Top 11 Đoạn văn, bài văn cảm nhận về tác phẩm Đồng dao mùa xuân (Ngữ văn 7) hay nhất
Nguyễn Khoa Điềm được nhận xét là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vẻ đẹp của con người, quê hương, đất nước trong ... xem thêm...năm tháng khói lửa chính đã được ông tập trung khai thác và thể hiện. Viết về đề tài này, tác phẩm nổi tiếng và gần gũi bậc nhất có thể kể đến “Đồng dao mùa xuân”.
-
"Đồng dao mùa xuân" là một trong những bài thơ mang đậm dấu ấn sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm. Tác phẩm được viết vào tháng 12 năm 1994. Bài thơ như một câu chuyện kể về cuộc đời người lính qua cái nhìn đầy suy tư, sâu lắng của con người thời bình. Qua đó, tác giả muốn bày tỏ thái độ biết ơn, tri ân đối với những người đã có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chủ đề tác phẩm được thể hiện ngay từ nhan đề. Trước hết, để có thể hiểu được ý nghĩa tên văn bản, chúng ta cần cắt nghĩa từ "đồng dao" và "mùa xuân". Đồng dao là những câu hát của trẻ em khi đi chăn trâu, làm đồng. Còn mùa xuân là mùa bắt đầu của một năm, khoảng thời gian vạn vật, trời đất giao hòa, sinh sôi, nảy nở. Như vậy, đồng dao mùa xuân là câu hát về mùa xuân. Tuy nhiên trong bài thơ, cụm từ "Đồng dao mùa xuân" được hiểu theo nghĩa: khúc hát đồng dao về tuổi trẻ của những người lính xông pha ra trận để mang đến sự tự do, độc lập cho đất nước. Đây là khúc tráng ca ca ngợi anh bộ đội cụ Hồ.
Trước lúc rời xa quê hương, họ là những người lính vô tư, hồn nhiên khi "Chưa một lần yêu/ Cà phê chưa uống/ Còn mê thả diều". Trong không khí chung của thời điểm cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mĩ, người lính nghe theo tiếng gọi lí tưởng và tự nguyện "đi vào núi xanh". Năm tháng chiến đấu diễn ra liên miên, rất nhiều chiến sĩ đã ngã xuống trước "mưa bom bão đạn của kẻ thù". Hàng ngày, hàng giờ, vẫn còn đó những chàng trai trẻ xung phong ra chiến trận dù biết trước chưa chắc có ngày về. Họ để lại tuổi xuân, niềm mộng mơ, yêu thích của riêng mình để ra đi bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, hiện thực khốc liệt nơi chiến trường đã cướp lấy mạng sống của anh "Một lần bom nổ/ Khói đen rừng chiều". Ngày đất nước hòa bình, người người nhà nhà được tề tựu, quây quần bên nhau thì "Mười, hai mươi năm/ Anh không về nữa". "Mười, hai mươi năm" là những con số cụ thể cho thấy thời gian dài đằng đẵng. Anh vĩnh viễn gửi lại tuổi thanh xuân nơi núi rừng Trường Sơn sâu thẳm "Anh vẫn một mình/ Trường Sơn núi cũ".
Câu thơ "Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo"này mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc: anh rời xa trần thế nhưng cái chết của anh trở thành ngọn lửa bất diệt, soi sáng ý chí, tinh thần cho đồng đội. Thân thể không còn song những hình ảnh về "Ba lô con cóc/ Tấm áo mùa xanh/ Làn da sốt rét" của anh vẫn luôn in sâu trong trí nhớ đồng đội. Cơn sốt rét rừng đã trở thành nỗi ám ảnh với biết bao người lính năm ấy. Căn bệnh "quái gở" khiến cho làn da vàng vọt, xanh xao. Chẳng phải nhà thơ Quang Dũng cũng chẳng từng đề cập trong bài thơ "Tây Tiến" hay sao?
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm."
Dù trong tình cảnh hiểm nghèo, khó khăn mọi mặt nhưng người lính vẫn nở nụ cười hiền từ, lạc quan. Nụ cười ấy như tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho những người đồng đội "đói khổ có nhau". Khổ thơ "bi" mà cũng hào hùng, tráng lệ vô cùng!
Sau ngần ấy năm, người lính hóa thân vào đất trời với dáng ngồi lặng lẽ. Từ "lặng lẽ" như phảng phất một nỗi buồn sâu kín song cũng gợi cho ta liên tưởng về tư thế uy nghiêm, kiên định. Mùa xuân tiếp tục xuất hiện thông qua biện pháp hoán dụ "mai vàng". Cả hai dòng thơ "Anh ngồi lặng lẽ/ Dưới cội mai vàng" đem đến hình dung về hình ảnh người lính đang ngồi canh giữ và hướng mắt về đất nước thân yêu. Ở những câu thơ tiếp theo "Dài bao thương nhớ/ Mùa xuân nhân gian" có hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là nỗi nhớ thương nhân gian của người lính. Còn cách hiểu thứ hai là nỗi nhớ thương về những người con anh dũng của đồng bào. Dẫu hiểu theo nghĩa nào thì câu thơ vẫn thắm nồng tình cảm quân dân "Lòng anh và lòng tôi/ Mang nặng tình cá nước..." ("Cá nước" - Tố Hữu). Trong khổ thơ tiếp theo, hình ảnh người lính hiện lên thật thơ mộng:
"Anh ngồi rực rỡ
Màu hoa đại ngàn
Mắt như suối biếc
Vai đầy núi non..."
Người chiến sĩ âm thầm cống hiến, âm thầm hi sinh. Anh ra đi để lại mùa hoa rực rỡ. Dáng hình anh đã "hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất nước muôn đời...". Tuổi xuân của anh đã hòa cùng mùa xuân của đất nước "Tuổi xuân đang độ/ Ngày xuân ngọt lành".
Bằng thể thơ bốn chữ ngắn gọn, biện pháp điệp cấu trúc "Có một người lính", "Anh không về nữa", hoán dụ "mai vàng", ẩn dụ "ngọn lửa", so sánh "mắt như suối biếc" cùng hình ảnh thơ trong sáng, ngôn từ bình dị, nhà thơ đã đem đến cho người đọc sự biết ơn đối với thế hệ cha ông. Chính họ đã làm nên mùa xuân hòa bình, độc lập cho đất nước, nhân dân.
Có thể nói, bài thơ là khúc hát chứa chan tình cảm của nhà thơ đối với những người lính đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc ngày hôm nay. Từ đây, chúng ta cần trân trọng và ghi nhớ công lao to lớn ấy. Mỗi người hãy bồi dưỡng, vun đắp những lí tưởng cao đẹp để cùng chung tay xây dựng, phát triển đất nước của họ.
-
Nguyễn Khoa Điềm được nhận xét là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vẻ đẹp của con người, quê hương, đất nước trong năm tháng khói lửa chính đã được ông tập trung khai thác và thể hiện. Viết về đề tài này, tác phẩm nổi tiếng và gần gũi bậc nhất có thể kể đến “Đồng dao mùa xuân”.
Đồng dao vốn là một thể loại thơ vần dành cho trẻ em, có nội dung rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, được lưu hành bằng hình thức truyền miệng. Mỗi bài đồng dao đều mang ý nghĩa riêng, thường là những câu chuyện hoặc lời khuyên, lời răn dạy nhẹ nhàng. Ngay từ tiêu đề “Đồng dao mùa xuân”, tác giả đã muốn nói rằng đây là một câu chuyện được kể trong mùa xuân, kể về mùa xuân. Mùa xuân ở đây tất nhiên không chỉ khoảng thời gian trong năm mà lại ẩn dụ cho nền độc lập tự do của đất nước sau những tháng ngày chìm trong đau thương của chiến tranh. Vậy, có thể hiểu nhan đề “Đồng dao mùa xuân” chính là câu chuyện nhỏ về nền hòa bình của Tổ quốc.
Năm câu thơ đầu tiên trong bài đã cho chúng ta biết được khái quát câu chuyện này. Truyện kể về một người lính - anh bộ đội cụ Hồ đã góp phần mang đến mùa xuân cho cả đất nước. Anh đã đi vào “núi xanh” - hình ảnh tượng trưng cho dãy Trường Sơn hùng vĩ trong những năm mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất, rồi hi sinh ở đó. Câu chuyện được gói gọn trong vài câu chữ đơn giản nhưng chứa đựng một niềm xúc động và biết ơn mãnh liệt, cũng mở ra cho người đọc thấy hình tượng người chiến sĩ thanh niên xung phong mạnh mẽ, kiên trường, can đảm trong những năm bom đạn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không biết bao nhiêu thanh niên Việt Nam đã gác lại bút nghiên, lên đường nhập ngũ với lí tưởng cao đẹp: “Xẻ dọc Trường Sơn cứu nước”. Họ đều là những người trẻ, mang trong mình khát khao độc lập và tự do, không ngại gian khó lao vào chiến trường ác liệt. Anh bộ đội trong bài thơ cũng là một người như thế. Anh nhập ngũ khi còn ở độ tuổi quá trẻ, chưa được nếm trải hết niềm vui của tuổi thành niên “Chưa một lần yêu/ Cà phê chưa uống”. Thậm chí, anh vẫn còn giữ nguyên những nét ngây ngô, trong sáng “Còn mê thả diều” của một đứa trẻ con. Vậy mà, anh quyết tâm lên đường cứu nước. Hình ảnh người lính Trường Sơn được tái hiện một cách chân thực qua khổ thơ:
“Ba lô con cóc
Tấm áo màu xanh
Làn da sốt rét
Cái cười hiền lành”
Màu xanh lá cây là màu áo đặc trưng của người lính. Nó giúp họ ngụy trang lẫn vào trong rừng cây để tránh được sự công kích của địch. Ba lô con cóc là đồ vật không thể thiếu của mỗi người lính trên chặng đường hành quân. Trong ba lô có vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân và những kỉ vật đặc biệt của gia đình, bè bạn. Làn da xanh bủng beo vì những cơn sốt rét rừng và thời tiết khắc nghiệt cũng là một đặc trưng không thể trộn lẫn của người chiến sĩ Trường Sơn. Những hơn tất thảy, trong khó khăn, ai ai cũng vững niềm lạc quan và hi vọng về tương lai chiến thắng rất gần. Vì vậy, họ luôn giữ nụ cười trên môi. Nụ cười hiền hậu, dễ gần như xua tan đi mọi khó khăn gian khổ ở chiến trường.
Thế nhưng, không phải ai cũng sống sót trở về sau cuộc chiến. Người lính trong bài thơ đã hi sinh. Sự hi sinh của anh được miêu tả thật đơn giản nhưng cũng đầy xúc động:
“Một lần bom bổ
Khói đen rừng chiều
Anh thành ngọn lửa
Bạn bè mang theo”.
Mỗi ngày, máy bay Mỹ ném bom trên dãy Trường Sơn không biết bao nhiêu lần. Trong “Những ngôi sao xa xôi”, Lê Minh Khuê đã viết: “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần”. Mỗi quả bom hẹn giờ là một quả cầu tử thần chực chờ cướp những người anh hùng của chúng ta đi. Người lính trong bài thơ cũng đã mất vì một trận bom nổ. Khói đen hun kín cả rừng, dưới bóng chiều chạng vạng. Câu thơ “Anh thành ngọn lửa” vừa tả thực, cũng ngầm ẩn dụ rằng sự hi sinh của anh chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh và ý chí chiến đấu cho đồng đội của mình. Thời gian vẫn chảy trôi, tuy “Mười, hai mươi năm/ Anh không về nữa”, anh đã vĩnh viễn ở lại cùng với “Trường Sơn núi cũ” nhưng anh cũng đã góp phần tạo nên chiến thắng của dân tộc. Ở đoạn thơ này, tác giả cũng dùng biện pháp nói giảm, nói tránh để giảm bớt đau thương, thể hiện lòng biết ơn, trân trọng người lính đã hiến trọn thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ba khổ thơ cuối bài, tác giả đã thể hiện sự hóa thân của người lính vào đất trời. Tác giả đã viết:
“Anh ngồi lặng lẽ
…
Về từ núi xanh”
Nỗi thương nhớ anh của tác giả cũng chính là nỗi lòng của gia đình, người thân, bạn bè anh. Bao nhiêu mùa xuân mà bấy nhiêu mùa nhớ. Hơn thế, những người con Việt Nam tuy không biết anh là ai những mãi khắc ghi công ơn của anh với đất nước. Anh đã hóa thân mình vào cánh hoa đại ngàn, vào ngọn suối biếc, núi non xanh. Khổ thơ tuy ngắn gọn nhưng đã mang được vẻ đẹp rực rỡ của rừng Trường Sơn. Chiến tranh qua đi, cánh rừng không còn vẻ xơ xác nữa mà trở nên đầy hùng vĩ, thơ mộng, tươi đẹp. Khổ cuối cùng, tác giả muốn ca ngợi những người lính đã hi sinh tuổi trẻ của mình, vậy nên đất nước mới có một mùa xuân hòa bình độc lập. Tất cả đều được dựng xây, bồi đắp từ dấu chân người lính từ nơi núi xanh.
“Đồng dao mùa xuân” là một bài thơ bốn chữ ngắn gọn nhưng đầy tinh tế. Mỗi hình ảnh, từ ngữ đều được chọn lọc kĩ càng, tỉ mỉ, miêu tả người lính một cách chân thực nhất và thể hiện tư tưởng, thái độ của thanh niên trẻ với đất nước trong thời đại bấy giờ. Hình ảnh thơ đầy trong sáng, bình dị cùng ngôn ngữ tinh tế đã giúp tác giả bộc lộ cảm xúc trân trọng, biết ơn, yêu thương một cách kín đáo nhưng đầy cảm xúc.
Với “Đồng dao mùa xuân”, Nguyễn Khoa Điềm một lần nữa tạo dấu ấn trong danh sách những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Đến ngày nay, mỗi khi đọc bài thơ, độc giả vẫn còn rưng rưng xúc động vì sự cống hiến và hi sinh của những người thanh niên trẻ không ngại dâng mình vì sự nghiệp của Tổ quốc.
-
Bài thơ “Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm đã giúp tôi hiểu hơn về hình ảnh người bộ đội cụ Hồ.
Nhà thơ đã kể lại câu chuyện về người lính từ lúc mới vào chiến trường cho đến khi chiến tranh đã qua, họ đã hy sinh. Khi còn trẻ tuổi, người lính còn hồn nhiên, chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống - chưa một lần yêu, cà phê chưa biết uống. Nhưng họ có một trái tim nhiệt huyết, luôn tin tưởng vào cách mạng, nên đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc để lên đường đi chiến đấu. Cuộc đời của họ đã trải qua nhiều gian khổ, thiếu thốn - hành trang mang theo chỉ là chiếc ba lô con cóc, với tấm áo lính màu xanh; phải chịu căn bệnh nguy hiểm là sốt rét rừng nhưng vẫn giữ vững sự lạc quan, niềm tin vào tương lai. Điều này giúp tôi thêm khâm phục về tinh thần, nghị lực của những người thanh niên trẻ tuổi, trẻ lòng đó. Và rồi, chiến tranh khốc liệt đã khiến họ ra đi mãi mãi. Người còn sống vẫn nhớ về họ với tấm lòng trân trọng, yêu mến - đó là đồng đội, là nhân dân. Mùa xuân của người lính hay chính là mùa xuân của đất nước đã trở nên bất tử.
Có thể khẳng định rằng, bài thơ đã mang đến cho tôi nhiều cảm nhận sâu sắc về một thế hệ con người đáng tự hào của dân tộc.
-
Nguyễn Khoa Điềm với bài “Đồng dao mùa xuân” đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc về hình ảnh người lính. Họ vốn là những con người trẻ tuổi, vẫn còn hồn nhiên nhưng đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc để lên đường đi chiến đấu. Cuộc đời người lính có nhiều gian khổ, thiếu thốn với quân tư trang ít ỏi là ba lô con cóc, với tấm áo lính màu xanh; phải chịu căn bệnh nguy hiểm là sốt rét rừng nhưng vẫn giữ vững sự lạc quan, niềm tin vào tương lai. Từ đó chúng ta càng thêm khâm phục tinh thần, ý chí của những người chiến sĩ. Họ đã ra đi nhưng còn sống mãi trong lòng đồng đội, nhân dân. Mùa xuân của người lính hay chính là mùa xuân của đất nước đã trở nên bất tử. Hình ảnh những người anh hùng kiên trung, bất khuất sẽ mãi in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam.
-
Đến trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm, tôi cảm thấy ấn tượng với “Đồng dao mùa xuân”. Tác giả dường như đang kể lại câu chuyện về người lính từ lúc mới vào chiến trường, những năm tháng chiến tranh khốc liệt và sự ra đi mãi mãi. Khi mới vào vào chiến trường, họ mới chỉ là những chàng trai còn rất trẻ. Tính cách vẫn còn hồn nhiên, chưa có nhiều trải nghiệm - chưa một lần yêu; cà phê chưa uống; vẫn còn mê thả diều. Dù vậy thì với lòng dũng cảm, lí tưởng cao đẹp và giàu lòng yêu nước, họ đã gia nhập quân ngũ, vào chiến trường. Cuộc đời người lính đầy khó khăn, tư trang mang theo chỉ là chiếc ba lô con cóc đựng vài vật dụng cần thiết, cùng với bộ quần áo xanh - màu xanh đặc trưng của người lính. Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi mạng sống của họ, nhưng tình cảm mà đồng đội và nhân dân dành cho họ vẫn còn mãi. Tuổi thanh xuân của họ đã cống hiến cho đất nước, trở nên bất tử. Những câu thơ bốn chữ ngắn gọn với cách ngắt nhịp 2/2 đã góp phần giúp nhà thơ dễ dàng bày tỏ được tấm lòng biết ơn, ghi nhớ của đồng đội và nhân dân. Đó là niềm cảm phục, tự hào, biết ơn tới những người lính đã hi sinh tuổi xuân và cuộc đời vì độc lập dân tộc. Như vậy, “Đồng dao mùa xuân” là một bài thơ giàu cảm xúc, giúp chúng ta thêm hiểu và trân trọng về những người lính hơn.
-
“Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc. Bài thơ giống như một câu chuyện kể về cuộc đời người lính từ lúc mới vào chiến trường, cho đến những năm tháng chiến tranh ác liệt. Và khi đất nước hòa bình, người lính ấy đã hy sinh, mãi nằm lại nơi chiến trường không thể trở về quê hương. Tác giả đã khắc họa hình ảnh người lính đầy chân thực, sống động. Khi mới vào vào chiến trường, họ là những chàng trai chưa một lần yêu; cà phê chưa uống; vẫn còn mê thả diều. Tuy tuổi đời còn rất trẻ, vẫn chưa có nhiều trải nghiệm, tính cách nhân hậu nhưng lại thật dũng cảm, có lí tưởng và giàu lòng yêu nước. Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi mạng sống của họ, nhưng tình cảm mà đồng đội và nhân dân dành cho họ vẫn còn mãi. Đối với đồng đội, người lính đã trở thành “ngọn lửa” để “bạn bè mang theo”. Họ luôn cùng sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh. Đối với nhân dân, người lính chính là những bậc anh hùng, đáng ngưỡng mộ và tự hào. Dù họ đã nằm lại nơi chiến trường, nhưng nhân dân vẫn luôn nhớ đến, trân trọng. Có thể nói, “Đồng dao mùa xuân” mang ý nghĩa biểu tượng chính là bài đồng dao về người lính, về sự bất tử của các anh đối với đất nước.
-
Bài thơ “Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm viết về người lính đã đem đến cho tôi nhiều ấn tượng. Từng câu thơ đọc lên giống như một trang nhật kí về cuộc đời của người lính từ lúc họ mới vào chiến trường, chiến đấu rồi hy sinh. Khi mới vào chiến trường, họ vẫn còn là những chàng thanh niên hồn nhiên, chưa một lần yêu, cà phê vẫn chưng uống và còn mê thả diều. Dù vậy, thì tấm lòng nhiệt huyết cách mạng vẫn cháy trong trái tim của họ. Những năm chiến tranh khốc liệt, họ chiến đấu và hy sinh, thân xác nằm lại nơi chiến trường, kỉ vật còn lại chỉ là chiếc ba lô con cóc. Dù đã hi sinh, nhưng đồng đội vẫn nhớ đến họ với niềm thương cảm, xót xa. Còn với nhân dân, người lính đã trở thành một tượng đài bất tử, đáng ngưỡng mộ, trân trọng. Với bài thơ này, tác giả đã ngợi ca, bộc lộ lòng biết ơn những người lính trẻ đã dâng hiến mùa xuân cuộc đời mình kết thành những mùa xuân vĩnh cửu cho dân tộc, đất nước. Như vậy, “Đồng dao mùa xuân quả” là một bài thơ giá trị viết về người lính cụ Hồ.
-
Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm là bài thơ viết về người lính hi sinh nơi chiến trường Trường Sơn trong “Những năm máu lửa”. Tác phẩm thể thiện tình cảm tiếc thương, sự trân trọng, lòng biết ơn,… với những con người đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. có nhiều dòng thơ thấm thía nỗi đau mất mát: “Anh không về nữa”, “Anh vẫn một mình”, “Anh ngồi lặng lẽ”,… trước sự ra đi của người lính trẻ “Chưa một lần yêu… Còn mê thả diều”. Hình ảnh anh bộ đội bình dị, thân quen với màu áo xanh, ba lô con cóc, làn da sốt rét và đặc biệt là “Cái cười hiền lành” khiến nỗi tiếc thương càng thêm sâu sắc. Nhưng bài thơ không để lại cảm giác bi thương, nặng nề nhờ cách tác giả cảm nhận và khắc họa hình tượng người chiến sĩ đã hi sinh. Anh vẫn ở bên đồng đội trên con đường chiến đấu: “Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo”. Anh hóa thân vào sắc hoa rực rỡ, màu suối biếc xanh, vào vóc dáng núi non hùng vĩ. “Ngày xuân ngọt lành” của người lính ấy không bao giờ mất đi mà sẽ từ núi xanh trở về, hồi sinh trong các thế hệ sau, trong mùa xuân đất nước. Những cảm xúc đẹp đẽ đọng lại trong tâm hồn người đọc còn được nhân lên từ hình thức nghệ thuật đặc sắc của bài thơ. Nhan đề Đồng dao mùa xuân, nhịp điệu của thể thơ bốn chữ, các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, nói giảm nói tránh… mang đến cho tác phẩm giọng điệu tươi trẻ của một khúc đồng dao. Người đọc tưởng như nghe vang lên đâu đây lời hát của những đứa trẻ hồn nhiên, tung tăng trên những cánh đồng quê, hạnh phúc trong cuộc sống thanh bình được các anh bảo vệ, gìn giữ. Những sắc màu tươi đẹp: núi xanh, tấm áo màu xanh, mai vàng, suối biếc và sức sống bất diệt của mùa xuân, tuổi thơ, ngày xuân cứ ngời lên bất chấp khói lửa, đạn bom. Bài thơ không chỉ ngợi ca sự hi sinh thầm lặng, lớn lao, cao cả của những người lính mà còn khẳng định sự tiếp nối thiêng liêng giữa các thế hệ để làm nên đất nước muôn đời.
-
Hình tượng người lính Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác thi ca nhạc họa. Nguyễn Khoa Điềm cũng đưa hình tượng ấy vào trong thơ của mình một cách tự nhiên và đầy cảm xúc với bài thơ: “Đồng dao mùa xuân”. Bài thơ viết về người lính, dưới góc nhìn chiêm nghiệm của một con người thời bình. Đó là những người lính hồn nhiên, tinh nghịch, chưa một lần yêu, còn mê thả diều nhưng chính họ đã hi sinh tuổi xuân, máu xương của mình cho Đất Nước. Họ đã nằm lại mãi nơi chiến trường để đất nước được vẹn tròn, để nhân dân được độc lập. Trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm, dù họ mãi mãi gửi thân xác nơi rừng Trường Sơn xa xôi nhưng anh linh của họ thì còn mãi. Bởi chính họ đã làm nên mùa xuân vĩnh hằng của đất nước hôm nay.
-
Đề tài người lính là một trong những đề tài tốn nhiều giấy mực của các nhà văn nhà thơ thời kì kháng chiến. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm góp nhặt vào đề tài đó bài thơ “Đồng dao mùa xuân”. Trong bài thơ, những người lính hiện lên giản dị, mộc mạc, chất phác “chưa một lần yêu/ cà phê chưa uống/ còn mê thả diều” nhưng cũng hết sức anh dũng kiên cường “anh thành ngọn lửa”. Trong gian lao, thử thách, tình đồng chí đồng đội càng gắn bó, đoàn kết và yêu thương nhau “bạn bè mang theo”. Chiến trường khốc liệt là thế, gian khổ là thế “bom nổ/ khói đen rừng chiều”, “làn da sốt rét” nhưng các chiễn sĩ vẫn lạc quan, yêu đời “cười hiền lành”. Qua đó người đọc thấy được tình cảm của tác giả cũng như tình cảm của người dân với thế hệ cha anh đã hi sinh bảo vệ Tổ Quốc. Các anh mãi mãi sống cùng non sông đất nước và mãi sống trong lòng người dân Việt.
-
Người lính trong bài thơ Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm hiện lên với những nét vẽ phác thảo như nhìn một lát cắt của thân cây mà thấy được cả đời thảo mộc. Đó là những người lính mãi mãi ở tuổi "mùa xuân" bởi họ đã vào chiến trường trong những năm tháng của tuổi trẻ và ở lại đó mãi mãi. Những người lính tuổi còn quá trẻ: "Chưa một lần yêu/ Cà phê chưa uống/ Còn mê thả diều". Họ đã dùng sự trẻ tuổi, đã đem thanh xuân của mình để cống hiến cho Tổ quốc, để trở thành ngọn lửa mà đồng đội luôn đem theo bên mình: "Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo". Sự hi sinh của những người lính đã hóa thành bất tử, biến họ mãi mãi sống ở độ tuổi "mùa xuân". Đồng đội, nhân dân, đất nước sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn công lao của những người lính "mùa xuân" như trong bài thơ Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm.