Bài văn phân tích bức tranh mùa thu qua bài "Thu điếu" số 6
“Mùa thu” vốn là một đề tài quen thuộc của thi ca Việt Nam. Mỗi người nghệ sĩ đều có những cảm nhận riêng biệt về mùa thu. Trong số những bài thơ hay viết về mùa thu, chúng ta không thể không nhắc đến chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến (Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh). Và đặc biệt là bài thơ Câu cá mùa thu (Thu điếu) - tác phẩm điển hình cho phong cảnh làng quê Bắc Bộ.
Trước hết, bức tranh mùa thu hiện lên với vẻ đẹp cổ điển - vẻ đẹp vốn có của thi ca với cái tĩnh lặng trong cảnh và tâm của người nghệ sĩ. Bài thơ mở ra bằng không gian gần:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Mùa thu đối với Nguyễn Khuyến không chỉ được cảm nhận ở những cơn gió se lạnh đặc trưng mà còn được cảm nhận ở làn “nước trong veo” gợi ra một sự lạnh lẽo. Những cảm nhận của nhà thơ thật tinh tế. Ông đã vận dụng mọi giác quan để cảm mùa thu. Cái lạnh lẽo đã thấm vào da thịt. Trong cái trong veo của nước, Nguyễn Khuyến còn nhận ra một màu sắc thật đặc biệt “sóng biếc theo làn hơi gợn tí”. Cái tĩnh lặng của không gian được hiện ra qua một làn sóng nhỏ. Nhưng không gian đó, không chỉ thu hẹp trong làng quê mà còn được mở rộng khi hình ảnh thu thiên được tác giả nắm trọn từng vẻ đẹp:
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.
Câu thơ cho thấy độ cao thẳm thăm của không gian, màu xanh không chỉ gợi nên cái êm dịu của bầu trời, mà nó còn khiến cho vòm trời trở nên rộng rãi khoáng đạt hơn. Không dừng lại ở đó, thi nhân còn nhận ra những chiếc lá mùa thu khẽ đưa vèo trong gió: “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”. Nếu như ở những bài thơ khác, hình ảnh chiếc lá rơi gợi đến sự chia lìa, xa cách:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
(Nguyễn Du)
Thì trong câu thơ của Nguyễn Khuyến tuyệt nhiên không gợi lên cảm giác đó. Chiếc lá vàng rơi như một lẽ rất tự nhiên của tạo hóa. Động từ “vèo” khiến cho gợi ra một chuyển động thật tinh tế. Câu thơ như ôm trọn khoảnh khắc, thần thái của mùa thu êm dịu, thanh bình. Những hình ảnh trong thơ Nguyễn Khuyến thật bình dị, thân thuộc, những câu thơ không chỉ cho người đọc cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn cái hồn thu mà còn cảm được cái hồn của cuộc sống ngày xưa, đó là cuộc sống êm đềm, bình dị, thanh thản. Trong không gian thu đầy tĩnh lặng ấy con người xuất hiện chỉ là một nét vẽ rất nhỏ, rất khẽ:
“Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”.
Đặc biệt cuối bài thơ, trong không gian đầy chất thu ấy hiện lên dáng người ung dung bất động: Tựa gối buông cần lâu chẳng được. Không gian ao nhỏ hẹp, kết hợp với dáng dáng ngồi “tựa gối” thu mình trong chiếc thuyền bé tạo nên sự hòa hợp bất ngờ giữa người và cảnh. Dường như trong không gian ấy mọi vật đều trở nên bé lại, nhỏ lại. Người đi câu mà dường như không bận tâm đến chuyện câu cá, trong cái buông cần lâu chẳng được ẩn chứa cả một sự thờ ơ, không quan tâm, cả nỗi niềm, tâm trạng.
Với bút pháp lấy động tả tĩnh tài tình nhằm miêu tả chuyển động của cảnh vật và âm thanh đã khiến cho không gian tràn ngập trong sự yên tĩnh. Đặc biệt trong câu thơ cuối tiếng động khẽ của cá đớp mồi dưới chân bèo khiến nhà thơ giật mình. Chỉ một tiếng cá đớp động rất nhỏ thôi lại khiến nhà thơ giật mình đủ cho thấy sự yên bình nơi làng quê lúc bấy giờ. Với bút pháp chấm phá, lấy động tả tĩnh bức tranh thu cổ điển dưới ngòi bút Nguyễn Khuyến hiện lên thật trong lành, thanh tĩnh và yên bình.
Bên cạnh vẻ đẹp cổ điển, bức tranh thu của ông còn mang cái thần thái riêng của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ với hàng loạt các hình ảnh quen thuộc ở làng quê Việt Nam: thuyền câu, ngõ trúc, ao bèo,… Ngoài ra ông còn sử dụng một cách thuần thục, tài tình vốn ngôn ngữ đời sống: trong veo, bé tẻo teo, đưa vèo, vắng teo… khiến cho bức tranh thiên nhiên trở nên có hồn hơn bao giờ hết. Hình ảnh quen thuộc kết hợp với ngôn ngữ giản dị đã tô đậm màu sắc cho bức tranh thu.
Qua bức tranh mùa thu mà Nguyễn Khuyến khắc họa, người đọc đã thấy được tài năng của nhà thơ. Cũng như tình cảm yêu thiên nhiên sâu sắc của một hồn thơ sâu sắc.