Bài tham khảo số 6
Bức tranh của em gái tôi là một tác phẩm hay của nhà văn Tạ Duy Anh. Nổi bật trong truyện là hình ảnh nhân vật Kiều Phương.
Nhân vật Kiều Phương xuất hiện qua lời kể, nhận xét của nhân vật người anh. Kiều Phương hiện lên là một cô bé ngây thơ, hay nghịch ngợm nhưng cũng rất đáng yêu. Cô bé được đặt cho cái biệt danh “Mèo” bởi khuôn mặt lúc nào cũng bị chính cô bôi bẩn. Dù vậy, Kiều Phương vẫn vui vẻ dùng cái tên đó để xưng hô với bạn bè. Cô bé hay lục lọi các đồ vật trong nhà, tự chế màu bằng việc cạo hết đít xoong, đít chảo. Khi bị anh trai nhắc nhở thì cô bé lại “vênh mặt lên” và trả lời hồn nhiên “Mèo mà lại! Em không phá là được”. Dù nghịch ngợm, nhưng cô bé vẫn ngoan ngoãn, chăm chỉ làm những công việc nhà được phân công.
Không chỉ vậy, Kiều Phương còn rất tài năng. Cô bé có năng khiếu hội họa. Điều này được chú Tiến Lê, một người bạn của bố Kiều Phương phát hiện ra. Bằng con mắt của một người họa sĩ, khi xem những bức tranh của cô bé, chú Tiến Lê đã phải thốt lên: “ Anh chị có phúc lớn rồi. Anh có biết con gái anh là một thiên tài hội hoạ không?” . Tài năng của Kiều Phương khiến cho ba của Kiều Phương hết sức ngạc nhiên: “Con gái tôi vẽ đây ư? Chả lẽ lại đúng là nó, cái con Mèo hay lục lọi ấy!”, “Ôi, con đã cho bố một bất ngờ quá lớn”. Còn mẹ của xúc động trước lời khen ngợi của họa sĩ Tiến Lê dành cho con gái mình. Bố mẹ hào hứng mua sắm cho Kiều Phương những gì cần cho công việc vẽ. Chú Tiến Lê tặng “đồng nghiệp” hẳn một hộp màu ngoại xịn.Dù có tài năng nhưng Kiều Phương vẫn không trở nên kiêu ngạo. Cô bé vẫn giữa được vẻ hồn nhiên, ngây thơ ban đầu. Lúc nào Kiều Phương cũng thích lục lọi đồ đạc, chế màu vẽ và khuôn mặt thì lem nhem, khi bị anh trai quát thì xìu xuống, miệng dẩu ra.
Điều đáng quý nhất của nhân vật Kiều Phương là một tấm lòng trong sáng, nhân hậu. Cô bé dành cho anh trai một tình cảm thật đặc biệt. Dù anh trai luôn tỏ thái độ lạnh nhạt, hay khó chịu nhưng cô bé vẫn muốn gần gũi, vẫn yêu mến. Cô bé đã vẽ bức tranh“Anh trai tôi” bằng tất cả tấm lòng trong sáng, tình yêu mến dành cho anh trai. Bức tranh được giải Nhất và Kiều Phương muốn anh trai đi nhận giải cùng: “Em muốn cả anh cùng đi nhận giải”. Chính nhờ bức tranh, người anh cũng đã hiểu được tấm lòng của em gái, nhận ra lỗi lầm của bản thân.
Nhân vật Kiều Phương được tác giả khắc họa khá chi tiết, chủ yếu qua hành động và lời nói. Việc xuất hiện qua lời kể của người anh - một người vô cùng gắn bó, thân thiết cũng giúp cho Kiều Phương hiện lên rõ ràng, chân thực hơn. Từ đó, tác giả muốn gửi gắm bài học nhân văn sâu sắc qua nhân vật này.
Truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi là một câu chuyện cảm động về tình anh em. Nhân vật Kiều Phương được nhà văn xây dựng vô cùng chân thực, sinh động.