Bài tóm tắt tùy bút "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân số 4
Ông bạn thơ của Lí Bạch ra đi vào cái thời tiết hoa khói ấy có thấy dồn lên trong từng thớ thịt chất men xuân không thì chưa rõ, nhưng ở tác giả đoạn văn này thì ông như trộn lẫn người mình vào đám hội xuân của chuồn chuồn, bươm bướm, của nắng giòn tan trên sông, của đá ngầm xanh vọt lên mặt nước như bạc rơi thoi, của đàn hươu cúi đầu ngôn búp cỏ tranh đảm sương đêm, của sông Đà thơ mộng theo hồn Tản Đà “Dải sông Đà bọt nước lênh đênh. Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” và của cả những nương ngô mới nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa...
Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã tự coi mình là người "đi tìm cái thứ vàng của màu sắc sông núi Tây Bắc … tươi vui và vững bền". Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân chán ghét, quay lưng với xã hội. Ông tìm thú vui trong “giang hồ xê dịch” để khỏa lấp nỗi cô đơn. Ông dựng lại vẻ đẹp xưa cũ của một thời còn vang bóng để thành kính tôn thờ. Sau Cách mạng, nhà văn tài hoa ấy gắn bó với Tổ quốc, với nhân dân. Ông đi nhiều nhưng là đi để tìm hiểu khám phá, để ngợi ca.
Với tùy bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã đem tài hoa, vốn hiểu biết lịch lãm giàu có của mình để ngợi ca thứ “vàng mười” của sông nước Tây Bắc là con sông Đà “hung bạo và trữ tình”, của con người là “tay lái ra hoa” của ông lái đò sông Đà.