Bài văn cảm nhận số 8

Làm nên thời đại Đông A oanh liệt, ghi danh sử sách bởi những chiến công hào hùng – đó chính là Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, là Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng.. Lịch sử đã lùi xa bao thế kỉ nhưng đến tận ngày hôm nay, chúng ta vẫn có thể cảm nhận nguyên vẹn khí phách anh hùng của những con người thời đại nhà Trần qua các sáng tác Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão), Cảm hoài (Đặng Dung).


Trong lịch sử phong kiến, có lễ chưa khi nào Việt Nam phải đương đầu với đội quân xâm lược hung hãn như quân Nguyên - Mông. Nhưng cũng chính thời đại đó đã sản sinh ra một thế hệ những người anh hùng: từ các cụ bô lão với quyết tâm “Đánh” trong Hội nghị Diên Hồng, đến ấu nhi như Trần Quốc Toản, tay bóp nát quả cam bởi chưa được bày tỏ ý chí, hành động của mình; từ chủ tướng Trần Quốc Tuấn ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù đến các binh sĩ khắc lên mình hai chữ “sát thát” để tự nhắc mình ý chí diệc giặc thù .. Khí thế thời đại vang đội vào tâm thức Phạm Ngũ Lão, Đặng Dung, hợp lưu với dòng máu anh hùng trong họ và đan dệt thành những bài thơ huyết chiến đây khí phách. Thuật hoài và Cảm hoài là hai bài thơ đẹp và trước hết đẹp bởi đã khắc tạc trong đó hình tượng tuyệt vời của con người thời đại nhà Trần. Chưa khi nào trong thơ ca Việt Nam lại xuất hiện con người kì vĩ, lớn lao, phi thường đến thế:


Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

(Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,

Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu)


Bài thơ mở đầu và ngay tức khắc gây ấn tượng sâu đậm trong người đọc bởi tư thế hoành sóc hiên ngang, lẫm liệt, vững chãi, chủ động. Chủ thể của hành động đó tuy không xuất hiện trực tiếp nhưng còn là ai khác nêú không phải là tráng sĩ nhà Trần? Và ắt đó phải là con người có tầm vóc lớn lao, có vóc dáng hùng dũng, phi thường, át cả vũ trụ bao la. Ngay sau đó, hình tượng thơ đã nhân lên thành cả đội quân hào hùng với khí thế dũng mãnh, sẵn sàng lăn xả vào bọn giặc dữ một khi chúng ồ ạt tràn tới. Hiển nhiên, khi viết lời thơ này, cảm hứng lãng mạn trong tướng quân họ Phạm có phần đậm nét, nhưng nếu không có một hiện thực oai hùng, không có những chiến tướng, bình sĩ dũng mãnh thì hình tượng thơ khó có thể cất cánh bay bổng như thế. Trong cảm nhận của tác giả Thuật hoài, người anh hùng thời Trần không chỉ đẹp ở tầm vóc vũ trụ, phi thường mà còn đẹp bởi những khát vọng lớn lao, cao cả:


Nam nhi vị liễu công danh trái,

(Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh,)


Như nhiều trang nam tử thời phong kiến, người anh hùng trong thơ Phạm Ngũ Lão ý thức rất sâu sắc “phận làm trai” của mình. Đấng tu mi nam tử đó luôn mang trong mình suy nghĩ Làm trai đứng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông (Nguyễn Công Trứ). Thực ra, khi viết bài “tỏ lòng” này, Phạm Ngũ Lão đã trở thành vị tướng giỏi của nhà Trần, lập được rất nhiều công trạng cho triều đại nhưng rõ ràng ông chưa thỏa lòng với những gì mình đã làm được. Lời thơ mang đến chúng ta cảm nhận sâu sắc về khát vọng được cống hiến hết mình cho giang sơn, cho triều đại trong người anh hùng thời Trần.


Và khát vọng ấy chính là nguồn cơn đưa đến nỗi “thẹn” sáng ngời nhân cách:


Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

(Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.)


Tự sánh mình với đức Khổng Minh để rồi tự hổ, tự “thẹn”, tự thừa nhận mình còn kém cỏi, đó là cách người anh hùng trong bài thơ thể hiện khát vọng được hoàn thiện bản thân để phụng sự triều đại. Lí tưởng ấy đã trở thành kim chỉ nam cho rất nhiều tráng sĩ đời Trần. Nó đốt lên trong lòng người ngọn lửa của khát vọng vươn tới cái cao cả, lớn lao. Thuật hoài là nỗi lòng của một chiến tướng thời Thịnh Trần. Nỗi lòng ấy chúng ta còn gặp lại trong Cảm hoài - một sáng tác của lão tướng Đặng Dung lúc triều đại nhà Trần đã đi vào suy vong. Cảm hoài là bài thơ thể hiện cảm xúc bi tráng của vị lão anh hùng trong.tình thế vận nước nguy nan. Đó là nỗi băn khoăn không. biết phải làm sao khi công danh chưa trọn mà tuổi đã về già:

Thế sự du du nại lão hà? Vô cùng thiên địa nhập hàm ca. (Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào? Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.)


Không khó để nhận thấy rằng người anh hùng trong bài thơ của Đặng Dung “sinh bất phùng thời”, Bởi không gặp thời nên mới bối rối khi tuổi cao mà chưa vẹn được công danh với nước, với đời. Nhưng điều đáng quý là không phải bởi thế mà vị lão tướng cảm thấy tuyệt vọng. Trái tim đầy nhiệt huyết của ông vẫn đập những nhịp hùng tâm tráng trí, vẫn nuôi khát vọng cao đẹp:


Trí chủ hữu hoài phù địa trục,

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.

(Giúp chúa, những muốn xoay trục đất lại,

Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.)


Trên con đường cứu nước, tuy chưa nhìn ra lối đi, tuổi lại đã cao nhưng rõ ràng người anh hùng chưa lúc nào nguôi quên trong mình ý muốn giúp chúa khôi phục đất nước, đuối toàn bộ quân thù ra khỏi bờ cõi để kết thúc chiến tranh, không còn phải dùng đến vũ khí. Khát vọng ấy chỉ có ở bậc anh hùng bất chấp mọi hoàn cảnh vẫn thủy chung trọn vẹn với lí tưởng cao cả:


Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,

Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma.

(Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,

Bao phen mang gươm mài dưới bóng trăng.)


Hình ảnh người anh hùng tóc đã bạc, bao lần mang gươm mài dưới bóng trăng trăm đời vẫn con tưởng thấy sinh khí lẫm liệt (Phan Huy Chú). Vị lão tướng ấy mài gươm nhưng cũng chính là mài sắc ý chí, khát vọng muôn đời của con người thời đại Đông A.


Thuật hoài và Cảm hoài là hai nỗi lòng của hai cảnh ngộ nhưng cả hai sáng tác đều in dấu ấn đậm nét trong văn học trung đại Việt Nam hình tượng lông lộng của người anh hùng thời đại Đông A. Và những bức tượng đài đó đã khơi thắp trong chúng ta lòng yêu mến, cảm phục, niềm tự hào về thế hệ cha ông - những người mang gươm đi mở cõi say mê, yêng hùng. Cũng chính họ - những đấng anh hùng thời Trần - đã truyền thắp trong thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng yêu quê hương đất nước và ý chí quyết tâm bảo vệ giang sơn, Tổ quốc.


Hơn nửa thiên niên kỉ đã qua, lịch sử đã sang nhiều trang mới nhưng những trang sử cũ có khắc in tượng đài người anh hùng thời Trần sẽ còn sáng muôn đời.

Hinh minh họa
Hinh minh họa

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy