Bài văn nghị luận về mạng xã hội số 3

Nhắc tới những căn bệnh thế kỉ, những căn bệnh là mối nguy hại cho cả thế giới, bạn sẽ nghĩ tới bệnh gì? Ung thư? Ebola? Cúm Tây Ban Nha hay là AIDS? Những căn bệnh gợi đến sự đau đớn về thể xác, sự tàn phá cơ thể. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng sự tàn phá về tâm hồn, sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động mới là căn bệnh đáng sợ nhất? Nghiện facebook là một trong những căn bệnh như thế – một căn bệnh không gây đau đớn thể xác nhưng nó lại mang đến vô vàn nguy hại, là một sự báo động lớn cho xã hội hôm nay.


Chúng ta ai cũng đều biết, khoa học công nghệ với sự phát triển chóng mặt đã kéo theo sự ra đời của các trang mạng xã hội. Nói đến chúng, ta không thể không nhắc đến Facebook - một cái tên chẳng còn xa lạ với tất cả mọi người. Facebook là một trang mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải những thông tin cá nhân, kết bạn, giao lưu, tương tác với mọi người. Chẳng cần bàn cãi hay bình luận gì thêm, chúng ta đều không thể phủ nhận được những lợi ích và vai trò to lớn mà Facebook mang lại.


Còn gì kì diệu hơn khi mà nhờ nó, hai con người ở hai vùng miền khác nhau, xa cách về địa lí, không gian, vậy mà lại có thể quen nhau, kết bạn với nhau trong sự tương hợp về sở thích, mục tiêu chỉ bằng một chiếc điện thoại có kết nối Internet. Thú vị gì hơn khi mọi tin tức về giới showbis, thần tượng, bạn bè, người thân đều được chúng ta cập nhật từng phút, từng giây?


Bao nhiêu lợi ích không nhỏ của Facebook đã đủ trở thành chiếc nam châm thu hút mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Càng dùng Facebook, càng có nhiều bạn, càng có nhiều điều hấp dẫn, thú vị mời gọi. Mải mê theo những cảm xúc ảo, ít ai nhận ra Facebook như là một con dao hai lưỡi mà những mặt trái của nó đang dần bộc lộ. Và một trong số đó là căn bệnh nghiện Facebook đã và đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ.


Nghiện Facebook, đó là một căn bệnh mà người dùng quá phụ thuộc vào trang mạng này. Chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính hay cầm trên tay chếc điện thoại là y như rằng như một thói quen, một phản xạ tự nhiên: truy cập vào Facebook theo dõi bạn bè, để comment, like, share,…Rảnh rỗi là vào Facebook, buồn lên Facebook tâm sự, vui cũng vào face để cha sẻ niềm vui.


Suốt ngày online, vì thế khi không thể truy cập, người nghiện Facebook luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu, trống trải như thiêu thiếu một điều gì, nặng hơn là không thể chịu đựng được và, bằng mọi cách có thể thỏa mãn nhu cầu “lướt face” của mình.


Lật ngược lại thời gian, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử phát triển của trang mạng xã hội này. Năm 2004 là năm đánh dấu sự xuất hiện của Facebook. Vậy mà chỉ tính đến năm 2013, mỗi ngày đã có khoảng 618 triệu người hoạt động trên facebook, hơn 30 tỷ tin tức khác nhau được chia sẻ và hàng trăm triệu hình ảnh được đăng tải. Trong một khoảng thời gian không quá dài, Facebook đã có bước nhảy vọt đáng kinh ngạc, trở nên quá thông dụng và sự lan tỏa của nó nhanh chóng tới mức khó kiểm soát được.


Theo đó, số lượng người nghiện Facebook cũng tăng lên đến chóng mặt. Mải giao lưu, kết bạn, đến khi giật mình nhìn lại, chúng ta mới nhận ra lo ngại về hiện tượng nghiện Facebook đang tràn lan phổ biến với những tác hại không hề nhỏ. Trước hết, người nghiện Facebook đang tiêu tốn một phần lớn thời gian của mình vào việc online Facebook: rảnh rỗi lên face, khi làm việc trên máy tính cũng tranh thủ lướt Facebook. Vừa ăn vừa Facebook, đến cả thời gian ngủ cũng được cắt giảm cho Facebook.


Với học sinh, sinh viên, việc quá nghiện Facebook vì thế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình học tập. Thời gian đâu để học nữa khi mà những tin tức, những status của bạn bè còn đang mời gọi hấp dẫn? Còn đâu để học nữa khi mà online chát chít Facebook thì không chán nhưng cứ đụng vào sách vở là buồn ngủ, chán trường? Học tập đi xuống, các bạn ấy đang bỏ quên những giấc mơ, bỏ quên cả tương lai của mình vào màn hình Facebook.


Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, vậy thử hỏi đất nước ấy sẽ đi đến đâu khi mà các bạn còn đang mải chơi face quên nhiệm vụ? Đó thực sự là một thực trạng đáng báo động không chỉ với Việt Nam mà còn với tất cả các nước khác trên thế giới. Không chỉ thế, việc nghiện Facebook còn khiến cho cuộc sống của người dùng bị đảo lộn. Các hoạt động vui chơi ngoài trời cùng bạn bè, thể dục thể thao được thay thế bằng việc lên Facebook.


Bị thu hút vào cái màn hình màu xanh hấp dẫn với những hình ảnh kia thì liệu còn thời gian đâu mà ăn uống hợp lí, thời gian cho bạn bè, cho người thân? Họ sẽ đắm chìm trong thế giới ảo mà quên đi hiện tại. Thế có nghĩa là, họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình.


Cùng với đó, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử cũng dần bị mất đi. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà một người nghiện Facebook có thể chém gió thỏa thích không chán với bạn bè khắp nơi nhưng lại khó có thể giao tiếp trực tiếp với mọi người. Cứ thế, họ trở thành “anh hùng bàn phím” và dần sống ảo với những tình cảm không thực tế.


Đâu dừng lại ở đó, người nghiện Facebook còn tạo ra những ảnh hưởng không tốt cho mắt của mình. Mắt lúc nào cũng dán vào điên thoại, máy tính để online sẽ dẫn đến tình trạng khô mắt và những bệnh nguy hiểm khác về mắt. Nhưng nguy hiểm hơn thế, một loạt những căn bệnh về thần kinh cũng được kéo theo: lo âu, trầm cảm, tinh thần không ổn định. Bởi lẽ, người nghiện Facebook thường không có thời gian tương tác với thế giới thực. Vì thế, họ sẽ dễ rơi vào sợ hãi khi phải tiếp xúc với thế giới xung quanh, lâu dần sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt về sức khỏe.


Và chúng ta cũng không còn lạ gì nữa hình ảnh những bậc phụ huynh lo lắng đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý khi đang trong tình trạng trầm cảm nặng nề vì nghiện Facebook. Chính cuộc sống quá gắn bó với Facebook khiến người ta trở nên chán ghét cuộc sống thực tại, thu mình trong thế giới ảo. Quá phụ thuộc vào nó nên khi thiếu, họ chán nản, họ trống rỗng, rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi của bản thân.


Thật đáng sợ trước một căn bệnh đang làm bào mòn lối sống, bào mòn thói quen của không ít người trong xã hội. Một hậu quả cũng không hề nhỏ với việc nghiện Facebook, đó là bị lợi dụng. Do quá nghiện Facebook, vì thế, họ thường xuyên đăng tải những thông tin cá nhân, cập nhật trạng thái, hình ảnh của mình. Có người chỉ trong ít phút mà bao nhiêu tâm trạng được đưa lên, bao nhiêu hình ảnh check- in.


Họ đâu biết Facebook là một xã hội thu nhỏ, ở đó có thể có nhiều người tốt nhưng cũng không thiếu những kẻ xấu. Họ không lường trước được việc những thông tin của họ đang bị người xấu lợi dụng vào mục đích xấu. Không ít người bị trộm cắp hết tài sản trong nhà khi đi du lịch ở xa về, bởi trước khi đi, họ đã cập nhật trạng thái công việc, khoe lịch trình của mình, và đương nhiên, đó chính là điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu hành nghề.


Có người chụp ảnh đăng lên Facebook và thật đáng buồn, hình ảnh của họ bị ghép, cắt thành những hình ảnh nóng gây hiểu lầm đáng tiếc. Và còn nhiều, nhiều hơn thế những hậu quả khôn lường mà người người nghiện Facebook phải gánh chịu. Nhìn lại chúng, chắc hẳn ai cũng phải rùng mình, và càng rùng mình hơn nữa khi mà thấy con số người sử dụng Facebook của người Việt Nam đang dần tăng lên, đồng nghĩa với việc số người nghiện Facebook cũng phát triển từng ngày.


Và cũng chẳng còn gì đáng ngạc nhiên khi bạn sẽ phải gán cho cái mác “người ngoài hành tinh” nếu chưa có tài khoản Facebook hay thậm chí là chưa biết hết cách sử dụng hay những ứng dụng trên trang mạng xã hội này. Dù cho hôm nay, vấn đề nghiện facebook trở thành một đề tài nóng, nhiều bài báo, bài tuyên truyền về tác hại của hiện tượng này nhưng trên thực tế, rất ít người có đủ bản lĩnh thoát ra. Đó là vì sao?


Nghiện Facebook cũng giống như nghiện rượu, nghiện ma túy vậy thôi. Người nghiện Facebook luôn sống chết vì Facebook, cảm thấy thỏa mãn khi lướt Facebook và hụt hẫng, trống trải khi không thể online Facebook để rồi khi nhận ra thì đã quá lệ thuộc, khó dứt ra được. Nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai? Trước hết, đó là do các gia đình chưa có biện pháp giáo dục kịp thời, phù hợp đối với con em của mình. Bố mẹ mải kiếm tiền, lo toan, bươn trải cho cuộc sống mà quên mất việc giáo dục con cái, mua máy tính cho con phục vụ nhu cầu học tập, nhưng đâu ngờ điều đó lại tạo điều kiện để con gắn bó, lệ thuộc vào Facebook.


Về phía nhà trường cũng chưa kịp thời giáo dục học sinh của mình. Các buổi hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống nói chung và tác hại của Facebook nói riêng còn ít và phần lớn chỉ mang tính hình thức. Nhưng, nguyên nhân lớn nhất vẫn là ở chính bản thân người nghiện Facebook.


Sống trong thế giới công nghệ, được tiếp nhận những tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng lại không làm chủ được mình. Mới đầu, có thể chỉ vì lí do tham gia cho có phong trào cùng bạn bè, dần dần lại quá sa đà, không làm chủ, không nhận thức được rõ tác hại của việc sử dụng Facebook quá nhiều, hoặc cũng có thể đã nhận thức được nhưng lại không đủ bản lĩnh để có thể thoát ra được sự hấp dẫn mà Facebook mang lại. Và kết quả là, vẫn ngày ngày sống cùng Facebook, trở nên nghiện Facebook mà không thể nào thoát ra được.


Đừng để mọi thứ trở nên quá muộn, hãy hành động ngay hôm nay vì tương lai ngày mai. Mỗi gia đình cần phải quan tâm hơn nữa đến con em của mình, tạo điều kiện cho con học tập nhưng cũng cần quan tâm sát sao hơn, trò chuyện, giáo dục con mình nhiều hơn nữa. Bản thân những người nghiện Facebook cần phải thật tỉnh táo và sáng suốt, tự thức tỉnh và làm chủ chính mình. Hãy tìm cho mình một niềm vui trong cuộc sống thường nhật, trải lòng mình, giao tiếp với mọi người, bạn sẽ nhận ra xung quanh mình còn bao điều tuyệt vời và lý thú khác.


Nói bỏ hẳn việc online Facebook đối với những ai đã quá nghiện Facebook thì quả là một điều khó khăn, nhưng chúng ta có thể hạn chế tối đa việc kết bạn, tham gia nhóm, đăng tải thông tin lên Facebook. Thay vào đó, chúng ta hãy thử tham gia vào các hoạt động tập thể, thể dục thể thao, picnic…vừa đi chơi, ngắm phong cảnh, vừa có thời gian bên bạn bè, người thân lại vừa giúp chúng ta thư giãn sau những bộn bề cuộc sống. Thật thú vị và hấp dẫn!


Chắc chắn sau những chuyến đi như thế, chúng ta sẽ tìm lại được niềm vui thực cho mình, tạo động lực hơn cho bản thân. Hay thay bằng việc chia sẻ tâm trạng lên Facebook, tại sao chúng ta không chia sẻ chúng với bố mẹ, cô bạn thân. Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy vui hơn và nhận được nhiều những lời khuyên thật bổ ích cho cuộc sống của mình.


Còn với chúng ta thì sao? Chúng ta cần phải nỗ lự tuyên truyền, phổ biến về tác hại của việc sử dụng Facebook quá nhiều cho mọi người, đặc biệt là các bạn học sinh, cùng nhau tạo ra nhiều hoạt động hấp dẫn giúp người nghiện Facebook quay về với thế giới thực. Sẽ không phải là ngày một ngày hai, sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng hãy tin rằng, với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, một ngày nào đó không xa, Facebook sẽ trở về đúng nghĩa của nó, là một công cụ giải trí giao lưu, trao đổi về các vấn đề trong cuộc sống chứ không phải là một ông chủ khó tính điều khiển cuộc sống,suy nghĩ của con người.


Bởi lẽ, thực chất việc sử dụng Facebook không xấu, chỉ là do ta không biết cách sắp xếp, sử dụng hợp lí mà thôi. Nếu biết cách sử dụng hợp lí, Facebook chắc chắn sẽ là một trang mạng xã hội thực sự hữu ích với tất cả mọi người.


Tóm lại, trong thực tế cuộc sống hôm nay, vấn đề nghiện Facebook vẫn còn hiện tượng nhức nhối đáng báo động. Hãy cùng chung tay loại bỏ hiện tượng xấu này ra khỏi xã hội! Hãy trở thành một con người thông minh, biết tiếp nhận những tinh hoa công nghệ của thời đại phục vụ cuộc sống của chính mình, đừng để chúng có cơ hội bộc lộ những mặt trái tiêu cực và chi phối quá sâu vào cuộc sống chính mình, bạn nhé!.

Facebook là một xã hội thu nhỏ
Facebook là một xã hội thu nhỏ
Lướt Face
Lướt Face

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy