Bài tham khảo số 7
Nguyễn Đăng Mạnh khi đánh giá về nhà văn Nguyễn Tuân đã khẳng định rằng: “Nguyễn Tuân là cái định nghĩa về người nghệ sĩ”. “Người lái đò sông Đà” rất tiêu biểu cho phong cách sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Nổi bật trong tác phẩm là hình tượng con sông Đà với nét đẹp thơ mộng, trữ tình.
Trước hết, Nguyễn Tuân miêu tả sông Đà một cách bao quát qua câu văn: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban gạo tháng hai là cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Hình ảnh so sánh độc đáo kết hợp với điệp ngữ “tuôn dài” mở ra trước mắt người đọc một con sông dài vô tận, trùng điệp giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng. Đặc biệt là cách kết hợp từ rất độc đáo, từ “áng” thường được sử dụng để nói về áng thơ, áng văn. Nhưng ở đây, Nguyễn Tuân lại sử dụng là “áng tóc trữ tình” - sông Đà giống như một người thiếu nữ trẻ trung với mái tóc dài thật đẹp đẽ. Điểm lên đó là những bông hoa gạo đỏ rực hai bên bờ sông - khiến ta hình dung rằng mái tóc như được trang trí với hoa ban trắng tinh, họa gạo đỏ rực. Một vẻ đẹp tràn đầy sức sống.
Không chỉ vậy, vẻ đẹp trữ tình của sông Đà còn được Nguyễn Tuân miêu tả qua màu sắc của nước sông: “Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”. Nguyễn Tuân giống như một người họa sĩ, đang kiên nhẫn ngắm nhìn sự thay đổi từ dòng nước sông Đà để vẽ nên tác phẩm nghệ thuật của mình. Cách miêu tả dòng nước sông Đà của nhà văn đầy sáng tạo. Vào mùa xuân, nước sông mang màu “xanh ngọc bích” - vừa có sắc xanh lại vừa có ánh xanh lung linh, lấp lánh tràn ngập khắp không gian khiến sông Đà bỗng trở thành một khối ngọc bích khổng lồ. Đến mùa thu thì nước sông Đà màu đỏ giống như “da mặt một người bầm đi vì rượu bữa” gợi cho ta cảm giác nước sông Đà đậm phù sa đem màu mỡ đến cho bao cánh đồng phì nhiêu trù phú gọi bao yêu thương tự hào. Nhưng nước sông Đà không có màu đen như “thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ” - câu văn không chỉ nói về màu nước sông mà còn kín đáo gửi gắm tấm lòng tự yêu nước của nhà văn.
Từ không gian bao quát - trên cao nhìn xuống, Nguyễn Tuân đưa người đọc ngắm nhìn sông Đà ở không gian cụ thể - nhìn gần trực diện. Tác giả ví con sông giống như “một cố nhân” - người bạn cũ, từng rất thân thiết đã lâu không gặp, nay được gặp lại cảm thấy vui mừng khôn xiết. Để rồi, khi bắt gặp ánh nắng, nhà văn cảm nhận được vẻ đẹp mang đậm dấu ấn cổ điển của Đường thi: “Yên ba tam nguyệt há dương châu”. Đặc biệt là những câu văn diễn tả được niềm vui của tác giả khi gặp lại sông Đà: “Bờ sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Cách so sánh độc đáo cùng với điệp ngữ “sông Đà” bộc lộ niềm vui khôn xiết - có cái hạnh phúc nào bằng sau những ngày mưa dầm được nhìn thấy ánh nắng ấm áo, có cái hạnh phúc nào bằng được mơ lại giấc mơ đẹp đứt quãng. Niềm hạnh phúc khi bắt gặp sông Đà cũng giống như vậy. Và dòng sông thì vẫn đang chờ đợi người bạn tri kỷ đi xa trở về.
Đoạn văn tiếp theo tiếp tục khắc họa vẻ đẹp trữ tình của con sông: Với câu thơ “Thuyền tôi trôi trên sông Đà” - câu văn toàn thanh bằng đọc lên nghe thật nhẹ nhàng, gợi sự thanh bình, sự tĩnh lặng. Nguyễn Tuân tiếp tục so sánh “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Nhà văn khéo léo dùng không gian để gợi mở thời gian. Hình ảnh “một bờ tiền sử” hay “một nỗi niềm cổ tích thời xưa” nhằm thể hiện vẻ đẹp hoang sơ của con sông.
Cùng với đó, Nguyễn Tuân còn khắc họa bức tranh thiên nhiên hai bên bờ sông Đà. Nhà văn đã vẽ lên một khung cảnh đầy sức sống “một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa mà tịnh không một bóng người, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp”. Cùng với “đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”. Bức tranh thiên nhiên lúc này giống như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. “Thỉnh thoảng, con hươu thơ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương chăm chăm nhìn ông khách sông Đà mà như muốn hỏi rằng: Có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng cói sương. Dưới lòng sông, những đàn cá đầm xanh thi thoảng quẫy vọt lên bụng trắng như bạc rơi thoi”. Dòng sông hiện lên thật nhẹ nhàng, quyến rũ.
Con sông Đà qua cái nhìn của Nguyễn Tuân không chỉ là một con sông hung bạo, dữ dội. Mà nó còn mang nét đẹp đầy thơ mộng, nhẹ nhàng. Hình ảnh sông Đà là một trong những sáng tạo thể hiện phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân.