Bài văn nghị luận xã hội về lòng nhân ái số 11

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”. Đó là một lời ca rất hay trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vậy có ai đã từng thắc mắc rằng tấm lòng cố nhạc sĩ muốn nói đến ở đây là gì không. Có lẽ mỗi người đều tự có cho mình những đáp án riêng, nhưng đối với tôi câu trả lời trọn vẹn nhất là tấm lòng nhân ái. Trong truyền thống dân tộc từ ngàn đời nay, qua biết bao đổi thay, biến cố của đất nước và con người, thế nhưng trong nền giáo dục, lòng nhân ái vẫn luôn được đề cao và nhấn mạnh, được xem là một trong những giá trị cốt lõi hình thành nên phẩm cách của một con người. Muốn trở thành một con người chân chính, cái đầu tiên người ta phải có không phải là một thân thể cường tráng, một khối óc thông minh, mà cốt nhất là phải có tình thương, có lòng nhân đạo, để phân biệt rạch ròi với tất cả những loài khác.


Vậy lòng nhân ái có thể được định nghĩa như thế nào? Từ “nhân ái” là một từ ghép Hán Việt, nếu phân tích từng chữ thì “nhân” tức là để chỉ con người, “ái” tức là tình yêu thương, như vậy tổng hợp lại “nhân ái” tức là tình yêu thương con người. Mở rộng ra đó tức là những tình cảm trân quý, tôn trọng, thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia giữa con người với nhau, sống trong một xã hội con người phải biết yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau, không chỉ đối với người thân mà là đối với tất cả các cá thể khác. Nhân ái tức là khi ta thấy đồng loại đau đớn, chịu kiếp bất hạnh, bế tắc thì lòng ta cũng xót xa, thương cảm, nhân ái tức là thấu hiểu được vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của những con người khác nhau, nhân ái tức là biết đồng cảm, sẻ chia đối với những con người phải chịu mất mát, mong muốn họ có một cuộc đời tốt hơn, đồng thời biết đấu tranh để đòi lại sự công bằng bình đẳng cho tất cả mọi người trên thế giới, không phân biệt sắc màu, chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, già trẻ, nam nữ. Chung quy lại, người có tấm lòng nhân ái tức là người có lòng yêu thương đồng loại, sống đạo đức, biết cho đi, là một trong những thước đo đánh giá nhân cách quan trọng nhất đối với từng cá thể trong xã hội.


Như vậy tại sao chúng ta sống trên đời lại cần phải có lòng nhân ái, cư xử nhân đạo với nhau? Bởi lẽ, con người là những có thể có suy nghĩ, có tâm tư, tình cảm, mỗi cá nhân ai cũng đều có một trái tim và khao khát nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc đùm bọc. Mà nếu như thiếu đi những xúc cảm ấy, họ sẽ trở nên buồn bã, chán nản, cảm thấy cô độc, trơ trọi trên cuộc đời, xã hội cũng vì thế mà thiếu đi sự liên kết chặt chẽ với nhau. Cũng giống như việc một gia đình cùng chung sống, nhưng các thành viên không hề yêu thương, chăm sóc nhau, không khí bao trùm luôn lạnh lẽo, vắng vẻ, kết quả là sự tan đàn xẻ nghé đáng tiếc. Đặc biệt các cá nhân sẽ khó có thể chống chọi và vượt qua những khó khăn gặp phải trong cuộc sống như bệnh tật, đói nghèo, hay những thất bại xảy đến,…


Tuy nhiên khi có sự yêu thương đùm bọc từ những người xung quanh, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” thì cá nhân này sẽ nhanh chóng lấy lại được cân bằng, những tổn thương sẽ nhanh chóng được liều thuốc “nhân ái” làm lành sẹo, họ lại có thể tiếp tục cuộc sống, phấn đấu xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Đặc biệt như đã nói, xã hội không thể chỉ có các mối liên hệ kinh tế, chính trị, văn hóa,… mà quan trọng để duy trì được một trật tự xã hội cân bằng, thì yếu tố tình cảm, lòng nhân ái giữa con người với con người vô cùng quan trọng. Sự yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau giữa các cá thể sẽ đem đến một xã hội yên bình, vui vẻ và lạc quan, hiệu suất công việc, lao động được cải thiện, nền kinh tế, chính trị, văn hóa từ đó cũng trở nên ổn định và phát triển mạnh mẽ.


Có thể lấy một số ví dụ như việc chúng ta thường hay tổ chức các hoạt động nhân ái, quyên góp cho nạn nhân chất độc màu da cam, những đồng bào bị thiên tai bão lũ, hay những người nghèo có cuộc sống khó khăn,… Hành động này có tính lan tỏa yêu thương mạnh mẽ, khiến những số phận bất hạnh cảm thấy bản thân mình không cô đơn, không bị bỏ lại, từ đó họ càng có động lực để cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt. Đồng thời, những hành động nhân ái còn có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với các thế hệ trẻ, góp phần hình thành một nét đẹp một truyền thống quý giá luôn tuôn chảy trong huyết quản của nhiều thế hệ. Bên cạnh đó hành động nhân ái, sẻ chia, quyên góp cũng góp phần làm giảm gánh nặng cho xã hội và nhà nước, góp phần củng cố xây dựng một bộ máy chính trị vững mạnh, tiến bước sánh ngang cùng các cường quốc năm châu.


Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cách đây 50 năm của dân tộc ta, có thể nói rằng gốc rễ của những chiến thắng vang dội không chỉ nằm ở tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, ý chí quyết tâm chống giặc mà nó còn nằm ở chính tấm lòng nhân ái hiện diện trong mỗi con người. Có biết bao thế hệ cha anh đã ra đi, chấp nhận hy sinh xương máu bởi một nỗi đau xót khi chứng kiến cảnh quê hương điêu tàn, đồng bào bị giết hại, tiêu biểu nhất trong số cách anh hùng, lãnh tụ vĩ đại đó phải kể đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng nhân ái sáng ngời soi bước đường của dân tộc. Rồi cũng từ lòng nhân ái mà hình thành nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong kháng chiến chống Mỹ, Bắc – Nam chia cắt, nhân dân miền Bắc thương miền Nam ngập tràn khói lửa chiến tranh, nên đã ra sức tăng gia lao động sản xuất, cung ứng cho miền Nam, với một niềm tin rồi ai đây Bắc – Nam sum họp một nhà. Phải nói rằng sức mạnh của lòng nhân ái, nhân đạo là một nguồn động lực vô cùng to lớn, có thể đánh tan hết mọi trở ngại, trở thành một trong những nền tảng cốt lõi nhất của một dân tộc hùng mạnh.


Tuy nhiên có một sự thật đáng buồn rằng xã hội càng hiện đại, con người càng có nhiều cơ hội phát triển, càng trở nên độc lập, không còn quá phụ thuộc vào cộng đồng hay gia đình như trong lịch sử nhân loại, thì lòng nhân ái dường như cũng trở nên phai nhạt trong trái tim của nhiều cá thể. Người ta bắt đầu trở nên thờ ơ với nỗi đau của đồng loại, thay vào đó là chăm chú, tập trung một cách ích kỷ vào cuộc sống của mình, các mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội ngày càng trở nên lỏng lẻo, thậm chí cả ở trong gia đình cũng dần hình thành xu hướng các cá thể sống độc lập và ít can thiệp vào cuộc sống của nhau. Thật đáng tiếc đó lại là một biểu hiện của sự đi xuống trong phẩm cách và nền văn hóa của dân tộc, khi mà thanh niên trai trẻ lại thờ ơ không muốn nhường ghế cho phụ nữ mang thai, người già trên phương tiện công cộng.


Người ta vội vàng bỏ đi khi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vì sợ gặp phải phiền phức, hoặc người ta sẵn sàng lừa lọc lẫn nhau để chuộc lợi cho bản thân mà không hề quan tâm xem kẻ bị lừa sẽ đau khổ và tuyệt vọng đến nhường nào. Hoặc việc những người cha người mẹ ra tay đánh đập, hành hạ con mình một cách tàn ác, hay cả những đứa con sẵn sàng bỏ đói, đối xử với các đấng sinh thành như súc vật. Rồi cả việc người ta chẳng mảy may quan tâm gì đến những việc thiện nguyện, coi đó là hành động dở hơi, rỗi việc, thậm chí có cả những kẻ lợi dụng danh nghĩa tình nguyện để chuộc lợi, kiếm ăn trên chính nỗi đau của đồng loại. Tuy rằng những hiện tượng kể trên chỉ xảy ra ở trên một số những cá nhân, thế nhưng con sâu làm rầu nồi canh, bởi nó đã đem đến những hình ảnh tiêu cực trong xã hội, khiến người ta không khỏi lắc đầu ngao ngán. Còn đâu truyền thống văn hóa mà ông cha ta đã cố gắng xây dựng giữ gìn suốt mấy ngàn năm văn hiến.


Bản thân chúng ta là những học sinh, những mầm non, những trụ cột tương lai của đất nước, xã hội, chính vì thế chúng ta cần phải nhận thức được tầm quan trọng của lòng nhân ái trong việc hình thành phẩm chất đạo đức của mỗi con người. Mỗi học sinh không chỉ ra sức học tập và còn phải biết tích cực làm việc tốt, tôn tạo lòng nhân ái thông qua các việc nhỏ như quyên góp ủng hộ, giúp đỡ người già, trẻ con, trong gia đình thì yêu thương cha mẹ, ông bà, anh chị em, … để hình thành một nhân cách tốt đẹp, trở thành một trong những mảnh ghép sáng giá của xã hội mai sau. Hãy nhớ rằng không phải cứ công to việc lớn mới là xây dựng Tổ quốc, mà chỉ cần lan tỏa yêu thương thì đất nước cũng đã trở nên tuyệt vời hơn từng ngày rồi bạn nhé.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy