Top 10 Bài văn cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Đà trong "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Bài tham khảo số 2

Trong cuộc kháng chiến mất còn của dân tộc, những dòng sông, cánh đồng, mảnh đất, ngôi làng đã đồng hành sống và chiến đấu với con người và hóa thân vào văn chương thành những vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Một sông Mã gầm khan trầm uất, một sông Đuống cuộn trôi mang bao ảnh hình xứ sở…Đến với Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, ta cùng tác giả vượt thác xuống ghềnh và rồi thả thuyền hồn trôi xuôi trong một đoạn tả sông Đà trữ tình: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà…trên dòng trên”.


Nếu ví người lái đò sông Đà như bản trường ca với những cung bậc khi mãnh liệt lúc réo rắt ngân vang thì đoạn văn trên là một khúc ca êm ái nhất. Không những thế đoạn văn còn như một bài thơ, với những ý tưởng vần điệu nhịp nhàng, mềm mại. Ở những giai đoạn trên, ta bắt gặp một con thuyền chiến của người lái đò, còn đây là một con thuyền thơ của một hồn văn đầy chất thơ. Nhưng phải chăng vì cả ông lái đò và tác giả đều là người nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình nên cả hai con thuyền đều là thuyền thơ, chỉ khác là một tứ thơ dữ dội, khốc liệt và một tứ thơ êm đềm, dịu dàng. Hòa vào tứ thơ ấy, không gian liên tưởng của người đọc cứ mở ra mãi nhờ những cách so sánh.


Các nhà văn khác thường so sánh cụ thể hóa sự vật còn Nguyễn Tuân, ông so sánh để làm vạn vật trở nên kích thích, mở rộng trí tưởng tượng. Hãy nghe cách so sánh của ông: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Từ một hình ảnh cụ thể, hữu hình “ bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Từ một hình ảnh cụ thể, hữu hình “ bờ sông” gợi đến bao cái vô hình “ bờ tiền sử”, “ nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Câu trên nghe hoang vắng, xa xăm. Câu dưới òa ập, xôn xao cảm xúc.


Tác giả nhắc nhở tuổi thơ, ý văn tiếp nối với đoạn văn trên khi tả Sông Đà “loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy”. Tuổi thơ như khoảng thời gian thần tiên trong hồn người. Và đi bên tuổi thơ của mỗi con người là tuổi thơ của nhân loại, bởi dòng sông nào cũng là chứng nhận của việc an cư lạc nghiệp, của biết bao biến đổi thăng trầm của lịch sử. Ở trên, Nguyễn Tuân đã nhìn sự vật trong chiều sâu lịch sử, trong ý thức hướng về truyền thống khi nói cái “lặng tờ” của cảnh sông. Dường như dòng sông lặng tờ lại càng lặng tờ hơn bởi bề dày lịch sử của mấy trăm năm cộng lại.


Tiếp nối sức mạnh quá khứ là hình ảnh bờ sông – bờ tiền sử. Và khi nhà văn “thèm được giật mình vì tiếng còi xe lửa” thì tương lai đã náo nức reo vui. Cứ thế văn Nguyễn Tuân đưa người đọc từ thế giới này đến thế giới khác một cách uyển chuyển khéo léo. Và phải chăng, Nguyễn Tuân đã viết văn đúng như quan niệm về thơ của ông “từ một cái hữu hình nó thức dậy được những cái vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở ra được một cái diện không gian thời gian”, khi so sánh bờ sông như vậy?


Ngoài ra, ông còn đem vật thể so sánh với tình cảm, cảm xúc trong hình ảnh” một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa hay như “Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương… Con sông như đang lắng nghe…” Nguyễn Tuân đã nhập thân vào dòng sông để lắng nghe và xúc động, lòng dâng đầy chất thơ. Mơ mộng thay khi nối tiếp những vần thơ bập bềnh sông nước của Tản Đà là những cảm xúc rất thơ như thế! Thế giới vật chất, thế giới tinh thần xa xăm cứ thế mà nối qua những liên tưởng của nhà văn. Con sông đang “nhớ thương”, đang “lắng nghe” hay chính nhà văn đang thương nhớ, lắng nghe những tâm tình của cuộc sống?.


Chất thơ của đoạn trích còn thể hiện ở cách viết văn như thơ của Nguyễn Tuân. Câu mở đoạn “Thuyền tôi trôi trên sông Đà” êm êm những thanh bằng như một câu lục trong thơ lục bát. Vần lưng “ tôi trôi” và điệp âm “t” gợi hình ảnh con thuyền nổi bênh trên mặt sông. Những thanh ngang nằm giữa hai thanh bằng hai đầu câu văn như tạo một khoảng ngưng đọng cho cảm xúc. Thuyền trôi mà như không trôi, như tình cảm cứ đọng mãi, chất chứa trong thuyền. Và cụm từ “ thuyền tôi trôi” ấy cứ như một điệp khúc bằng lặng trong suốt cả đoạn văn. Đây là một kiểu trùng rất đặc trưng của thơ hay cũng là sự điệp trùng của cảm xúc.


“Thuyền tôi trôi qua một nương ngô..”, “thuyền tôi trôi trên dải sông Đà…” tưởng như thuyền hồn người đọc cũng xuôi lặng theo dòng tâm tư khởi toàn thanh bằng nhẹ bỗng như thế. Hồn người như tan ra hòa cùng cảnh sắc. Con thuyền cũng trôi trên một dòng sông cũng lững lờ trôi theo những câu văn ngắn, chảy dài, chảy dài theo những câu văn dài. Có phải câu văn cứ khi dài, khi ngắn linh hoạt như dòng chảy lúc nhanh lúc chậm của con sông?


Câu “Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa” xao động với những thanh trắc nhỏ nhẹ cố như khép lại nén lại cảm xúc đang dâng trào. Ngoài câu văn mở đầu với sáu thanh bằng còn có vế câu nhiều thanh bằng nữa như “chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên…”. Những thanh bằng ấy như cố lắng xuống để ghi nhận trong khoảnh khắc ánh nhìn của chú nai tơ. Và hai từ láy “chăm chăm”, “lừ lừ” chỉ trong một vế câu ngắn như đong đầy cảm xúc. Ngoài ra còn có những từ láy khác như “lững lờ”, xa xôi, êm êm” đều gợi cảm, tạo nhạc. Bên cạnh một thứ nhạc thơ thấm đẫm đoạn văn là một điệu nhạc tâm hồn cứ khe khẽ hát lên, một chất thơ chở đầy tâm trạng.


Chất thơ mơ mộng còn bao trùm cả cảnh sông bằng những ảnh nai tơ, mỡ màng nhất: “lá ngô non đầu mùa”, nõn búp, búp cỏ gianh, những con vật hiền lành: con hươu thơ ngộ, đàn cá dâm xanh. Cảnh sắc thơ như từ một thế giới cổ tích nào đấy hiện về, vừa chân thực mà hư ảo, gần gũi mà xa xăm, bảng lảng một lớp sương huyền hồ của “cỏ gianh đẫm sương đêm”, “áng cỏ sương” và cả “tiếng còi sương”. Tưởng như một tâm hồn lần đầu bắt gặp sự xanh non của cuộc sống.


Những câu văn tươi xanh như thức dậy phần non tơ nhất của hồn người, thức dậy một ý thơ của Xuân Diệu “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non”. Có thể hình dung đây là một buổi sớm mùa xuân tinh khôi, mùa xuân của cuộc sống và mùa xuân của lòng người. Mỗi câu văn “đẫm sương” ấy là một nét vẽ, tưởng như hòa vào nhau song tách bạch rất rõ ràng. Một màn sương cứ rải nhẹ trong tâm trí độc giả, như nhắc nhở bao huyền thoại xa xưa, bao không gian cổ tích diễm ảo. Ta như cùng Nguyễn Tuân ngây ngất đắm say những nét diệu kỳ nhất của tạo hóa. Có một sự sống của mình trong ba thanh trắc “nhú”, “mấy”, “ lá”, có một cái gì mềm mại trong “đầu nhung”. Và ấn tượng nhất là cỏ, ta chỉ nghe “ngọn cỏ”, “sóng cỏ” nhưng “búp cỏ”, “áng cỏ sương” thì có lẽ chưa bao giờ.


Nếu thi hào dân tộc Nguyễn Du tả ngọn cỏ như một minh chứng cho sự đồng điệu đến kỳ lạ của thiên nhiên đối với con người thì Nguyễn Tuân nay đã đưa ngọn cỏ lên khía cạnh thơ nhất, đẹp nhất. Màu xanh của bờ đồng cỏ mênh mông đã nhuộm đen cả đoạn văn – bài thơ của Nguyễn Tuân.


Bài thơ cuối ấy còn đạt đến chất thơ tuyệt vời bằng nghệ thuật cổ điển lấy động tả tĩnh. Khung cảnh lặng tờ đến nỗi tác giả cảm nhận được cả tiếng cá quẫy. “Tiếng cá đập nước sông đùi mất đàn hươu vụt biến”. Phải chăng đó cũng là khoảng lặng trong tâm hồn của Nguyễn Tuân để hứng lấy những âm thanh nên thơ của sự sống, một sự sống trỗi mình trong lá ngô non, búp cỏ non mạnh mẽ trong tiếng đập nước của cá?


Đàn hươu hiện ra chạy mất, phải chăng trong đoạn văn mơ mộng của Nguyễn Tuân, mọi vật đều trở nên hiền lành đến mức thơ ngây nhất? Từ một cái diện mênh mang một điệp khúc xanh của ngô non, áng cỏ, nhà văn điểm vào sắc trắng của bụng cá. Nghệ thuật hội họa cổ điển đã được vận dụng, khám phá mọi vẻ thơ ngây của cuộc sống.


Trong không gian u huyền ấy bỗng tác giả “thèm được giật mình vì một tiếng còi sương”. Đặt vào hoàn cảnh chưa có chuyến tàu nào đi Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu, câu văn như một tiếng reo náo nức của tác giả trước công cuộc xây dựng miền Bắc (1958 – 1960). Khi ấy, Tố Hữu đã cho ra đời những vần thơ đẹp.


Yêu biết mấy những dòng sông bát ngát

Giữa đôi bờ dào dạt lúa ngô non

Yêu biết mấy những con đường ca hát

Qua công trường mới dựng mái nhà son.


Tiếng còi sương là ảo, là âm thanh trong tâm tưởng nhưng lại nói lên một ước vọng rất thực tế của nhà văn. Thèm được nghe một tiếng còi xe lửa đã quý, như Chế Lan Viên.


Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga.

(Tiếng hát con tàu).


Nhưng “thèm giật mình” thì lại càng quý hơn bởi Nguyễn Tuân khao khát cái cảm giác khi được nghe tiếng còi Tây Bắc mở mang. Ta đã từng trân trọng cái giật mình vì phẩm giá “thương mình xót xa” của Kiều, cảm thông cái giật mình hoài nhớ của Tú Xương khi “vẳng nghe tiếng ếch” thì nay ta lại nâng niu thêm một cái giật mình ước tương lai của tác giả sông Đà. Và như thế đoạn văn của sông Đà của Nguyễn Tuân đã là văn chương mới của một thời đại mới.


Trước Cách mạng, ông đã từng “xê dịch” để tìm những cảm giác mới lạ, để trốn tránh trách nhiệm thì sau ngày đổi đời của dân tộc, ông lại đi để tìm hình ảnh quê hương và nhận chân trách nhiệm của mình. Thưởng ngoạn nhưng không quên vì người, vì cuộc sống mới, quả thật văn Nguyễn Tuân đã “hợp lưu” với lòng người đọc dễ dàng nhờ những suy nghĩ như thế. Hòa cùng tiếng hát của con tàu thơ Chế Lan Viên, một tiếng còi sương của Nguyễn Tuân, mái nhà sơn của Tố Hữu, “Ngói mới” của Xuân Diệu… đã góp thành sắc mới của thơ văn phản ánh màu mới của quê hương đất nước. Cuộc sống mới đã ngấm vào cảnh vật, và con hươu thơ như cũng lắng nghe tiếng còi sương. Cảnh vật có màu sắc, âm thanh dù là trong tâm tưởng.


Một tứ thơ xưa đọng lại nơi quãng sông càng làm tăng chất thơ: “Dải sông Đà bọt nước lênh đênh. Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình.” Nguyễn Tuân đã chọn câu thơ hết sức trữ tình của nhà thơ quê hương sông Đà, sống hết lòng với sông Đà. Câu thơ ấy hòa với những câu văn đẹp như thơ của Nguyễn Tuân đã “đề thơ” vào sóng nước Đà giang như khẳng định sự tồn tại của một sinh thế có hồi, coi sông Đà như một bạn đồng hành? Đưa vào câu thơ của Tản Đà, đoạn văn, bỗng dậy lên hơi thở nồng ấm, quấn quýt của tình người, tình yêu. Tình đã nồng cho nên những câu văn tiếp theo chất chứa cảm xúc “nhớ thương”, “ lắng nghe những giọng nói êm êm”.


Có một sông Đà gầm thét, chảy trôi miên man giữa trời Tây Bắc vời vợi chất thơ của sông núi, và có một sông Đà trong văn Nguyễn Tuân chảy vào lòng người. Văn chương đã làm cho thiên nhiên đẹp lên bội phần. Con sông Đà sẽ mãi đồng hành cùng với con người cũng như áng văn đẹp của Nguyễn Tuân sẽ luôn là hành trang của mỗi người, của dân tộc đi tới trong cuộc sống hôm nay.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 10 Bài văn cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Đà trong "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy