn là một người chiến sĩ cách mạng hết lòng vì đất nước. Bởi vậy thơ ông luôn toát lên ý chí cách mạng và tinh thần dân tộc sâu sắc mang đậm khí thế hào hùng nhưng cũng ngọt ngọt ngào phong vị trữ tình sâu lắng. Việt Bắc là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Tố Hữu. Bài thơ vừa là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến vừa là khúc tình ca mang đầy màu sắc khi miêu tả thiên nhiên và con người vùng núi mà nổi bật nhất là đoạn thơ khắc họa bức tranh bốn mùa tuyệt đẹp.


“Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh, dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.


Tố Hữu viết bài thơ này vào tháng 10 năm 1954 sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi miền Bắc được giải phóng trở lại và tiếp tục cuộc sống mới. Những người chiến sĩ cách mạng sau bao năm tháng chiến đấu gian khổ từ căn cứ miền núi trở về lại miền xuôi. Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về lại thủ đô. Bài thơ ra đời nhân một sự kiện lớn của đất nước có vai trò như là một áng văn tổng kết lại mười năm năm kháng chiến gian khổ mà đầy tình nghĩa ấm áp của người dân miền núi giản dị hiền hậu.


Bên cạnh những câu thơ mang đậm khí thế hào hùng ghi lại cuộc kháng chiến bài thơ còn có những đoạn thơ thấm đẫm chất trữ tình dạt dào tình cảm thắm thiết. Cho nên ngoài miêu tả cuộc cách mạng Tố Hữu còn miêu tả cuộc sống và thiên nhiên Việt Bắc nơi ông và đồng đội gắn bó như ruột thịt. Nhớ về miền núi là nhớ về con người và thiên nhiên đầy màu sắc tươi đẹp. Bằng thể thơ lục bát truyền thống tác giả đã vẽ lên hình ảnh Việt Bắc qua bốn mùa trong năm tạo thành bức tranh tứ bình tuyệt đẹp và hoàn thiện. Cũng giống như những đoạn thơ khác phần mở đầu là lời đối đáp mình- ta quen thuộc trong ca dao, nó như lời mở đầu của đưa đẩy trong các cuộc hát giao duyên:


“Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người.”


Người trở về vừa ướm hỏi vừa khẳng định tình cảm của mình với người ở lại. Dù không còn gắn bó nhưng vẫn luôn nhớ về nơi này với những gì đẹp nhất “những hoa cùng người”. Hoa là thứ đẹp nhất của thiên nhiên đất trời. Và mỗi con người ở đây cũng như những bó hoa tươi đẹp toát lên ở tâm hồn và phẩm chất, họ luôn nồng hậu, tình nghĩa. Người và hoa hiện diện trong nỗi nhớ của người đi. Nhớ đến hoa là nhớ đến người và nhớ đến người là luôn xuất hiện sắc hoa tươi tắn. Nhờ thế chủ mà chủ đề của đoạn thơ đã được giới thiệu một cách rất tự nhiên đó là hoa và con người Việt Bắc những câu thơ tiếp theo đã lần lượt vẽ lên rõ ràng hình ảnh đó:


“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”.


Nói đến miền núi Việt Bắc là nói đến sự bạt ngàn của những cánh rừng nơi con người và thiên nhiên chung sống hài hòa gắn bó. Vậy nên gam màu chủ đạo của bức tranh đầu tiên này là một màu xanh tươi mát bất tận của các loại cây rừng nó gợi ra hình ảnh một xứ sở êm đềm, lặng lẽ và càng yên tĩnh hơn trong mùa đông giá rét. Thời tiết lạnh lẽo nhưng trên cái nền xanh mênh mông đó nổi bật lên một gam màu tươi tắn rực rỡ đó là màu đỏ của những bông hoa chuối rừng. Bông hoa chuối đỏ tươi với thân tròn, đầu thuôn nhọn về phía trước như những ngọn đốt cháy rực. Hoa chuối là một loài hoa quen thuộc và tác giả không miêu tả nhiều về nó chỉ với hai chữ “đỏ tươi” nhưng cũng đã gợi lên sự rực rỡ lạ thường làm không gian xanh ngát trở nên sáng hơn, rất đẹp khi có điểm nhấn cực kỳ ấn tượng đó. Đồng thời khung cảnh núi rừng lại được tô điểm thêm bởi tia nắng ở câu tiếp theo “ Đèo cao nắng ánh” càng làm cho không khí vốn trầm mặc đơn điệu trở nên tươi tắn và sinh động hơn rất nhiều trên nền cảnh thiên nhiên ấy hình ảnh con người xuất hiện:


“Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”.


Vùng miền núi với những ngọn đồi cao thấp tạo nên địa hình hiểm trở đặc trưng cho nơi đây. Người dân Việt Bắc lao động ở đó, đứng trên những ngọn đồi cao làm công việc thường ngày. Dù trời vào đông nhưng trên núi vẫn có nắng dịu nhẹ ấm áp. Những tia nắng chiếu xuống ngọn đồi, chiếu cả vào chiếc dao làm rừng tạo nên ánh sáng chói lóa như có thêm một mặt trời thứ hai. Ánh nắng mặt trời lấp lánh đi theo con người lao động không chỉ gợi lên sự lung linh mà hình ảnh này còn thể hiện một tư thế tự tin, vững chãi của người làm chủ núi rừng bạt ngàn rộng lớn. Tố Hữu mô tả con người trong tư thế ấy không chỉ ở mỗi bài thơ này, trong bài Lên Tây Bắc tác giả cũng viết:


“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo.”


Những dãy núi, ngọn đồi kỳ vĩ nối tiếp nhau với địa hình hiểm trở khó đi, nhưng những con người vẫn lao động không ngại gian khổ đã gắn bó với núi rừng và làm chủ nơi bạt ngàn kỳ vĩ đó. Hình ảnh con người vẫn hiện lên thật đẹp nổi bật với ánh sáng của sự hy vọng và vươn lên. Tố Hữu đã rất tài tình khi viết lên câu thơ này song song cùng màu đỏ tươi của bông hoa chuối là con người khỏe khoắn sáng lên ánh dao phản chiếu mặt trời chói lóa. Ở bức tranh thứ hai cảnh vật lại mang một vẻ đẹp khác:


“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”.


Sau màu xanh ngắt ngút ngàn của núi rừng là màu trắng tinh khiết của hoa mơ. Chữ “trắng rừng” khiến cả khu rừng như bừng sáng lên phải nói rằng đây là một hình ảnh có sức ám ảnh lớn đối với Tố Hữu nó không chỉ nói lên màu trắng của hoa mơ mà còn như thể hiện sự trong sáng mới mẻ của cuộc sống mới sau này vậy. Trong bài Theo chân Bác Tố Hữu cũng nói đến sắc trắng của rừng mơ.


“Ôi Sáng xuân nay xuân 41

Trắng rừng biên giới ngói nở hoa

Bác về im lặng con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”.


Mùa xuân ở miền núi mang đặc trưng bởi sắc trắng của những chùm hoa mơ rừng. Đó là màu trắng tinh khôi trong trẻo thanh khiết của đất trời ngày xuân mới bắt, đầu một năm mới. Trên nền trắng tinh khôi đó hiện lên hình ảnh con người trong công việc thầm lặng mà đầy tính nghệ thật:


“ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”.


Người miền núi không chỉ đi làm nương rẫy mà họ còn làm những việc thủ công đòi hỏi sự khéo léo, bền bỉ. Hai chữ “chuốt từng” như miêu tả một hành động vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận. Con người Việt Bắc không chỉ khỏe mạnh cần cù mà còn rất tài hoa. Hai bức tranh đầu tiên đã vẽ lên hình ảnh con người và thiên nhiên trong hai mùa đông và xuân với đường nét, màu sắc và ánh sáng đến bức tranh tiếp theo đã xuất hiện âm thanh:


“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình”


Âm thanh rộn rã của tiếng ve trong mùa hè đã làm tưng bừng rộn rã cả không gian núi rừng. Trời nắng gắt, tiếng ve càng làm cho không gian sao động, tác giả sử dụng động từ “đổ” thật độc đáo và gợi hình như có sự phản ứng theo dây chuyền. Âm thanh rộn rã của tiếng ve đã làm những rừng phách chuyển màu vàng. Từ “đổ” là một động từ mạnh diễn tả trạng thái nhanh và bất ngờ. Đây là một hình ảnh kỳ lạ và đặc biệt ở những cánh rừng phách Việt Bắc: trong những ngày cuối cùng của mùa xuân những cây phách vẫn có màu xanh, nụ hoa vẫn giấu kín trong những kẽ lá nhưng khi tiếng ve đầu tiên của mùa hạ cất lên chúng đột ngột nở rộ những chùm hoa vàng rực. Cả rừng cây cởi bỏ bộ áo trắng tinh khiết của hoa mơ vào mùa xuân để khoác lên mình tấm áo vàng rực rỡ trong mùa hè sôi động gay gắt. Trên nền tràn ngập màu sắc ấy lại là hình ảnh rất bình dị của con người: “Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Giữa sự sôi động rực rỡ của cảnh vật trong mùa hè là sự kiên nhẫn thầm lặng của một người con gái một mình hái những búp măng rừng. Hình ảnh đó toát lên dáng điệu chịu thương chịu khó giàu đức hi sinh. Ta thấy được cả sự cảm thương kín đáo của tác giả qua câu thơ.


Bộ tranh tứ bình kết thúc bằng bức tranh mùa thu trong đêm. Cả ba bức tranh trước đều miêu tả cảnh ngày, riêng bức tranh cuối này lại được miêu tả vào ban đêm. Phải chăng mùa thu là mùa mà vầng trăng tròn và sáng nhất.


“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”


Khu rừng trong đêm âm u tĩnh mịch mà lấp lánh sáng ngời bởi ánh trăng và đó chính là hình ảnh của sự tự do. Ánh trăng sáng tươi đẹp trên nền bầu trời hòa bình của dân tộc. Trong đêm trăng tươi đẹp những con người Việt bắt cất lên câu hát ngọt ngào đó là câu hát giao duyên đằm thắm vui tươi. Nhớ về con người là nhớ về hình dáng lao động và cả tiếng hát của họ. Âm thanh đó không chỉ làm xao xuyến tâm hồn mà nó còn có một sức ám ảnh khôn nguôi.


Bằng những câu thơ lục bát nhẹ nhàng với cách sử dụng từ ngữ linh hoạt đầy tài hoa, Tố Hữu đã vẽ lên bức tranh tứ bình tuyệt đẹp về con người và thiên nhiên nơi rừng núi hoang sơ mà tươi đẹp Việt Bắc. Đoạn thơ mang nét cổ điển của thi ca truyền thống khi miêu tả cảnh thiên nhiên thành bộ tranh tứ bình tuyệt đẹp và trọn vẹn nhưng cũng mang màu sắc vô cùng tươi mới hiện đại bởi trong bức tranh đó luôn có hình ảnh con người đang xen một cách hài hòa. Con người nổi bật trên nền thiên nhiên, làm chủ thể cho vẻ đẹp. Việt Bắc vì thế được miêu tả hoàn thiện trong bốn mùa mỗi mùa đều mang màu sắc và hoạt động riêng của con người nhưng đều đẹp và thơ mộng.


Mười câu thơ trên chính là đoạn thơ tiêu biểu nhất trong tác phẩm Việt Bắc một bài thơ dài và ý nghĩa. Phải có một tài năng đặc biệt, một tấm lòng yêu đời yêu người tha thiết Tố Hữu mới có thể viết lên những câu thơ hay đến như vậy.


Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy