Bài văn phân tích bài thơ "Đi đường" của Hồ Chí Minh số 8

“Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị

Màu quê hương bền bỉ đậm đà

Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta…"

(Tố Hữu)


Biết mỗi hành động, đọc mỗi bài thơ của Bác, chúng ta như được thêm vốn sống, tăng thêm nghị lực, lòng kiên nhẫn để vượt qua mọi thử thách gian lao và tin tưởng vững chắc vào kết quả công việc của mình.


Vào mùa thu 1942, từ Pác Bó, Bác Hồ qua Trung Quốc để tìm viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam, và bị chính quyền tỉnh Quảng Tây bấy giờ bắt giam. Suốt một năm sông trong ngục tù, Bác đã viết Nhật kí trong tù, 133 bài thơ được Bác viết bằng Hán văn về nhiều đề tài khác nhau với mục đích là để tự động viên mình, trong đó có bài Đi đường (Tẩu lộ).


Bài thơ được viết bằng thể thất ngôn tứ tuyệt, nhà thơ Nam Trân dịch ra Việt ngữ bằng thể thơ lục bát. Cũng cần biết thêm là Bác thường mượn những hình ảnh dễ thấy trong cuộc sống làm đề tài để biểu đạt tư tưởng và tình cảm của mình. Ngay ở tựa bài Đi đường cũng đã chứng minh cho nhận xét ấy.


Từ hình ảnh cụ thể và khái quát ấy, nhà thơ Hồ Chí Minh đã viết thành câu khai: Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan, Bản dịch của Nam Trân viết: Đi đường mới biết gian lao,


Câu thơ nguyên tác có điệp ngữ “tẩu lộ” (đi đường) để nhấn mạnh, còn câu thơ tiếng Việt thì không. Thế nhưng từ “nan" (khó) trong nguyên tác được dịch bằng từ “gian lao" thì khá tuyệt bởi nó diễn đạt nỗi khó khăn, gian khổ đậm nét hơn. Từ hình ảnh cụ thể ấy, người đọc hiểu rộng ra: mọi công việc, khi bắt tay vào hành động mới thấy những khó khăn đang chờ đợi.


Những khó khăn ở câu khai được nhà thơ diễn đạt rõ hơn ở câu thừa. Nguyên tác viết: Trùng san chi ngoại hựu trùng san; Bản dịch viết: Núi cao rồi lại núi cao trập trùng; Nguyên tác sử dụng điệp ngữ “trùng san – nhiều lớp núi chồng lên nhau” nhấn mạnh về núi non để làm rõ nghĩa cho “tẩu lộ nan – đi đường khó” ở câu khai.


Bản dịch tiếng Việt cũng sử dụng điệp ngữ “núi cao”, quan hệ từ “rồi lại”, và cả tính từ láy âm “trập trùng” để cụ thể hóa “gian lao” ở câu khai. Như thế thì câu thơ dịch khá hoàn chỉnh, kể cả chất thơ. Từ sự việc có thật là lúc ở tù nhà thơ bị giải đi từ nhà lao này sang nhà lao khác ở tỉnh Quảng Tây, một tỉnh có địa hình nhiều rừng núi nhà thơ muốn nhấn mạnh đến những khó khăn không bao giờ dứt trong đời sống của mỗi người.


Đường đời bình thường đi đã mệt, đường giành lại độc lập tự do đã bị thực dân trước mất thì khó khăn và nguy hiểm khôn lường. Lịch sử Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập – tự do cho dân tộc từ thời dựng nước cho tới lúc nhà thơ bị bắt và làm bài thơ này đã chứng minh cụ thể cho sự khó khăn khôn lường ấy.


Biết như thế để tự động viên mình trên đường đi. Lúc nào cũng lạc quan, lúc nào cũng cố gắng tiến bước để đạt được mục tiêu cuối cùng như hình ảnh trong hai câu chuyển và hợp trong nguyên tác:


Trùng san đăng đáo cao phong hậu,

Vạn lí dư đồ cố miện gian.

Và bản dịch:

Núi cao lên đến tận cùng,

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.


Cả nguyên tác lẫn bản dịch đều dùng phép đảo ngữ để nhấn mạnh “trùng san – núi cao". Khó khăn nào cũng cố gắng vượt qua, núi cao nào cũng leo tới đỉnh rồi lại tiếp bước. Càng vượt được nhiều núi cao, trong thực tế, càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trèo đèo, lội suối, vượt qua những vực sâu… nguy hiểm.


Hiểu rộng ra trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, kể cả việc học hành, càng vượt qua nhiều khó khăn càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong giải quyết công việc. Lúc ấy ta sẽ vững tin khi đối diện với một khó khăn mới khác trên bước đường đời.


Trong cuộc đời hoạt động, Bác đã đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Mỗi nơi, mỗi người đều giúp Bác thêm kiến thức, kinh nghiệm. Khi đã vượt qua tất cả những ngọn núi thấp để đến đỉnh ngọn cao nhất: vượt qua khó khăn lớn lao nhất thì… đạt đến thành công.


Hình ảnh kỳ vĩ: con người với thân hình nhỏ bé đứng trên đỉnh cao của ngọn núi vĩ đại: một bức tranh thật hào hùng; thành công ấy thật vinh quang. Vượt qua khó khăn lớn nhất sẽ thấy rõ đường đời cái gì là trắc trở, cái gì là hạnh phúc, bình yên. Muốn thế, cần phải có tâm và trí…


Ngày trước, Nguyễn Bá Học cũng đã từng mượn hình ảnh đi đường để nhấn mạnh vai trò nghị lực của con người rằng: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông…”. Rồi cụ Phan Bội Châu cũng đã từng nhắc nhở: "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai" thì nay lại có thêm Hồ Chí Minh. Mang nội dung giáo dục tư tưởng chính trị nhưng không khô khan bởi biết mượn hình ảnh sự việc để bộc lộ tâm tư của mình. Đúng là thơ của một danh nhân văn hóa của cả thế giới.


Thế hệ của Bác, đàn em của Bác đã học tập tinh thần ấy trong hai cuộc chiến chống thực dân và đế quốc. Còn các thế hệ sau thì nhờ học bài thơ mà họ thấy đường đời khó để bình tĩnh chuẩn bị hành trang mà vượt qua: tri thức là phương tiện để "lên đến tận cùng”, vượt nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu…

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy