Bài tham khảo số 6

Trong dòng chảy thi ca Việt Nam, thơ ca cách mạng là một thời kì để lại được nhiều dấu ấn với những thi phẩm đặc sắc như Lên Tây Bắc, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Việt Bắc (Tố Hữu), Đồng chí (Chính Hữu), Đất nước (Nguyễn Đình Thi),... Nhưng bài thơ được coi là "đứa con đầu lòng hào hoa và tráng kiện của thơ ca kháng chiến chống Pháp" chính là Tây Tiến của Quang Dũng. Bài thơ không chỉ tái hiện lại những tháng năm kháng chiến của đoàn quân Tây Tiến mà còn khắc họa được bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ mà lại vừa lãng mạn nên thơ. 8 câu thơ đầu tiên đã gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc về hình ảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc.


Bài thơ Tây Tiến được sáng tác năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, đơn vị mà Quang Dũng chuyển công tác đến sau khi kết thúc quãng thời gian một năm gắn bó cùng sát cánh, kề vai với đồng đội của quân đoàn Tây Tiến. Trong nỗi nhớ khôn nguôi về đồng đội và núi rừng Tây Bắc, nhà thơ đã không kìm được lòng mình, để tiếng nói của trái tim cất lên thành trang thơ. 8 câu thơ đầu tiên như một thước phim sống động tái hiện lại cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ và hiểm trở khôn cùng.


"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"


Hình ảnh con sông Mã hiện lên là một hình ảnh gắn liền với địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến, là chứng nhân của một thời dậy vang, máu lửa. Tiếng gọi "Tây Tiến ơi" thân thương, da diết như tiếng gọi một người bạn hữu đã lâu ngày xa cách. Điệp từ "nhớ" trong một câu toàn thanh bằng nhưng một nốt nhấn cao độ trong bản nhạc trầm, nỗi nhớ dường như luôn thường trực trong lòng nhà thơ bỗng trào dâng, lên tiếng. Hai câu thơ gieo vần "ơi" kết hợp với tính từ "chơi vơi" vang lên, khiến cho lòng ta cũng bất chợt lâng lâng, lửng lơ song lại ắp đầy, tuy nhẹ mà lại lắng sâu. Có lẽ chính bởi vậy, cho dù nhà thơ đã bỏ đi một chữ "nhớ" trong tiêu đề ban đầu của tác phẩm ("Nhớ Tây Tiến") thì cảm xúc cũng vẫn không thôi dào dạt. Nỗi nhớ trào dâng dường như thấm đẫm trong cảnh vật trên đường hành quân, trong những kỉ niệm của một thời kháng chiến. Tất cả một vùng ký ức sống lại, nồng nàn và thân thương, thiết tha và trọn vẹn tựa như một thước phim quay chậm, rồi từng nét cảnh núi rừng hiện lên trong bao ngày gian khó, từng giây phút gian nan bên đồng đội anh em, từng dáng hình của người sơn nữ dáng duyên, và cả hơi cơm đạm bạc mà ấm nồng tình quân dân cá nước,... cứ thế mà hiện lên đong đầy.


Nối tiếp hai câu thơ khắc hoạ nỗi nhớ, khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc bắt đầu hiện ra, trước hết là những địa danh, những địa bàn hoạt động mà đội quân đã từng một thời gắn bó.


"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi"


"Sài Khao", "Mường Lát" là tên của những bản núi mù sương, nghe tuy lạ lẫm, nhưng lại là những cái tên đã đồng hành cùng người lính Tây Tiến suốt những tháng năm kháng chiến. Hai câu thơ như gợi nhắc đến một nơi xa xôi bí ẩn nào đó và cũng chính sự bí ẩn ấy lại quyến rũ vô cùng. "Sương lấp đoàn quân mỏi" là chi tiết tả thực khắc họa những khó khăn gian nan mà người lính Tây Tiến gặp phải trên con đường hành quân. Thiên nhiên núi rừng miền cao ẩn chứa biết bao những thử thách gian nan là thế nhưng vẫn có ở đâu đây những nét đẹp thơ mộng. Nhà thơ sử dụng hai từ "đêm hơi" chứ không phải "đêm sương", là một đêm mờ hơi sương, đêm của hơi núi rừng, hay là một đêm nhẹ như hơi thở. Hai chữ "đêm hơi" gợi nhiều hơn tả, nó như phác lên trong tâm trí của người đọc những nét vẽ thật mơ hồ, ảo diệu, dường như lại chẳng nhìn thấy mà chỉ có thể cảm nhận. Trong không gian ảo huyền nên thơ, hình ảnh "hoa về" như điểm nhấn cho cảm hứng lãng mạn. "Hoa" là những bông hoa trên tay trên vai trên áo trên mũ người lính trên đường hành quân, là hoa lửa hoa đuốc sáng soi dẫn đường trong đêm tối, hay phải chăng "hoa" lại chính là người con gái người thôn nữ miền sơn cước đi về trong miền nhớ, miền thương thẳm sâu trong tâm hồn người chiến sĩ.


Nói đến Tây Bắc, ta không thể không nghĩ tới thiên nhiên hùng vĩ, có phần hiểm trở. Những núi cao, dốc thẳm luôn là những trở ngại trên con đường hành quân của những người lính trẻ.


"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống"


Điệp từ "dốc", "ngàn thước" kết hợp với các giàu tính gợi hình " khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút" và thủ pháp tương phản đối lập "lên - xuống", đối xứng giữa hai tiểu vế đã khắc hoạ khung cảnh thiên nhiên trùng điệp, núi tiếp núi, đèo nối đèo, lên cao chót vót rồi bỗng dưng lại dốc xuống tận cùng như muốn thử thách lòng gan dạ và ý chí kiên cường của người lính Tây Tiến. Trong giờ phút gian khó ấy, hình ảnh "súng ngửi trời" hiện lên thật thi vị. Đây quả là một cái nhìn hóm hỉnh, thú vị của người chiến sĩ, nó như phá tan đi cái mệt nhọc của quãng đường hành quân đầy gian khó. Trong bài thơ "Đồng chí", Chính Hữu cũng đã từng ghi lại hình ảnh "đầu súng trăng treo". Đây đều là những hình ảnh tả thực, khi những người lính hành quân, họ luôn vác súng trên vai, đầu súng hướng lên, ở một góc độ nào đó, như thể súng đang chạm tới trời, như đang treo mảnh trăng sáng của đêm rừng canh gác. Chính qua những hình ảnh đó, mà ta như nhìn vào được tâm hồn của họ, họ cũng mang một trái tim trẻ trung, cũng thơ mộng chứ không hề chai sạn giữa những gian nan thử thách nơi chiến trường cam go, khốc liệt. Và dường như, khi đã vượt qua hết những chặng gian lao, người lính như thở phào nhẹ nhõm, đứng nơi đỉnh cao, phóng tầm mắt ra xa


"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"


Sau 3 câu thơ liên tiếp đặc tả cảnh thiên nhiên hùng vĩ hiểm trở, nhà thơ sử dụng một câu thơ toàn vần bằng gợi lên khung cảnh thanh bình, thơ mộng. Thì ra, Tây Bắc ngoài những đèo cao dốc thẳm cũng có những góc lãng mạn, nên thơ đến thế, mà có lẽ, chỉ có ai đã từng gắn bó thân thuộc với nơi đây mới có thể khám phá nên mà thôi.


Bằng sự hiểu biết sâu sắc là ngòi bút hào hoa phóng khoáng, Quang Dũng đã khắc họa hình ảnh thiên nhiên Tây Tiến thật hùng vĩ nhưng cũng rất đỗi nên thơ. Đoạn thơ đã góp một phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm nói riêng và văn thơ cách mạng nói chung, để Tây Tiến trở thành một bông hoa mãi tươi xanh trong dòng chảy của thời gian.

Bài tham khảo số 6
Bài tham khảo số 6
Bài tham khảo số 6
Bài tham khảo số 6

Top 8 Bài văn phân tích 8 câu đầu bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy