Bài văn nghị luận xã hội về lòng nhân ái số 6

“Sống trong cuộc sống cần có một tấm lòng”, đó là lời bài hát quen thuộc vui tươi, trong trẻo khuyên chúng ta sống trong cuộc đời cần có sự yêu thương. Nếu sống mà không có tình yêu thương, lòng nhân ái thì cuộc đời sẽ lạnh lẽo và vô vị. Vì thế tác giả Tuốc-ghê-nhép đã có bài “Người ăn xin” để thể hiện rõ bài học về lòng nhân ái. Vậy chúng ta có suy nghĩ gì về câu chuyện trên?


Câu chuyện kể về một cậu bé và một người ăn xin đã già yếu. Ông lão chìa tay xin cậu bé, nhưng cậu lại không có gì cho ông. Cậu bèn nắm lấy bàn tay ông một cách run rẩy, chân thật xin lỗi ông, nhưng ông lão không hề giận mà lại cảm ơn cậu bé. Cả hai nhân vật trong câu chuyện này đều cảm thấy mình đã nhận được từ người kia một điều gì đó. Vậy đó là gì? Đó chính là lòng nhân ái, tình yêu thương con người. Vậy thế nào là lòng nhân ái? Lòng nhân ái là lòng yêu thương giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn hơn mình, hoặc đó cũng là sự cảm thông, đồng cảm với một người nào đó. Đây là một cách sống đúng đắn, là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi người nên có.


Thế tại sao chúng ta cần phải có lòng nhân ái? Trong cuộc sống vốn có nhiều khó khăn, bất trắc mà ta không thể lường trước được như bệnh tật, hoàn cảnh khắc nghiệt, làm ăn thua lỗ, bị mất đi người yêu thương hay thiên tai, bệnh dịch. Trong những lúc đó, đau khổ, tuyệt vọng như thế, ai cũng cần được động viên, an ủi, sẻ chia. Như cậu bé trong câu chuyện, ta không nên xa lánh, ghẻ lạnh với người ăn xin vì nếu trong lúc hoạn nạn mà không nhận được sự an ủi ở mọi người thì cuộc sống này sẽ trở nên lạnh lẽo, băng giá chẳng khác nào Bắc Cực.


Hơn nữa, lòng nhân ái đã trở thành truyền thống, đạo lí tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ lâu. Nhờ thế mà ta mới vượt qua những thiên tai, hiểm hoạ, tường chừng không vượt qua được. Khi giúp đỡ người khác, mình sẽ cảm thấy rất vui trong lòng vì hạnh phúc của người khác cũng là hạnh phúc của mình. Ta không thể là người tốt nếu không có lòng nhân ái vì tình yêu thương chính là thước đo phẩm chất của mỗi con người.


Ngoài ra, lòng nhân ái sẽ làm mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn, cuộc sống tràn đầy ý nghĩa hơn. Có rất nhiều hành động thể hiện tình yêu thương ở bản thân. Ta có thể giúp đỡ người ăn xin, như cậu bé trong truyện, đưa em bé bị lạc về nhà, giúp cụ già qua đường, nhường chỗ cho người già, người mang thai và còn nhiều hơn nữa. Đạo lí tốt đẹp này đã được ông cha ta ngợi ca trong những câu thành ngữ, tục ngữ như “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”,… Ngày nay, nước ta cũng thường phát động phong trào giúp đỡ người khó khăn như xoá đói giảm nghèo, kế hoạch nhỏ, nhà tình thương,… Nếu ta có lòng nhân ái thì sẽ được mọi người yêu mến và quí trọng.


Trong thục tế cuộc sống, vẫn còn không ít kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn. Lối sống ích kỉ ấy rất cần phê phán. Lòng nhân ái không chỉ giới hạn trong nước ta mà là trên toàn thế giới, như thời kì các quốc gia cùng nhau đóng góp giúp đỡ Nhật Bản vượt qua động đất, sóng thần.


Tóm lại, lòng nhân ái là một phẩm chất tốt mà mỗi người cần phải có. Là một học sinh, em sẽ cổ gắng phát huy phẩm chất này để giúp xã hội trở nên tốt đẹp, ấm áp hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy