Bài tham khảo số 2
Nguyễn Khoa Điềm được nhận xét là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vẻ đẹp của con người, quê hương, đất nước trong năm tháng khói lửa chính đã được ông tập trung khai thác và thể hiện. Viết về đề tài này, tác phẩm nổi tiếng và gần gũi bậc nhất có thể kể đến “Đồng dao mùa xuân”.
Đồng dao vốn là một thể loại thơ vần dành cho trẻ em, có nội dung rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, được lưu hành bằng hình thức truyền miệng. Mỗi bài đồng dao đều mang ý nghĩa riêng, thường là những câu chuyện hoặc lời khuyên, lời răn dạy nhẹ nhàng. Ngay từ tiêu đề “Đồng dao mùa xuân”, tác giả đã muốn nói rằng đây là một câu chuyện được kể trong mùa xuân, kể về mùa xuân. Mùa xuân ở đây tất nhiên không chỉ khoảng thời gian trong năm mà lại ẩn dụ cho nền độc lập tự do của đất nước sau những tháng ngày chìm trong đau thương của chiến tranh. Vậy, có thể hiểu nhan đề “Đồng dao mùa xuân” chính là câu chuyện nhỏ về nền hòa bình của Tổ quốc.
Năm câu thơ đầu tiên trong bài đã cho chúng ta biết được khái quát câu chuyện này. Truyện kể về một người lính - anh bộ đội cụ Hồ đã góp phần mang đến mùa xuân cho cả đất nước. Anh đã đi vào “núi xanh” - hình ảnh tượng trưng cho dãy Trường Sơn hùng vĩ trong những năm mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất, rồi hi sinh ở đó. Câu chuyện được gói gọn trong vài câu chữ đơn giản nhưng chứa đựng một niềm xúc động và biết ơn mãnh liệt, cũng mở ra cho người đọc thấy hình tượng người chiến sĩ thanh niên xung phong mạnh mẽ, kiên trường, can đảm trong những năm bom đạn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không biết bao nhiêu thanh niên Việt Nam đã gác lại bút nghiên, lên đường nhập ngũ với lí tưởng cao đẹp: “Xẻ dọc Trường Sơn cứu nước”. Họ đều là những người trẻ, mang trong mình khát khao độc lập và tự do, không ngại gian khó lao vào chiến trường ác liệt. Anh bộ đội trong bài thơ cũng là một người như thế. Anh nhập ngũ khi còn ở độ tuổi quá trẻ, chưa được nếm trải hết niềm vui của tuổi thành niên “Chưa một lần yêu/ Cà phê chưa uống”. Thậm chí, anh vẫn còn giữ nguyên những nét ngây ngô, trong sáng “Còn mê thả diều” của một đứa trẻ con. Vậy mà, anh quyết tâm lên đường cứu nước. Hình ảnh người lính Trường Sơn được tái hiện một cách chân thực qua khổ thơ:
“Ba lô con cóc
Tấm áo màu xanh
Làn da sốt rét
Cái cười hiền lành”
Màu xanh lá cây là màu áo đặc trưng của người lính. Nó giúp họ ngụy trang lẫn vào trong rừng cây để tránh được sự công kích của địch. Ba lô con cóc là đồ vật không thể thiếu của mỗi người lính trên chặng đường hành quân. Trong ba lô có vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân và những kỉ vật đặc biệt của gia đình, bè bạn. Làn da xanh bủng beo vì những cơn sốt rét rừng và thời tiết khắc nghiệt cũng là một đặc trưng không thể trộn lẫn của người chiến sĩ Trường Sơn. Những hơn tất thảy, trong khó khăn, ai ai cũng vững niềm lạc quan và hi vọng về tương lai chiến thắng rất gần. Vì vậy, họ luôn giữ nụ cười trên môi. Nụ cười hiền hậu, dễ gần như xua tan đi mọi khó khăn gian khổ ở chiến trường.
Thế nhưng, không phải ai cũng sống sót trở về sau cuộc chiến. Người lính trong bài thơ đã hi sinh. Sự hi sinh của anh được miêu tả thật đơn giản nhưng cũng đầy xúc động:
“Một lần bom bổ
Khói đen rừng chiều
Anh thành ngọn lửa
Bạn bè mang theo”.
Mỗi ngày, máy bay Mỹ ném bom trên dãy Trường Sơn không biết bao nhiêu lần. Trong “Những ngôi sao xa xôi”, Lê Minh Khuê đã viết: “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần”. Mỗi quả bom hẹn giờ là một quả cầu tử thần chực chờ cướp những người anh hùng của chúng ta đi. Người lính trong bài thơ cũng đã mất vì một trận bom nổ. Khói đen hun kín cả rừng, dưới bóng chiều chạng vạng. Câu thơ “Anh thành ngọn lửa” vừa tả thực, cũng ngầm ẩn dụ rằng sự hi sinh của anh chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh và ý chí chiến đấu cho đồng đội của mình. Thời gian vẫn chảy trôi, tuy “Mười, hai mươi năm/ Anh không về nữa”, anh đã vĩnh viễn ở lại cùng với “Trường Sơn núi cũ” nhưng anh cũng đã góp phần tạo nên chiến thắng của dân tộc. Ở đoạn thơ này, tác giả cũng dùng biện pháp nói giảm, nói tránh để giảm bớt đau thương, thể hiện lòng biết ơn, trân trọng người lính đã hiến trọn thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ba khổ thơ cuối bài, tác giả đã thể hiện sự hóa thân của người lính vào đất trời. Tác giả đã viết:
“Anh ngồi lặng lẽ
…
Về từ núi xanh”
Nỗi thương nhớ anh của tác giả cũng chính là nỗi lòng của gia đình, người thân, bạn bè anh. Bao nhiêu mùa xuân mà bấy nhiêu mùa nhớ. Hơn thế, những người con Việt Nam tuy không biết anh là ai những mãi khắc ghi công ơn của anh với đất nước. Anh đã hóa thân mình vào cánh hoa đại ngàn, vào ngọn suối biếc, núi non xanh. Khổ thơ tuy ngắn gọn nhưng đã mang được vẻ đẹp rực rỡ của rừng Trường Sơn. Chiến tranh qua đi, cánh rừng không còn vẻ xơ xác nữa mà trở nên đầy hùng vĩ, thơ mộng, tươi đẹp. Khổ cuối cùng, tác giả muốn ca ngợi những người lính đã hi sinh tuổi trẻ của mình, vậy nên đất nước mới có một mùa xuân hòa bình độc lập. Tất cả đều được dựng xây, bồi đắp từ dấu chân người lính từ nơi núi xanh.
“Đồng dao mùa xuân” là một bài thơ bốn chữ ngắn gọn nhưng đầy tinh tế. Mỗi hình ảnh, từ ngữ đều được chọn lọc kĩ càng, tỉ mỉ, miêu tả người lính một cách chân thực nhất và thể hiện tư tưởng, thái độ của thanh niên trẻ với đất nước trong thời đại bấy giờ. Hình ảnh thơ đầy trong sáng, bình dị cùng ngôn ngữ tinh tế đã giúp tác giả bộc lộ cảm xúc trân trọng, biết ơn, yêu thương một cách kín đáo nhưng đầy cảm xúc.
Với “Đồng dao mùa xuân”, Nguyễn Khoa Điềm một lần nữa tạo dấu ấn trong danh sách những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Đến ngày nay, mỗi khi đọc bài thơ, độc giả vẫn còn rưng rưng xúc động vì sự cống hiến và hi sinh của những người thanh niên trẻ không ngại dâng mình vì sự nghiệp của Tổ quốc.