Bài văn phân tích bài thơ "Đi đường" của Hồ Chí Minh số 13

Hoàng Trung Thông từng nhận xét như sau về thơ Bác:


“Vần thơ của bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.”


Có lẽ cái chất thép ấy được biểu hiện rất rõ trong tinh thần lạc quan, ý chí nghị lực phi thường của bác trong những ngày hành quân, hoặc dù bị địch bắt đi những đoạn đường trường khắc nghiệt. Với tinh thần ấy, bài thơ “đi đường” đã thể hiện rất rõ chất thép trong thơ Bác.


“Đi đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Núi cao lên đến muôn trùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.


Câu thơ mở đầu như một lời tự bạch chân thành, tự nhiên của người đi đường đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phải trải qua những chặng đường gian lao, khắc nghiệt. Đồng thời cũng hiện lên nỗi vất vả, gian truân của người chiến sĩ cộng sản. nhưng có lẽ đấy không phải là nỗi khó khăn duy nhất và đầu tiên mà ta nhìn thấy trong thơ Bác, trong một bài thơ khác ta cũng từng chứng kiến cảnh tượng ấy:


“Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình”. Nhưng có lẽ, đặt trong tình cảnh hiện tại, thì con đường ấy đâu chỉ là con đường hành quân vất vả, gian lao mà đó còn là con đường đời đầy những chùng chình, vòng vèo, đầy những chông gai, hay cũng chính là con đường cách mạng còn ghập ghềnh muôn nỗi. Đó là hành trình dài mà không phải bất cứ ai cũng đủ bản lĩnh, ý chí để vượt qua: “Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.”


Điệp từ “núi” được điệp lại hai lần, như những nét vẽ rõ ràng, gân guốc về bức tranh miền rừng núi hoang vu, heo hút, sâu thẳm chót vót đầy rẫy những thâm u và nguy hiểm. ta bỗng nhớ đến hai câu thơ:“Hình khe thế núi gần xa”Hay câu thơ chắc nịch này trong thơ Quang Dũng sau này:


“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời”.


Với câu thơ giản dị, cách sử dụng điệp từ kết hợp với tính từ có thanh bằng càng làm cho nhịp câu thơ thêm trúc trắc, càng như níu lấy bước chân người đi đường giàu nghị lực. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi, thì hẳn ta không thể nhận ra chân dung người chiến sĩ cách mạng cộng sản Hồ Chí Minh, câu thơ tiếp là những nét vẽ chân thực mà qua đó hiện lên chân dung tinh thần của Bác:


“Núi cao lên đến tận cùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.


Dường như sau hành trình gian lao và đầy mệt nhọc, sự kiên trì, bền bỉ và ý chí của người đi đường đã được đền đáp. Đến đây. Đã là đỉnh cao của chặng đường, người đi đường đã chinh phục được những thử thách đầy khó khăn. Đó chính là bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, của một tinh thần thép, một ý chí thép, một nghị lực phi thường bền vững. có người nói: đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, khó vì lòng người ngại núi e sông.


Với câu thơ trên, Bác đã chứng minh cho ta thấy sức mạnh của ý chí, sự chịu đựng bền gan vững chí. Dường như đó đã là vẻ đẹp tinh thần rất riêng mà cũng rất truyền thống của tâm hồn người Việt, một dân tộc biết kiên chí, bền lòng. Để rồi, câu thơ cuối là thành quả xứng đáng mà người đi đường nhận được. Khi vượt lên được ranh giới khó khăn giữa từ bỏ và tiếp tục, khi lên đến đỉnh cao kia, cũng là lúc được thưởng ngoạn những cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng, trữ tình, hùng vĩ.


Một tư thế ung dung, tự tại tâm thế chủ động, hiên ngang như của con người làm chủ núi rừng, làm chủ đại ngàn rộng lớn. Giữa muôn vàn nỗi bất hạnh, gian truân người đi đường tìm được một không gian để nâng tâm hồn mình lên, không bị cùm kẹp và gông kìm trong xiềng xích và bó buộc.


Đó chính là vẻ đẹp lạc quan của người chiến sĩ cách mạng cộng sản. Đường như ở câu cuối này, hình ảnh tươi sáng ấy còn là dấu hiệu cho thấy sự vận động trong hình tượng thơ. Nếu trên gian truân bấy nhiêu thì giờ đây lại thanh thản ung dung và hiên ngang bấy nhiêu. Điều ấy là cái nhìn tích cực của người chiến sĩ cách mạng, luôn tin tưởng vào con đường cách mạng dân tộc.


Với ý chí và nghị lực kiên cường, một tinh thần thép bền vững, bài thơ là chiếc gương sáng để chúng ta thôi suy nghĩ hèn nhất, mệt nhọc mỗi khi gặp khó khăn. Đồng thời nổi bật lên trên nề bức tranh ấy là tinh thần người chiến sĩ-thi sĩ Hồ Chí Minh đầy ngưỡng vọng, tự hào.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy