Bài văn cảm nhận số 9
Mùa thu luôn là một đề tài muôn thủa của các thi sĩ. Trong nền văn học Việt Nam từ thơ Trung đại cho đến thơ Hiện đại, từ thể thơ cổ cho đến thơ tự do, đã có rất nhiều tác phẩm hay viết về mùa thu, nhưng nhắc đến đề tài mùa thu, ta vẫn không thể không nhắc đến nhà thơ Nguyễn Khuyến. Với ông, dường như mùa thu là nguồn cảm hứng đặc biệt, chẳng vậy mà ông có cả một chùm thơ hay viết về mùa thu, trong đó nổi bật nhất là bài “Thu Điếu”, hay còn gọi “Câu cá mùa thu”.
Chùm thơ thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến gồm có ba bài thơ: “Thu vịnh”, “Thu ẩm” và “Thu điếu”. Bài thơ nào cũng hay, cũng đẹp, cũng dạt dào tình quê, cảnh quê. Tuy nhiên, như Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu từng khẳng định bài thơ “thu điếu” là “bài thơ điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Đây quả là lời nhận xét vừa chính xác, vừa tinh tế!
“Thu điếu” được viết bằng thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, giàu tính hình tượng và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu, khí thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngòi bút Nguyễn Khuyến qua bốn câu thơ đầu:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng theo gió khẽ đưa vèo.”
Với “Thu điếu” cảnh thu được đón nhận theo hướng mở rộng về không gian từ gần ra xa, từ thấp lên cao, rồi sau đó lại từ cao xa quay trở lại gần. Cụ thể là từ chiếc thuyền câu nhìn ra mặt ao rồi sau đó nhìn lên bầu trời, nhìn ra ngõ trúc rồi lại trở về với ao thu, với chiếc thuyền câu. Từ một khung ao nhỏ bé, không gian mùa thu được mở rộng ra nhiều hướng thật sinh động, gần gũi đến chân thực, nhưng vẫn không mất đi nét đẹp tinh tế.
Ở câu thơ đầu, không khí của mùa thu được gợi lên từ sự dịu nhẹ, thanh sơ của cảnh vật. Nhà thơ không bắt đầu bằng việc tả cảnh sắc mùa thu qua màu sắc như thông thường, mà ông vẽ những nét đầu cho bức tranh thu bằng những nét chấm phá mơ hồ từ không khí thu rất dịu nhẹ, pha chút lạnh se se:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”
Nước ao “trong veo” tỏa hơi thu “lạnh lẽo”. Sương khói mùa thu như bao trùm lên toàn bộ cảnh vật xung quanh. Nước ao thu trong vắt, khí thu lành lạnh lại càng tô điểm, khiến nước thu đã trong lại càng trong. Có cảm giác như chúng ta có thể nhìn thấy vài chú cá chậm rãi bơi lưng chừng trên những đám rêu xanh mướt dưới đáy ao vậy! Nước ao trong nhờ khí lạnh, khí lại càng thêm lạnh khi kết hợp với sự trong đến lặng của ao thu. Qủa là sự kết hợp tuyệt vời! Trên bề mặt của nước ao thu trong như ngọc ấy có thấp thoáng hình ảnh một chiếc thuyền câu bé nhỏ:
“Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Chỉ có duy nhất một chiếc thuyền, không những bé mà lại còn là “bé tẻo teo”. Cái ao và chiếc thuyền chính là hình ảnh trung tâm của bài thơ, nhưng cũng chính là hình ảnh bình dị, dân dã nhất nơi thôn quê. Tác giả không hề đặc tả độ rộng của ao thu, thậm chí khi đọc câu thơ đầu, người đọc có thể liên tưởng rằng ao thu ở đây rất nhỏ, vì theo như nhà thơ từng nhắc tới, vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam quê nhà có cơ man nào là ao, vì nhiều ao nên ao nhỏ, ao nhỏ thì theo đó mà thuyền câu cũng “bé tẻo teo”. Nhưng đọc câu thơ thứ hai, đột nhiên ta có cảm giác ao thu như rộng hơn lên, chính cái nhỏ bé đến “tẻo teo” của thuyền câu lại càng làm cho ao thu nhỏ bé trở nên mênh mông biết mấy. Hai câu thơ đầu với các từ ngữ “lạnh lẽo”, “trong veo”, “bé tẻo teo” khắc họa đường nét, dáng hình, màu sắc của cảnh vật, của nước mùa thu một cách tinh tế. Cách gieo vần “eo” trong miêu tả không chỉ làm tăng mức độ thanh lặng, quạnh vắng của cảnh vật, mà còn tạo nên nhịp thơ âm vang như thể tiếng thu, như thể hồn thu vọng về.
Nếu như hai câu thơ đầu là những nét chấm phá phác họa bức tranh mùa thu thì đến hai câu thơ sau, nhà thơ tiếp tục dùng ngòi bút tài ba, vẽ lên một bức tranh thủy mặc đẹp đến thanh bình:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng theo gió khẽ đưa vèo”
Màu “biếc” của sóng nước hòa hợp với màu “vàng” của lá đã khắc lên bức tranh quê đơn sơ đấy mà không kém phần lộng lẫy. Nghệ thuật đối trong phần thực quả thực rất điêu luyện, “lá vàng” đối với “sóng biếc”; tốc độ “vèo” của lá bay tướng ứng với mức độ “tí” của sóng gợn. Ở hai câu đề, chúng ta đã thấy được độ trong của nước, nhưng đến đây, ta nhận ra nước thu không những trong mà còn rất xanh, xanh trong đến độ “biếc” như thể ánh lên màu lấp lánh như ngọc vậy!. Gió thu trong thơ Nguyễn Khuyến cũng rất độc đáo, không phải nhè nhẹ thổi theo khí se lạnh mà lại đủ mạnh để cuốn lá “đưa vèo”. Tưởng chừng như nghịch lý nhưng lại rất hợp lý với cảnh sắc đang được miêu tả ở phần trên.
Hai câu luận tiếp tục mở rộng không gian mùa thu qua miêu tả của nhà thơ. Bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời nhuộm màu “xanh ngắt” với những tầng mây “lơ lửng” trôi theo chiều gió nhẹ:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Dường như trời thu trong thơ của Nguyễn Khuyến luôn có màu xanh, mà còn là một màu “xanh ngắt”:
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” trong “Thu Vịnh”
hay “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” trong “Thu ẩm”.
Màu “xanh ngắt” là không chỉ có sắc xanh mà còn có cả chiều sâu, đối với trời thu, xanh ngắt là không chỉ xanh mà còn trong, tạo cảm giác bầu trời trở nên cao và rộng. Trời thu xanh ngắt, bao la một màu thăm thẳm gợi ra cái sâu, cái lặng của không gian,cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá trên chiếc thuyền “ bé tẻo teo”. Thế rồi ông lão ấy lơ đãng nhìn ra bốn phía làng quê, đột nhiên nhận ra không chỉ bầu trời trên cao hay mặt nước bên dưới, thậm chí ngay cả không gian xung quanh cũng trở nên vắng lặng, vắng lặng đến yên bình, thậm chí đến cô đơn. Cô đơn khi thấy xung quanh không một bóng người, xóm thôn vắng lặng, con đường nhỏ phía trước chỉ có mấy khóm trúc khẽ đưa trong gió nhẹ, ngõ vắng quanh co lại càng thêm im lìm. Cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá như đang chìm trong giấc mộng tĩnh lặng của mùa thu, tất cả cảnh vật đều tạo nên cảm giác bâng khuâng, man mác nhưng không vì vậy mà trở nên xa lạ, ngược lại rất thanh bình, gần gũi đúng chất làng quê Việt Nam.
Khung cảnh ấy càng trở nên thôn dã, giản dị khi xuất hiện rõ nét hình ảnh cả một người ngồi trên thuyền câu cá ở hai câu kết:
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Tư thế “tựa gối ôm cần” xuất hiện trong thơ Nguyễn Khuyến là một hình ảnh đẹp, đẹp đến bình dị. Phải chăng đó là tâm thế nhàn của một thi sĩ đã thoát khỏi vòng danh lợi.? Hình ảnh con người xuất hiện trực tiếp với tư thế bó gối càng tô điểm cho bức tranh thu thêm sinh động.Tuy nhiên, nhà thơ ngồi câu cá đấy mà lại chẳng chú tâm đến việc câu, chẳng vậy mà lại bị giật mình trước tiếng “cá đớp động dưới chân bèo”. Phải chăng nhà thơ còn mải thả hồn thi sĩ nhìn ngắm trời xanh, còn ngắm làn nước hơi gợn tí, đưa mắt nhìn lá vàng trước gió khẽ đưa vèo, rồi lại bất chợt vu vơ buồn trước ngõ trúc vặng lạnh quanh co nên mới bị giật mình trước thanh âm nhỏ bé ấy? Không gian hẳn phải yên tĩnh lắm, tâm hồn hẳn phải trong trẻo, lắng đọng lắm mới có thể nghe, có thể cảm thứ âm thanh như vậy! Tuy nhiên, dù có xuất hiện âm thanh nhưng không gian mùa thu vẫn hoàn toàn yên tĩnh, vì quá tĩnh nên mới nghe thấy thứ âm thanh mỏng và nhẹ như vậy, nghe được cả tiếng lá rơi, tiếng cá động mà vẫn thấy tĩnh, đó mới chính là cái tài trong nghệ thuật lấy động tả tĩnh của hồn thơ quê Nguyễn Khuyến.
Đến cả sự bất ngờ trước âm thanh cá đớp động chân bèo của Nguyễn Khuyến cũng rất lạ, rất hay. Hay ở chỗ nhà thơ sử dụng từ “cá đâu”. “Cá đâu” là cách hỏi vừa tạo nên sự mơ hồ trong không gian vừa gợi ra sự ngỡ ngàng của lòng người. Nhà thơ dường như nhất thời mất đi cảm nhận về không gian thực tại mà chìm đắm trong không gian suy tưởng nên không thể lập tức xác định được hướng gây ra tiếng động mặc dù đang ở trong một chiếc ao rất nhỏ. Vì sao ư? Vì nhà thơ câu cá mà không phải để bắt cá! Câu cá chỉ là cái cớ để tìm sự tư thái trong tâm hồn, để tĩnh tâm, để thu hút hết hương sắc mùa thu vào trái tim nhạy cảm của người thi sĩ. Vậy mới nói bài thơ không phải kể chuyện câu cá vào mùa thu mà chính là mượn việc câu cá để tả trời thu, để khen ngợi trời thu.
Trước Nguyễn Khuyến có rất nhiều thi sĩ viết về mùa thu,sau Nguyễn Khuyến thơ hay viết về mùa thu cũng không phải là không có, tuy nhiên, “Thu Điếu” vẫn luôn mang trong mình một sắc thu riêng, không lẫn lộn. Cảnh thu trong bài thơ là cảnh đẹp nhưng tĩnh lặng và buồn, không gian vắng lặng nhưng không tạo cảm giác cô độc, sầu não. Ngược lại, còn nhờ đó mà mở ra một bức tranh sống động tuyệt đẹp về làng quê cổ Việt Nam, rất gần gũi, rất thanh bình.