Bài văn cảm nhận về đoạn trích "Con chó bấc" số 7
Giắc Lân-đơn (1876 – 1916) là nhà văn Mĩ, tên thật là Giôn Gri-phit Lân-đơn, sinh ở bang San Phran-xi-xcô. Ông trải qua thời kỳ thơ ấu rất vất vả, từng phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Lân-đơn bắt đầu sự nghiệp sáng tác bằng những truyện ngắn đăng trên một tờ báo của sinh viên. Thời kì phát triển cao nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông là vào đầu thế kỉ XX. Đoạn trích “Con chó Bấc” trích trong cuốn tiểu thuyết “Tiếng gọi nơi hoang dã” kể về Bấc, một con chó bị bắt cóc đưa lên vùng Bắc cực để kéo xe trượt tuyết cho những người đi tìm vàng. Bấc đã qua tay nhiều ông chủ độc ác. Chỉ riêng Giôn Thoóc-tơn là người đã có lòng nhân từ đối với nó. Sau khi Thoóc-tơn chết, nó rời bỏ con người, đi theo tiếng gọi nơi hoang dã và trở thành một con chó hoang. Đoạn trích đã thể hiện được một cách chân thực tình cảm của Thoóc-tơn dành cho Bấc và tình cảm của Bấc dành cho ông chủ của mình.
Tình cảm của Thoóc-tơn với con chó Bấc là tình cảm yêu thương đặc biệt. Trong suy nghĩ cả anh, Bấc không phải là một con chó mà là con người, là đồng loại, là bạn bè, là đứa con thân yêu. Thoóc-tơn không chỉ cứu sống nó mà đối với nó còn là một người cha bởi chỉ có thể là một người cha mới có khả năng chăm sóc “con cái” của mình như vậy, chăm sóc chu đáo, tận tình và không còn giới hạn của sự thương yêu. Ấy là chưa nói cái cách chăm sóc của Thoóc-tơn không giống bất kỳ ai và hơn bất kỳ ai, hơn những cậu con trai của ông Thẩm, hơn những đứa cháu nhỏ của ông Thẩm đã đành, còn hơn cả cách đối xử “trịnh trọng và đường hoàng” của chính ông Thẩm nữa. Anh chào hỏi thân mật, nói lời vui vẻ, trò chuyện tầm phào, làm cho cả hai đều thích thú. Còn thích thú hơn nữa, ấy là cử chỉ thân ái của anh “túm chặt lấy đầu Bấc rồi dựa đầu anh vào đầu nó”, đẩy tới đẩy lui. Trong những phút cao hứng này, Bấc còn nghe những tiếng rủa rủ rỉ từ miệng anh khe khẽ thốt lên mà nó cho là “những lời nói nựng âu yếm”. Tình cảm của Thoóc-tơn dành cho Bấc thể hiện rõ nhất ở câu nói: “Trời đất ! Đằng ấy hầu như biết nói đấy !”. Đó là một đứa trẻ đang học nói, đang muốn nói bằng một thứ ngôn ngữ riêng mà con người vẫn có khả năng hiểu được. Tất cả từ tấm lòng của Thoóc-tơn với con vật của mình. Tình yêu ấy, qua cảm nghĩ của Bấc được miêu tả bằng biện pháp song hành: lúc thì cử chỉ, khi thì lời nói, mở ra nhiều bình diện và nâng cấp, mỗi lúc một trìu mến, thương yêu lại tăng lên một bậc, tình nghĩa của Thoóc-tơn thật dồi dào không còn gì là giới hạn nữa.
Trước tình cảm chân thành và đặc biệt của Thoóc-tơn, Bấc đã thực sự bị cảm hóa và ‘chinh phục”. Chó vốn là một loài vật không còn xa lạ gì với con người. Có lẽ vì thế mà nhà văn đã có những miêu tả của Xơ-kít, Ních và Bấc rất chân thực. Con chó thường nằm phục dưới chân chủ hàng giờ, mắt háo hức, tỉnh táo, ngước nhìn chủ hàng giờ hoặc có khi nằm ra xa hơn về một bên phía đằng sau để quan sát từng động tác của chủ. Bấc có tình cảm đặc biệt dành cho Thoóc-tơn tương ứng với những gì nó nhận được. Khi gặp được Thoóc-tơn, nó mới lạ lùng và choáng ngợp trước một cái gì lớn lao chợt đến. Ấy là tình thương yêu. Bấc thường “há miệng ra cắn lấy bàn tay Thoóc-tơn rồi ép răng xuống mạnh đến nỗi vết răng hằn vào da thịt một lúc lâu”. Bởi nó hiểu cử chỉ cắn vờ ấy là “cử chỉ vuốt ve”. Tuy vậy, Bấc cũng là một con vật có bản lĩnh, nó biết tiết chế sự “vuốt ve”. Ở điểm này nó khác hẳn với cô ả Xơ-kít có thói quen “thọc cái mũi của nó vào dưới bàn tay” của chủ cho đến khi được vỗ vé, cũng khác với con Ních “thường chồm lên tỳ cái đầu to tướng của cu cậu lên đầu gối Thoóc-tơn”. Không táo tợn mà lặng lẽ, thâm trầm “xem xét” và theo dõi “từng biểu hiện thoáng qua, mọi cử động hoặc đổi thay trên nét mặt” Thoóc-tơn không phải để ngờ vực hay xét đoán vu vơ mà bằng niềm sung sướng thầm thì với đôi mắt “háo hức, tỉnh táo, ngước nhìn lên” thật là mãn nguyện. Chỉ có điều, hạnh phúc đến với nó vì quá to lớn nên rất đỗi mong manh. Nó sợ đến một lúc nào đó, một ngày nào đó, giấc mơ đẹp đẽ kia chỉ còn là ảo ảnh, sẽ biến mất, sẽ tuột khỏi tầm tay. Đêm đêm, trong nỗi lo sợ mơ hồ, Bấc thường đang ngủ vùng dậy “trườn qua giá lạnh đến tận mép lều, đứng đấy, lắng nghe tiếng thở đều đều của chủ”. Chỉ có tiếng thở bình yên của chủ mới có thể làm cho thần kinh hoảng loạn của Bấc trở về với trạng thái thăng bằng.
Đoạn trích vừa phản ánh trí tưởng tượng tuyệt vời của nhà văn, vừa nói lên tình yêu thương loài vật của ông. Điều mà ông muốn nhắn gửi tới chúng ta là hãy hết lòng thương yêu loài vật, nhất là những loài vật có nghĩa, có tình.