Top 10 Bài văn nghị luận về hiện tượng học vẹt học tủ của giới trẻ hiện nay hay nhất

Hà Ngô 3816 0 Báo lỗi

Tình trạng lười học ở học sinh ngày càng phổ biến, thường xuyên xảy ra hiện tượng học đối phó, học cho có, học để qua mắt thầy cô. Hiện tượng này xảy ra rất ... xem thêm...

  1. Mỗi chúng ta là chủ nhân tương lai của đất nước. Chính vì thế việc học tập của ta có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nước nhà. Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng học sinh học tủ, học vẹt đang diễn ra ngày càng nhiều.


    Ta không khó để bắt gặp các bạn học sinh chép sách giải để hoàn thiện bài tập về nhà. Lại có nhiều trường hợp các em học sinh không chủ động học tập, ghi nhớ kiến thức mà học ngẫu nhiên một vài bài để chuẩn bị cho bài thi, bài kiểm tra,… Nhiều bạn chỉ biết chép bài trong sách vở, bài giảng của thầy cô không cần hiểu nó nói gì. Lúc mới học có thể thuộc lòng nhưng rồi lại quên ngay và khi cần thì chữ nghĩa cũng không cánh mà bay.


    Nguyên nhân của hiện tượng này đầu tiên phải kể đến là do ý thức chủ quan của các bạn học sinh: ý thức học tập của một số bạn còn kém, các bạn chưa nhận ra được tầm quan trọng của việc học mà chỉ quan tâm đến kết quả thi. Bên cạnh đó còn là do bản tính còn ham chơi, muốn học cho nhanh để làm việc khác hoặc muốn được điểm cao mà lười học của nhiều học sinh. Nguyên nhân khách quan không thể không nhắc đến là do các thầy cô cho khối lượng bài tập rất nhiều và khó khiến các bạn không làm kịp nhưng vẫn phải nộp; bố mẹ kì vọng cao, muốn con mình học nhiều hơn nữa, đạt nhiều thành tích hơn nữa…


    Để cải thiện tình trạng này, trước hết, mỗi học sinh cần có tinh thần tự giác trong học tập, cố gắng tìm tòi học hỏi, không dựa dẫm vào người khác, hạn chế tối đa những hành vi không tốt trong học tập và thi cử. Bên cạnh đó, gia đình không nên bắt em con em mình học tập quá sức hoặc quá đặt nặng thành tích lên con mình. Ngoài ra, nhà trường và các thầy cô giáo cần ra lượng bài tập hợp lí, không quá nhiều đồng thời có những biện pháp nghiêm khắc đối với những trường hợp đối phó trong học tập của học sinh.


    Quãng thời gian học tập ngồi trên ghế nhà trường là khoảng thời gian tốt nhất để trau dồi bản thân, hãy trở thành một người con ngoan trò giỏi, cống hiến nhiều điều tốt đẹp cho đất nước ngay từ hôm nay.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa

  2. Hiện nay, khi xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cũng là lúc có nhiều vấn đề nổi cộm nổ ra nhận được sự quan tâm của toàn dư luận. Một trong số đó phải kể đến hiện tượng học tủ, học vẹt của học sinh hiện nay.


    Vậy thế nào là học tủ, học vẹt? Học tủ là học sinh tự khoanh vùng kiến thức mà các bạn cho là sẽ có trong đề thi để học, không học kĩ, học hết và hiểu vấn đề mình đang học, chỉ chăm chú vào đề thi và kết quả thi. Học vẹt là tình trạng học sinh học đối phó, học cho có, không hiểu bản chất của vấn đề. Học tủ, học vẹt là những thói quen học tập rất xấu mà mỗi chúng ta không nên đi theo. Hiện nay, tình trạng lười học của học sinh ngày nay càng ngày càng phổ biến và dễ dàng nhận ra. Nhiều bạn học sinh có cách học đối phó, học cho có, học để qua mắt thầy cô, để thầy cô không khiển trách. Bài tập được giao về nhà các bạn không giải mà chỉ đi chép hoặc làm qua loa, gian lận trong thi cử…


    Nguyên nhân của hiện tượng này đầu tiên phải kể đến là do ý thức chủ quan của các bạn học sinh: ý thức học tập của một số bạn còn kém, các bạn chưa nhận ra được tầm quan trọng của việc học mà chỉ quan tâm đến kết quả thi. Bên cạnh đó còn là do bản tính còn ham chơi, muốn học cho nhanh để làm việc khác hoặc muốn được điểm cao mà lười học của nhiều học sinh. Nguyên nhân khách quan không thể không nhắc đến là do các thầy cô cho khối lượng bài tập rất nhiều và khó khiến các bạn không làm kịp nhưng vẫn phải nộp; bố mẹ kì vọng cao, muốn con mình học nhiều hơn nữa, đạt nhiều thành tích hơn nữa…


    Hậu quả của việc học tủ, học vẹt vô cùng nghiêm trọng. Đầu tiên là việc chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống, các em học sinh không tiếp thu được nhiều kiến thức. Ngoài ra, nó còn gây ra những thói quen xấu cho học sinh như: ỷ lại, chép bài, gian lận trong thi cử,… Từ đó khiến cho nền giáo dục ngày càng đi xuống.


    Để cải thiện tình trạng này, trước hết, mỗi học sinh cần có tinh thần tự giác trong học tập, cố gắng tìm tòi học hỏi, không dựa dẫm vào người khác, hạn chế tối đa những hành vi không tốt trong học tập và thi cử. Bên cạnh đó, gia đình không nên bắt em con em mình học tập quá sức hoặc quá đặt nặng thành tích lên con mình. Ngoài ra, nhà trường và các thầy cô giáo cần ra lượng bài tập hợp lí, không quá nhiều đồng thời có những biện pháp nghiêm khắc đối với những trường hợp đối phó trong học tập của học sinh.


    Mỗi người một hành động nhỏ nhưng cùng chung tay với sẽ tạo ra ý nghĩa lớn, lan tỏa được thông điệp lớn lao. Để đẩy lùi hiện tượng học tủ, học vẹt, chúng ta cần chung tay xây dựng một thói quen học tập thật tốt và rèn luyện đạo đức cho bản thân để trở thành một người chủ nhân thực thụ của đất nước.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  3. Có thể nói, giáo dục là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất mà con người luôn mang theo trên con đường chinh phục thế giới. Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái chân và thực hành cái thiện. Thế nhưng, ngày nay, trước hiện tượng học tủ, học vẹt của nhiều học sinh không khỏi khiến ta đau lòng.


    Học tủ là cách học đơn lập, chỉ học một phần kiến thức mà bỏ qua nhiều kiến thức khác nhằm đối phó với bài kiểm tra hoặc kì thi. Người học tủ thường chỉ học qua loa, sơ sài, học lí thuyết suông mà không gắn với thực hành, thực tế để rèn luyện kĩ năng, kiện toàn và phát triển năng lực người học.


    Học vẹt là một cách nói ẩn dụ, ví cách học của học sinh như cách học của con vẹt. Học sinh chỉ bắt chước sao cho giống, lặp lại trôi chảy nhưng không hiểu gì. Học vẹt là cách học thụ động, tiêu cực. Người học chỉ nhớ được cái bóng của kiến thức chứ không lĩnh hộ được nội dung, ý nghĩa. Tuy ghi nhớ nhưng hoàn toàn không thấu hiểu tri thức. Từ đó không có kĩ năng và kinh nghiệm thực tiễn.


    Học tủ, học vẹt rõ ràng là cách học lệch lạc, sai lầm và phản khoa học. Bởi chỉ học lí thuyết, không chịu suy nghĩ, lược bỏ kiến thức và xem thường việc thực hành rèn luyện kỹ năng nên không hiểu, không nắm chắc kiến thức dẫn đến không biết vận dụng vào thực tế, vào thực hành. Việc học như thế dẫn đến tốn thời gian, vô bổ.


    Vì là học tủ, học vẹt cho nên không nắm bắt kiến thức một cách đầy đủ, toàn diện, phụ thuộc vào sự may mắn, nếu lệch tủ sẽ không đạt được kết quả như mong muốn, phụ công ơn thầy cô, tốn tiền bạc của bố mẹ. Đồng thời, cũng tạo ra một thói quen xấu, làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc học, và trở thành những con người không trung thực.


    Việc học tủ, học vẹt không chỉ nguy hại cho bản thân mỗi học sinh mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Thử hỏi xem, một đất nước toàn bộ học sinh chỉ biết gian dối, học chống đối, không có kiến thức thực chất, thì phát triển ra sao? Xã hội sẽ mất niềm tin vào ngành giáo dục của đất nước, chất lượng giảm sút, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.


    Nguyên nhân dẫn đến hai lối học trên trước hết đều bắt nguồn từ ý thức của học sinh. Nhiều bạn học sinh không có ý thức tự giác trong học tập. Trên lớp không chú ý nghe giảng, về nhà không chịu học bài, làm bài nhưng vẫn muốn điểm cao.

    Học sinh không xây dựng kế hoạch học tập đúng đắn. Thái độ lơ là trong học tập, học tập thụ động, chủ yếu là để đối phó với thầy cô, gia đình, học vì muốn được điểm cao, muốn có tấm bằng chứ không thực sự hiểu ý nghĩa của việc học, thiếu hẳn động lực và mục đích học tập chân chính. Từ đó, lối học tủ, học vẹt dễ dàng chiếm lĩnh cách học.

    Do chương trình giáo dục của nhà trường vẫn còn thiên về lý thuyết, thiếu thiết bị thực hành và các giờ học rèn luyện kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng sống. Có quá nhiều kiến thức cần kiểm tra, đòi hỏi sự vận dụng, huy động phải cao nhưng thực tế giảng dạy lại không thể đáp ứng điều đó. Mặt khác, nhiều thầy cô và cha mẹ đôi khi đặt quá nhiều kì vọng lên con cái, vô hình đã tạo một áp lực nên họ, cho nên nhiều khi học sinh học vì thầy cô, cha mẹ chứ không phải vì bản thân.


    Lối học tủ, học vẹt để lại những hậu quả không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Hai cách học này đều tốn thời gian và không đem lại kết quả gì. Vì không hiểu bản chất nên kiến thức nhanh quên, không khắc sâu, không thể áp dụng vào thực tế. Học sinh học tủ, học vẹt dễ bị lệch, kiến thức không toàn diện, nhân cách lệch lạc.


    Hai cách học này còn làm giảm tính sáng tạo trong học tập của học sinh, dẫn đến lười vận động, lười suy nghĩ, kết quả học tập đương nhiên sẽ giảm sút. Hơn nữa, nó còn như một căn bệnh có thể lây lan với tốc độ chóng mặt giữa các học sinh. Nhiều học sinh học chay, học vẹt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền giáo dục, kéo theo sự đi xuống của cả quốc gia và toàn xã hội vì học sinh là những chủ nhân tương lai sẽ góp phần xây dựng đất nước.


    Mỗi người học sinh cần thay đổi nhận thức, thái độ của mình về việc học để tiến xa hơn trên con đường chinh phục tri thức. Trước hết là cần có ý thức học tập, xây dựng cho bản thân một phương pháp học tập đúng đắn. Với mỗi người khác nhau sẽ tự tạo cho mình một phương pháp phù hợp với bản thân. Có phương pháp học từ sớm thì việc học cũng sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, học sinh cần tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc học, không học đối phó, hời hợt. Nhà trường và gia đình cũng nên tạo một môi trường học tập sinh động, lành mạnh, thân thiện cho học sinh, tránh đặt quá nhiều kì vọng và áp lực.


    Học sinh cung cần nâng cao ý thức về vai trò và tầm quan trọng của việc học tập đối với bản thân và tương lai. Học tập để lấp đầy tri thức, để hoàn thiện phẩm chất con người chứ không phải vì tấm bằng. Hãy học một cách tự giác, học đi đôi với hành, học đến đâu chắc đến đó. Chỉ có như vậy chúng ta mới tránh được cách học tủ, học vẹt.


    “Học tủ, học vẹt” là cách học rất nguy hại, cần phải bài trừ và loại bỏ. Nếu nền giáo dục và toàn xã hội không mau chóng chấn chỉnh, loại trừ cách học nguy hại này khỏi đối tượng học sinh thì sẽ có rất nhiều người có bằng cấp nhưng lại không thể làm việc hay kiếm cơ hội sinh tồn trong cuộc sống này.


    Mỗi người học sinh cần tránh xa lối học tủ, học vẹt. Học tập là suốt đời, vì thế chúng ta không nên để mình phụ thuộc vào chúng. Học vấn do người siêng năng đạt được. Cây học vấn có những chùm rễ cay đắng nhưng lại cho ta hoa trái ngọt ngào. Bởi thế, hãy cần mẫn học tập mỗi ngày, đừng học tủ, học vẹt, học đối phó nữa. Lối học ấy chỉ mang lại thất bại và sự khổ đau cho con người mà thôi.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  4. Sidney Jourard đã từng khẳng định: “Học tập không phải là một nhiệm vụ hay một vấn đề khó giải quyết - nó là cách để sống trong thế giới. Con người học tập khi theo đuổi các mục tiêu và kế hoạch có ý nghĩa cho chính mình.”. Câu nói đã nhắc nhở bản thân mỗi người hãy coi việc học là điều tất yếu. Thế nhưng tại sao hiện nay một bộ phận không nhỏ học sinh lại không nhìn nhận được giá trị đích thực của việc học rồi đi theo lối mòn “học tủ, học vẹt”.


    “ Học tủ” là cách học chọn lọc những kiến thức quan trọng, cần thiết để làm bài kiểm tra, làm bài thi…Còn “học vẹt” là cách nói ẩn dụ, ví cách học của học sinh với con vẹt - bắt chước, nói nhại lại, nhưng không hiểu gì. Khi học thuộc bài, đọc rất trôi chảy nhưng không nắm chắc nội dung, học một các máy móc, thụ động. Học tủ được thể hiện qua cách học sinh làm bài kiểm tra. Nếu vào phần bài đã học thuộc thì có thể làm rất nhanh lẹ, chính xác, nhưng sự may mắn không phải lúc nào cũng đến với những người lười nhác, những lúc ấy, học sinh sẽ bị rơi vào thế bị động, không biết giải quyết những bài tập này như thế nào. Còn việc học vẹt được biểu hiện qua việc học sinh có thể đọc làu làu những kiến thức có trong sách vở nhưng khi hỏi về bản chất của những lí thuyết này thì lại bó tay, không trả lời được.


    Việc học tủ, học vẹt dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Học tốn thời gian nhưng không đem lại hiệu quả, không hiểu bản chất kiến thức, không áp dụng được kiến thức vào thực tế cuộc sống. Học theo hai cách này sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, làm giảm bớt đi tính sáng tạo, sự độc đáo, mới lạ trong bài làm của học sinh. Một cá nhân học vẹt, học tủ có thể không gây ảnh hưởng nhiều thế nhưng với tốc độ lan truyền nhanh chóng như hiện nay của căn bệnh này thì khả năng rất cao nó sẽ làm ảnh hưởng tới cả một nền giáo dục.


    Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng đáng buồn này? Có lẽ nó được bắt nguồn thực trạng của ngành giáo dục hiện nay: những bài giảng khô khan, thiếu tính sáng tạo của một số giáo viên, những kỳ thi đầy áp lực. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận nguyên nhân trực tiếp đến từ trách nhiệm của các bạn học sinh đối với việc học. Một bộ phận không nhỏ học sinh học không phải vì tương lai mà chỉ để đối phó với các kì thi làm hài lòng cha mẹ, thầy cô. Vậy chúng ta cần làm gì để khắc phục hiện tượng đáng buồn này. Nhà trường cần nâng cao chất lượng bài giảng, tìm những cách giảng dạy mới mẻ, tạo hứng thú cho học sinh trong các giờ học, phối hợp với phụ huynh theo dõi nhắc nhở con em mình trong việc học tập. Đặc biệt là các bạn học sinh, cần nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của mình đối với việc học, không được rơi vào tình trạng thụ động, lấy việc học như một trò mạo hiểm, thử thách may rủi trong các bài kiểm tra. Bên cạnh đó cũng cần tuyên dương những cá nhân chăm chỉ trong việc học tập và rèn luyện, tránh xa lối “học tủ, học vẹt”.


    Học tập vốn là một con đường gian nan đầy chông gai thử thách đòi hỏi sự quyết tâm. Trên con đường chiếm lĩnh tri thức, ai cũng cần bỏ ra mồ hôi, nước mắt để đạt được những thành quả nhất định. Và nếu muốn hưởng trái ngọt đó ta cần phải tránh xa cách “học tủ, học vẹt”. Tương lai ta nằm trong tay ta, một cách học đúng đắn sẽ là kim chỉ nam hiệu quả dẫn ta đến con đường thành công.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  5. “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”. Đời người ai chẳng mong có được hạnh phúc, được sống một cuộc đời dẫu là trăm năm hữu hạn nhưng phải hết sức ý nghĩa. Muốn vậy, có một con đường là học tập. Nhưng ngày nay, lại có vấn đề nổi lên đó là học vẹt và học tủ.


    Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rõ học vẹt và học tủ là gì. Học tủ là học không hết bài, chỉ học một phần, phần nào cảm thấy hứng thú thì mới học. Học vẹt là học thuộc lòng như một cái máy, như một con vẹt chỉ bắt chước tiếng người mà không hiểu rõ bản chất của vấn đề.


    Sở dĩ lại có hiện tượng này xuất hiện là bởi ý thức của mỗi học sinh chúng ta. Chúng ta chưa ý thức được rõ tầm quan trọng của việc học. Trên lớp thì có học sinh không nghe thầy, cô giáo giảng bài, chỉ làm việc riêng, về nhà thì bị những thiết bị công nghệ tân tiến, hiện đại là máy tính, điện thoại hấp dẫn, do đó thời gian dành cho việc học cũng ít đi. Mặt khác, cũng bởi học sinh không có một kế hoạch học tập cụ thể, cứ đến gần kì thi hoặc gần giờ kiểm tra mới bắt đầu học. Có những người học chỉ để lấy điểm cao, lấy thành tích do đó chọn lối học vẹt mà không hiểu rằng việc học là việc của cả một đời người và học bao giờ cũng phải đi đôi với hành. Nguyên nhân khách quan cũng bởi những người làm cha, làm mẹ, ai chẳng yêu những đứa con của mình, ai chẳng mong những đứa con ấy sau này trở thành người tử tế, thành người thành đạt, có địa vị trong xã hội. Bởi tình yêu ấy, dễ dẫn thành những áp lực với những đứa con. Học sinh vì thế học như để đối phó với cha mẹ. Chương trình giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn còn nặng về lý thuyết, ít gắn liền với thực tế, do đó không hấp dẫn được học sinh.


    Học tủ và học vẹt để lại những hậu quả cả trước mắt và cả tương lai lâu dài. Cả hai cách học đều khiến học sinh mất thời gian mà không thu được lợi ích gì. Học tủ và học vẹt chỉ giúp chúng ta đi qua được một vài bài kiểm tra mà thôi. Hai cách học ấy cũng khiến trí tuệ của chúng ta giảm, sức sáng tạo kém. Trong khi đó, bước vào cuộc đời, vào tương lai, ai chẳng cần đến trí tuệ và sự sáng tạo, nếu cứ mãi như vậy thì chúng ta sao có thể phát triển bản thân và kiến tạo ra các giá trị sống? Sự trì trệ của mỗi cá nhân còn làm ảnh hưởng đến cả một nền giáo dục và rộng ra là tương lai của xã hội sau này.

    Do đó, mỗi chúng ta, ngay từ bây giờ, cần phải xác định cho mình một kế hoạch học tập có định hướng, cần phải biết và hiểu rõ mục đích của việc học. Đồng thời, cũng xác định cho mình một cách học phù hợp. Giáo dục của chúng ta đang ngày càng đổi mới, do đó sự nặng nề trong lý thuyết cũng giảm đi, tiến gần hơn đến việc học đi đôi với hành…


    Có thể nói, việc học vẹt và học tủ chính là một thứ virus rất nguy hại, có thể ngấm sâu trong mỗi con người, hủy hoại dần đi mỗi chúng ta và lây lan sang cả cộng đồng. Do đó, trong cuộc trường chinh bước vào tương lai, chúng ta cần dũng cảm từ bỏ việc học vẹt và học tủ thì những giá trị sống tốt đẹp, những điều ta hằng mong đợi mới gõ cửa chào đón chúng ta. Cuộc đời của mỗi chúng ta dù là trăm năm những vẫn hữu hạn, do đó đừng bỏ lỡ những quỹ thời gian đáng giá của mình.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  6. Học tập là một quá trình dài và vô cùng gian truân vất vả mà ai cũng phải trải qua để tích lũy cho mình những tri thức nền tảng để có thể hòa nhập và duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, nếu ta không trang bị cho bản thân một phương pháp học tập đúng đắn thì sẽ rất khó có thể thành công trong sự nghiệp học tập. Tuy nhiên bên cạnh những người có phương pháp học khoa học, hiệu quả thì vẫn còn những người học vẹt, học tủ, học đối phó. Đây là những phương pháp khiến cho thành tích học tập của bạn tụt dốc trầm trọng.


    “Học vẹt” là cách học thuộc làu làu những khái niệm, những định nghĩa, những kiến thức nhưng không hề hiểu gì về kiến thức, định nghĩa, khái niệm đó. Còn “Học tủ” là chọn một phần kiến thức trong vô vàn kiến thức để học và nghĩ rằng kiến thức đó sẽ có trong kỳ thi.Cách học này có thể sẽ khiến cho các bạn đạt điểm 0 tối đa, vì lệch tủ, lệch đề.


    Nguyên nhân dẫn đến hai lối học trên trước hết đều bắt nguồn từ ý thức của học sinh. Nhiều bạn học sinh ý thức kém, Họ học chỉ để đối phó, học vì muốn được điểm cao, muốn có tấm bằng chứ không thực sự hiểu ý nghĩa của việc học. Nguyên nhân khách quan khác là do chương trình học của học sinh còn nặng, có quá nhiều kiến thức cần kiểm tra đòi hỏi sự vận dụng, huy động phải cao. Thầy cô và cha mẹ đôi khi đặt quá nhiều kì vọng lên con cái, vô hình đã tạo một áp lực nên họ, cho nên nhiều khi học sinh học vì thầy cô, cha mẹ chứ không phải vì bản thân.


    Học tủ và học vẹt để lại những hậu quả không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Hai cách học này đều tốn thời gian và không đem lại kết quả gì. Học vẹt sẽ khiến bạn không hiểu bản chất nên kiến thức nhanh quên, không khắc sâu, không thể áp dụng vào thực tế. Học sinh học tủ dễ bị lệch tủ, tủ đè, kiến thức không toàn diện. Học tủ chỉ mang tính xác suất, phần trăm nên khi không trúng được tủ chắc chắn bài thi của bạn sẽ trật và điểm số chết ở mức báo động.Hai cách học này chỉ khiến cho bạn càng ngày càng lười nhác hơn, không chịu động não suy nghĩ, không chịu mày mò và phát triển kiến thức. Bản thân mất dần đi khả năng sáng tạo, sẽ ngày càng hổng kiến thức nhiều, cách phân tích và nhận xét vấn đề không còn nữa từ đó mà khả năng tiếp thu sẽ kém hơn và kết quả học tập sẽ ngày càng kém hơn.


    Nhận thức được tác hại của việc học tủ học vẹt,mỗi người học sinh cần phải xác định đúng được động cơ học tập của bản thân. Học là để tiếp thu kiến thức cho chính mình chứ không phải cho cha mẹ, hay giáo viên vì thế mà cần có thái độ nghiêm túc trong học tập. Có hiểu và xác định được sự quan trọng của học vấn thì chúng ta mới có động lực học tập và chọn lựa phương pháp học đúng đắn. Bên cạnh đó, vai trò của cha mẹ và nhà trường cũng hết sức quan trọng trong việc định hướng phương pháp học tập cho con em mình. Không nên đè nặng quá nhiều kiến thức cũng như đòi hỏi quá cao khiến cho các bạn học sinh dẫn đến tư tưởng học hành chống đối. Hãy tạo ra môi trường học tập thoải mái và vui vẻ, tạo động lực cho con mình có hứng thú với việc học và muốn học hơn là việc bắt ép phải học phải cố nhồi nhét kiến thức vào đầu


    Mỗi người học sinh cần tránh xa lối học tủ, học vẹt. Học tập là suốt đời, vì thế chúng ta không nên để mình phụ thuộc vào học tủ, học vẹt và những điểm số có thể che mờ đôi mắt.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  7. Trong xã hội tri thức được đề cao và không ngừng thay đổi như ngày nay, trí tuệ con người được coi là phương thức hữu hiệu nhất để đánh giá vị trí và năng lực cá nhân. Hiểu được điều đó, các bậc phụ huynh dù trong bất kì điều kiện nào vẫn luôn cố gắng cho con em được học hành đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều bạn học sinh lại không hiểu được điều này, không tìm được phương pháp học tập hiệu quả mà dùng cách học vẹt, học tủ, học đối phó để qua mắt gia đình.


    Học vẹt là lối học thuộc sáo rỗng, đọc thuộc làu làu từng từ trong sách giáo khoa, trong vở nhưng thực chất không hề hiểu mình đang đọc gì, không hiểu được căn cốt của bài giảng. Học tủ, học chạy là tình trạng chọn một vài bài để học trong khoảng thời gian ngắn trước kì thi với hi vọng đề thi sẽ ra trúng bài đó. Học đối phó là thái độ học hời hợt, học để cha mẹ không nhắc nhở, mắng mỏ chứ bản thân không hề muốn học.


    Trên thực tế, hai cách học này rất dễ bắt gặp trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, nhất là đối với những môn xã hội như Văn, Sử. Học sinh thường có xu hướng không tiếp thu được bài giảng trong cả quá trình dài mà chỉ đợi đến kì thi, học theo cảm tính, học theo giới hạn đề cương ôn tập. Không ít những đoạn video phỏng vấn các em học sinh rải rác từ độ tuổi tiểu học đến cuối trung học cơ sở về những câu hỏi lịch sử, tiếng Anh đều nhận được những câu trả lời rất ngô nghê như:


    "Quang Trung và Nguyễn Huệ là bạn cùng chiến đấu" hay công thức trả lời tiếng anh "Hi", "How are you?", "I am fine thank you. And your?". Như vậy, các em hoàn toàn không hiểu được những kiến thức cơ bản nhất nhưng vẫn đủ điều kiện qua môn, lên lớp. Việc học tủ, học chạy cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Với lượng kiến thức cần dung nạp quá nhiều, cộng thêm sự mải chơi, các em học sinh chỉ thực sự lo lắng vì điểm số khi kì thi gần đến, đành lựa chọn phương pháp học "bừa" một vài bài. Thế nên mới có tình trạng lệch tủ, bị "tủ đè" khi đề thi không cho trúng phần đã ôn, học sinh hầu như không biết phải làm bài như thế nào.


    Học tủ, học vẹt, học đối phó được gây ra bởi nhiều lý do. Bắt nguồn từ bản thân mỗi em học sinh chưa thực sự có ý thức rèn luyện, tích lũy kiến thức dần dần, từ từ từng ngày. Học sát ngày thi có thể khiến các em tiếp thu, ghi nhớ nhanh hơn, nhưng chỉ cần thi xong là mọi thứ bay biến khỏi đầu, kiến thức chỉ còn trên trang giấy. Học sinh bị ép học quá nhiều kiến thức, quá nhiều môn học cùng lúc, không thể tiêu hóa nổi nên đến kì thi phải lựa chọn cách học tủ, học vẹt để giải quyết vấn đề điểm số. Âu cũng là do áp lực điểm, áp lực tuyển sinh của thầy cô và nhà trường khiến cách giáo dục có phần lệch lạc, chưa thực sự sát sao với từng học sinh. Ngoài ra, thực tế cho thấy, giáo dục Việt Nam đề cao kiến thức sách vở, ít thực hành, ít điều kiện áp dụng vào cuộc sống, nên sự thiếu hụt mặt trải nghiệm của học sinh dẫn đến việc các em không thể hiểu hết được bản chất vấn đề mà môn học hướng tới. Nếu muốn đạt điểm cao thì có cách học tủ, học vẹt. Việc học đối phó cũng bắt nguồn từ nguyên nhân học sinh chủ quan, bản thân không muốn học nên khi bị bắt ép bèn tìm cách học tủ, học vẹt hòng che mắt gia đình, nhà trường.


    Cách học tủ, học vẹt, học chay, học đối phó dẫn tới hậu quả cho chính bản thân nhũng học sinh lựa chọn cách học sai lệch này. Các em hầu như không có kiến thức nền tảng của môn học, học dễ nhớ nhưng cũng dễ quên, không có kĩ năng áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống. Tình trạng học trước quên sau rất dễ dẫn tới hổng kiến thức, thuộc bài nhưng không hiểu bài, thành ra công sức học tập coi như vô ích. Cách học đối phó rất dễ khiến học sinh nản chí, chán học, học tủ lỡ bị "tủ đè" sẽ vừa bị điểm kém, áp lực học tập, vừa cảm thấy chán nản. Nhìn chung, tất cả các cách học sai lầm đều ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình học tập của học sinh.


    Để khắc phục tình trạng học vẹt học tủ, học chay, học đối phó, cần tác động tâm lý của mỗi bạn học sinh để các bạn hiểu được tầm quan trọng của việc thu nạp kiến thức một cách bài bản, khoa học, tránh học vẹt, học tủ để đối phó. Trước hết, gia đình cần định hướng cho con em từ nhỏ về phương pháp học tập hiệu quả, đúng đắn, phối hợp cùng Nhà trường tạo điều kiện tham quan, trải nghiệm thực tế nhằm bổ sung kĩ năng mềm cho các em. Gạt bỏ áp lực điểm số, tập trung xây dựng kiến thức thật, kinh nghiệm thật để bản thân mỗi học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc học. Quan trọng nhất vẫn là cá nhân mỗi người cần có ý thức học, học về lâu về dài nhằm phục vụ cho công việc, sự nghiệp sau này chứ không học để mang về tờ giấy với con số ảo vô nghĩa.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  8. Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói học phải đi đôi với hành. Điều đó đồng nghĩa với việc cách học phải thực sự hiệu quả, nâng cao khả năng nhận thức và tự giác. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng học tủ học vẹt ngày càng lan rộng trong nhà trường và trở thành một vấn nạn phức tạp trong học hành.


    Học vẹt là lối học đọc ra rả như cuốc kêu, lặp đi lặp lại nguyên si những bài học có sẵn trong sách vở hoặc do thầy cô cung cấp mà không hiểu mình đang học gì, không nắm được bản chất của vấn đề trong bài học. Học tủ là việc chỉ học một số bài nhất định có khả năng thi hoặc kiểm tra để rồi khi bị "lệch tủ", tức là việc đề ra không trúng vào những gì đã học thì không thể làm được gì nữa.


    Cả hai cách học đều đem lại những hậu quả khó lường khiến kết quả học tập của học sinh ngày càng đi xuống. Học tủ, học vẹt những bài học của thầy cô giảng chính là học mà không hiểu gì, đầu óc rỗng tuếch, kiến thức hạn hẹp, nông cạn. Không hiểu thấu được bài học cho nên khi đề ra hơi khác so với ban đầu, lập tức học sinh sẽ cảm thấy lúng túng không biết làm cách nào để có thể giải quyết vấn đề được đặt ra trong đề bài.


    Học tủ, học vẹt là cách học không sử dụng đến suy nghĩ, vì vậy khả năng tư duy, năng lực phát triển phân tích và lí giải vấn đề không được nâng cao. Mục đích của việc học tập là rèn luyện khả năng tư duy tuy nhiên chính vì học tủ học vẹt mà cuối cùng học sinh lại trở nên thụ động, kém phát triển khả năng sáng tạo.


    Bị động tiếp thu kiến thức, không hiểu bài khi học nên học sinh dễ có cảm giác chán nản, ít hứng thú khiến hiệu quả học tập không cao. Kết quả yếu kém ảnh hưởng đến tinh thần học sinh hiện tại và việc hổng kiến thức sẽ là một bất lợi cho tương lai sau này. Từ đó, gia đình, xã hội và thậm chí là bản thân cũng đều nghi hoặc và mất niềm tin vào chính khả năng của mình.


    Hiện tượng học tủ, học vẹt ngày càng phổ biến trong học sinh ngày nay: nhiều bạn chỉ biết chép bài trong sách vở, bài giảng của thầy cô không cần hiểu nó nói gì mà chỉ biết đọc ra rả và lặp đi lặp lại như một con vẹt. Lúc mới học có thể thuộc lòng nhưng rồi lại quên ngay và khi cần thì chữ nghĩa cũng không cánh mà bay. Chưa kể việc chỉ chăm chăm học một vài bài sẽ gây ra cảm giác bất an khi đi thi bởi lẽ chỉ cần lệch tủ là tất cả mọi thứ đều tan biến.


    Tình trạng này diễn ra ngày một phổ biến cũng đều có nguyên nhân của nó. Nhiều người có thói quen ỷ lại, không chịu suy nghĩ để phát triển khả năng sáng tạo. Thêm vào đó là bệnh thành tích trong học tập buộc họ phải học tủ, học vẹt để tạo cảm giác an tâm nhờ vào những gì thầy cô đã viết. Xác định sai mục đích chính của việc học đó là chỉ biết lấy thành tích mà không biết rằng mục đích chính của việc học là phải mở mang kiến thức để sau này áp dụng vào thực tế cuộc sống khiến nạn học tủ, học vẹt ngày càng lan rộng.


    Vì vậy, khi học ta phải vừa học vừa suy nghĩ, đặc biệt trước khi học thuộc câu chữ phải hiểu vấn đề, tránh sa vào việc lặp đi lặp lại. Xác định đúng mục đích của việc học: học để làm người, để mở mang kiến thức chứ không phải học để lấy thành tích phù phiếm là cách mà một học sinh nên làm.


    Việc học tập xét đến cùng cũng đều để phục vụ cho tương lai. Hãy dùng phương pháp học thật đúng đắn để những kiến thức ta có được trên ghế nhà trường có thể giúp ích được cho chính cuộc sống của ta.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  9. Mỗi học sinh muốn trở thành một công dân có ích, một người đóng góp cho xã hội, một người thành công trên cả hai con đường sự nghiệp và thành người thì chỉ có một con đường duy nhất là học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận không nhỏ học sinh đang chạy theo những cách học tiêu cực là "học vẹt" và "học tủ" không chỉ đem lại tác hại cho bản thân mà còn cho cả xã hội.


    "Học tủ" là cách học chọn lọc những kiến thức mà mình cho rằng sẽ ra trong bài kiểm tra hoặc bài thi. Cách học này mang tính may rủi rất cao và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất là đối với những bạn đoán sai đề mà học sinh hay gọi là "lệch tủ". "Học vẹt" là cách nói ẩn dụ, ví cách học của học sinh với con vẹt bắt chước, nói nhại lại nhưng không hiểu gì. Khi trả bài thì đọc rất trôi chảy, lưu loát nhưng không nắm được nội dung, học một cách máy móc, thụ động và chỉ cần quên một từ là có thể quên cả bài.


    Tuy khái niệm về hai phương pháp học này là khác nhau nhưng nó đều có cùng một nguyên nhân. Trước hết phải kể đến nguyên nhân khách quan từ xã hội. Do mặt trái trong tiến trình phát triển của xã hội, định hướng giáo dục còn chưa thực sự phù hợp. Ba mẹ luôn bắt ép con em mình phải luôn luôn học tập, đạt được những thành tích nhất định. Nếu bị điểm kém thì la rầy, trách mắng khiến cho học sinh không còn tìm thấy niềm hứng thú trong học tập. Họ mang trong mình suy nghĩ "Học cho cha mẹ chứ không học cho mình". Ba mẹ gây áp lực khiến con em mình luôn phải "oằn" mình để gánh lấy ước mơ lớn lao của họ. Mặt khác do chương trình học quá nặng nề về kiến thức, kiến thức khô khan, cứng nhắc, ít có điều kiện thực hành khiến nhiều học sinh chán nản, học chống đối bằng cách "học tủ", "học vẹt". Tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính bản thân mỗi học sinh ngay từ đầu đã không có mục đích học rõ ràng dẫn đến lười học, học chưa đúng phương pháp. Một phần khác là do học sinh không có ý thức tự giác, chây lười trong học tập.

    Hai cách học trên mang tính đối phó, không thực sự coi trọng việc tiếp thu kiến thức để tích lũy và nâng cao vốn hiểu biết. Vì "học vẹt", "học tủ" mà không tư duy nên không hiểu, không nắm chắc kiến thức dẫn đến không biết vận dụng vào thực tế. Việc học như thế dẫn đến tốn thời gian, tiền bạc của cha mẹ. Ngoài ra, hai cách học trên phụ thuộc vào sự may mắn nên rất dễ xảy ra may rủi, có thể đem lại kết quả không như mong đợi. Do đó gây ra chán nản, thiếu tự tin vào bản thân. Đồng thời nó cũng tạo một thói quen xấu làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc học và trở thành những người không trung thực. Việc "học vẹt", "học tủ" không chỉ gây hại cho mỗi bản thân học sinh mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Thử hỏi xem, trong một đất nước mà học sinh chỉ biết gian dối, học chống đối không có kiến thức thực chất thì đất nước đó phát triển ra sao? Xã hội sẽ mất niềm tin vào ngành giáo dục của đất nước, chất lượng giảm sút, ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập và phát triển.


    Vì vậy, việc khắc phục tình trạng "học vẹt", "học tủ" là vô cùng quan trọng. Trước hết học sinh cần thay đổi lại cách học cho phù hợp với bản thân, hiểu được ý nghĩa của việc học, học cho bản thân mình chứ không phải cho ai khác. Khi học tập nên kết hợp với giải trí để đầu óc được thoải mái, không bị áp lực. Ba mẹ cần thay đổi lại suy nghĩ của mình, không nên ép buộc, con cái mà phải luôn động viên, giúp đỡ con em mình những lúc gặp khó khăn trong học tập. Ngoài ra nhà trường cần thay đổi lại chương trình giáo dục cho phù hợp, tránh nặng về kiến thức mà tạo điều kiện thực hành nhiều hơn. Chỉ có cách "học đi đôi với hành" chúng ta mới tránh được cách "học vẹt", "học tủ" tai hại kia.


    "Giáo dục là chìa khoá của tương lai". Vì vậy học sinh cần có phương pháp học tập, rèn luyện đúng đắn để giáo dục có thể dẫn mỗi người bước đến cánh cửa thành công. Loại trừ phương pháp học tập "học vẹt" và "học tủ", học sinh sẽ có kiến thức đầy đủ, hành trang cần thiết để bước vào đời, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  10. Tri thức là thứ tài sản vô cùng quý giá của nhân loại. Con người dùng việc học tập, tìm hiểu để tiếp nhận nguồn tri thức ấy, biến nó thành bàn đạp giúp bản thân vươn tới thành công. Ấy vậy nhưng nhiều trường hợp lại chọn học tủ, học vẹt để chống chế gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển của cộng đồng.


    Có thể hiểu học tủ, học vẹt là cách tiếp nhận kiến thức thụ động, sáo rỗng trong một thời gian ngắn. Người học căn bản chỉ học thuộc, bắt chước chứ không hiểu rõ bản chất của bài giảng. Họ làm vậy để đối phó với những bài kiểm tra, kì thi trước mắt. Đây là thái độ học tập vô cùng hời hợt, vừa gây tốn thời gian, vừa không mang lại kết quả.


    Hiện tượng này xảy ra bởi rất nhiều lí do. Với lượng kiến thức khổng lồ đến từ tất cả các môn trong chương trình, áp lực đè lên vai người học là rất lớn. Họ vừa phải đối diện với sự kì vọng của gia đình, vừa chịu gánh nặng điểm số trên trường lớp. Một phần đó cũng là do hệ thống giáo dục chưa quá sát với thực tiễn khiến người học không biết mục đích mình tiếp nhận kiến thức là gì. Một người không có mục đích thì sẽ không có động lực để cố gắng. Vậy là họ cứ ỷ lại, dần mất đi tính tự giác, hoạt động trong vô thức như một cái máy.


    Hiện trạng học tủ, học vẹt này đang rất đáng báo động, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của cả một quốc gia. Nếu cứ tiếp nhận một cách chống đối, kiến thức sẽ không thể đọng lại được chút nào. Cứ thế, con người “học trước quên sau”, cuối cùng dẫn đến hổng kiến thức. Đã có rất nhiều câu chuyện về các bác sĩ, y tá, giáo viên, kĩ sư hay rất nhiều ngành nghề khác. Họ tốt nghiệp, đi làm nhưng thiếu kiến thức chuyên môn, gây ra những câu chuyện “dở khóc dở cười”, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến cả tính mạng con người. Bên cạnh đó, nếu người học chỉ đạt điểm cao mà không hiểu thực chất bài giảng, chính người giáo viên cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

    Chính vì vậy, con người cần nhanh chóng có những giải pháp thiết thực để khắc phục hiện tượng này. Đối với học sinh, họ cần rèn luyện tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong học tập. Gia đình cũng nên có những sự động viên cần thiết thay vì tạo thêm áp lực cho con trẻ. Về phía khác, giáo viên và nhà trường cần chỉnh sửa phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức sao cho phù hợp, hiệu quả, kích thích hứng thú học tập của học sinh. Chỉ khi tất cả mọi người cùng chung tay, những hiện tượng tiêu cực mới có thể được giải quyết.

    Học tủ, học vẹt là thói quen xấu cần được loại bỏ ngay từ sớm. Hãy giữ vững tinh thần “học thật, thi thật”, tiếp thu tri thức một cách chủ động, hiệu quả để có thể phát triển và hoàn thiện bản thân, trở thành một người có ích cho xã hội.

    Bài văn nghị luận số 10
    Bài văn nghị luận số 10
    Bài văn nghị luận số 10
    Bài văn nghị luận số 10




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy