Bài văn phân tích đoạn trích vở kịch "Bắc Sơn" số 3

Nói đến kịch là nói đến một dạng thức đặc biệt nhằm phản ánh cuộc sống của văn học. Đối tượng của nó là những mâu thuẫn, những xung đột không thể dung hoà giữa các lực lượng đối lập nhau. Nhân vật kịch do đó phản ánh những mâu thuẫn khách quan, nghĩa là có những xung đột cần phải giải quyết. Chỉ có điều: cách thể hiện của kịch thường thông qua đối thoại (cũng có khi độc thoại) cùng với hành động. Những đặc điểm khái quát trên đây bộc lộ khá đầy đủ trong vở kịch Bắc Sơn, vở kịch được xem là một thành công của văn học cách mạng những ngày đầu trong phạm vi sân khấu. Ở đây là hồi bốn của vở kịch.


Tình huống kịch (còn gọi là xung đột kịch) bắt đầu từ lớp I, khi Ngọc (chồng Thơm) đột ngột ra đi ("khuya thế đi đâu?"). Hành động khác thường này không những làm cho Thơm không thể yên lòng mà còn phải chăng nó xác nhận những nghi vấn của chị, của dư luận : Ngọc làm tay sai, làm chó săn cho Tây? ("Người ta bảo anh thằng Sáng dắt Tây vào đánh Vũ Lăng"). Mặc dù Ngọc che giấu và tìm mọi cách để thanh minh, nhưng tất cả lí lẽ mà hắn đưa ra đều chống lại hắn: không làm tay sai cho giặc thì làm sao lại có nhiều tiền, ông Thái có tội gì mà sục lùng tìm bắt? Lại còn mơ ước có danh phận, được phẩm hàm (cửu phẩm) như ông lí nếu không theo giặc thì lấy đâu ra? Tâm trạng của Thơm thật ngổn ngang : vừa khẳng định ("Chỉ tại con thôi ! Con có biết đâu ?") vừa nghi ngờ ("Đã chắc gì những lời đồn ?… Nhưng tiền thì lấy đâu mà lắm thế ?"…), vừa ân hận ("Thà con cứ ở nhà lại rảnh") vừa lo lắng ("Không khéo thì ông Thái bị bắt mất, sao cứ lúng túng mãi không trốn được đi ?").


Sang lớp II, xung đột kịch đột ngột được tăng cường. Đối tượng bị Ngọc và đồng bọn truy lùng lại rơi đúng vào nhà của vợ chồng hắn. Tình huống này một mặt xác nhận động cơ mà Ngọc bỏ nhà ra đi vào lúc đêm khuya đúng như Thơm đã nghi ngờ, nhưng mặt khác, chị phải ứng phó ra sao, giải quyết ra sao với hai người chiến sĩ cách mạng? Chính sự thông minh và thái độ yêu ghét dứt khoát của Thơm đã tìm ra một giải pháp: đưa Thái, Cửu vào nơi mà chính Ngọc không ngờ (buồng ngủ của hai vợ chồng). Nơi ấy vừa bịt mắt được kẻ thù, vừa dễ dàng có lối thoát.


Hứng thú của người xem lên tới đỉnh điểm của sự hồi hộp, ấy là khi mâu thuẫn lên đến cao trào : lớp III của Hồi bốn. Lúc này gian ngoài có Thơm và Ngọc, buồng trong có Thái, Cửu ; bên ngoài có quan Tây và đồng bọn của Ngọc bao vây đúng ở lối buồng đi ra. Tình trạng nguy ngập của hai chiến sĩ cách mạng phản ánh trong thái độ cuống quýt của Thơm ("Sao lại đợi ở đấy? Sao không mời các ông ấy lên chơi cả cho vui có được không ?") May mà sự nghi ngờ của Ngọc ("Chắc là nó còn ở đấy, lúc nãy, mình trông nhầm nó chạy về đây thì phải") không giữ chân bọn chúng. Còn nếu không, chẳng biết sự thể sẽ diễn biến ra sao?


Về nhân vật kịch, ở Hồi bốn có nhiều người. Nhân vật chính là Thơm, Ngọc (chổng Thơm) và Thái, Cửu. Tính cách của Thơm là tính cách của người phụ nữ có phần bị ràng buộc, an phận theo chồng. Nhưng tình thế cách mạng sục sôi làm cho Thơm không thể ngủ yên trong hạnh phúc, nhất là một thứ hạnh phúc mong manh. Nếu chồng Thơm làm tay sai cho giặc thì hạnh phúc đó chắc chắn không còn, và hơn thế, sự đồng loã vô tình của Thơm (với Ngọc) còn là một hành vi phản bội, phản bội với cách mạng và với chính người thân: cha Thơm, em Sáng của Thơm, cả mẹ Thơm khi biết Ngọc là ai đã bỏ vợ chồng hắn ra đi. Những giằng xé ấy buộc người phụ nữ phải chọn lấy một thái độ, một con đường. Chưa biết cách mạng là gì, nhưng biết cha và em mình là ai, biết Thái và Cửu là người tốt, Thơm đứng hẳn về phía cách mạng. Cái cần đối với Thơm lúc này không chỉ có thế. Cùng với sự quyết đoán, Thơm cần phải tỉnh táo, thông minh. Sự thăm dò với chồng (…) ở lớp I (…) ứng phó kịp thời (…) ở lớp II (…), giả vờ vui vẻ (…) ở lớp III (…) đã làm cho người chồng phản bội không tìm ra dấu vết. Hành động của Thơm, nhất là ở lớp II vô cùng nguy hiểm. Điều này không phải chị không tự biết. Nhưng không còn một cách nào hơn. Đúng như Thái nghĩ "Tôi biết cô Thơm. Anh đừng nghi dòng máu cụ Phương. Tôi tin như thế". Người cán bộ ấy có một niềm tin đặt vào đúng chỗ.


Tuy với quan hệ vợ chồng nhưng điều đáng buồn ở chỗ: nếu Thơm là một nhân vật chính diện (tích cực) thì Ngọc lại là một điển hình phản diện (tiêu cực). Về lí tướng, lẽ sống, Ngọc là một kẻ tầm thường. Vì cái danh, cái lợi cá nhân, hắn có thể bán linh hồn cho quỷ, làm chó săn cho giặc để vinh thân phì gia. Hạnh phúc đối với hắn là kiếm được nhiều tiên để tậu ruộng và để như hắn nói nửa đùa nửa thật với Thơm: "Còn tiền, thì hỏi tôi kiếm về cho ai tiêu? Cho một minh tôi à? Ai đánh nhẫn, ai may áo?". Còn cái danh mà hắn hậm hực với ông lí: "Ông ấy thế mà cửu phẩm rồi đấy… Chỉ mình là đen, không danh phận gì, lép vế trong làng quá !". Bị vợ truy hỏi gắt gao, hắn biết dánh lạc hướng cũng là để hạ bộ một thần tượng của Thơm: "Em phục giáo Thái thế à ?… giáo Thái chính là mật thám cho Tây đấy". Đáng ghét hơn nữa, hắn có thứ triết lí hai giọng thật tàn nhẫn đến lạnh lùng đối với việc lùng sục những người cách mạng: "Đàng nào thì chúng nó cũng bị bắt, mình chả bắt thì cũng người khác bắt, bắt sớm lại đỡ khổ, dân lại được yên ổn làm ăn, thế lại hơn". Vừa tự thú vừa che giấu, bộ mặt thật của y, nghĩa là tâm địa của y thật là đê tiện.


Các nhân vật khác như Thái và Cửu trong hồi kịch này không phải là nhân vật chính. Cả hai chỉ xuất hiện ở lớp II. Tuy đều là những người cách mạng, ở họ cũng có những nét riêng. Cửu tuy là người tốt nhưng còn bồng bột, đơn giản đến ngây thơ (anh cho rằng không thể tin được ở Thơm vì vợ Việt gian thì cũng là Việt gian), rơi vào tình trạng hiểm nghèo dễ hoang mang tuyệt vọng ("Tôi giết anh rồi"). Còn trái lại, Thái là một con người già dặn, đầy bản lĩnh, ứng phó với tình hình có nghĩ trước nghĩ sau. Biết là bước ra khỏi buồng của vợ chồng Thơm là rơi vào vòng vây của cái chết, nhưng ở lại thì không đành lòng vì "liên luỵ đến cô Thơm". Phải nghe theo mệnh lệnh của Thơm, đó là cách lựa chọn duy nhất dúng lúc này.

Thành công của vờ kịch nói chung và Hồi bốn nói riêng chính là ở chỗ: Bắc Sơn đã phản ánh được một không khí đầy căng thẳng trong cuộc chiến đấu giữa cách mạng với kẻ thù. Trong cuộc đấu tranh ấy, cách mạng là vì dân, biết dựa vào dân, được dân đùm bọc, thương yêu, bảo vệ, sự nghiệp của cách mạng nhất định thắne lợi vẻ vang. Chân lí ấy đến với người đọc chúng ta đầy sức thuyết phục bới nó gắn với những hoàn cảnh cụ thể, những số phận con người cụ thế thông qua những xung đột dữ dội mà có được sự trưởng thành. Bài học về cách mạng dầy máu và nước mắt do đó không thể giản đơn, hời hợt.


Trong toàn bộ sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, có sự hiện diện đủ các thể loại: Thơ, kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tùy bút, truyện phim, truyện lịch sử, truyện viết cho thiếu nhi, thư từ, ghi chép… Tuy ở thể loại nào ông cũng để lại những tác phẩm được biết đến như những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, nhưng có lẽ, kịch là một thể loại có những tác phẩm để lại dấu ấn quan trọng nhất, không chỉ trong quá trình sáng tác của ông mà cả trong tiến trình lịch sử văn học hiện đại. Bắc Sơn là vở kịch đầu tiên về đề tài cách mạng của Nguyễn Huy Tưởng, được công diễn năm 1946, những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám...


Tác phẩm đã giúp chúng ta hiểu về ý nghĩa cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và sức mạnh cảm hoá của cách mạng với quần chúng . Đoạn trích đã tạo được những xung đột kịch , qua đó tái hiện sinh động chân dung các chiến sĩ cách mạng và tấm lòng của Thơm - nhân vật trung tâm của vở kịch.Thơm là con của cụ Phương và là chị của Sáng, hai chiến sĩ tham gia vào khởi nghĩa Bắc Sơn. Nhưng cô còn là vợ của Ngọc, một tên Việt gian đã dẫn quân Pháp về tấn công làng Vũ Lăng, đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa, gây thiệt hại nặng nề cho cách mạng . Và trong trận chiến đấu không cân sức ấy, cụ Phương và Sáng đã hy sinh anh dũng. Còn Ngọc cố tình che giấu vợ về hành động theo giặc vì hắn sợ bị trừng trị.


Mặt khác, vì những tham vọng của mình, chính Ngọc đã tự biến mình thành tay sai cho Pháp, là kẻ đã tự dắt Pháp đi lùng giết đồng bào máu thịt củ mình. Một tình huống trớ trêu đầy bất ngờ khi những người bị hắn lùng bắt là Thái và Cửu lại lọt vào chính ngôi nhà của vợ chồng Thơm - Ngọc. Chính trong thời điểm này, người xem được chứng kiến một sự chuyển biến dứt khoát của Thơm, mưu trí đánh lừa Ngọc, bảo về an toàn cho các chiến sĩ cách mạng. Màn kịch bắt đầu bằng những đối thoại giữa Thơm và Ngọc . Lúc này, qua lời đồn đãi, Thơm đã bắt đầu nghi ngờ Ngọc làm tay sai cho giặc Pháp. Bản tính của một người vợ yêu chồng, nhẹ dạ cả tin và trong sáng khiến cho đến tận lúc ấy cô không hề tin vào những dư luận chung quanh.


Cộng vào đó, Ngọc vốn là kẻ xảo trá và khéo nịnh vợ nên cô nàng không có cơ sở để nghi cho Ngọc là kẻ phản động . Những lời nói lấp lửng của Ngọc cho thấy hắn cố tình che giấu và chột dạ lo sợ hành động gian manh của mình bị phát giác. Khi Thơm nhìn, hắn đã hoảng hốt :"Mắt cứ như mắt chú đấy !" (chú tức là cụ Phương - bố của Thơm). Khi Thơm tỏ ý nghi Ngọc đi bắt giáo Thái - chiến sĩ Bắc Sơn đang bị giặc truy lùng, hắn đã lu loa lấp liếm đánh trống lảng. Nhưng hắn không ngờ rằng chính thái độ của hắn đã vạch trần bản chất hèn nhát và gian xảo :"Thơm nhìn chồng, vô ý thức y quay mặt nhìn đi chỗ khác". Dù từ trước đó, Thơm cũng là con người thờ ơ với thời cuộc , an phận thủ thường, nhưng bản thân cô không thể không chịu sự tác động của cha và em trai cũng như cái chết của họ. Bởi thế, gặp ánh mắt của Ngọc lảng tránh, cô nói thẳng :"Đã làm rồi, thì thôi đi, hay ho gì cái việc ấy".


Lời nói ấy cho thấy Thơm là một con người sẵn sàng khoan dung, tha thứ nhưng không chấp nhận chồng là một kẻ xấu xa. Ngọc là kẻ có nhiều tham vọng, bị đồng tiền làm mờ mắt và dựa vào thế lực của Pháp hòng kiếm chác danh vị giàu sang. Có lúc, Thơm đã tận hưởng những cám dỗ vật chất Ngọc đem lại, nhưng giờ phút này, nàng đã dần dần thấy rõ hơn bộ mặt thật của Ngọc và những đồng tiền nhơ nhuốc hắn đem về. Bởi vậy, cô rất dứt khoát :"Làm việc ấy để có tiền thì chết đói, chết rách còn hơn. Anh thằng Sáng đừng cho tôi tiền nữa, tôi không cần tiền ấy".


Nhưng Ngọc cũng thể hiện sự gian xảo, mập mờ khi tung hoả mù lừa Thơm bằng việc vu khống trắng trợn giáo Thái là mật thám. Bởi thế, lòng Thơm hoang mang chưa quyết, lẫn lộn trắng đen. Bản thân cô hẳn phải mong muốn lời đồn không là sự thật, nhưng lương tâm và linh tính mách bảo lại khiến cô đau khổ trăm phần. Kết lại lớp kịch thứ nhất của hồi này, ta thấy Thơm cầm trên tay kỷ vật là khẩu súng lục của cha mà khóc. Đó là thái độ ân hận và báo hiệu một sự chuyển biến tích cực cho tính cách nhân vật :"Chú ơi ! Mé ơi ! Chỉ tại con thôi ! Con có biết đâu !". Những xung đột kịch hình thành từ chính sự giằng xé nội tâm của nhân vật, đòi hỏi phải được làm sáng tỏ: "Đã chắc gì những lời đồn !...Nhưng tiền thì lấy đâu mà lắm thế!".


Tình huống đầy bất ngờ mở đầu lớp hai của hồi bốn như bổ sung thêm cho thái độ ngả về phía cách mạng của thơm. Màn đối thoại giữa ba nhân vật :Thơm - Thái - Cửu đã làm nên tình huống thử thách. Chính vào thời điểm này, ta nhận ra vai trò của Thái khi ngăn Cửu manh động định rút súng bắn Thơm, khi biết vào nhầm nhà của kẻ đang lùng bắt mình. Sự bình tĩnh của người cán bộ dạn dày ấy đã cảm hoá được Thơm. Vì đây là lần đầu tiên cô được tiếp xúc với nhân vật rất được mọi người tin yêu, ca ngợi. Những gì cô chứng kiến càng khẳng định cho niềm tin vào ngừời cách mạng.

Mặc dù Thơm chưa hiểu hết về công việc cách mạng nhưng dẫu sao cô cũng là con của một liệt sĩ Bắc Sơn, đó cũng là cơ sở để giáo Thái khẳng định lòng tin :"Tôi biết cô Thơm. Anh đừng nghi ngờ dòng máu cụ Phương. Tôi tin như thế. Nghe giọng nói thì biết là thật hay không thật chứ.". Nhưng điều trớ trêu, vào chính thời điểm ấy, Ngọc đã dắt quân Pháp lùng bắt Thái và Cửu. Tình thế khẩn cấp không cho phép do dự và cũng là lúc Thơm chứng minh cho tấm lòng ngay thẳng của mình. Trong hoàn cảnh ấy, Thơm thể hiện thái độ hốt hoảng, cuống quýt gần như khóc, nghẹn ngào. Tâm trạng ấy không phải là do sợ cho bản thân mà chính là đan xen nỗi lo lắng về sinh mạng những chiến sĩ đang ở trong nhà mình, cùng nỗi uất ức khi thấy tận mắt :"Có cả Tây. Ngọc cũng đi vào đấy". Thơm đã đứng hẳn về phía cách mạng khi hành động ngoan ngoãn và mau lẹ, thân mật như một người em gái để quyết tâm bảo vệ họ.


Không chỉ che giấu cho những người cách mạng, Thơm còn phải thể hiện hết sự khôn khéo và bình tĩnh để đánh lạc hướng Ngọc. Trong giờ phút này, khi biết rõ bộ mặt thật của Ngọc, cô đã đóng một vai kịch bất đắc dĩ nhưng cũng rất tỉnh táo như nhằm vạch rõ chân tướng của Ngọc. Màn đối thoại lần thứ hai giữa Thơm và Ngọc tạo được sự hồi hộp căng thẳng của một cuộc đấu trí. Giờ phút này, không chỉ tìm cách che chở cho những cán bộ cách mạng đang ẩn nấp ngay trong buồng của mình, nói to nhằm đánh động cảnh báo để họ đề phòng kẻ địch, Thơm cong muốn Ngọc bộc lộ chân tướng Việt gian nên cô vờ như muốn níu giữ, vừa tìm cách vuốt ve lòng tự ái của Ngọc.


Quả thật, giờ phút này, Ngọc bộc lộ rõ động cơ theo giặc của mình. Hoá ra, chỉ vì những tính toán ích kỷ, cá nhân : mua nhà, tậu ruộng, chạy hàm cửu phẩm để vênh vang với thiên hạ nên Ngọc đã trở thành nô lệ cho chính những tham vọng của mình. Anh ta quả là một con người đáng giận hơn đáng thương. Bởi lẽ, đã có lúc anh ta tự độc thoại để như đáp lại một sự bứt rứt trong lòng, có lẽ vì ân hận trước việc làm của mình đã gây nên cái chết của những người thân yêu của vợ, làm tan cửa nát nhà, nhưng lời lẽ của Ngọc lại là một sự nguỵ biện :"Đằng nào chúng nó cũng bị bắt, mình chả bắt thì cũng người khác bắt, bắt sớm lại đỡ khổ". Để rồi cuối cùng, những toan tính nhỏ nhen đã thắng thế trước tình cảm, hắn không thèm đếm xỉa đến sự quan tâm lo lắng thực sự của Thơm mà sấp ngửa chạy theo ảo vọng giàu sang.


Bởi thế, dù lời lẽ của Thơm có xa xăm, bóng gió, nhằm cảm hoá Ngọc cũng không ngăn cản nổi anh ta, cuối cùng, cô phải bộc lộ thái độ sốt ruột cùng lời nói sẵng như muốn tách xa khỏi Ngọc. Dù vậy, bề ngoài vẫn phải tỏ ra vui vẻ để tránh sự sinh nghi. Có thể nhận ra trong màn đối thoại này, những lời của Thơm không hề bày tỏ cảm xúc của người vợ thương chồng như lúc đầu mà cô đang phải gắng gượng chịu đựng vai trò người vợ trước một tên Việt gian đầy tham vọng . Kết lại hồi kịch là khoảnh khắc thở phào sung sướng như trút được gánh nặng của Thơm :"May thế!". Đó cũng là tín hiệu cho ta biết cô đã thực sự đứng về phía cách mạng, không còn là người thờ ơ đứng ngoài cuộc như trước.


Màn kịch với những tình huống đột biến liên tục trong bối cảnh ngôi nhà của Thơm đã tạo nên những bước ngoặc tâm trạng dứt khoát của nhân vật. Qua đó, chúng ta nhận ra một con người có lòng tự trọng, ngay thẳng, tuy còn có lúc ngây thơ, cả tin nhưng khi biết rõ sự thật đã lột xác để trở thành một con người bình tĩnh, can đảm, quyết tâm bảo vệ cách mạng đến cùng. Nguyễn Huy Tưởng đã thành công trong việc khắc hoạ tính cách nhân vật kịch qua ngôn ngữ và hành động kịch rất tự nhiên.


Bắc Sơn đã có sức cuốn hút công chúng bởi lẽ tác phẩm đem lại hình ảnh chân thực về những chiến sĩ cách mạng trong những ngày sục sôi của khởi nghĩa Bắc Sơn. Qua đó, nhà văn còn khẳng định tấm lòng của nhân dân không rời xa cách mạng ngay cả trong giờ phút nguy nan nhất . Qua hình tượng nhân vật Thơm, công chúng còn có dịp chứng kiến sức cảm hoá của cách mạng với quần chúng. Chính mối quan hệ này đã làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy