Bài văn phân tích đoạn 1 bài thơ "Tây Tiến" số 10

Đâu là một tình yêu cho tổ quốc thiêng liêng, giữa hàng trăm thứ cảm xúc đang làm dao động trái tim mỗi con người? Có lẽ, lời hồi đáp ấy nên để mọi người chúng ta tự cảm nhận, tự hiểu và tự trả lời. Hơn ai hết, càng nghĩ ta lại càng thấu cho tình yêu đất nước của những người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Chính chàng trai xứ Đoài mây trắng năm ấy cũng là một thành viên trong đoàn quân. Hiểu cho sự mất mát, hy sinh của đồng đội, bài thơ ra đời như phần nào nói lên nỗi lòng tác giả và các chiến sĩ Tây Tiến.


Ngay tại đoạn mở đầu bài thơ, tiếng lòng của những chàng tuổi vừa đôi mươi đã thốt lên bởi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, dấu ấn kỷ niệm đọng lại qua câu chuyện đời bao tâm hồn yêu nước thầm lặng:


“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”


Một bài thơ viết về nỗi nhớ Tây Tiến, thế mà hai câu mở đầu của đoạn lại có ý nhắc về “sông Mã” trước nhất. Phải chăng dòng sông Mã uốn quanh nơi đại ngàn Tây Bắc là hình ảnh đã đi sâu vào lòng người chiến sĩ?


“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”


Đây chắc hẳn là nơi đã gắn bó với các anh bằng những kỉ niệm đẹp nhất của thời trai trẻ, nơi mở đường cho những chiến dịch yêu thương, thắp cháy lên ngọn lửa của khát vọng tự do dân tộc hào hùng. Tiếng gọi nơi mái trường xin tạm dừng khép lại, dấu chân ai in dày trên những đỉnh núi cao, băng qua cánh rừng xanh những lá. Đoạn hành trình dài còn đó những gian truân, khó khăn và muôn vàn thử thách. Ở chốn xa, chỉ có tình đồng chí sống mãi, dìu dắt nhau vượt qua ngàn phong ba, bão táp.


Chính những hình ảnh tưởng chừng như bình thường ấy đã khiến các anh phải trở nên “chơi vơi” khi quay đầu nhìn lại. Thông qua cách sử dụng hai từ “chơi vơi” đặc biệt của tác giả, một nỗi nhớ da diết, triền miên được thổ lộ theo cách nhẹ nhàng nhưng khó phai nhất. Tâm tư kia như được khắc trong tim, được vẽ lên đá, tồn tại với thời gian qua nhiều dáng vẻ, hình thù khác nhau. Đồng thời, khi kết hợp cùng với từ cảm thán “ơi” ở câu trên càng nhấn mạnh nên một cảm xúc khó tả, một chút xuyến xao trong lòng của toàn đoàn quân Tây Tiến, trong đó có cả Quang Dũng. Nếu như hai câu đầu của đoạn thơ sẽ là khúc dạo đầu của hồi ức kỷ niệm thì hai câu thơ tiếp theo có lẽ lại là những miêu tả về đoạn hành trình đã được lưu dấu:


“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”


Giữa những dãy sương mù dày đặc, giữa đêm gió rừng gào thét, đoàn quân vẫn miệt mài đi qua dù đang mỏi mệt, vất vả. Chút lãng mạn, nét đẹp thư sinh vẫn còn đó khi giữa đêm thâu nhận ra được hương hoa rừng lan tỏa. Bên cạnh mùi súng đạn tàn khốc, bên tiếng pháo, tiếng bom ngày đêm vang vọng, món quà nhỏ bé từ thiên nhiên ấy đã được các anh đón nhận thật chân thành nơi dải đất “Mường Lát” phảng phất hương thơm.


“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”


Nối tiếp những cung bậc cảm xúc ở phía trên, việc sử dụng những từ láy có tác dụng gợi hình như: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút của tác giả đã khắc họa nên bức tranh hành trình hiểm trở thêm phần sắc nét. Con dốc cao sừng sững ngất trời đầy gian nan, cách trở với đường đi quanh co, gập ghềnh khiến cho mỗi con người khi cất bước đi lên gặp nhiều nguy hiểm khôn xiết.


Ấy thế mà, dù băng qua gió, đi trong mây, nét hóm hỉnh của những chàng trai trẻ trong đoàn quân vẫn còn đó. Phải chăng phép nhân hóa “súng ngửi trời” kia của tác giả là minh chứng rõ ràng nhất trong bài thơ? Trước núi rừng hùng vĩ mây phủ quanh năm, giữa bộn bề nguy khó, sinh tử cận kề, tinh thần lạc quan của các anh vẫn luôn được gìn giữ. Cách gọi “súng ngửi trời” nghe sao thật ngộ nghĩnh, hồn nhiên, nhưng càng gọi lại lại càng thấy thương vô cùng. Thương cho cái gian truân, vất vả, thương cho bao gian khổ, khó khăn của chốn rừng thiêng nước độc mà những người lính trẻ xa nhà phải chịu đựng.


Là “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, ngẫm phép đối mà mới hay cho cảnh sắc thiên nhiên nơi đất trời Tây Bắc, người ở dưới nhìn lên như chốn tiên lạc xa xăm, kẻ ở trên nhìn xuống mịt mờ mây và sương mù che kín. Những ngọn núi, đồi cao, quanh năm không dấu chân người qua lại, “heo hút”, trùng trùng điệp điệp nay đã có các anh đi qua, mang theo cùng mùi sương vị gió.


Tạm dừng những câu thơ kết hợp nhiều thanh trắc miêu tả cảnh dốc đồi, tác giả đã viết nên một câu thơ với vần bằng xuyên suốt hết câu “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Một thoáng mênh mang đã tái hiện lên giữa cuộc hành quân, khi các anh dừng chân nơi ngọn đèo xa lạ, nhìn thấy bản Pha Luông cùng với những ngôi nhà. Tiếng “nhà” gọi lên nghe chiều bâng khuâng, làm xao xuyến mỗi tâm hồn, một tiếng khẽ thôi nhưng chứa nhiều nỗi man mác khôn nguôi, khó tả. Là vì lẽ đứng trước nơi chốn lạ trông thấy cảnh vật xa xăm mà gần gũi? Hay là vì nỗi nhớ nhà vẫn luôn gìn giữ nơi tim mỗi chàng trai Hà Thành cả một thời thơ dại chưa bao giờ rời xa mảnh đất cố hương?


“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”


Nơi núi rừng Tây Bắc hoang dã, là những ngọn núi ngất trời, những cánh rừng sâu đầy dã thú, con dốc cao sừng sừng cản bước chân người. Hành quân nơi địa hình hiểm trở như thế ranh giới của sự sống và cái chết thật thật mong manh và khó đoán. Đã có các anh phải kiệt sức vì chặng đường khắc nghiệt, gian nan, bỏ lại sau lưng chí hướng, những đồng đội trên đường. Thương những con người “dãi dầu không bước nữa”, để rồi “gục lên súng mũ bỏ quên đời” bởi cái cảnh mưa ngàn, thú dữ, tiếng cọp hoang văng vẳng đêm đêm nơi xứ Mường Hịch, tiếc thác chảy thét gầm trong những chiều hoàng hôn phủ lặng… Sau những chặng đường dài nguy khó, hai câu thơ cuối kết thúc đoạn một đã khiến người đọc cảm nhận lại được chút ấm áp, dịu nhẹ bên những kỷ niệm chan chứa tình người nơi các anh lính trẻ đi qua:


“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”


Gác lại phút trắc trở băng rừng, lội suối, các anh dừng lại, ngồi bên nhau quây quần nơi bản làng xa lạ nào đó. Mùi khói bếp xông lên xen lẫn tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, nồng ấm tựa anh em một nhà. Là hương nếp xôi nơi đất Mai Châu đã giữ dấu ân tình, là buổi chuyện trò trong những bữa cơm ngạt thơm vị khói đã làm đậm nên những kỷ niệm không phai, khó mờ.


Chiến tranh đã trôi qua rất lâu, mỗi khi nhìn lại đó là những khoảng lặng, nốt trầm trong ta, để ta thêm biết ơn, thêm tự hào cho những người lính qua đoạn một bài thơ Tây Tiến nói riêng và và các chiến sĩ đã hy sinh vì dân tộc nói chung. Nhưng, với những con người ấy, những con người đã ngã xuống vì tình yêu đất nước thì đó lại là những quãng cao nhất, bản hòa âm phối khí tuyệt vời về tuổi trẻ và cuộc đời trong khúc ca đầy anh hùng của đời mình.

Bài văn phân tích đoạn 1 bài thơ
Bài văn phân tích đoạn 1 bài thơ "Tây Tiến" số 10
Bài văn phân tích đoạn 1 bài thơ
Bài văn phân tích đoạn 1 bài thơ "Tây Tiến" số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy