Bài văn phân tích cái tôi trữ tình trong bài thơ "Vội vàng" số 5

Bài thơ “Vội vàng” là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của tập “Thơ thơ” (1938) – tập thơ đầu tay của Xuân Diệu. “Đó là tiếng thơ dào dạt của một tâm hồn trẻ lúc nào cũng thèm yêu, khát sống, say đắm cuộc đời, quyến luyến cảnh sắc trần gian, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ, tích cực”. Trong “Lời đưa duyên” giới thiệu tập “Thơ thơ”, Xuân Diệu đã coi đây là món quà mà ông dành tặng con người và cũng khao khát tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu: “Người hãy mở tay, người hãy mở lòng mà nhận lấy: đây là lòng tôi đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi vừa lúc vang ngân, và đây là tuổi xuân của tôi, và đây là sự sống của tôi nữa đem tặng cho người mấy bài thơ đây”. “Tôi gửi tâm hồn tôi cho những người trẻ tuổi và nhất là trẻ lòng”. Lời ngỏ đó cho thấy một cái “tôi”Xuân Diệu rất yêu đời, trân trọng và kì vọng thật nhiều vào cuộc đời.


Bài thơ “Vội vàng” đúng là đã thể hiện đầy đủ những đặc điểm của cái “tôi” Xuân Diệu, cái tôi lãng mạn với một lòng ham sống bồng bột, mãnh liệt và một quan niệm mới về thời gian, tuổi trẻ và hạnh phúc. Xưa nay, phân tích bài thơ, người ta thường đi theo bố cục để thấy mạch vận động tự nhiên giữa cảm xúc và lý trí, tình cảm và tư duy, điều đó là hoàn toàn hợp lý. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu một hướng tiếp cận khác đối với bài thơ: tiếp cận từ góc nhìn đặc trưng văn học lãng mạn, đặc trưng của Thơ mới, của thơ Xuân Diệu: góc nhìn cái tôi.


Xét về cái “tôi” Xuân Diệu mà nói, luôn tồn tại hai đặc điểm tưởng chừng đối lập: vừa yêu đời tha thiết đắm say vừa cảm thấy bơ vơ, cô đơn giữa dòng đời. Bài thơ “Vội vàng” nghiêng về biểu hiện lòng yêu đời, cảm giác cô đơn chưa thật rõ như trong nhiều bài thơ khác nhưng thoáng rùng mình tinh tế trong cảm nhận về sự chảy trôi vô tình, lạnh lùng của thời gian thì đã xuất hiện khiến khi nhân không tránh khỏi có lúc u hoài, bâng khuâng, tiếc nuối… Đó là một cái “tôi” nồng nhiệt, cuống quýt với cuộc đời:


Không ở đâu mà cái tôi của Xuân Diệu tràn trào, mãnh liệt hơn ở bài thơ Vội vàng. Ông ham sống, vội sống, nồng nhiệt và rống riết với tình yêu, với cuộc đời như thể ông cảm thấy nó như sắp rời bỏ ông đi thật xa. Chừng như Xuân Diệu sinh ra là để yêu đời, và yêu cho đến phút chót:


“Trong hơi thở chót dâng trời đất

Cũng vẫn say tình đến ngất ngư”


Vì tình yêu đó, Xuân Diệu không ngại ngần bày tỏ khát vọng giữa cuộc đời:


“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”


Một cái tôi, một bản ngã được phô ra, được đánh dấu, không e dè, không sợ sệt, không tìm cách ngụy trang vào cái chung. Thế mới là Xuân Diệu. Và cái cách mà thi sĩ bộc lộ tình yêu đời cũng không giống ai, cũng rất Xuân Diệu. Thi sĩ muốn đoạt quyền tạo hóa “tắt nắng đi”, “buộc gió lại”….


Thật táo bạo và kỳ lạ khi muốn bắt quy luật khách quan của tạo hóa phục tùng quy luật chủ quan của lòng người. Song đừng vội cho là Xuân Diệu liều lĩnh, ngông cuồng! Hãy nghe thi sĩ giải thích rõ lý do của hành động ấy: tắt nắng cho màu đừng nhạt, buộc gió cho hương đừng bay. Ông muốn khoảnh khắc đẹp đẽ này của mùa xuân sẽ còn ở lại mãi với cuộc đời, ông muốn níu giữ thời gian. Bởi vì với Xuân Diệu, mùa xuân bao giờ cũng là xuân đầu, đầy sức hấp dẫn và quyến rũ.


Dưới con mắt “xanh non”, con mắt “biếc rờn” của thi sĩ, mùa xuân hiện lên với tất cả vẻ đẹp, sức sống căng tràn và rực rỡ: nào là ong bướm dập dìu, chim chóc ca hát, lá non phơ phất trên cành, hoa nở rộ trên đồng nội, ánh nắng chan hòa chiếu sáng cả thế gian mỗi buổi sớm mai. Tất cả mọi cảnh vật của mùa xuân được phát hiện và miêu tả bằng tất cả niềm háo hức, say mê, nhờ thế những hình ảnh vốn quen thuộc trở nên mới lạ đến ngỡ ngàng. Cái nhìn đa tình của của Xuân Diệu đã quy chiếu vẻ đẹp của mùa xuân về vẻ đẹp của giai nhân và nếu như cả ba tháng mùa xuân giống như người thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp thì tháng giêng là cặp môi của người thiếu nữ ấy:


“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”


Tháng giêng căng mọng, “chín đỏ” mời gọi như cặp môi đang ở rất gần của người thiếu nữ, gợi lên biết bao khát khao thèm muốn. Có thể nói, mọi hình ảnh của mùa xuân đều tràn đầy xuân sắc, thấm đẫm xuân tình, đầy sắc hương, rộn ràng âm thanh và những hoa thơm trái ngọt. Vẻ đẹp ấy không ở phải ở chốn bồng lai tiên cảnh, ở một nơi nào đó xa xôi diệu vợi mà là cuộc sống bình dị, gần gũi quanh ta.


Đó thực sự là một Thiên đường trên mặt đất, một bữa tiệc trần gian mời gọi con người. Và như ai đó đã từng nói, khi người ta đứng trước một cái Đẹp hoàn hảo, người ta không chỉ ngất ngây sung sướng, người ta còn cảm thấy “bối rối” (Nguyễn Minh Châu). Đó cũng chính là tâm trạng lưỡng thế của Xuân Diệu khi đứng trước mùa xuân:


“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”.


Thi sĩ đã rất thành thực với mùa xuân, với lòng mình, và ở Xuân Diệu, dù là “sung sướng” hay “vội vàng” thì cũng đều từ cội nguồn tình yêu cuộc sống cháy bỏng mà ra, không thể là điều gì khác!


Đó là một cái “tôi” u hoài, bâng khuân, tiếc nuối thời gian:


Xuân Diệu yêu đời, gắn bó với đời nên sinh ra nhạy cảm đặc biệt trước sự trôi chảy của thời gian, vì “thời gian ăn cuộc đời”. So với văn học truyền thống, quan niệm về thời gian của Xuân Diệu là hoàn toàn mới mẻ. Tư tưởng mang tính triết lý sâu sắc này lại được thể hiện dưới dạng thức kết hợp lý trí với tình cảm, suy tưởng và cảm xúc, bởi vì với Xuân Diệu, đây không chỉ là một quan niệm, mà còn là một trải nghiệm thấm thía trong đời. Càng yêu đời, càng sợ thời gian trôi nhanh. Xuân Diệu mang mặc cảm đó vào việc đo đếm thời gian, cho nên thời gian trôi qua nhanh thật:


“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”


Tác giả “Vội vàng” đã đồng nhất hóa các phạm trù đối lập. “đương tới”- “đương qua”, “còn non” – “sẽ già”. Trong hôm nay đã có ngày mai, trong hiện tại đã thấy tương lai. Thời gian được hình dung như một dòng chảy liên tục, không quay trở lại. Ai đó nói thời gian tuần hoàn, xuân đi rồi xuân lại đến, Xuân Diệu không đồng tình, ông say sưa tranh luận bác bỏ quan niệm siêu hình đó. Vì ông đã nhìn thời gian không phải bằng con mắt khách quan, người xưa nhìn mùa xuân chỉ là mùa xuân thì thấy nó tuần hoàn lặp lại, còn Xuân Diệu lại gắn mùa xuân của đất trời với tuổi trẻ của con người thì rõ ràng mùa xuân một đi không trở lại vì tuổi trẻ không đến hai lần trong đời, mà tuổi trẻ lại đồng nghĩa với hạnh phúc và tình yêu. Cho nên tuổi trẻ qua là cơ hội về tình yêu và hạnh phúc cũng không còn.


Nhìn thời gian trong một chuỗi mắt xích nhân quả đó, sao tránh khỏi u hoài nuối tiếc và mặc cảm chia lìa? Cho nên ông tiếc xuân ngay từ khi nó mới bắt đầu, tiếc tuổi trẻ ngay cả khi nó đang ở độ rực rỡ nhất. Những điều cảm nhận tưởng trái ngược và đầy tính mất mát: “trong gặp gỡ đã có mầm li biệt”, đang mùa xuân tươi tốt đã thấy trước những úa tàn rơi rụng của mùa thu, đó thực chất là một dạng thức biểu hiện khác của cùng một tấm lòng yêu đời mãnh liệt ở Xuân Diệu đó thôi, không thể là điều gì khác!


Đó là một cái “tôi” tràn trề khát vọng và nội lực: Cũng xuất phát từ lòng yêu đời và quan niệm mới mẻ về thời gian, Xuân Diệu tự tìm cho riêng mình một quan niệm sống, một lối sống, một tuyên ngôn sống: vội vàng. Cái tôi Xuân Diệu trở thành cái tôi vội vàng để tận hưởng hạnh phúc tối đa của cuộc sống trần thế. Vội vàng chính là cách Xuân Diệu khắc phục sự ngắn ngủi, hữu hạn của đời người. Ông thắng vượt thời gian bằng tốc độ sống (nhanh), bằng cường độ sống (mạnh), bằng cao độ sống (mãnh liệt). Tất cả tạo thành sự dồn nén năng lượng, giá trị sống trong từng khoảnh khắc, từng phút giây. Cái “tôi”vụt lớn thành cái “ta” (không phải cái phi ngã), “ta” thực chất vẫn là “tôi” nhưng tầm vóc lớn lao hơn để đủ sức ôm chứa khát vọng mãnh liệt, không cùng.


Xuân Diệu quả là tham lam khi ông muốn “ôm” vào lòng “cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, muốn “riết mây đưa và gió lượn”, muốn “say cánh bướm với tình yêu”, muốn “thâu trong một cái hôn nhiều” “và non nước, và cây, và cỏ rạng” để cho “chếnh choáng mùi thơm”, “đã đầy ánh sáng”, “no nê thanh sắc của thời tươi”, và cuối cùng là cao trào của cảm xúc:

“Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.


Có thể nói sự sống mùa xuân hiện lên ngồn ngộn qua một hệ thống thi ảnh mà hình ảnh nào cũng sinh động, trẻ trung, hấp dẫn, tình tứ. Còn nỗi khát khao tận hưởng hạnh phúc trần gian của thi sĩ thì biểu hiện qua một chuỗi điệp cú, về hình thái thì điệp nguyên vẹn, còn động thái thì điệp lối tăng tiến.


Sự vội vàng tận hưởng cuộc sống của thi nhân cũng phát triển dần qua cách sử dụng động từ mạnh “ôm” đã thân thiết, nhưng “riết” còn mạnh hơn (xiết chặt, ghì mạnh) đến “say” thì đã nồng nàn (say sưa) và “thâu” thì đã thu tất cả mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc vào trong tâm hồn mình, cuối cùng “cắn” thì đúng là sự vỡ òa trong cảm xúc sung sướng, đê mê đến mức không thể kiềm chế được. Tất nhiên đây vẫn là một khoái lạc thẩm mỹ lành mạnh, thuần túy tinh thần, động từ “cắn” dù gợi rất nhiều cảm giác nhưng tuyệt nhiên không dung tục. Và “vội vàng” cũng không phải lối sống gấp hưởng thụ tầm thường, đó là lối sống của một con người luôn muốn cháy hết mình vì một đời sống có ý nghĩa.


Đọc chín câu cuối của bài thơ theo đúng giọng điệu của nó, là phải đọc một hơi liền mạch, không ngừng nghỉ. Khi bài thơ khép lại ở một cao trào đầy ý nghĩa, ta như thấy có một luồng khí nóng chạy khắp cơ thể, và tình yêu cuộc sống đã căng đầy lồng ngực của ta. Có lẽ, đây chính là điều có ý nghĩa lớn lao nhất làm nên cái “tôi” của Xuân Diệu. Thi nhân không chỉ thể hiện lòng yêu đời ham sống mãnh liệt của bản thân mà còn truyền được ngọn lửa tình yêu ấy đến với người đọc khiến nó cháy mãi với thời gian. Không phải nhà thơ nào cũng làm được điều ấy.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy