Bài tham khảo số 4

“Tôi làm thơ này rất nhanh, làm xong, đọc trước đại hội được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Hồi đó, tấm lòng và cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy, tôi chả chút lí luận gì về thơ cả”, đó là chia sẻ của Quang Dũng về bài thơ “Tây Tiến”. Có lẽ chính sự chân thành và chân thực nhà thơ gửi vào từng hình ảnh, câu từ trong tác phẩm đã chinh phục người đọc, đem đến cho họ nhiều suy nghĩ, cảm xúc sâu sắc. Tám câu thơ đầu của bài thơ mang khá nhiều ý nghĩa, thể hiện cảm xúc và tài năng nghệ thuật của nhà thơ.


Quang Dũng là một nhà thơ hiện đại Việt Nam mang nét đẹp hồn hậu cùng ngòi bút tài hoa. Một người bạn của Quang Dũng, nhà thơ Trần Lê Văn từng chia sẻ rằng: “Quang Dũng là người sống nội tâm, nhẹ nhõm, vừa ảo vừa thực như chính những câu thơ phiêu diêu của ông: “Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt/ Mà như lau sậy có linh hồn”. Có lẽ chính bởi nét đẹp tâm hồn đó, mà nhiều người coi Quang Dũng như một cô đào, cô phong trong trường thơ kháng chiến, rằng ông ít quan tâm đến cách tân, hình thức, không chủ trương sa vào sự cầu kỳ, mà ngôn từ trong thơ lại đầy sức trẻ, tươi mới, tạo dựng được sự quyến rũ lạ thường để từ đó khẳng định vị thế, tên tuổi của ông trong làng thơ hiện đại nước nhà. Một bài thơ tiêu biểu của Quang Dũng có thể kể đến đó chính là “Tây Tiến” được sáng tác năm 1948, khi nhà thơ phải rời xa đơn vị của mình để chuyển sang một đơn vị khác tại Phù Lưu Chanh. Tám câu thơ đầu của tác phẩm đã gieo nhiều cảm xúc, nỗi niềm trong lòng người đọc.


Hai câu thơ mở đầu tác phẩm đã bộc lộ một nỗi nhớ thiết tha, dâng trào khiến nhân vật trữ tình phải thốt lên thành lời:


“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”


Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” gợi bao niềm thân thương đi cùng với tâm trạng “nhớ chơi vơi” đã khắc họa chân thực, rõ nét nỗi nhớ da diết, bao trùm lên cả không gian, thời gian. Những câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã phác họa ra trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng đầy dữ dội, hiểm trở để từ đó bức chân dung người lính càng thêm nổi bật:


“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”


Nhà thơ Quang Dũng đã đưa ra tên một loạt các địa danh như “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Pha Luông” vừa giúp tăng tính chân thực, thuyết phục cho bài thơ, vừa góp phần gợi nên một sự hẻo lánh, xa xôi, hoang vắng. Tác giả đã linh hoạt sử dụng một loạt các từ láy đậm chất tạo hình: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” để qua đó đem đến cho người đọc cái nhìn chân thực, sống động hơn về bức tranh núi rừng nơi đây. Những từ láy ấy khi kết hợp với nghệ thuật điệp ngữ: “Dốc lên…dốc lên…” gợi ra một địa hình hiểm trở với núi cao, đèo dốc chênh vênh, gợi ra hình ảnh những con đường đèo, đường rừng nơi người lính Tây Tiến hành quân qua đầy gập ghềnh, gian khó và thử thách ý chí, sự kiên trì, bền dạ của đoàn quân.


Một hình ảnh thơ vô cùng đẹp và giàu ý nghĩa nhà thơ tạo dựng trong đoạn thơ này đó chính là hình ảnh: “súng ngửi trời”. Trên cái nền hiện thực đầy gian khổ, thử thách ý chí người lính ấy, nhà thơ đã đem đến cho người đọc một hình dung vô cùng trẻ trung, hóm hỉnh và đậm chất Quang Dũng. Cách nói “súng ngửi trời” của nhà thơ không chỉ thể hiện sự cao rộng mênh mang của đất trời Tây Bắc, mà còn khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến với tư thế chủ động, hiên ngang và tâm thế sẵn sàng đối diện khó khăn, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Nhịp thơ ngắt đôi trong câu thơ: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” tiếp tục gợi tả sự nguy hiểm tột cùng của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Tuy thiên nhiên nhiều khi dữ dội, khắc nghiệt vậy nhưng trong tâm hồn lạc quan, tươi trẻ của những người lính, họ không cảm thấy những điều đó quá nặng nề, mà trái lại, nhiều lúc lại rất nên thơ. Đó là hình ảnh “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” hay “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Trong cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm của người lính, cảnh vật thiên nhiên đất trời ấy lại đượm một vẻ gì rất đỗi nên thơ, làm say đắm lòng người.


Từng câu thơ, hình ảnh đến nhịp điệu hay giọng thơ trong tám câu đầu bài thơ “Tây Tiến” đã góp phần tạo nên sự đặc sắc cho giá trị nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật của cả bài thơ, không chỉ đem đến cho người đọc cái nhìn chân thực về bức tranh thiên nhiên núi rừng nhiều gian khổ trên đường hành quân mà còn phác họa đậm nét chân dung tâm hồn người lính Tây Tiến, đồng thời thể hiện sự trân trọng, nỗi nhớ thương nhà thơ dành cho đồng đội của mình.

Bài tham khảo số 4
Bài tham khảo số 4
Bài tham khảo số 4
Bài tham khảo số 4

Top 8 Bài văn phân tích 8 câu đầu bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy