Bài tham khảo số 2
Trong văn chương trung đại, thiên nhiên được miêu tả khá nhiều. Các nhà văn, nhà thơ tìm đến thiên nhiên trong những tâm trạng khác nhau. Cao Bá Quát đến với thiên nhiên để bộc lộ tâm trạng chua xót bất đắc chí. Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đối với thiên nhiên để bày tỏ đạo lí thanh cao trước thói đời bon chen danh lợi... Ở Bài phú sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu đã tìm đến thiên nhiên trong một tâm trạng khác. Mở đầu bài phú, nhà thơ đưa người đọc vào một thế giới hùng vĩ, bao la của những Cửu Giang, Ngũ Hổ, Tam Ngô, Bách Việt là những nơi khách đã từng đi qua khách, tỏ ra là một con người có tâm hồn phóng khoáng, tự do:
Giương buồm trong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt.
Khách cũng là một con người đi nhiều, biết rộng:
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ củng nhiều,
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.
Đi nhiều, biết nhiều, nhưng trong thú tiêu hao, khách chỉ học có Tử Trường, tức là Tư Mã Thiên, nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc, từng chu du khắp đất trung hoa rộng lớn trước khi viết bộ sử kí bất hủ.
Phải chăng khách nói đến Tử Trường để bày tỏ tâm hồn đồng điệu của mình với người xưa. Đi xa, đâu phải chỉ để tiêu dao, ngắm hoa vọng nguyệt, mà quan trọng hơn là tìm đến nơi cha ông ta đã lập chiến công to lớn đã làm vẻ vang cho lịch sử để chiêm ngưỡng, ngợi ca và suy ngẫm.
Điều này, chứng tỏ vị thế vị khách thật cao đẹp, chí khí thật hào hùng. Người đọc có thể nhận thấy vẻ đẹp ấy trong chính lời kể đầy tự hào của khách. Khách nhắc tới nhiều địa danh quen thuộc trong sách vở tàu, chúng cách xa nhau hàng ngàn dặm, làm sao có thể đi được trong một sớm, một chiều (Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương – Chiều lần thăm Vũ Huyệt – Cửu Giang, Ngũ Hồ – Tam Ngô, Bách Việt). Đấy chỉ là cách phô diễn ý tưởng có tính chất ước lệ mà thôi. Điều quan trọng là nó đã đưa đến cho người đọc ấn tượng khá rõ về những khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, góp phần thể hiện niềm ham thích tự do, phóng khoáng của nhân vật khách. Cảm hứng về cuộc viễn du mở đầu bài phú, thực ra chỉ là sự chuẩn bị một không khí thích hợp trước khi đi vào thế giới hùng vĩ của sông Bạch Đằng lịch sử.
Ấn tượng đầu tiên mà Trương Hán Siêu đưa đến cho người đọc là sự bề thế rộng lớn và sức sống bền bỉ muôn đời của Bạch Đằng giang. Con sông này thật hùng vĩ, bởi rộng bát ngát và dài muôn dặm. Như vậy nó không những là đại giang và còn là trường giang (Bát ngát sóng kình muôn dặm), với bao lớp sóng lớn trùng điệp. Điều đáng lưu ý là ngoài vẻ thiêng liêng hùng vĩ, dong Bạch Đằng còn có nét thật dịu dàng, duyên dáng và thơ mộng: những con thuyền nối đuôi nhau trôi dập dềnh trên sông ; đã cuối thu rồi nên nước xanh, trời xanh; hai bên bờ lau lách xào xạc, đìu hiu...
Trước cảnh sông nước hùng vĩ và thơ mộng ấy, tác giả cảm thấy vui buồn lẫn lộn. Đây là chiến trường ác liệt xưa kia, ta thắng lớn, nhưng kể sao cho hết những hi sinh mất mát với bao giáo gãy, xương khô. Trời nước, lau lách như gợi lại chuyện cũ, khiến người hôm nay không tránh khỏi động lòng tiếc nuối, xót thương cho bao anh hùng đã khuất. Ở đoạn thơ này, ta thấy một nỗi buồn cao đẹp qua những câu thơ có âm 'hưởng trầm lắng, với điệu cảm khái:
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu
Sau này, Nguyễn Trãi khi thăm cảnh Bạch Đằng cũng có nỗi buồn tương tự.
Qua phân tích khổ thơ đầu bài Phú sông Bạch Đằng đã gợi lên trong người đọc những mạch cảm xúc đan quyện vào nhau, vừa như được mở rộng tầm mắt bởi non kỳ thủy tú của giang sơn, vừa tha thiết lắng sâu với sự hy sinh của người chiến sĩ hào hùng đã ngã xuống vì dân tộc.