Bài văn kể về kỉ niệm tình cảm người thân trong gia đình số 4
Đêm đã về khuya. Cảnh vật im lìm xung quanh khiến tôi bỗng cảm thấy nhớ nhà đến lạ. Sống xa nhà đã một năm nay, vì thế mà mỗi khi nhớ về gia đình, trong tôi lại trào dâng một nỗi nhớ da diết. Gia đình nhỏ của tôi có rất nhiều kỉ niệm bên nhau, nhưng tôi nhớ nhất, là mùa hè năm trước, khi nhà tôi gặp một biến cố.
Gia đình tôi vốn ít làm quen với bệnh viện và thuốc men. Ai cũng nghĩ rằng bản thân có một sức khỏe phi thường cho nên chẳng bao giờ có bệnh tật gì hết. Nhưng đúng là chẳng ai có thể thắng nổi tuổi tác và thời gian. Mẹ tôi cũng không còn trẻ nữa, công việc căng thẳng khiến bà trở nên yếu hơn, tới bệnh viện, bác sĩ nói mẹ tôi bị sỏi mật, chùm sỏi đã lớn lắm rồi, cần làm phẫu thuật cắt bỏ túi mật ngay. Những cơn đau bụng kéo dài khiến mẹ tôi cảm thấy mệt mỏi và đau đớn. Bố tôi quyết định đưa mẹ vào bệnh viện để làm phẫu thuật, tiến hành cắt bỏ túi mật như lời bác sĩ đã dặn dò.
Mẹ tôi luôn là người quán xuyến hết mọi việc gia đình. Từ ngày mẹ tôi vào viện, công việc nhà lại dồn cả vào tôi. Thế là tôi phải là người thanh mẹ quán xuyến hết việc nhà, cũng bởi từ bé tôi chưa quen nhiều việc, nên ban đầu tôi cảm thấy rất lúng túng. Con bé tôi của mùa hè năm trước còn vụng về hậu đậu, tôi loay hoay một mình mà cũng chẳng biết cầu cứu sự trợ giúp của ai. Trải qua những ngày tháng như thế tôi mới hiểu các bà, các mẹ đã vất vả như nào để có thể giữ gìn cho tổ ấm của mình luôn gọn gàng, ấm cúng. Hết dọn việc nhà, tôi còn phải nấu cháo, đưa bố mang vào viện cho mẹ. Nhiều lúc tôi chỉ muốn òa khóc lên vì mọi việc cứ dồn dập lên đầu, mẹ nhập viện, tôi phải ở nhà một mình, còn bao nhiêu việc trên đời lại đổ dồn hết vào tôi. Ở bệnh viện, mẹ tôi vẫn thường gọi điện cho tôi hỏi han, dặn dò. Tôi chỉ biết cố nhịn khóc để mẹ khỏi lo, rồi lại lặng lẽ khóc một mình.
Ngày mẹ phẫu thuật đã tới. Nhìn mẹ được đưa vào phòng mổ mà tim tôi thắt lại. Từ trước đến giờ chưa bao giờ tôi nhìn thấy mẹ phải nhập viện, nếu có người đi bệnh viện thì đó chính là tôi. Từ trước đến nay tôi luôn là người được chở che chăm sóc. Tôi đã quên rằng, bố mẹ tôi không còn trẻ, và người cần chăm sóc sức khỏe nhất, chính là bố mẹ của tôi.
Ca phẫu thuật thành công, mẹ tôi được đẩy vào phòng hồi sức. Ngồi trên băng ghế dài của bệnh viện, tôi không được gặp mẹ, lại càng lo lắng thêm bội phần. Mẹ đã vào viện điều trị được 2 tuần, chỉ có 2 tuần thôi mà sao tôi thấy thời gian trôi qua lâu đến thế. Nhà cửa, vườn tược vắng bóng người, sự lo lắng quây quanh tôi khiến lòng tôi bất an vô cùng. Liệu mẹ đã tỉnh chưa nhỉ? Liệu bao lâu nữa mẹ mới được xuất viện? Những câu hỏi dồn dập khiến tôi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi khi ngồi chờ mẹ ở hành lang.
Mấy ngày sau, mẹ tôi được xuất viện. Vết mổ vẫn còn đau, mẹ tôi cũng không dám đi lại như người bình thường. Bố tôi lại trở về đi làm sau những ngày xin nghỉ phép để chăm sóc cho mẹ tôi. Tôi ở nhà, nấu cháo cho mẹ, dọn dẹp nhà cửa, cho gà vịt ăn. Tôi bưng một bát cháo đầy lên cho mẹ, mẹ ăn mà tôi thấy hình như mắt mẹ ươn ướt.
- Mẹ, sao mẹ lại khóc?
- Con gái của mẹ lớn thật rồi đấy nhỉ?
Tôi chợt sững sờ. Thì ra, khoảng thời gian mà mẹ nhập viện, tôi đã lớn hơn nhiều lắm. Không còn là cô nhóc thích làm nũng mẹ ngày xưa nữa, cũng không còn trẻ con hay lười biếng như xưa. Tôi đã trở thành người biết suy nghĩ hơn, biết cáng đáng mọi việc hơn, và cũng trở nên trưởng thành hơn nữa. Mẹ ốm, tôi đã biết chăm sóc mẹ như ngày xưa mẹ đã từng chăm sóc cho tôi. Lòng tôi chợt cảm thấy vui. Từ nay, tôi sẽ quan tâm và chăm sóc cho bố mẹ nhiều hơn nữa vì bố mẹ tôi cũng không còn trẻ nữa rồi. Đứa con như tôi, đã từng nhận được rất nhiều tình yêu và sự chăm sóc của bố mẹ, đến nay khi đã lớn khôn, bổn phận còn lại là phải phụng dưỡng cha mẹ cho thật tốt.
Một năm đã trôi qua. Tôi rời gia đình đi theo học ở ngoài tỉnh. Mỗi lần nhớ nhà, nhớ bố mẹ, tôi lại nghĩ đến kỉ niệm thuở nào mà tự nở một nụ cười. Trong hoạn nạn, khó khăn, mới thấy tình cảm gia đình quý giá biết nhường nào. Và chỉ khi có gian nan thử thách, con người ta mới thấy được giá trị của tình yêu mà cố gắng giữ gìn.