Bài tham khảo số 2

Bielinski đã viết: “Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu được của nghệ thuật, nếu thiếu cái đẹp thì không có và không thể có nghệ thuật, đó là một chân lý”. Nghệ sĩ chính là những người cảm thấy điều đó sâu sắc hơn ai hết. Trong quá trình nghiên cứu và xây đắp công trình nghệ thuật ngôn từ, sứ mệnh của mỗi nhà văn là phát hiện được vẻ đẹp ở bề sâu cuộc sống. Và có lẽ, vẻ đẹp tâm hồn, trong sáng của những năm tháng học trò trong bài thơ “Chiếc lá đầu tiên” của Hoàng Nhuận Cầm là một vẻ đẹp chân chính như thế.


Hoàng Nhuận Cầm sinh ra ở Hà Nội. Ông được mệnh danh là nhà thơ của học sinh, sinh viên bởi có nhiều bài thơ viết về kỉ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với giọng điệu trẻ trung, sôi nổi. Bên cạnh việc làm thơ, ông còn viết kịch bản phim, tham gia đóng phim. Hoàng Nhuận Cầm có một số tập thơ nổi tiếng khác như: Xúc xắc mùa thu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến…Bài thơ Chiếc lá đầu tiên đã gợi lên trong lòng mỗi người bao nhiêu kỷ niệm của những năm tháng học trò đầy hồn nhiên và vui tươi. Để rồi khi đó nhà thơ đã bước vào mùa thu của cuộc đời nhưng vẫn nhuốm màu thời gian. Vẫn mãi còn đó cái xôn xao của những năm tháng về mùa hạ đã qua.


Có một nỗi bồi hồi khi bắt gặp tiếng ve. Thành phố với những hàng me, những chiều công viên nhàn nhạt nắng, bất chợt nghe tiếng ngân dài như khản giọng, mới hay rằng mùa hạ bắt đầu sang. Tuổi học trò ngày xưa ùa về như lật gấp từng trang, từng trang nhật ký xếp đầy những xinh tươi bè bạn. Trong chuỗi ký ức dài bừng lên những ánh nhìn trong sáng. Một dải sáng diệu kỳ – ánh mắt tuổi học sinh.


Có một bàn tay chìa ra với mình: kìa tiếng ve bắt đầu trở về rồi đó, có nhớ bài thơ lúc ra trường, bạn bồi hồi bày tỏ… Ừ có một bài thơ sâu lắng tận bây giờ. Ngày ấy tụi mình khoan khoái những vần thơ, ru giấc ngủ tuổi học trò mỏng mảnh, những vần thơ có tiếng ve sầu lanh lảnh, có chiếc lá đầu tiên, có bạn, có trường. Tất cả đều là những khoảnh khắc thân thương, dẫu không biết Hoàng Nhuận Cầm là ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ: chắc ngày xưa nhà thơ cũng… học trò nhí nhố, mà sao trải vào thơ những xúc động vô ngần.


Xuyên suốt bài thơ chính là khúc tự tình của người lính trẻ. Khi anh phải xếp nghiên bút lên đường đó cũng chính là khi anh phải tạm biệt phấn đen bảng trắng để đi theo tiếng gọi thân thương của Tổ quốc. Đó cũng chính là khi anh đã rời khoảng trời mơ mộng với mối tình đầu của mình. Và đó cũng chính là cách bài thơ Chiếc lá cuối cùng chạm vào trái tim của bao người đọc. Nó sâu sắc và lắng đọng như mang con người ta vào bản tình ca. Ký ức về mùa hạ cũng như năm tháng học trò ấy dạt dào trong trí nhớ của nhà thơ. Nó dâng đầy một nỗi nhớ và cũng như cách nhà thơ tìm về những năm tháng của quá khứ. Để rồi đọc những vần thơ này ta cảm nhận được một sự xót xa nghẹn ngào. Bởi em đó chính là mối tình đầu và cũng chính là cảm hứng xuyên suốt trong bài thơ. Đó cũng chính là mảnh ghép về những năm tháng hoa niên đầy tươi đẹp, không quá òn ào mà cũng giản dị và sâu lắng.


Những kỷ niệm trong Chiếc lá cuối cùng như đang ùa về lấp lửng từng trang, từng trang. Để rồi đọc những câu thơ tiếp theo đa cảm nhận được nỗi lòng của người thi sĩ. Đó là tình yêu đôi lứa nhưng cũng có một phương diện khác. Đó chính là ngôi trường xưa với bao nhiêu kỷ niệm. Và đó cũng chính là lý do giải thích tại sao ban đầu nhà thơ lại đặt tên là “Trường ơi, chào nhé!”.


“Em thấy không, tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say”.


Có lẽ tình yêu ở lứa tuổi học trò đầu tiên đều bắt nguồn từ tình bạn. Đó cũng chính là những kỷ niệm gắn bó dưới mái trường đầy thân thương và vui vẻ. Những ký ức ấy làm nhà thơ không khỏi bồi hồi tiếc nuối. Đó là cảm giác đi bên chùm phượng hồng làm ai đã đánh rơi những phút giây ban đầu. Là cảm giác mê say của một con người khi ngập ngừng bối rối. Chính những kỷ niệm ấy trở thành dấu ấn mãi không quên trong lòng của mỗi con người.


Mùa hạ sẽ không còn trọn vẹn nếu thiếu đi những âm thanh ấy. Đó là tiếng ve – âm thanh đặc trưng của mùa hạ, cũng là mùa chia tay của lứa tuổi học trò đầy hồn nhiên và vui tươi. Tiếng ve của mùa hạ không giống như những giai điệu gợi tiết tấu buồn. Mà đó chính là những sự tươi tắn khỏe khoắn. Và với tình yêu đầu đời cũng đã làm chàng thi sĩ không khỏi bồi hồi xúc động về những năm tháng đã qua.


“Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo trước

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”.


Cái tình cảm ấy nó là tình đầu, tình yêu đầy tha thiết của đời người. Trong đó còn chứa đựng cả tình bạn, tình yêu và cũng có cả tình người. Để rồi thật khó có thể gọi thành tên nguồn cảm xúc ấy. Nó như một đi không trở lại và cũng không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Và chính câu thơ này đã gieo sâu vào ấn tượng đối với độc giả. Để rồi từng hình ảnh ấy như chạm lại những ký ức của tuổi thơ. Và mãi về sau hình ảnh vẫn đi theo nỗi nhớ bâng khuâng.


Những lời bộc bạch rất tình, rất đỗi nhớ nhung mà Hoàng Nhuận Cầm thốt lên, và đó là những kí ức về mái trường cũ chợt ùa về trong tâm trí. Đó là lớp học với biết bao kỉ niệm gắn bó cùng thầy cô, bạn bè, bảng đen, sân trường,… Quãng thời gian ấy vui tươi, hồn nhiên, trong sáng mà mỗi lần nhớ đến, con người ta lại dâng lên một niềm xúc cảm khó quên, một nỗi hoài niệm về tình yêu tuổi học trò :

“Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu

Lời hát đầu xin hát về trường cũ

Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ

Sân trường đêm – rụng xuống trái bàng đêm


Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em

Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ

Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế

Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi”.

Hay:

“Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi

Với lại bảy chú lùn rất quấy!”


Khổ thơ đã đem đến cho ta một hình dung là khung cảnh lớp học vui nhộn, hồn nhiên. Nơi ấy có “một nàng Bạch Tuyết” – chính là cô giáo và “những chú lùn rất quấy” là những cô cậu học sinh tinh nghịch, nhí nhảnh. Trong không gian ấy, vang lên những tiếng cười “lao xao”, trong sáng của cả cô và trò, giúp xua tan bầu không khí căng thẳng của những tiết học. Qua đoạn thơ ấy, câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” càng trở nên đúng đắn.


Tuổi học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Bài thơ dường như đã diễn tả hết những tâm trạng mỗi khi nhớ đến những ngày tháng hồn nhiên, vô tư cắp sách đến trường, được học tập, được vui chơi cùng bạn bè và thầy cô. Tuổi học trò thật trong sáng, vô giá và chất chứa nhiều kỉ niệm:

“Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào

Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy

Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy

Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm”.


Những câu thơ dung như đang bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình cũng như của biết bao nhiêu thế hệ học sinh mỗi khi nhớ về kỉ niệm dưới mái trường. Đó là sự xúc động, xôn xao khi nhớ về “những chuyện năm nao, những chuyện năm nào”. Thời gian cứ thấm thoát dần qua, từ “mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy”, người học trò năm ấy vẫn giữ một thái độ trân quý đối với người thầy đã nuôi dưỡng tri thức, tâm hồn mình và mong rằng tóc thầy đừng bạn thêm nữa. Chỉ với bốn câu thơ ngắn nhưng dường như mọi tâm tư, tình cảm của chủ thể trữ tình đã được bộc bạch và làm sáng rõ.


“Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên

Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ

Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ

Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi”.


Những cảm xúc chứa đựng trong chiếc lá đầu tiên vô cùng thân thương và gần gũi. Đó chính là nỗi nhớ sâu lắng, và dường như đôi khi nỗi nhớ ấy đã chạm tới cực điểm và cảm xúc như có phần thắm lại.


Khổ cuối cùng của bài thơ ra đời vào thời điểm sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, Hoàng Nhuận Cầm trở lại khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp tiếp tục cuộc đời sinh viên. Trong khoảnh khắc đứng lặng lẽ trên sân trường, ông biết rằng tất cả tuổi thanh xuân đã gửi lại ở trong những cánh rừng lửa đạn, còn trước mắt mình là thế hệ tiếp nối và khi ấy, ông thốt lên:


“Em đã yêu anh, anh đã xa rồi

Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi

Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại

Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên”.


Hình ảnh “chiếc lá buổi đầu tiên” ở cuối bài thơ là hình ảnh mang tính chất tượng trưng. “Chiếc lá buổi đầu tiên” ẩn dụ cho khoảng thời gian đẹp đẽ, đó là tình yêu đầu, tình yêu của lứa tuổi học trò ngây ngô, trong sáng và đầy mộng mơ.


Nỗi nhớ ấy chính là sự nhớ nhung về những kỷ niệm thân thương của năm tháng học trò. Để rồi chung quanh đó vẫn dâng tràn những nguồn cảm xúc khó nói thành lời. Đọc những vần thơ này ta như chạm nhẹ vào nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ về em – mối tình đầu da diết, và đó cũng chính là nỗi nhớ về mẹ, về trường, về lớp và về bạn bè. Để rồi bao năm tháng ấy vẫn còn khắc ghi trong lòng của mỗi người. Và dường như đối với Hoàng Nhuận Cầm, chiếc là nào cũng chính là chiếc lá đầu tiên và mối tình nào cũng chỉ mãi là cái hồi hộp và sự xôn xao của mối tình đầu. Đọc những câu thơ tôi lại liên tưởng đến câu hát trong bài Mối tình đầu của Thế Duy “không hiểu vì sao tình yêu tan vỡ, như hoa ven mặt hồ tàn theo gió mùa thu”. Rõ ràng em đã yêu, nhưng anh cũng đã xa rồi. Anh chẳng hiểu nổi “anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại”. Tất cả diễn ra đều không hiểu nổi, đều là những nghịch lý tất nhiên. “Chiếc lá buổi đầu tiên” ở đây là một hình ảnh tượng trưng. Đó là tuổi học trò, là tình yêu đầu, là một thời đã mất mà cũng là một con người khác của tác giả – là ta đấy mà giống như không như không phải là ta.


“Thơ là người thư kí chân thành của trái tim” (Duybralay). Quả thực thơ Hoàng Nhuận Cầm kiệm lời, nhưng nói biết bao nhiêu. “Chiếc lá đầu tiên” chỉ là một trong những bài thơ như thế. Bởi vậy, ngay cả khi giờ đây, nhà thơ đã đi về miền miên viễn nhưng những vần thơ của ông thì sẽ vẫn còn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ độc giả về sau.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 8 Bài văn phân tích bài thơ Chiếc lá đầu tiên (Ngữ văn 10) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy