Bài tham khảo số 9

Cuộc sống đối với bạn có thể là chuỗi ngày nhàm chán bởi sự lặp đi lặp lại những tháng ngày mông lung vô vọng; nhưng đối với một ai đó, nó lại đáng quý và tươi đẹp biết bao nhiêu. Đặc biệt là với những người chỉ còn một khoảng thời gian ngắn để gắn bó với cuộc đời này, thì cuộc sống lại càng trở nên quý giá và xa vời hơn bao giờ hết. Trong “Đây thôn Vĩ Dạ”, đặc biệt là khổ 2 của bài thơ, bạn sẽ cảm nhận một cách rõ nét khát vọng sống mãnh liệt cùng nỗi niềm tiếc nuối khi không thể tiếp tục nếm trải vị ngọt đắng cuộc đời của Hàn Mặc Tử. Từ đó, hãy tự hỏi rằng liệu bạn có đang quá lãng phí thời gian - thứ mà đối với người khác chỉ là mộng tưởng?


Nếu như khổ thơ thứ nhất cho ta cảm nhận đẹp nhất về sắc màu của thiên nhiên, của cuộc sống và tâm hồn của người thi sĩ, thì khổ thơ thứ hai sẽ là những nỗi niềm rất buồn, rất bi thương hòa vào cảnh sông nước đêm trăng:

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”.


Dòng sông xứ Huế mộng mơ được xem như là linh hồn của cảnh, linh hồn của người. Tác giả đã miêu tả cảnh vật một cách rất nhẹ nhàng, rất êm ả như chính cái cách Huế vận động vô cùng chậm rãi. Gió khẽ lay, mây nhè nhẹ bay cùng những hàng hoa bắp đung đưa rất êm ả, nhẹ nhàng. Từ đó, người đọc như được đứng trước khung cảnh thanh bình lại nhuốm màu buồn của xứ Huế.


Cảnh vật sao buồn thế, có cái buồn như len lỏi, như sâu lắng, như bao trùm cả không gian mênh mông vậy? Câu thơ cứ thế như dài ra, khiến cho nỗi buồn cũng dằng dặc bao phủ mọi vật. Trong cái buồn đó, dòng sông cũng chẳng thể tránh mang tâm trạng chung khi được nhân hóa “buồn thiu”. Câu thơ được tác giả tách thành nhịp 4/3, chia “gió” với “mây” thành hai vật thể riêng biệt.


Từ “gió” và “mây” được sử dụng phép điệp ở hai vế dường như tạo nên một thế giới khép kín. Hai sự vật vốn dĩ luôn gắn liền với nhau, nay lại như chẳng hề quen biết mà tách biệt, chia lìa theo hướng riêng. Gió đóng khung trong gió, còn mây cứ mặc mà khép kín trong mây. Chính việc nhìn có vẻ rất phi lý này đã góp phần thể hiện tâm trạng bi thương, buồn đau của tác giả. Liệu cảnh vật vốn dĩ mang màu buồn như thế, hay tâm hồn thi nhân ảm đạm đến mức chẳng thể nhìn ra cảnh sắc tươi vui? Liệu mây và gió tách biệt như thế, hay việc phải chia ly và sống trong cảnh đời đầy nghịch lý khiến tác giả chẳng thể “tác thành” cho cả “gió” và “mây”?


Từ “lay” cũng như mang một nỗi buồn rất nhẹ. Đó phải chăng là sự xâm chiếm của nỗi buồn mây nước vào hồn hoa bắp bên sông. Cảnh sông Hương xứ Huế hiện lên sao trông thật buồn, gió mây đôi ngả, hoa bắp lay nhẹ, hoang vắng lại rợn ngợp như ngập tràn nỗi buồn thê lương. Từ đó, một nỗi buồn nặng trĩu như đè lấy cõi lòng thi nhân, nỗi buồn của sự cô đơn, nỗi buồn của sự mặc cảm và tiếc nuối, là nỗi buồn mang đậm chất ca dao thổi vào hồn muôn thuở của con người.

Trước nỗi buồn ngày một nặng trĩu ấy, tác giả như dần nhận ra sự lo âu, phấp phỏng đang dần chiếm lấy cõi lòng mình:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay”


Trong tâm trạng bi thương ấy, thi nhân bỗng bật lên những nỗi niềm ước ao, hy vọng. Đó phải chăng là một sự níu giữ, bám víu cuối cùng của số phận bạc bẽo? Ước mơ của người thi sĩ dường như đã gắn với trăng, với thuyền như một người bạn tri âm duy nhất đem lại nguồn sống cứu vớt chính mình. Thuyền trăng ấy mang một vẻ đẹp mà tác giả luôn mơ tưởng, dẫu cho nó thật hư ảo và khó phân định. Có thể hiểu “sông trăng” chính là hình ảnh dòng nước ngập tràn ánh trăng, thực thực ảo ảo, đẹp đến nao lòng, và “thuyền trăng” là một con thuyền vận chuyển ánh trăng về với tâm hồn thi nhân.


Trong thơ của Hàn Mặc Tử có cả một miền trăng là nơi chất chứa bao tâm sự, giải tỏa những nỗi đau mà tác giả muốn quên lãng. Từ “thuyền ai” sử dụng danh từ phiếm chỉ “ai” dường như khiến ý thơ trở nên thật mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn và phi lý trong ý thơ xét về mặt hiện thực lại giúp người ta lý giải được tâm trạng của chủ thể trữ tình.


Trăng lúc có lúc không, trăng mong manh, xa vời lại mờ ảo, cũng như người tri kỷ mờ ảo chẳng thể nắm bắt khiến cho người ta thật sự lo âu, phấp phỏng. Thi nhân chờ trăng hay chờ tri âm, chờ trăng hay chờ sự đồng điệu, chờ trăng hay chờ sự chia sẻ, chờ trăng hay chính là sự khát khao được giao cảm với đời? Tâm trạng lo âu của tác giả như được đẩy lên cao qua từ “kịp”.


Đó là sự lo âu đan xen với đợi chờ cùng nỗi niềm khao khát. Với một người bình thường, có lẽ nếu không chờ được đêm nay thì còn rất nhiều đêm khác, nhưng đối với Hàn Mặc Tử, rất có thể tối nay sẽ là tối cuối cùng thi sĩ còn cơ hội chờ đợi. Bởi vì quỹ thời gian của ông đang bị vơi dần đi, cuộc chia ly vĩnh viễn có thể đến bất kỳ lúc nào. Nếu như không về kịp tối nay, liệu có còn tối mai, liệu có được cơ hội gặp được tri âm để bầu bạn lần cuối?

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 10 Bài văn phân tích khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) (Ngữ văn 11) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy