Bài văn cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong bài thơ "Con cò" số 10
Chế Lan Viên là đại biểu xuất sắc của nền thơ hiện đại Việt Nam. Đọc thơ ông người đọc có thể rút ra từ đó những triết lý sâu sắc về tình yêu, cuộc sống con người. Thơ Chế Lan Viên hấp dẫn người đọc không ở sự lấp lánh từ ngữ mà ở chiều sâu những suy ngẫm đầy nhân bản. Mỗi hình tượng thơ ông là một biểu tượng của những tầng lớp ý nghĩa hàm ẩn khác nhau. Con cò là một bài thơ như thế. Từ hình tượng con cò nhà thơ đã đi đến những khát quát sâu sắc về tình yêu thương của mẹ trong cuộc đời mỗi con người: Mẹ là tâm hồn quê hương, mẹ là bàn tay chở che ấp ủ, là điểm tựa nâng đỡ con người.
Hình tượng người mẹ trong bài thơ được nhà thơ miêu tả gắn liền với từng đoạn đời của mỗi con người. Ở đoạn đời đầu tiên khi con còn ẵm ngửa, tình mẹ gửi trong từng câu hát ru quen thuộc. Trong câu hát có hình ảnh quê hương, có hình ảnh những cuộc đời lam lũ, tảo tần một nắng hai sương nuôi con khôn lớn. Thấm đẫm trong lời hát là những xúc cảm yêu thương trào dâng trong trái tim của mẹ:
Cò một mình cò phải kiếm lấy ăn
Con có mẹ con chơi rồi lại ngủ
Và:
Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng.
Những xúc cảm yêu thương ấy làm nên chiều sâu của lời ru, mang đến cho con giấc ngủ yên bình. Vì thế, cho dù không hiểu, cho dù là cảm nhận vô thức nhưng trái tim bé nhỏ của con đã được hiểu thế nào là tình mẹ: “Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân”. Lời ru mang tâm hông quê hương ấy trở thành người bạn tuổi ấu thơ, thành tâm hồn của con lúc trưởng thành. Cánh cò và tình mẹ đã đi vào tâm hòn con như thế. Và sẽ theo con đến suốt cuộc đời. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên:
Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.
Dưới hình thức thơ tự do, nhà thơ đã dựng lên cả một bầu trời yêu thương bao la mà đặc điểm của nó là không gian và thời gian không giới hạn. Lên rừng – xuống biển – hai chiều không gian gợi nên ấn tượng về những khó khăn của cuộc đời; “gần” – “xa, khoảng cách địa lý diệu vợi cũng là một trở ngại có thể cản ngăn tình cảm nhưng chẳng thể nào là những cản trở đối với tình yêu thương mà mẹ dành cho con. Tình yêu thương của mẹ “luôn”, “vẫn”, “sẽ”, “mãi” bên con cho dù có thể một ngày nào đó mẹ không còn có mặt trên đời. Tấm lòng người mẹ muôn đời vẫn vật. Vượt ra ngoài mọi khoảng cách và giới hạn, không chịu khuôn mình trong không gian và thời gian. Đó là quy luật mà nhà thơ đã trình bày và khát quát trong suốt cả bài thơ. Nguyễn Duy cũng đã từng khái quát về tình yêu ấy trong những câu thơ đầy triết lý:
Ta đi trọn một kiếp người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
Bài thơ khép lại trong những câu thơ đúc kết về sự gắn bó máu thịt giữa cuộc đời mỗi con người và tình yêu thương của mẹ. Cuộc đời mỗi con người sẽ chẳng thể nào thiếu đi phần tình cảm thiêng liêng nhất ấy bởi đó còn là tình quê hương là nguồn cội là bến bờ che chở nâng đỡ mỗi con người.
Bằng con đường của sự suy tưởng, Chế Lan Viên đã dựng lên về hình tượng người mẹ Việt Nam bằng tình yêu thương “vượt ra ngoài mọi bờ cõi và giới hạn, gắn với từng chặng đời, theo từng bước con đi. Mỗi người Việt Nam trưởng thành hôm nay đều bắt đầu từ đó. Trong văn học và trong tâm thức mỗi người, mẹ luôn và bao giờ cũng là hình ảnh đẹp đẽ nhất, rức rỡ nhất. Với người này là sự chăm sóc, nâng niu “Cơm con ăn tay mẹ nấu, nước con uống tay mẹ đun”. Với người khác là chữ vấp ngã cuộc đời được bàn tay mẹ chở che bao bọc “ba mẹ là lá chắn che chở suốt đời con”. Tất cả để khẳng định một điều con người lớn lên không thể thiếu được tình yêu thương của mẹ. Bài thơ “Con cò” đã được nhà thơ khái quát từ tất cả những tình cảm ấy. Bài thơ là lời ngợi ca tình yêu sâu sắc bao la của mỗi người mẹ trong cuộc đời này.
Bài thơ ra đời cách chúng ta đã bốn mươi năm nhưng những triết lý về cuộc đời và tình yêu của mỗi con người vẫn chưa và không bao giờ cũ bởi vì chẳng có điều gì trên thế gian có thể vĩnh cửu bằng tình mẹ với con. Người mẹ chính là tượng đài bất tử của mỗi một con người.