Bài tham khảo số 7
Sống ân nghĩa, thủy chung chính là một lối sống văn hóa đẹp đẽ từ ngàn đời nay của dân tộc ta. Nét đẹp đó đã được lưu giữ trong rất nhiều tác phẩm văn học khác nhau và một trong số đó ta không thể không kể đến bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:
“Ta về mình có nhớ ta…
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
Việt Bắc không đơn thuần chỉ là một địa danh, là một nơi để chiến đấu mà còn là nơi chứa đựng đầy những kỉ niệm, đầy tình người tha thiết, sâu nặng. Bởi vậy, trong khoảnh khắc chia tay bất cứ ai cũng bồi hồi xúc động, nhớ về những kỉ niệm đã qua. Kỉ niệm đó là lớp học, là những ngày tháng liên hoan những năm kháng chiến và còn một nỗi nhớ khác chính là về thiên nhiên và con người Việt Bắc.
Thiên nhiên Việt Bắc trong bức tranh tứ bình hiện lên vô cùng cô đọng, hàm súc, đại diện cho bốn mùa. Mùa đông là mùa đầu tiên xuất hiện trong bức tranh tứ bình:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Khi đọc câu thơ lên, bất chợt trong lòng mỗi người sẽ không hình dung đến mùa đông âm u, lạnh lẽo mà phải là mùa xuân ngập đầy sức sống, hay mùa hạ rực rỡ. Nhưng không, đây lại chính là bức tranh thiên nhiên Việt Bắc vào mùa đông. Trên cái nền xanh ngắt của rừng bạt ngàn là màu đỏ rực của hoa chuối. Cái ấm nóng rực rỡ dù nhỏ nhưng dường như đã làm cả bức tranh bừng sáng, trỗi dậy sức sống tiềm tàng trong đó.
Bức tranh thứ hai chính là mùa xuân. Ở đây khung cảnh thiên nhiên mang cái thanh khiết, dịu dàng: “Ngày xuân mơ nở trắng rừng”. Câu thơ làm ta bất chợt nhớ đến cảnh:“Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về... im lặng. Con chim hót/ thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ”. Xuân sang hè đến rực rỡ, muôn màu sắc và âm thanh. Là tiếng ve kêu rộn ràng, như một bản đàn chào đón mùa hè, cùng với đó là sắc rực rỡ của “rừng phách đổ vàng”. Là tiếng ve làm cho rừng phách đổ vàng hay bản thân nó vốn như vậy? Dù hiểu theo cách nào thì khung cảnh hiện lên cũng thật rực rỡ và ấm áp.
Cuối cùng là bức tranh mùa thu:
Mùa thu trăng rọi hòa bình
Ánh trăng dìu dịu của mùa thu lan tỏa khắp không gian. Trong màu sắc ấy, không gian ấy còn bừng lên khát vọng về một cuộc sống tự do, hòa bình. Dưới con mắt quan sát tinh tường của Tố Hữu, mỗi mùa ở nơi đây thiên nhiên hiện lên thật đẹp đẽ, thật đặc biệt. Có lẽ phải gắn bó và tha thiết yêu lắm ông mới có thể nắm bắt trọn vẹn từng nét đẹp tinh túy nhất của cảnh vật như vậy.
Đan xen ở mỗi bức tranh là hình ảnh của con người Việt Bắc. Ông không chỉ yêu quý, trân trọng thiên nhiên nơi đây mà còn tha thiết, chân thành với con người Việt Bắc. Ở mỗi đối tượng ông đều khám phá, nắm bắt được những vẻ đẹp khu biệt của họ. Là hình ảnh người nông dân lên núi làm việc với lưỡi dao lấp lánh dưới ánh nắng của mùa đông. Là bàn tay khéo léo của người đan nón thanh tĩnh “chuốt từng sợi giang” vô cùng điêu luyện. Bức tranh càng trở nên thơ mộng hơn với “Cô em gái hái măng một mình” ven suối bên tiếng ve kêu rộn rã. Và cuối cùng là tiếng hát tha thiết, trầm bổng vang vọng khắp không gian núi rừng Việt Bắc. Khúc hát vang lên cuối khổ thơ, kết hợp với hình ảnh ánh trăng càng làm rõ hơn nữa khát khao hòa bình, độc lập trong lòng tác giả.
Khổ thơ thể hiện nỗi nhớ da diết, bởi vậy bao trùm trong từng câu từng chữ là nhịp điệu nhẹ nhàng, trầm bổng từng bước một dẫn con người ta vào quá khứ đẹp đẽ, ân nghĩa, thủy chung. Nhịp điệu ấy cùng với thể thơ lục bát càng khiến cho nỗi nhớ trở nên bâng khuâng, da diết hơn.
Khép lại khổ thơ, nỗi nhớ bâng khuâng tha thiết vẫn trải dài, vang vọng khắp không gian. Nỗi nhớ ấy như một lời tri âm sâu nặng của tác giả đối với thiên nhiên và con người nơi đây. Đồng thời với việc lựa chọn các hình ảnh bình dị, ngôn ngữ thơ trong sáng dễ hiểu nhưng lại tạo nên một bức tranh tứ bình đặc sắc lại một lần nữa khẳng định tài năng nghệ thuật của Tố Hữu.