Bài văn phân tích bức tranh mùa thu qua bài "Thu điếu" số 7

Câu cá mùa thu (Thu điếu) thuộc chùm thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến. Qua bài thơ, người đọc thấy được một bức tranh thu của nơi làng quê Bắc bộ hiện lên đầy chân thực và sinh động.


Hình ảnh bức tranh thu được thu vào tầm mắt của nhà thơ theo điểm nhìn từ gần đến xa từ “một chiếc thuyền câu bé tẹo teo” trong ao thu đến “tầng mây lơ lửng”. Rồi lại từ xa đến gần từ “trời xanh ngắt” quay trở về với “thuyền câu” và “ao thu”. Cách thay đổi điểm nhìn như vậy làm cho bức tranh thu trở nên toàn diện hơn chỉ từ không gian một chiếc ao nhỏ bé mở rộng ra là cả một bức tranh mùa thu.


Từ điểm nhìn đó bức tranh ấy lần lượt hiện ra chỉ với vài đường nét tiêu biểu nhất. Mùa thu hiện ra đầu tiên với một không gian khá hẹp trong một chiếc ao nhỏ bé với một chiếc thuyền câu nhẹ tênh. Mùa thu trong tâm hồn nhà thơ với hình ảnh “ao thu lạnh lẽo” với làn nước “trong veo” giống như một chiếc gương khổng lồ có thể phản chiếu mọi cảnh vật. Chiếc thuyền câu ở đấy rồi nhưng vẫn chưa thấy con người xuất hiện:


Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo


Đến hai câu thơ tiếp theo, khung cảnh làng quê lúc này đã không còn tĩnh lặng nữa mà đã bắt đầu có chút âm thanh:


Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo


Sóng nhỏ vì ao vốn nhỏ, lại nằm trong chỗ khuất gió. Cơn gió heo may nhẹ nhàng vốn là đặc trưng của mùa thu. Kế tiếp là hình ảnh “lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” - chỉ một động từ “vèo” thôi nhưng đã gợi ra một chuyển động thật tinh tế của chiếc lá. Hai hình ảnh “sóng biếc” và “lá vàng” được đặt trong thế đăng đối khiến cho bức tranh thu thêm đặc sắc hơn.


Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo


Nguyễn Khuyến đã mở rộng không gian lên tận trời xanh với hình ảnh những đám mây lơ lửng giữa trời. Dường như với hình ảnh này, bức tranh thu trở nên thật lãng mạn và trữ tình. Không gian mở rộng là thế, bỗng chốc lại trở về với cận cảnh. Hình ảnh “ngõ trúc quanh co” chính là con đường làng quen thuộc với bóng tre đã đứng đó từ bao đời. Trời thu lạnh lẽo khiến cho đường làng trở nên vắng vẻ hơn. Điều ấy khiến cho bức tranh thu trở nên đượm màu sắc buồn bã. Bài thơ được kết thúc bởi hình ảnh của nhân vật trữ tình:


Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.


Cuối cùng thì con người cũng xuất hiện trong bức tranh thu ấy. Với một công việc thật thư thái: câu cá. Nhân vật trữ tình trong bài thơ đang câu cá mà dường như chẳng hề chú tâm đến công việc của mình “tựa gối buông cần”. Có lẽ vì đang chìm đắm trong dòng suy nghĩ miên man của bản thân. Để rồi chỉ một âm thanh nhỏ bé của cá đớp động dưới chân bèo lại làm nhà thơ giật mình sực tỉnh. Hai câu cuối đã khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình - hay cũng chính là nhà thơ trong một tâm thế nhàn nhã trước bức tranh thu nơi quê hương.


Như vậy, qua bài thơ “Câu cá mùa thu”, người đọc đã cảm nhận được hình ảnh một bức tranh mùa thu thật đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ.

Bài văn phân tích bức tranh mùa thu qua bài
Bài văn phân tích bức tranh mùa thu qua bài "Thu điếu" số 7
Bài văn phân tích bức tranh mùa thu qua bài
Bài văn phân tích bức tranh mùa thu qua bài "Thu điếu" số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy