Top 7 Bài văn nghị luận về hiện tượng nhiều học sinh rất ít đọc sách (lớp 9) hay nhất

Bình An 19853 2 Báo lỗi

Sách là nơi lưu giữ kho tri thức của nhân loại, tất cả mọi hiểu biết của loài người đều được ghi lại trong sách. Đọc sách là cách tiếp thu nhanh nhất và ngắn ... xem thêm...

  1. Sách là một phương tiện dùng để ghi chép, lưu giữ và lưu truyền tri thức trong xã hội loài người. Sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tri thức. Mỗi quyển sách là một động lực phát triển văn minh xã hội. Ngày nay, do nền công nghệ thông tin phát triển mạnh, sách đã bị xem thường. Xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ồ ạt, khiến cho học sinh ngày nay không chịu đọc sách. Một thực tế cần phải xác nhận là học sinh ngày nay không còn yêu mến sách nữa. Việc đọc sách của học sinh vì thế cũng rất hạn chế.


    Trước sự phát triển của cuộc sống, con người nguyên thủy nhận thức rõ tầm quan trọng của tri thức. Họ tìm cách lưu giữ những thông tin mình đã nhận thức được để lại cho các thế hệ sau. Và sách đã ra đời. Có thể nói từ khi có sách thì nền văn minh của loài người mới được xác thực. Hình thức ban đầu của sách là những hình khắc và kí tự lên vách đá, mai rùa, xương thú. Rồi đến thời kì viết chữ lên thẻ tre, thẻ trúc, lên tấm vải. Cuối cùng là viết hoặc in lên trang giấy và đóng thành tập. Trải qua thời gian, hình thức của sách không ngừng thay đổi. Càng thay đổi, sách ngày càng tiện lợi, dễ sử dụng và bảo quản hơn.


    Trước đây, sách là phương tiện chính để học tập, giáo dục và phổ biến tri thức trong xã hội. Ngày nay, nhờ các thành tựu của nền khoa học kĩ thuật, các phương tiện truyền thông và thiết bị điện tử gần như đã thay thế vai trò của sách. Con người đã tiến hành ghi chép và lưu trữ tri thức vào các bộ nhớ điện tử. Đồng thời phổ biến nó bằng các định dạng thông qua các ứng dụng điện tử.


    Người đọc có thể tiếp cận nguồn tri thức mà không cần phải giở từng trang sách. Công cụ tìm kiếm của Google là một minh chứng rõ ràng cho hình thức này. Bộ lưu trữ điện tử sẽ là hình thức của sách ở tương lai. Có hai hình thức sách cùng tồn tại song song ở nước ta là sách giấy và sách điện tử. Ngoài ra, còn có các ứng dụng cung cấp tri thức một cách phong phú, khá đầy đủ. Sách điện tử luôn tạo được sự tiện lợi và hứng thú cho người đọc.


    Theo khảo sát của các tổ chức thế giới, tỉ lệ người đọc sách tại nước ta còn khá cao. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học sinh, tỉ lệ này lại khá thấp. Đó cũng là thực trạng chung của các nước trên thế giới. Học sinh Việt Nam ngày nay không có hứng thú đọc sách. Ngoài những quyển sách bắt buộc phải đọc học sinh ít quan tâm đến sách khác. Học sinh thường hay đọc các loại truyện tranh có nội dung nhảm nhí, vô bổ mà ít tìm đến các loại sách khoa học. Những quyển sách văn học tuổi teen với nội dung dễ dãi thường được học sinh lựa chọn đọc. Còn sách lịch sử, sách địa lí, sách khoa học gần như không nằm trong danh mục lựa chọn.


    Việc học sinh không muốn đọc những quyển sách có nội dung nghiên cứu khoa học, học thuật, nghệ thuật,… xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bởi đó là lĩnh vực khó, đòi hỏi nhiều công sức. Kéo theo đó là những hậu quả lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con người và xã hội. Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh không còn hứng thú đọc sách. Trước hết, là phải nói đến sự phát triển của công nghệ thông tin. Công nghệ điện tử số làm cho hình thức và phương thức đọc sách có nhiều thay đổi. Việc đọc sách ngày nay không nhất thiết là đọc trang sách in hay ngồi trong phòng. Học sinh có thể đọc trang sách điện tử bất cứ lúc nào và bất cứ đâu. Sự phát triển rầm rộ của các ngành công nghệ giải trí với những chương trình mới lạ, đặc sắc thu hút học sinh theo dõi. Từ đó học sinh lơ là việc đọc sách.


    Thật không thể nào kể hết được các kênh truyền hình giải trí đang được phát sóng hiện nay. Ngoài những kênh phim truyện còn có những chương trình trực tiếp. Các chương trình này tương tác thực tế, sống động vô cùng. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng tiếp cận với văn bản điện tử hơn. Học sinh hoặc chơi game, hoặc giải trí tầm thường. Từ đó không còn hứng thú với sách. Việc đọc sách trở nên nhàm chán, không còn hấp dẫn nữa.


    Học sinh ngày nay với lối sống dễ dãi, yêu thích những thứ tầm thường có tính thuần giải trí như game, facebook, fan cuồng thần tượng, phim kinh dị, và các ấn phẩm có nội dung đồi trụy, phản cảm… Việc tiếp cận và say mê nguồn thông tin này khiến học sinh suy đồi đạo đức, trở nên lười biếng trong học tập, mất dần các thói quen bổ ích. Chẳng hạn như là việc đọc sách hằng ngày.


    Gia đình, nhà trường và xã hội thiếu quan tâm đến việc phát triển tâm hồn và năng lực trí tuệ cho học sinh. Phụ huynh vì bận rộn với công việc mà không quan tâm khuyến khích con cái đọc sách. Nhà trường không có kế hoạch đọc sách, hay không gian đọc sách cho học sinh. Xã hội không có chương trình khuyến khích, cổ động việc đọc sách trong toàn dân để nâng cao dân trí. Và dường như, khôi phục thói quen đọc sách trong toàn dân chỉ nằm trên khẩu hiệu.


    Các nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận, không chịu đầu tư vào chất lượng và số đầu sách mới. Trên kệ sách hầu như chỉ thấy các tác phẩm quen thuộc được chỉnh sửa bìa sách cho khác đi mà ít thấy những tác phẩm mới có giá trị, thực sự mang lại lợi ích cho người đọc. Việc kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa thật sự chặt chẽ và nghiêm khắc khiến cho sách giả, sách kém chất lượng tràn lan trên thị trường làm mất niềm tin ở người đọc.


    Tình trạng học sinh ngày nay ít đọc sách đã gây ra những hậu quả lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con người và ổn định trật tự xã hội. Học sinh không muốn đọc sách khiến cho việc học tập cũng trở nên khó khăn, tri thức hết sức hạn chế, hiểu biết hạn hẹp. Một hậu quả dễ thấy nhất là học sinh ngày nay có năng lực đọc rất kém, viết sai chính tả nhiều, không phân biệt được lỗi phát âm và diễn dạt vụng về, thô lỗ. Không đọc sách làm cho tâm hồn học sinh khô héo, thiếu cảm xúc và những rung động chân thành. Học sinh ngày càng trở nên cộc cằn, ăn nói tục tĩu, ứng xử thiếu lịch sự, thường vô lễ với thầy cô và người lớn. Việc ít đọc sách khiến học sinh không biết cảm thông, chia sẻ hay yêu thương; không biết tự kiềm chế bản thân làm nảy sinh ngày càng nhiều các vụ bạo lực xảy ra trong học đường.


    Không những ít đọc hoặc không đọc sách, thiếu sự tôn trọng đối với sách, nhiều học sinh còn tỏ ra xem thường sách, có hành vi hủy hoại sách. Những người như thế thật đáng chê trách. Nhà trường, gia đình và xã hội cần có những giải pháp và hành động thiết thực để nâng cao năng lực và đam mê đọc sách cho học sinh. Điều đó là rất cần thiết bởi không đọc sách, học sinh không thể tiến bộ, tâm hồn sẽ khô kiệt, hiểu biết hạn hẹp, kĩ năng sống không phát triển được. Điều quan trọng nhất, không đọc sách sẽ không thể có được cuộc sống tâm hồn phong phú, không cảm nhận được cái đẹp và ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống này.


    Đối với học sinh, trước hết, hãy chăm chỉ đọc sách mỗi ngày để phát triển trí tuệ và tâm hồn. Hãy quý trọng sách, giữ gìn và bảo vệ sách. Khuyến khích bạn bè, người thân cùng đọc sách. Tổ chức thảo luận, bàn luận về những quyển sách hay, ý nghĩa, có giá trị lớn lao. Vừa đọc sách vừa rèn luyện bản thân mình. Đối với gia đình, nhà trường, xã hội, cần dành nhiều sự quan tâm đối với việc bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ các em bằng những quyển sách hay, có nội dung trong sáng, lành mạnh. Khuyến khích và tổ chức đọc sách trong trường học và ngoài xã hội, tạo được phong trào đọc sách trong toàn dân. Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc xuất bản và lưu hành các ấn phẩm sách, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt cho nhu cầu của người đọc hiện nay.


    “Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỉ đã trôi qua”. Đọc sách là thể hiện lòng biết ơn đối với người xưa và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và đất nước. Sách đối với con người như nước đối với cây cối. Không có nước, cây cối sẽ héo rũ. Không có sách, cuộc sống loài người sẽ buồn chán biết chừng nào. Bởi thế, hãy lựa chọn cho mình những quyển sách hay và đọc nó hằng ngày. Đó chính là con đường đúng đắn dẫn bước ta đến cánh cửa của tương lai.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Đọc sách luôn là một hành động đẹp của con người và từ lâu việc đọc sách cũng đã được nâng tầm lên thành một nét văn hóa đẹp không chỉ của người Việt mà còn trên toàn thế giới.


    Không thể phủ nhận được, ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin dường như cũng đã có những tác động không nhỏ tới giới trẻ. Nếu như xét về mặt ích cực cũng được xem là nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Các bạn có thể đọc rất nhiều thông tin trên mạng xã hội một cách nhanh chóng nhất. Tất cả các thông tin bạn cần cũng sẽ có trên mạng. Một góc tiêu cực mà ta nhận thấy ở đây mà thế giới hiện đại như tác động vào đó chính là văn hóa đọc sách như ngày càng mai một dần đi.


    Vậy chúng ta hiểu được văn hóa đọc được nhắc đến ở đây đó chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Con người chúng ta cũng phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sách đúng cách đó chính là “đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức”. Có lẽ rằng, tất cả chúng ta đều biết trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách thực sự được biết đến chính là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức của nhân loại. Việc đọc sách được đánh giá chính là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, đồng thời cũng chính là việc tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy.


    Không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của việc đọc sách, thế nhưng ta như cũng đã biết được rằng giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ. Họ thậm chí như cũng thật là lãnh cảm với văn hóa đọc sách. Nguyên do có lẽ rằng chính bản thân họ nghĩ với những thông tin hiện đại đã vậy lại thông dụng cho nên họ không cần tới sách nữa? Nhận định về ý kiến này thì chính nhà văn hóa Hữu Ngọc đã có một lần nêu câu hỏi đó chính là câu: “Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không?” Và cũng chính bản thân ông cũng đã tự trả lời bằng câu: “có, dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ua chuộng”. Còn nhìn nhận về văn hóa đọc thì ông khẳng định một ý kiến hết sức là sâu sắc đó chính là câu “bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”.


    Trong xã hội hiện đại ngày nay thì văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Có lẽ, ta dường như cũng thấy được cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng, thực sư ta như thấy được rằng chính sự hiện đại, máy móc như lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc sách đẹp đẽ vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp đẫn như trên các phương truyền thông đại chúng như hiện nay. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hiện nay đó chính là việc liệu có tương lai nào cho văn hóa đọc sách trong thời đại bùng nổ thông tin không? Ta như cũng thấy được sự khác biệt với vài chục năm về trước, thị trường sách của chúng ta hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Trrong khi đó thì giới trẻ ngay nay lười đọc hay họ không biết chọn sách? Thực tế đáng buồn là lại có một bộ phận các bạn trẻ chạy theo phong trào để đọc sách. Họ dường như chỉ có mua sách về và để trưng bày cho đẹp mắt, trông cho có trí thức mà thôi. Còn khi hỏi về nội dung họ cũng chẳng biết cuốn sách họ đã mua, để vào vị trí đẹp nói về điều gì nữa.


    Có lẽ rằng, tất cả chúng ta ai mà đã từng yêu sách thì sẽ không thể nào quên được có một thời gian những cuốn sách như “Mãi mãi tuổi 20”, hay đó là cuốn “Lê Vân yêu và sống” làm mưa gió trên thị trường. Các cuốn sách kinh điển không thể thiếu trong giá sách của độc giả yêu sách. Thế rồi có cuốn sách hay khó bỏ qua cũng rầm rộ như “Thế Giới Phẳng” của nhà kinh tế - xã hội học Thomas Friedman. Cuốn sách “Thế giới phẳng” như cũng đã trình bày những quan điểm mới lạ đối với bạn đọc trong nước về xu thế toàn cầu hóa. Thực sự “Thế Giới Phẳng” không phải là một cuốn sách dễ đọc, có lẽ phần lớn người đọc không hiểu hết tư tưởng của tác giả gửi gắm qua đó thì các bạn trẻ vẫn cứ mua về cho mình, thể hiện ta là người có học thực, biết nắm bắt thị hiếu của nhân loại.


    Sách khác với những thông tin nhanh, vắn tắt trên mạng. Sách đúng là người thầy của mỗi người. Mỗi cuốc sách như thể hiện được một khối lượng kiến thức khổng lồ, đọc lần một ta mới vỡ ra một số điều, nhưng đọc đến nhiều lần sau đó, nhiều năm sau đó thì mới hiểu được biết bao nhiêu điều hay, lẽ phải. Sách cũng có rất nhiều loại khác nhau cho nên là người đọc thông thái thì hãy biết chọn lựa sách đúng và phù hợp với chính mình.


    Và tóm lại đọc sách chính là một nét văn hóa đẹp của con người. Có đọc sách thì chúng ta mới có thể tìm hiểu, tích lũy được nhiều kiến thức của nhân loại. Đọc sách để có thể suy ngẫm cũng như chiêm nghiệm về cuộc đời của mỗi người. Sách là người thầy soi đường chỉ lối về tri thức cũng như những kỹ năng cần thiết cho con người. Bạn và tôi trong xã hội ngày nay hãy biết phục dựng lại nét văn hóa đọc tố đẹp của dân tộc ta bạn nhé!

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Từ lâu, con người đã biết sách là một báu vật kì diệu do nhân loại tạo nên. Từ ngàn năm trước, khi con người chưa phát minh ra máy in, thì những cuốn sách đó đã được viết bằng tay. Sách là nơi lưu trữ những kiến thức, ý tưởng, khái niệm mà ông cha ta đã dạy, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vậy còn học sinh hiện nay nên có thái độ như thế nào về việc đọc sách?


    Từ hàng ngàn năm xưa, việc đọc sách rất quan trọng, nhất là thời còn vua, còn trường học Quốc Tử Giám. Khi đó, việc đọc sách cực kì quan trọng. Còn hiện nay, thời đại công nghệ thông tin phát triển, đất nước đã và đang phát triển thì con người không chú tâm đến việc đọc sách. Có một thời, người Việt Nam rất chú trọng đến việc đọc sách, bất cứ lúc nào rảnh rỗi, họ đều đem sách ra mà đọc, họ yêu thích đến nỗi đi đâu họ cũng mang sách theo mà đọc. khi đi chợ xếp hàng mua rau, khi đợi bạn bè,… Đọc sách giúp chúng ta tăng cưòng khả năng giao tiếp, giúp chúng ta tự tin hon khi giao tiếp mà không bị ấp a ấp úng đối với mọi người.


    Vậy làm sao để học sinh thích đọc sách? Trước tiên chúng ta phải làm cho họ hiểu rõ hơn về việc đọc sách. Đọc để làm gì? Đọc như thế nào? Việc đọc sách phải xuất phát từ tâm trí, niềm đam mê, yêu thích từ học sinh. Nếu như thích đọc sách thì họ có thể đọc thầm những cuốn truyện mà họ yêu thích. Việc đọc sách cũng có thể là nguồn giải trí bổ ích.


    Việc học sinh hiện nay không thích đọc sách có rất nhiều nguyên nhân. Ngày xưa chỉ có ai biết chữ thì mới tự mình đọc sách, còn nhũng người không biết chữ thì không. Sang thời hiện đại, sự phát triển của khoa học đã tạo ra một cách đọc khác khiến chúng ta lười biếng đi. Đó là cách đọc nhờ vào phương tiện nghe, nhìn. Chỉ cần một cái máy đọc chữ thôi thì toàn bộ không cần huy động, trí tưởng tưởng của cá nhân. Việc học đã mang tính chất giải trí thay cho tính chất suy ngẫm. Lâu ngày, tính chất đọc sách sẽ mất dần đi, thay vào đó là thú vui hưởng thụ việc “đọc” theo kiểu tập thể và dễ dãi hơn. Đó là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng học kém Văn và không thích học Văn.


    Chừng nào học sinh chưa thấy sự hấp dẫn của việc đọc sách, chừng đó hãy đừng nói đến việc bồi dưỡng tâm hồn con người. Nhưng quan trọng nhất là niềm đam mê, yêu thích của họ mới quyết định được thái độ với việc đọc sách. Như vậy, việc học sinh hiện nay không thích đọc sách là một hiện tượng xấu đối với giới trẻ, cần phải có giải pháp để khắc phục ngay.


    Tóm lại những điều chúng ta nói ở trên, việc học sinh không thích đọc sách hiện nay cho ta thấy đã có những tác hại đáng kể và đã nêu ra tác hại của việc không đọc sách. Để khuyên họ cần hãy tự đọc sách và suy ngẫm nhiều hơn, chúng ta sẽ biết được sách rất có nhiều thú vui trong đó.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. Ai cũng biết sách có một vai trò quan trọng trong việc hình thành tri thức, nhân cách cho mỗi con người, nhất là đối với các em học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng trên thực tế, học sinh ngày nay rất ít đọc sách, thờ ơ với sách. Vì sao vậy, có phải là các em không yêu sách?


    Thứ nhất, muốn học sinh ham đọc sách thì trước hết chúng ta phải tạo cho các em có thói quen yêu sách và tiếp cận với sách báo từ nhỏ. Nhưng, thử hỏi trong gia đình cha mẹ, ông bà đã hướng cho con em mình thói quen đọc sách hay chưa?


    Nhiều gia đình cứ mải mê với chuyện cơm áo gạo tiền, rồi ngay từ khi các em còn nhỏ đã định hướng cho con đi theo các môn tự nhiên để sau này ra trường dễ xin việc và có nhiều tiền. Nhiều cha mẹ còn định kiến với con cái khi các em say mê với những tờ báo hay quyển sách trên tay bởi cho đó là điều viển vông, thiếu thực tế...


    Chính từ những suy nghĩ như vậy nên bây giờ vào các gia đình ta vẫn thường thấy cha mẹ sắm cho con em mình đồ chơi hiện đại, đắt tiền để chơi hoặc các em cứ cắm cúi vào các game online trên điện thoại của cha mẹ. Trong khi đó lại rất hiếm những gia đình có tủ sách. Còn với các gia đình làm nông thì do điều kiện kinh tế còn khó khăn và cũng ít biết được những giá trị của sách, hoặc có biết nhưng cũng “lực bất tòng tâm” vì sách bây giờ có giá cao quá.


    Thứ hai là thư viện nhà trường hiện nay quá thừa nhưng lại rất thiếu sách. Cái thừa là phần lớn sách trong thư viện là sách giáo khoa được cấp về (học sinh không có nhu cầu về sách này), còn lại một số đầu sách thì không phù hợp với lứa tuổi học sinh, hoặc không có liên quan, các em dù có đọc nhưng chưa chắc có thể hiểu được (bởi nhiều sách nghiên cứu). Trong khi những đầu sách dành cho tuổi mới lớn, sách khám phá về khoa học, lịch sử lại ít hoặc không có. Các thư viện nhà trường chưa chú ý đến các đầu sách hữu ích phục vụ cho văn hóa đọc của các em học sinh. Phần lớn sách có ở thư viện hiện nay là sách… từ trên cấp về. Mà sách cấp về thì mục đích của người mua và cấp không dễ gì phù hợp với học sinh và thầy cô giáo!


    Thứ ba là hiện nay các đầu sách xuất bản có số lượng rất ít nhưng giá lại quá cao. Sách viết cho thiếu nhi không nhiều và phần lớn viết theo đơn đặt hàng nên nội dung các cuốn sách chưa cuốn hút được các em. Thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những cuốn sách viết và xuất bản cho thiếu nhi, cho lứa tuổi học trò nhưng lại chạy theo thị hiếu thị trường, quá nhiều ngôn ngữ, hình ảnh bạo lực và nhạy cảm…


    Thứ tư là hiện nay giới trẻ có rất nhiều kênh thông tin để giải trí, mạng Intenet được lắp đặt rộng rãi, báo điện tử ra đời nhiều, mạng xã hội đã thu hút giới trẻ nên một bộ phận học sinh, sinh viên quen dần với thói quen đọc tin tức trên mạng. Những thông tin mới, cập nhật được những vấn đề thời sự, ít tốn kém và phù hợp với lứa tuổi.


    Hướng học sinh đến với văn hóa đọc trước hết cần tạo cho các em niềm say mê đọc sách từ nhỏ. Cha mẹ hãy tìm và hướng cho các em loại sách phù hợp với lứa tuổi. Thư viện nhà trường cần được đầu tư về phòng ốc, sách báo đúng nghĩa, khuyến khích các em đến đọc sách. Thầy cô giảng dạy cần khuyến khích những bài viết sáng tạo, hướng các em tìm tòi qua sách báo, tài liệu. Xã hội cần định hướng và xuất bản những đầu sách hay… Đó là những cách tốt để giúp các em tiếp cận tri thức, nâng cao chất lượng học tập, đạo đức của học sinh trong nhà trường mà lại hạn chế được các trò chơi vô bổ khác trong giới trẻ hiện nay.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. Sách ra đời từ lâu và đem lại nhiều lợi ích cho con người. Trong văn bản " Bàn về đọc sách", Chu Quang Tiềm từng nhận định: " Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách. Nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn". Vậy mà ngày nay, việc đọc sách không còn được chuộng cho lắm, nhất là giới trẻ mà dư luận xã hội đã gióng tiếng chuông báo động.


    Sách ghi chép lại những kiến thức của nhân loại tích lũy tích lũy hàng ngàn năm nay. Theo đà phát triển của xã hội, chất liệu làm ra sách bắt đầu từ da thuộc, tre nứa,giấy đến ngày nay có hiện diện của sách điện tử. Còn học vấn là sự tiếp thu, học hỏi tích lũy kiến thức. Chúng ta có thể học tập từ thầy cô, bạn bè, thực tế cuộc sống nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn. Từ những nền tảng tri thức có sẵn trong sách, con người sẽ kế thừa và sáng tạo, phát minh thêm tri thức mới góp phần cho cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại, không có sách, con người sẽ lạc hậu, trở về điểm xuất phát. Nhất là học sinh, đọc sách sẽ giúp việc học tập thêm nâng cao, mở rộng hơn, bồi đắp tâm hồn, nhân cách qua những quyển sách mang đậm tính nhân văn.


    Trong tình trạng bùng nổ công nghệ thông tin với những phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay thì học sinh càng xa rời việc đọc sách. Từ trong nhà đến công viên, quán nước, bến đợi xe buýt, trên đường đi, ta dễ bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ cầm điện thoại di động, ipad, laptop tìm kiếm thông tin trên các mạng xã hội như Facebook, Zing me , Twitter với những mẫu tin ngắn mà tác giả cũng không rõ nguồn gốc... Nếu có đọc sách thì chỉ đọc theo ngẫu hứng, phong trào rộ lên một thời, đọc qua loa, không chuyên sâu. Ở nhà, giờ đây giá sách cũng không phải là vật quý trong phòng học, mà thay vào đó là bộ máy vi tính là chủ yếu với những sách văn mẫu, sách giải bài tập... nhằm đáp ứng nhanh cho yêu cầu thi cử, bài làm, có nhiều bạn đã học trung học cơ sở mà còn ngại đọc sách chữ, chỉ thích đọc truyện tranh, kể cả truyện khoa học bằng tranh


    Việc không đọc sách sẽ gây nhiều tác hại lớn. Không đọc sách, kiến thức ta sẽ không sâu rộng. Mỗi khi có việc cần làm thì lên mạng tra cứu vừa mất thời gian vừa không có tài liệu chuyên sâu. Những quyển sách có giá trị lâu dài ít ai đưa lên mạng miễn phí, nhất là những công trình khoa học tự nhiên, xã hội. Không đọc sách, ta sẽ mất đi nguồn vốn từ tích lũy được từ sách, không học tập được những lời hay ý đẹp và ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong diễn đạt ngôn từ. Còn đọc sách qua loa, cốt chỉ để cho người ta biết mình có đọc thì chỉ tốn công sức, thời gian, tiền bạc giống như cưỡi ngựa xem hoa, thật đáng phê phán


    Văn bản " Bàn về đọc sách" của Chu Quang Tiềm cho ta một bài học thấm thía về tầm quan trọng của việc đọc sách. Để đọc sách có hiệu quả, chúng ta cần chọn cho tinh, đọc cho kỹ. Đọc những quyển sách có giá trị, bồi dưỡng kiến thức, nhân cách. Đọc ít nhưng phải đọc kỹ, ta phải có sự suy ngẫm, phân tích, tổng hợp, so sánh đối chiếu... thì mới hiểu thấu đáo nội dung của sách và mới nhớ lâu. Những điều hay có trong sách ta cần ghi chép lại để học tập cách diễn đạt. Ta cần đọc sách thường thức kết hợp với sách chuyên sâu, theo sở thích. Sách thường thức rất quan trọng, ứng dụng thực tiễn nhiều trong mọi lĩnh vực. Đọc sách phải có kế hoạch liên tục, suốt đời thì mới thấy được lợi ích của việc đọc sách


    Từ hiện tượng học sinh không có thói quen đọc sách hay đọc sách qua loa, ta càng thấy lời khuyên của Chu Quang Tiềm thật đúng đắn. Hãy tập thói quen đọc sách, từ đọc ít đến đọc nhiều, đọc đều đặn, thường xuyên, học sinh chúng ta sẽ nhận được điều kì diệu của sách để từ đó nuôi dưỡng ươm mầm niềm đam mê đọc sách như Gorki có nói " Hãy yêu sách ..."

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Xã hội ngày càng phát triển kéo theo sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thế giới âm thanh và hình ảnh tràn ngập thông qua các phương tiện nghe nhìn, trong đó một số chức năng của việc đọc đã được màn hình hóa và thùng loa đảm nhận. Thời gian đọc sách của độc giả đang bị co hẹp lại, dù chỉ là tương đối. Tuy nhiên, điều quan trọng là sách vẫn có những lợi ích và tính năng không thể thay thế được bằng các phương tiện nghe nhìn và chúng ta cần tạo ra một nhận thức rộng rãi trong xã hội về sách và thư viện như một bộ phận hữu cơ của hệ thống thông tin và giao lưu xã hội.


    Sách là nguồn tri thức, là kết tinh tất cả những học thuyết có giá trị nhất, sách ghi lại toàn bộ lịch sử loài người. Sách là người thầy, là di huấn của người đời trước để lại cho người đời sau. Sách không chỉ ghi lại quá khứ, phản ánh hiện tại mà còn là cương lĩnh của tương lai. Nhờ có sách mà con người đã tiếp thu được tất cả tri thức của nhân loại được tích luỹ trong suốt quá trình lịch sử lâu dài. Đọc sách không đem lại sự thành công nhưng thực tế đã chứng minh rằng những người thành công đều rất thích và chú trọng đến việc đọc sách. Điều đó phần nào cho thấy, đọc sách có góp phần vào sự thành công của mỗi người. Đọc sách đem đến cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ những lợi ích vô cùng quan trọng mà các phương tiện nghe nhìn khác không thể đáp ứng cho người thưởng thức. Tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp thu kiến thức mà đọc sách còn là một biện pháp để hoàn thiện tâm hồn, nhân cách của con người. Bên cạnh việc đọc sách để tiếp thu tri thức, việc đọc sách đôi khi còn rèn luyện những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích mà đôi khi bạn không nhận ra. Chẳng hạn như:


    - Đọc sách giúp tăng cường khả năng giao tiếp: Giao tiếp là một trong những kĩ năng vô cùng quan trọng, thông qua giao tiếp những thông điệp của bạn sẽ được truyền tải đến người nghe một cách dễ dàng. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể tự tin đứng trước đám đông để thể hiện mình. Sự thiếu tự tin vào bản thân xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ít tiếp xúc với mọi người xung quanh, tâm lí tự ti và không thực sự tự tin về vốn kiến thức đang sở hữu. Đọc sách nhiều, bạn sẽ biết trình bày vấn đề một cách khoa học, theo trình tự logic nhất định. Nhờ vậy, bạn sẽ tinh tế hơn khi cảm nhận, phán đoán những cảm xúc, thái độ của người khác. Hình thành những phản xạ và sự nhạy cảm, linh hoạt cần thiết để xử lý vấn đề trong giao tiếp.


    - Đọc sách giúp rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo. Sách được viết bằng hệ thống ngôn ngữ, cụ thể là các chữ viết được nối kết liên tục với nhau tạo thành câu, dòng, đoạn, bài… Từ ngữ được dùng luôn có nghĩa, và nét nghĩa đó lại được quy chiếu vào các sự vật tương ứng trong cuộc sống. Quá trình đọc sách thực chất cũng là một quá trình quan sát các sự vật và hiện tượng trong cuộc sống thực mà chữ viết được quy ước tượng trưng thông qua quá trình tưởng tượng, liên tưởng.


    - Đọc sách giúp rèn luyện năng lực ngôn ngữ. Việc đọc sách là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bạn khắc phục những sai sót trong việc sử dụng ngôn ngữ. Đọc một quyển sách hay, bạn biết được cách sử dụng từ ngữ của tác giả với những câu có đầy đủ thành phần chủ ngữ và vị ngữ. Từ đó, bạn hình thành cho mình thói quen sử dụng từ khéo léo, đúng ngữ pháp mà không phải sợ sai trong dùng từ.


    - Đọc sách sẽ là việc vô cùng quan trọng nếu muốn có được kiến thức. Sách là kho tàng tri thức mà người trước để lại cho người sau. Tất cả những kinh nghiệm trong đời sống được đúc kết và lưu giữ trong sách. Chính vì vậy, đọc sách giúp bạn có được kiến thức chính xác nhất về vẫn đề đang tìm hiểu. Tất cả những gì bạn đọc sẽ lấp đầy tâm trí bạn với những thông tin mới mẻ, thú vị. Bạn không thể biết được lúc nào đó bạn sẽ cần đến những mảng kiến thức này. Càng hiểu biết, bạn càng được trang bị tốt để vượt qua bất cứ thử thách nào trong cuộc sống.


    Ngoài ra, việc đọc sách còn giúp chúng ta ghi nhớ tốt hơn; khả năng phân tích tư duy mạnh mẽ hơn; tăng khả năng tập trung, chú ý, kĩ năng viết tốt hơn và đọc sách còn giúp cho tâm hồn được thanh lọc, giảm thiểu những căng thẳng và giúp con người sống có ích cho xã hội…Đây đều là những lợi ích vô cùng quan trọng để giúp cho quá trình học tập được tốt hơn. Chính vì vậy, việc đọc sách là vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người nói chung, thanh niên nói riêng.Những lợi ích từ việc đọc sách nhiều là vậy. Nhưng trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin phát triển rất mạnh, kéo theo đó là một bộ phận không nhỏ mọi người nói chung, thanh niên nói riêng chịu ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội, các trò giải trí của internet mà quên đi những lợi ích thiết thực của việc đọc sách đem lại. Thực trạng đọc sách của thanh niên hiện nay đang rơi vào tình trạng đáng báo động mà chúng ta thường hay dùng một thuật ngữ quen thuộc, đó chính là “bệnh lười đọc sách”.


    Theo một thống kê của Vụ Thư viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2015, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, và điều đáng tiếc nhất đó chính là trong số 4 cuốn sách được đọc thì có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. Tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm đến 44% dân số. So sánh với đất nước Singapo, trung bình người dân của họ đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn, một số nước như Đức, Pháp, Israel thì con số này là trên 20 cuốn một năm. Như vậy, rõ ràng việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn những nước khác rất nhiều. Suy nghĩ về thanh niên, đây là lứa tuổi cần tiếp thu nhiều kiến thức nhất để nâng cao trình độ bản thân, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt đối với những người còn ngồi trên ghế nhà trường, trên giảng đường đại học, những người vừa bước chân vào đời thì việc lười đọc sách chẳng khác nào một căn bệnh ung thư đang ngày ngày lấy đi tương lai của họ, ảnh hưởng đến tương lai của đất nước.


    Vậy nguyên nhân từ đâu mà thanh niên ngày càng lười đọc sách và văn hóa đọc ngày càng mai một. Thực tế có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau mà chúng ta có thể nói tới, chẳng hạn như:


    - Ảnh hưởng hưởng của các phương tiện thông giải trí và mạng tin Internet. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các phương tiện truyền thông điện tử, tin học đã đem đến rất nhiều tiện ích cho con người. Sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao lưu, trao đổi văn hóa đã có sự thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh đó, nó cũng mang tới một số ảnh hưởng tiêu cực đặc biệt là giới trẻ. Nếu như trước đây, thanh niên thường có thú vui thích đọc sách, những cuốn sách hay sẽ được chuyền tay nhau từ người này sang người khác để đọc. Thì ngày nay, khi xã hội phát triển, điều kiện đọc của thanh niên cũng dần được nâng lên. Họ không hề thiếu sách, thậm chí có rất nhiều sách để lựa chọn. Nhưng họ lại không mấy mặn mà, hứng thú với việc đọc sách. Sự phong phú, tràn ngập của vô số kênh thông tin trên mạng Internet, trên truyền hình… đã làm cho họ không còn đủ sự kiên nhẫn để tìm kiếm những cuốn sách hay. Nhiều người có thể mất hàng giờ ngồi trong quán Game, quán net nhưng không thể bỏ ra được 5 phút mỗi ngày để đọc một trang sách. Sự bùng nổ công nghệ tin đem đến cho xã hội rất nhiều lợi ích khác nhau. Tuy nhiên nếu không biết cách khai thác một cách có hiệu quả thì nó có ảnh hưởng xấu nếu quá lạm dụng. Đa số thanh niên đều bị chứng “nghiện mạng xã hội”, việc này ngốn khá nhiều thời gian của họ. Bên cạnh đó, nhiều trò chơi, thú vui để phục vụ cho nhu cầu của giới trẻ xuất hiện ngày một nhiều. Những phương tiện giải trí đó đã và đang lấn lướt và làm mất dần vai trò độc tôn của việc đọc sách. Nhiều thanh niên có thể ngồi hàng giờ trước máy tính, hay điện thoại để lưới facebook, zalo, có người còn thức thâu đêm để online và ngủ bù vào ban ngày. Chính vì thế, thời gian đọc sách của họ bị rút ngắn và thậm chí có những người nhiều ngày, nhiều tháng liền không động đến một quyển sách nào. Thói quen lạm dụng mạng internet khiến cho văn hóa đọc của thanh niên rơi vào tình trạng đáng báo động.


    - Chất lượng nhiều thể loại sách không đáp ứng được nhu cầu đọc của thanh niên. Cùng với sự phát triển của xã hội, số lượng sách ngày càng tăng lên theo cấp số nhân. Thị trường sách ngập tràn các thể loại khác nhau với trang bìa bắt mắt. Nhưng ngược lại không phải quyển sách nào cũng cung cấp cho chúng ta những kiến thức bổ ích và cần thiết cho cuộc sống, học tập. Không thể phủ nhận rằng khi phát động các phong trào đọc sách thì giới trẻ tìm đến sách nhiều hơn và giảm thiểu căn bệnh lười đọc vẫn đang tồn tại bấy lâu nay trong giới trẻ. Nhưng điều đáng nói là sau đó, khi đọc xong nhiều người cảm thấy hụt hẫng bởi những cuốn sách chạy theo trào lưu phần lớn nội dung còn nhiều thiếu sót, hình thức trình bày cầu thả, thiếu chính xác. Thậm chí là những cuốn sách chứa đựng yếu tố tình dục được nhiều tác giả khai thác, sử dụng như một thứ gia vị để tăng sức hút, gây sự hiếu kỳ, tò mò cho người đọc. Chính vì vậy, bạn đọc dần mất niềm tin vào sự chính xác của sách và chọn những cách khác khi cần thông tin. Hơn nữa, giá sách cũng là nguyên nhân mà nhiều bạn trẻ quay lưng lại với sách.


    - Chất lượng hoạt động của các thư viện còn hạn chế. Mặc dù được Nhà nước, các cơ quan, trường học quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển nhưng chất lượng của các thư viện chưa thực sự đáp ứng nhu cầu người đọc. Hơn nữa, ở một số thư viện chỉ được đọc sách tại chỗ mà không được mượn về. Đây là lí do mà nhiều bạn trẻ chọn cách tìm kiếm tài liệu thông qua mạng xã hội thay vì đi thư viện để tìm đọc sách.


    - Phương pháp dạy và học trong các trường học hiện nay cũng là một nguyên nhân. Đối với các bạn thanh niên là học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường thì phương pháp dạy và học có ảnh hưởng rất lớn đến trình độ, văn hóa đọc của học. Nếu như không áp dụng theo phương pháp dạy và học tích cực mà chỉ áp dụng phương pháp truyền thống sẽ làm cho thanh niên thiếu sự tìm tòi sáng tạo. Một trong những biểu hiện của sự hạn chế về văn hóa đọc của học sinh, sinh viên là tình trạng chỉ học khi các kỳ thi đã tới gần, học đối phó, học để thi. Chính vì vậy, họ trở nên thụ động trong việc đọc và nghiên cứu tài liệu, sách, báo.


    - Sự thiếu linh hoạt trong các phương pháp đọc của các bạn trẻ cũng là nguyên nhân. Thay vì đọc các loại sách truyền thống như trước đây, đa số các bạn trẻ đều lựa chọn cho mình phương pháp đọc mới, đó là đọc qua mạng điện tử bằng điện thoại hoặc máy tính. Nhiều bạn trẻ còn nói, khi đọc sách in thì cảm thấy rất buồn ngủ nhưng đọc bằng điện thoại hay máy tính thì tình trạng trên không diễn ra. Mặc dù biết lạm dụng công nghệ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hơn nhiều lần đọc sách nhưng các bạn trẻ vẫn lựa chọn.


    Và còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa dẫn đến việc lười đọc sách cuả thanh niên hiện nay. Trước những thực trạng như vậy, để khắc phục “Bệnh lười đọc sách” của thanh niên hiện nay, chúng ta cần làm gì?


    - Các tổ chức đoàn, hội có thể tăng cường tổ chức những hoạt động để tuyên truyền phát triển văn hóa đọc cho thanh niên. Có thể kết hợp với các công ty sách, nhà sách để tổ chức các hội chợ sách, nhằm giới thiệu quảng bá về sách, đồng thời cần có chương trình khuyến mãi, những chương trình bán sách giảm giá cho đối tượng thanh niên để khuyến khích thanh niên mua sách, tài liệu nhằm duy trì và phát triển văn hoá đọc. Xây dựng các câu lạc bộ đọc sách theo lứa tuổi và duy trì hoạt động thường xuyên, lâu dài. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi liên quan đến việc đọc sách nhằm phát triển mạnh mẽ hơn văn hóa đọc trong cộng đồng. Nâng cao chất lượng và số lượng tủ sách thanh niên. Đưa hoạt động đọc sách vào các buổi sinh hoạt chuyên đề cho thanh niên thay vì làm theo kiểu hình thức, thiếu chiều sâu, thiếu chất lượng như hiện nay.


    - Tổ chức các hoạt động quyên góp sách để đưa sách đến các vùng sâu, vùng xa cho thanh niên, thiếu nhi ở những khu vực này. Trong các chiến dịch tình nguyện của các tổ chức đoàn, hội, khuyến khích các hoạt động như: tổ chức các buổi nói chuyện, kể chuyện sách, tặng sách cho các em thiếu nhi để các em thấy được cái hay, cái đẹp của việc đọc sách..

    - Tổ chức tuyên truyền giới thiệu, hướng dẫn đọc trên các phương tiện truyền thông đại chúng như vô tuyến truyền hình, truyền thanh, báo chí (kể cả các tạp chí chuyên giới thiệu, hướng dẫn đọc) được thường xuyên, định kỳ, có hệ thống và nhằm vào từng đối tượng độc giả, áp dụng các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, các phương tiện nghe nhìn hiện đại.


    - Cần tiến hành hiện đại hoá thư viện và hoạt động thư viện. Không phải cứ có trang thiết bị hiện đại, có phần mềm hoàn thiện, có tự động hoá… là đã hoàn thành việc hiện đại hóa. Các thư viện cần thường xuyên có các buổi nói chuyện chuyên đề, hoặc tập huấn về nghiệp vụ thư viện thời đại công nghệ thông tin đối với cán bộ thư viện, các nhà quản lý thư viện nhằm phục vụ tốt hơn đối với người đọc. Thư viện tốt nhất là thư viện làm hài lòng độc giả nhất. Các thư viện cần phải bám sát các nhu cầu và mong muốn của độc giả, đặc biệt là các độc giả trong độ tuổi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, tiếp tục nghiên cứu thói quen đọc sách của họ để có thể kịp thời thiết lập lại các bộ sưu tập, hệ thống và dịch vụ cho phù hợp. Đồng thời phải phát triển, thử nghiệm và triển khai các hình thức phục vụ mới như: các thiết bị đọc cá nhân, di động, dịch vụ mạng… để góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa đọc, tạo mối quan hệ lâu dài và bền vững giữa thư viện và độc giả.


    - Đối với khu vực trường học các cấp, cần xây dựng một chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong môi trường truyền thống và môi trường điện tử để giảng dạy không chỉ cho các bạn thanh niên ở các trường học mà còn tổ chức giảng dạy cho trẻ em ngay khi cắp sách tới trường cho tới bậc đại học. Trên tinh thần đó nên đưa văn hóa đọc vào chương trình kiến thức thông tin của nhà trường, coi văn hóa đọc như là một nội dung để phát triển kiến thức thông tin cho học sinh, sinh viên, tạo ra một kỹ năng mới giúp cho quá trình học tập suốt đời được hiệu quả hơn.


    - Có thể tổ chức Tháng đọc quốc gia vào tháng 6 hoặc tháng 7 hàng năm vì đây là thời gian đa số các trường học đang trong thời gian nghỉ hè. Mục đích nhằm xây dựng thói quen đọc sách trong toàn dân, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên - tương lai của đất nước.


    Nếu như việc chữa bệnh lười đọc sách của thanh niên được thực hiện một cách quyết liệt, lâu dài, có chiến lược thì chắc chắn rằng, chỉ một thời gian không xa, căn bệnh này sẽ không còn tồn tại nữa. Bao giờ Việt Nam trở thành một xã hội đọc sách và trọng thị sách? Ai cũng phải, cũng nên trả lời câu hỏi ấy, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên. Và đừng chần chừ gì nữa, chúng ta hãy cầm những cuốn sách hay trên tay để đọc.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  7. Nhà mĩ học Chu Quang Tiềm đã từng nói: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn”. Đọc sách hay cũng giống như trò truyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua, là thưởng thức những thành tựu của quá khứ. Thế nhưng, giới trẻ ngày nay lại lơ là việc đọc sách, xem thường sách, chú tâm vào những trò giải trí tầm thường và vô bổ, thậm chí là nguy hại. Hiện trạng ấy thật đáng lo ngại.


    Đọc sách tiếp cận và tiếp nhận kiến thức có ở trong sách bằng cách cần mẫn đọc lấy nó. Thông qua sách vở, con người chiếm lĩnh tri thức trong cuộc sống, tự hoàn thiện bản thân, năng động và sáng tạo để thành công trong công việc và trong đời sống. Đọc sách là một hoạt động rất qua trọng trong cuộc sống con người. muốn có tri thức, nhất định phải dọc sách. Sống mà không chịu đọc sách là tự đánh mất cơ hội để thành công, đánh mất cơ hội sống một cuộc đời hạnh phúc. Nhất là đối với giới trẻ, việc đọc sách có thể mở ra cánh cửa bước tới tương lai.


    Phần nhiều giới trẻ hiện nay tỏ ra xem thường sách. Họ có vẻ thờ ơ với việc đọc sách, chưa có thói quen đọc sách thực sự nghiêm túc và đúng đắn. Một số ít thì đọc theo phong trào hoặc đọc để khoe mẽ tri thức. Bởi thế, họ đọc sơ sài, chủ yếu là giải trí hoặc cho hết thời gian nhàm chán chứ chưa thực sự chú tâm.


    Trong việc đọc, giới trẻ cũng chưa có sự lựa chọn sách đúng đắn, chưa có mục đích rõ ràng, thiếu kế hoặc đọc sách cụ thể. Việc đọc sách trở nên chưa thật sự có ích. Một số lựa chọn có nội dung tầm thường, dung tục để đọc. Thói xấu, nội dung nguy hại nhanh chóng tiêm nhiễm vào đầu óc những tư tưởng thiếu trong sáng, lành mạnh. Rời bỏ sách, giới trẻ lao vào sống ảo với mạng xã hội, cùng những trò giải trí tầm thường, vô bổ và nguy hại.


    Nhiều người cho rằng đọc sách thời nay là lạc hậu vì ở thời đại thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, lên mạng đọc nhanh và dễ hơn. Từ đó, họ không mặn mà với sách giấy. Đó là một nhận thức sai lầm bởi thiết bị điện tử không những làm tổn hại sức khỏe của họ mà còn làm cho họ không thể chú tâm được. Từ đó khiến cho việc đọc kém hiệu quả.


    Nguyên nhân khiến giới trẻ lười đọc: Do giới trẻ chưa có nhận thức đúng đắn về vai trò và ý nghĩa của việc đọc sách đối với sự phát triển của mỗi con người. Đọc sách không chỉ là phương tiện để giải trí, không chỉ là con đường tiếp cận tri thức mà còn để tăng khả năng tư duy mở rộng tâm hồn, để hiểu mình, hiểu người, có kĩ năng sống tốt…


    Người Việt vốn rất yêu sách, thích đọc sách. Thế nhưng, từ khi mạng xã hội ra đời, nền kinh tế phát triển, sản phẩm công nghệ len lỏi vào đời sống, giới trẻ ngày càng trở nên lười biếng hơn. Họ chưa có nhiều hành động để hình thành thói quen đọc sách. Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các nhà quản lí chưa có giải pháp sàn lọc thông tin, các kênh truyền hình có đầy ắp phim ảnh, thông tin đầy mạng xã hội, lôi kéo giới trẻ.


    Sự nhộn nhịp của quán xá với bao trò chơi giải trí lôi cuốn làm người ta không có thời gian để ý đến việc đọc sách. Đời sống vật chất, tiện nghi đầy đủ khiến nhiều bạn trẻ ngày nay thích sống cuộc đời thụ hưởng hơn là cống hiến, sống hời hợt hơn là sâu sắc, vay mượn năng lực hơn là tự rèn luyện mình. Việc đọc sách khá mệt mỏi nên nhanh chóng làm họ bỏ cuộc và chuyển hướng.


    Do nền văn hóa xã hội xuống cấp cũng là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ sao nhãng việc đọc. Xã hội đề cao vẻ đẹp hình thức hơn là vẻ đẹp tâm hồn khiến các bạn trẻ chỉ chạy theo hình thức bề ngoài hơn là tôn dưỡng vẻ đẹp nhân cách bên trong. Chính bởi hiện trạng ấy đã khiến cho giới trẻ ngày càng lười đọc, xem việc đọc là không hữu ích. Các bạn trẻ không hề biết rằng không chăm lo đọc sách là bỏ quên một hình thức thư giãn, giải trí bổ ích. Không đọc sách là đánh mất cơ hội mở rộng vốn hiểu biết, mất cơ hội tăng cường khả năng khả năng tư duy, mở rộng tầm hồn, kĩ năng sống và tự hoàn thiện bản thân.


    Muốn các bạn trẻ đam mê và hình thành thói quen đọc sách, điều quan trọng nhất đó là tự thân các bạn trẻ phải nhận ra vai trò và tầm quan trọng của sách đối với con người, với xã hội và đất nước. Hãy nhớ rằng mỗi quyển sách dù dở tới đâu ta cũng có thể thu nhặt một vài điều hữu ích từ nó. Người viết phải nghiêm túc trong sáng tạo của mình. Hãy viết nen những tác phẩm có giá trị lâu bền, tránh cách viết dễ dãi, hời hợt, có giá trị nhất thời. Các nhà xuất bản cần in những quyển sách hay, có giá trị lâu bền, không chạy theo xu thế, không vì mục đích lợi nhuận mà in ấn những quyển sách tầm thường.


    Bộ văn hóa và thông tin cần có nhiều hoạt động để tạo điều kiện cho thanh niên đến với việc đọc sách nhiều hơn mở tủ sách miễn phí ở nhiều nơi. Cần tổ chức ngày hội sách để giới thiệu những cuốn sách hay đến với người đọc, đặc biệt là giới trẻ. Giảm giá các đầu sách hay để kích thích mua và tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ có cơ hội tiếp cận với sách nhiều hơn nữa. Đưa phong trào đọc sách trở thành phong trào của toàn xã hội.


    Các bạn trẻ, ngay bây giờ hãy dành cho sách một tình yêu lớn bởi nó là nguồn tri thức. Chỉ có tri thức mới là con đường sống. Không đọc sách là tự đánh mất những phút giây thư giãn bổ ích nhất. Không đọc sách là sống vô ơn trước công sức của lớp lớp cha ông đã sáng tạo, gìn giữ và bồi đắp tri hức cho chúng ta. Không yêu sách là di ngược lại tiến trình phát triển của loài người.


    Đọc sách chính là chiếc chìa khóa vạn năng để mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Sách là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy ta biết sống đẹp, sống có ý nghĩa trong cuộc đời. Hãy biết yêu sách, chăm đọc sách và phát huy những giá trị từ sách để sách mãi là người bạn thân thiết của chúng ta. Nếu không đọc sách, dẫu có đi vạn dặm đường, cũng chẳng khác gì một người đưa thư.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy