Bài tham khảo số 6

Hàn Mặc Tử được biết đến là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh nhất trong phong trào thơ mới. Thế nhưng thơ của ông lại phản phất một chút gì đó mơ hồ và đầy bí ẩn đến mức Hoài Thanh hết lời ngợi khen thơ ông như một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng.


Không những thế, Hoài Thanh đã phải bỏ ra một tháng trời để nghiên cứu toàn bộ thơ Hàn Mặc Tử và công nhận Vườn thơ Hàn rộng rinh không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh. Phải chăng vì cuộc đời ông mang nhiều bi thương và số phận vô cùng bất hạnh mà thơ của ông luôn thể hiện một tình yêu đau đớn hướng về cuộc đời trần thế đến vậy? Và trong số các tác phẩm ấy, nổi bật nhất và đậm chất Hàn Mặc Tử nhất có lẽ là Đây thôn Vĩ Dạ.


Mở đầu khổ 2 của bài Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử đã đề cập ngay đến hình ảnh thiên nhiên sinh động:


Gió theo lối gió, mây đường mây


Hình ảnh gió và mây từ bao đời nay đã gắn liền với nhau như đôi bạn tri kỷ, không thể tách rời - gió thổi mây bay. Thế nhưng, qua biện pháp sử dụng nghệ thuật nhân hóa đầy sáng tạo của mình, Hàn Mặc Tử đã tạo nên một nghịch lý chưa từng có từ trước đến nay. Ông vẽ lên một bức tranh thiên nhiên bao la rộng lớn: có gió – nhưng gió theo lối gió; cũng có mây, nhưng lại mây đường mây.


Mây gió đôi đường, đôi ngả. Đồng thời, Hàn Mặc Tử còn sử dụng nhịp thơ một cách vô cùng tinh tế – nhịp 4/3. Cách ngắt nhịp này đã giúp cho câu văn của ông tách thành 2 vế đối nghịch nhau, một bên là gió, bên còn lại là mây khiến sự chia lìa, cách xa này lại càng thêm xa cách. Từ đó, hai người bạn tri kỉ ấy, tưởng chừng như không thể nào xa rời, lại ngoảnh mặt quay lưng, đôi ngả chia ly.


Quả thật, có lẽ Chế Lan Viên đã đúng khi nói Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ tan biến đi, và còn lại của cái thời này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử. Chỉ có ông mới có thể biến cái tưởng chừng như phi lý trong hiện thực lại trở nên vô cùng hợp lí trong thơ văn.


Nhưng mọi vật Hàn Mặc Tử nhân hóa chỉ đơn thuần để diễn tả cảnh gió, cảnh mây. Nguyễn Du đã từng viết trong tác phẩm nổi tiếng của ông Truyện Kiều rằng: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Hàn Mặc Tử buồn vì biết mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, quái ác; buồn vì vẫn còn luyến lưu những cảnh vật thơ mộng và buồn vì mối tình đơn phương với người con gái xứ Huế chỉ còn lại trong giấc chiêm bao! Nhưng trên tất cả, có lẽ ông sợ nhiều hơn là buồn. ông sợ một ngày nào đó mình chẳng còn tồn tại trên cõi đời này nữa.


Có phải chăng vì buồn, vì sợ mà cảnh Huế vốn dĩ rất thơ mộng, trữ tình đã dần nhuốm một màu bi ai đến não lòng:


Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay


Từ trước đến nay, sông Hương được biết đến như một vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng và được xem là một trong những biểu tượng lớn của xứ Huế. Vì thế sẽ chẳng lấy làm lạ nếu Sông Hương luôn trở thành đề tài chính trong các tác phẩm thơ ca nước ta. Sông Hương không chỉ được nhắc đến với một tính yêu nồng nhiệt, chân thành mà cháy bỏng trong thơ của Nguyễn Trọng Tạo:


Sông Hương hóa rượu ta đến uống

Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say…


Thế nhưng, dưới ngòi bút tài tình của Hàn Mặc Tử, sông Hương lại hiện ra với một vẻ u sầu, ảo não. Buồn thiu là cái buồn nhè nhẹ nhưng dai dẳng, nó len lỏi và thấm dần vào tâm hồn của thi nhân và lan sang cả những thứ vô tri vô giác: dòng nước, hoa bắp. Để rồi, dòng nước ấy lại trôi đi một cách lững lờ; hoa bắp kia lại lay động, đong đưa thật chậm, thật nhịp nhàng theo từng nhịp đưa của gió. Dường như nỗi buồn của thi nhân được hòa quyện dần vào nỗi buồn của thiên nhiên, của vạn vật làm cho buồn lại càng thêm buồn, cô đơn lại càng thêm hiu quạnh.


Buồn bã là thế, cô đơn là thế! Nhưng khi trời xuống trăng lên, không chỉ cảnh vật, mà cả tâm tư, tình cảm con người cũng chuyển mình thay đổi: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó.Câu thơ hiện lên mang theo một khung cảnh tràn ngập ánh trăng – người bạn tâm tình của tác giả. Thật dễ dàng đề thấy trăng có mặt khắp mọi nơi: trăng chất đầy trên con đò đơn độc đậu lặng lẽ bên bờ; trăng trải dài, dát vàng cả một bến đò rộng lớn; trăng tan chảy hòa quyện vào con sông Hương lặng lẽ trôi hững hờ.


Phải là người có một tâm hồn yêu trăng, say trăng đến điên dại mới có thể tưởng tượng ra được hình ảnh bến sông trăng vô cùng đặc sắc này! Trước đây, trong thơ Trương Kế thời Đường chỉ mới xuất hiện Thuyền ai đậu bến Cô Tô; trong Xuân giang hoa nguyệt dạ của Trương Nhược Hư, 1300 năm về trước chỉ có Sông xuân đâu chẳng sáng ngời trăng. Thì nay có thể nói rằng hình ảnh sông trăng của Hàn Mặc Tử là vô cùng đặc sắc và tinh tế.

Với sự tinh tế và sáng tạo đó, con thuyền ở hiện thực đã dần đi vào thế giới mộng tưởng nhờ vào sự bao phủ của ánh trăng huyền ảo. Liệu rằng có phải Hàn Mặc Tử đã mượn sự huyền ảo, mộng mị của vầng trăng để che lấp đi niềm đau và nỗi buồn của hiện tại? Bởi ông luôn nghĩ về thơ với một quan niệm có phần kỳ lạ, khác người: Thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ ước ao trở lại trời xưa. Không chỉ có thế, từ trước đến nay, trăng luôn xuất hiện trong những vần thơ của ông một cách kỳ lạ hơn gấp mấy lần:


…Nước hóa thành trăng trăng ra nước

Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm….

Say! Say lảo đảo cả trời thơ

Gió rít tầng cao trăng ngả ngửa

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô

Ta nằm trong vũng trăng.

(Say trăng- Hàn Mặc Tử)


Thế mà giờ đây, hình ảnh vầng trăng trong Đây thôn Vĩ Dạ lại đậm chất trữ tình hơn, đằm thắm hơn: Có chở trăng về kịp tối nay? Câu hỏi tu từ được thốt lên chứa đầy nỗi niềm âu lo, day dứt của người thi sĩ. Nhưng vì điều gì mà nhà thơ phải đợi trăng về chính xác trong tối nay, chứ chẳng phải là tối mai hay bất kì tối hôm nào khác? Hơn ai hết, có lẽ ông là người hiểu rõ căn bệnh mình mắc phải và khoảng thời gian ngắn ngủi mà mình còn có thể tồn tại trên cõi đời này.


Chính vì vậy, trong lòng nhà thơ trỗi dậy trong lòng một nỗi niềm, một khát khao nhỏ bé – được gặp trăng, được tận mắt nhìn thấy người bạn tri kỉ của mình trong đêm nay để cùng được san sẻ nỗi buồn, san sẻ nỗi cô đơn, tuyệt vọng cùng với vầng trăng ấy!


Vầng trăng với ông lúc này như một tia hi vọng nhỏ nhoi, mong manh chỉ còn le lói chút ít ánh sáng cuối cùng trong màn đêm u tối. Nó cũng chính là lý do khiến Hàn Mặc Tử không ngừng bồn chồn, lo lắng rằng: liệu chiếc thuyền ấy, con đò ấy có kịp đưa trăng về cùng ông trong tối nay?


Qua bốn câu thơ tuy ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn giàu tính tượng trưng, giàu sức gợi hình, gợi cảm, cùng với các biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, sử dụng câu hỏi tu từ, tả cảnh ngụ tình… được sử dụng một cách vô cùng điêu luyện và tuyệt diệu.


Đoạn thơ không chỉ giúp bạn đọc hiểu thêm về tâm tư, tình cảm từ sâu bên trong đáy lòng của một nhà thơ khi sắp phải xa rời chốn trần thế, mà nó còn phần nào khẳng định tài năng và tâm hồn yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước sâu nặng.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 10 Bài văn phân tích khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy