Bài tham khảo số 9
Văn học vốn là một bộ môn bắt buộc trong chương trình giáo dục nước nhà. Tuy nhiên lại có rất nhiều người cảm thấy ngán ngẩm với bộ môn này bởi không thể nào có thể tiếp cận và làm chủ được kiến thức của nó. Vậy làm sao để chúng ta có thể học văn một cách tốt nhất, đó là câu hỏi mà nhiều người vẫn đang đau đầu đi tìm kiếm câu trả lời.
Trước hết, tác phẩm văn học thực chất là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ được xây dựng bằng trí tưởng tượng, sự trải nghiệm và tài năng của người nghệ sĩ. Tuy nhiên không phải ai cũng “cảm” được những gì nhà văn viết, tôi cho rằng học văn cần một chút năng khiếu. Đó chính là tài năng thiên bẩm có khả năng tiếp nhận được nhiều hơn những gì người khác thấy được, có thể đồng điệu tâm hồn cùng tác giả, sau đó mới đến công việc đồng sáng tạo. Viết văn cũng cần có năng khiếu. Không phải ai cũng mang trong mình một khả năng viết ra được những gì mình cảm nhận bằng một thứ ngôn ngữ giàu sức gợi. Cho nên học văn rất cần có một chút tài lẻ thiên bẩm.
Muốn học văn một cách sâu sắc thì cần phải nắm chắc những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Những hiểu biết về tác giả, tác phẩm, những tư tưởng mấu chốt mà một tác phẩm đem lại cần phải ghi lòng tạc dạ khi học một bài học. Phải nắm kiến thức cơ bản trước đã rồi mới đến những kiến thức nâng cao và sự tìm tòi, khám phá của chính mình. Có được nền tảng cơ bản thì những sáng tạo sau này mới không bị lệch nhịp. Học kĩ những kiến thức trọng tâm của bài học mới có thể có được nền móng vững chắc cho bài viết của mình.
Tuy nhiên năng khiếu hay kiến thức cơ bản không phải quyết định sự thành công của việc làm văn. Có năng khiếu nhưng không trau dồi, không khai thác và rèn giũa thì chẳng mấy chốc mà nó cũng tan biến. Kiến thức cơ bản hầu như bất cứ người nào cũng từng được dạy qua. Học văn là phải đọc nhiều: đọc sách văn học, sách tham khảo, tài liệu, thậm chí là cả những trang báo viết. Đọc là cách khiến vốn ngôn ngữ của ta mở rộng hơn, có thể học tập được cách triển khai vấn đề, cách viết của nhiều tác giả nổi tiếng. Tuy nhiên học tập không có nghĩa là sao chép, đọc chỉ là một cách ta thu lượm kiến thức, mở mang vốn trải nghiệm văn học để bài viết trở nên đặc sắc hơn. Mỗi khi đọc một bài văn hay, một câu thơ đẹp, bạn có thể chép lại trong một cuốn sổ tay để làm tư liệu. Những mẩu thơ đó có thể sẽ trở thành những dẫn chứng độc dáo cho những bài viết sau này, khiến vốn văn học của ta càng thêm phong phú hơn.
Học văn, cần phải rèn kĩ năng viết. Cho nên khi đến với văn chương, thầy cô mới rèn cho các bạn kĩ năng làm văn và viết văn. Viết nhiều, văn chương được luyện dẻo, khi bạn viết sẽ cảm thấy như một thói quen. Viết nhiều thì tay càng dẻo, văn càng ngày càng bóng bẩy, mượt mà hơn. Bạn có thể dành ra mỗi ngày 30 phút hoặc nếu có thời gian là khoảng 1 tiếng đồng hồ để dành cho việc viết văn. Việc tập làm quen với việc viết về những vấn đề văn học không chỉ giúp bạn nắm chắc kiến thức một lần nữa, mà còn giúp cho ta viết nhanh hơn, sức viết kéo dài hơn,… Sau một thời gian, đảm bảo bạn sẽ không đến với văn chương như một nỗi sợ hãi nữa. Nhưng để làm được điều này thì cần phải chăm chỉ luyện tập. Văn không ngày một ngày hai mà hay, người không phải ngày một ngày hai mà giỏi. Chính vì vậy mà vấn đề tự học một lần nữa lại được đặt lên hàng đầu. Tự học là cách tốt nhất giúp ta tự ôn luyện được kiến thức đồng thời củng cố và bồi đắp thêm vốn kiến thức của mình.
Học văn từ xưa đến nay vốn là một công việc khá vất vả. Nhưng đừng vội quy chụp cho nó là khó khăn, tôi tin rằng nếu bản thân mỗi người kể từ hôm nay bắt đầu dành tâm huyết của mình vào việc học văn, đồng thời cần nhiều sự chăm chỉ thì văn chương rồi sẽ đến bên ta như một người bạn tâm giao mà thôi.