Bài văn giải thích câu tục ngữ "Tấc đất, tấc vàng" số 6
Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp lâu đời. Chính vì vậy, từ xa xưa, ông cha ta đã luôn coi trọng đất đai. Điều đó được thể hiện qua câu tục ngữ: “Tấc đất, tấc vàng”.
Đầu tiên về nghĩa đen, thì “tấc” là một đơn vị đo lường của nhân dân ta trước kia. “Đất” hiểu đơn giản là chất rắn làm thành lớp trên cùng của bề mặt Trái Đất, tạo thành khoảng không gian có thể dùng để con người sinh sống hoặc sản xuất. Còn “vàng” chính một kim loại quý giá, có giá trị cao. Người ta thường nói rằng “vàng” thì không bao giờ mất giá. Việc so sánh giữa “tấc đất” với “tấc vàng” nhằm khẳng định sự quý giá của “đất”, cũng giống như “vàng”. Về nghĩa bóng, câu tục ngữ muốn gửi khuyên con cháu đời sau rằng đất đai rất quý giá.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải biết quý trọng và phải biết tận dụng đất đai, sử dụng sao cho đúng cách để đạt được hiệu quả tốt mà không gây hại tới đất đai.Quả thật, đây là một câu tục ngữ vô cùng đúng đắn, nhất là đối với một đất nước thiên về phát triển nông nghiệp như Việt Nam. Từ xưa đến nay, đất đai chín là tài nguyên quý giá giúp người nông dân có thể nơi cấy cày, trồng trọt để sản xuất ra lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Không chỉ vậy, đất đai còn là nơi con người xây dựng nhà cửa để sinh sống. Đôi khi mảnh đất không chỉ đơn thuần là nơi để sinh sống, sản xuất. Mà nó còn thể hiện tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước. Đất đai là của cải, đem đến sự giàu có, trù phú và đất cũng là niềm yêu thương, hạnh phúc mộc mạc thân thương nhất của chúng ta.
Trong di chúc, vua Trần Nhân Tông từng nhắc nhở con cháu đời sau: “ Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Đất đai cũng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với một quốc gia. Nó thể hiện chủ quyền lãnh thổ, lòng tự tôn của dân tộc. Lịch sử dân tộc ta đã trải qua biết bao nhiêu năm tháng đấu tranh, biết bao nhiêu con người đã ngã xuống để giữ gìn nguyên vẹn mảnh đất của dân tộc. Thế mới thấy đất đai có ý nghĩa đến nhường nào.
Vậy nên con người cận tận dụng hết giá trị của đất đai, chúng ta hãy ý thức sáng tạo để trồng trọt, làm giàu trên mảnh đất của minh. Từ đồng bằng Bắc Bộ đất chật người đông đến những đồng quê Nam Bộ rộng mênh mông, đâu đâu cũng thấy dấu ấn con người bầu bạn cùng đất đai để có những vựa lúa cho đất nước. Đó là khởi nguồn của ấm no và hạnh phúc. Để khai thác tiềm năng đất đai, ngày nay, người Việt Nam ta còn ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật tiến bộ vào nông nghiệp, để có thể bảo vệ sự màu mỡ của đất, mà cũng có thể thu hoạch được nhiều thành quả.
Câu tục ngữ “Tấc đất, tấc vàng” đã đem lại bài học quý giá về giá trị của đất đai đối với cuộc sống của con người. Từ đó, nó nhắc nhở mỗi người có ý thức bảo vệ giá trị đó.