Bài văn phân tích đoạn 1 bài thơ "Tây Tiến" số 9

“Có một bài ca không bao giờ quên….”


Và cũng có một bài thơ như thế, những năm tháng như thế, khắc sâu vào tiềm thức bao nhiêu thế hệ người Việt ngày hôm qua, hôm nay và cả ngày mai. Đó là những ngày tháng kháng chiến chống Pháp, điểm hội tụ của muôn triệu tấm lòng yêu nước và cả sự chiến đấu và hy sinh cao cả, trong đó đẹp nhất là hình ảnh người lính. Có rất nhiều bài thơ khai thác đề tài này, và bài “Tây Tiến” của Quang Dũng được coi là một trong những thi phẩm đặc sắc nhất. Bài thơ là nỗi nhớ về một thời chiến đấu gian khổ nhưng anh hùng của chính nhà thơ bên cạnh đoàn quân Tây Tiến.


Đoàn quân Tây Tiến tập hợp lực lượng đông đảo tầng lớp thanh niên khắp các phố phường Hà Nội. Họ rời bỏ chốn ngàn năm văn hiến vì lý tưởng chung của dân tộc lúc bấy giờ: “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.” Những chàng trai từ nông dân đến tri thức, từ đồ tể đến cả bác sỹ tất cả làm thành đội quân “Tây Tiến” hoạt động ở biên giới Lào để bảo vệ yên bình cho nơi này. Bài thơ được sáng tác năm 1948 khi Quang Dũng phải chuyển đơn vị sang Phù Lưu Chanh (Hà Tây), nhưng những ngày chiến đấu qua chưa lâu, Quang Dũng cồn cào nhớ về Tây Tiến đó là khơi nguồn cảm hứng của bài thơ. Đoạn thơ khởi đầu bằng một nỗi nhớ bật lên thành lời:


"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi"


Đã “xa rồi” nên nỗi nhớ không thể nào nguôi được. Ngày xưa lại ùa về trong lòng. Biết bao là gắn bó với đồng đội cũng như là gắn bó với những nơi mà Tây Tiến đã đi qua. Trải qua một thời càng khó khăn như thế thì nỗi nhớ càng đong đầy càng sâu sắc.


Khi nhắc tới Tây Tiến thì lại gắn với sông Mã, nó không chỉ là một chứng nhân của ngày tháng hào hùng mà còn ôm trong lòng bao vui buồn của đoàn quân. Vần ơi và dấu chấm than ở cuối cùng là cho câu thơ trở nên âm vang và có sức lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định ấn tượng về một chốn rừng núi khắc nghiệt chẳng thể phai mờ. “Xa rồi” như một tiếng thở dài đầy tình cảm, nỗi nhớ dâng tràn:


Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.


Một nỗi nhớ hiện lên không hình, không tượng, không thể diễn tả được bằng lời, nó như tràn ra không gian xoáy vào lòng người. Người chưa từng trải qua thì không thể có được nỗi nhớ ấy. Với nỗi nhớ da diết một lần nữa vần ơi hô ứng ở Tây Tiến ơi của “nhớ chơi vơi” lan rộng, vọng vào thời gian năm tháng. Trong ca dao cũng có một nỗi nhớ như thế:


“Ra về nhớ bạn chơi vơi.”


Thông thường, khi người ta nhớ thì thường gợi lên kỷ niệm nhưng đến với Quang Dũng thì chốn núi rừng lại hiện lên thi trung hữu họa.


Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời.

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống


Đọc đoạn thơ không cần suy ngẫm về nội dung của nó. Ta cũng có thể nhận ra nét vất vả gian truân của con đường hành quân nhờ vào thanh điệu. Kết cấu với nhiều vần trắc trải dài vô tận làm con đường hành quân sao mà gập ghềnh quá. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng có những câu thơ:


Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non.

Gan không nản chí không mòn.


Nếu Tố Hữu miêu tả thắng cảnh sống của người lính thì Quang Dũng không làm thế. Nhà thơ tập trung vào thiên nhiên và qua đó người đọc hình dung được đời người lính Tây Tiến là như thế nào.


Nhà thơ đưa ra một loạt địa danh không chỉ gợi lên bao nỗi nhớ thương mà còn gợi lên những chốn thâm sơn cùng cốc. Đoàn quân Tây Tiến đi trong lớp sương dày. Như thực như mộng, lúc này đoàn quân dường như đã quá mỏi mệt có thể ngã xuống, chìm vào trong sương bất cứ lúc nào với những cuộc hành quân đã qua và những cuộc hành quân mới lại tiếp nối phía trước. Nhưng một câu thơ nhiều vần bằng lại làm cho tinh thần sức mạnh như vút cao lên.


Mường Lát hoa về trong đêm hơi


Một câu thơ giảm đi cái mỏi mệt tiếp sức đoàn quân tiếp tục trên con đường còn lắm gian nan với dốc thì “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, "heo hút”. Toàn những từ láy tượng hình có sức gợi cảm cao làm cho con đường hành quân trở nên khó khăn vất vả hơn bao giờ hết. Điệp từ dốc diễn tả sự trùng trùng điệp điệp của dốc núi thẳng đứng, cheo leo. một khung cảnh hoang vu, xơ xác nhưng kì vĩ và hoành tráng vô cùng. Hai từ “heo hút” làm khung cảnh trở nên vắng vẻ hiểm trở. Cụm từ “súng ngửi trời” rất giàu chất thơ, lại miêu tả được độ cao đến ngất trời của núi rừng Tây Bắc. Cao đến nỗi mà người lính đứng trên đỉnh núi mà cảm nhận được chạm được tới bầu trời. Đúng là trong thơ có họa, Quang Dũng miêu tả chân thực tới mức mà núi cao vực thẳm sương mờ cứ sống dậy trước mắt người đọc.


Mặc dù khó khăn là thế nhưng những người lính này là thanh niên với tâm hồn còn rất chi là mơ mộng, và còn nét tinh nghịch của tuổi trẻ. Đứng trên cồn có mây che mà tưởng như mình đang đứng trên mây.


Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống.


Một câu thơ như bẻ đôi ra vừa diễn tả được độ cao ngất trời với sườn cheo leo vừa tạo được độ sâu thăm thẳm. Năm câu thơ đọc lên mà “vừa nghe đã muốn mòn chân, mỏi gối” (Trần Lê Văn) mới biết được cái tài tình trong thơ Quang Dũng. Nhưng khó khăn gian khổ là thế tất cả trở nên nhẹ nhõm đi rất nhiều nhờ một câu thơ toàn vần bằng:


"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"


Khi đã lên đến đỉnh núi cao, những người lính mở rộng tầm nhìn ra xa tới các bản làng ẩn hiện trong sương. Làm ấm lòng người lính đã quá mệt mỏi. Họ nhìn vào đó để tiếp thêm sức mạnh mà chiến đấu, vì họ đang chiến đấu để bảo vệ cho nơi đó. Khó khăn tràn ngập là thế vậy thì người lính sẽ như thế nào:


Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời


Quang Dũng nói lên sự thực trên con đường Tây Tiến, bao người chiến sĩ đã nằm lại bên đường. Những nấm mồ mọc lên giữa núi rừng không một nén nhang cảm giác thật lạnh lẽo và hiu quạnh. Gian khổ khó khăn của đường hành quân, của nơi xứ lạ thử thách những chàng trai thành phố biết mấy. Có những người vượt qua được nhưng không ít người không thể. Họ chết không phải vì súng đạn quân thù mà vì căn bệnh sốt rét rừng và muôn vàn mưa nắng dãi dầu khó khăn gian khổ, chịu hết thử thách này tới thử thách khác nhưng chẳng nề hà. Trong bài “Đồng chí”, Chính Hữu cũng đã từng nói tới:


Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi.


Người lính chết đi nhưng cũng chết cho ra dáng người lính “gục lên súng mũ” đó là khí thế của người lính Việt Nam.


Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất

Nhưng anh gượng lên tì súng lên xác trực thăng.

Và anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

(Dáng đứng Việt Nam)


Gục lên súng mũ là cách nói của những chàng thanh niên Hà Nội giúp làm giảm đi nỗi đau của cái chết và nỗi tang thương đi rất nhiều. Người lính ra đi nhưng đồng đội của anh lại tiếp tục tiếp bước. Thiên nhiên lại tiếp tục thử sự chịu đựng của người lính với những nỗi đe dọa đến tính mạng:


Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm về Mường Hịch cọp trêu người


Mối nguy hiểm hiện ra xung quanh không chỉ theo thời gian mà còn theo không gian. Cảnh tượng này không phải những người lính mới gặp lần đầu mà họ đã quen với nó. Dường như chiều nào tiếng ghê rợn ấy của núi rừng cũng đều vọng lại đều đặn, nên giờ đây khi họ nghe thấy tiếng thú dữ, tiếng thác gầm họ không còn sợ nữa. Họ xem đó là một thú vui trên đường dài vất vả. Từ “trêu” thể hiện rõ điều này. Đối mặt với cuộc sống gian khó là thế nhưng những chàng trai Hà Nội vẫn cứ vươn lên và vượt qua tất cả để bước tiếp trên con đường họ đã chọn, không ngại ngần chùn bước:


“Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi

Nào có xá chi đâu ngày trở về”


Đây là tinh thần chung của người lính Việt Nam cũng như những chàng trai Tây Tiến. Và như thế họ vui lên trong khó khăn với một giọng thơ đằm thắm thiết tha đầy chất thơ mộng:


Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi


Những vất vả gian truân để chỗ lại cho cảm giác đầm ấm của tình quân dân. Câu thơ như một lời động viên nhẹ nhàng tiếp sức cho người lính trên đường dài.


Khổ thơ quả là một bức tranh chân thực về cuộc sống và về chính những người lính Tây Tiến. Dù khó khăn nhưng họ đã vượt qua bằng nghị lực bằng niềm lạc quan phơi phới vốn có của tuổi trẻ. Những người lính như họ đã làm nên đất nước. Bên cạnh nội dung khổ thơ là cả một đặc sắc về nghệ thuật, cách sử dụng phối hợp nhiều câu thơ vần trắc vẽ nên khung cảnh hoang vắng cùng với sự kết hợp hài hòa với những câu thơ vần bằng giúp tạo cảm giác nhẹ nhõm. Cách dùng điệp từ và ngắt câu tạo cho khổ thơ âm hưởng lúc thì dữ dội lúc thì nhẹ nhàng. Dùng các địa danh cụ thể nghe là ta cũng biết được phần nào nỗi khó khăn.


Qua đoạn thơ, Quang Dũng thể hiện nỗi nhớ cũng như lòng tự hào của mình đối với một thời để nhớ, làm sống lại cả một thời chinh chiến gian khổ và bức tranh thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ mà nên thơ. Để từ đó khẳng định tinh thần vượt khó cũng như những hy sinh đi vào bất tử của anh bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến gian khổ mà anh hùng vĩ đại.

Bài văn phân tích đoạn 1 bài thơ
Bài văn phân tích đoạn 1 bài thơ "Tây Tiến" số 9
Bài văn phân tích đoạn 1 bài thơ
Bài văn phân tích đoạn 1 bài thơ "Tây Tiến" số 9

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy