Bài văn phân tích hành động Mị cởi trói cho A Phủ số 4

Văn chương không chỉ đơn giản là thú vui bình sinh lúc an nhàn mà còn là “điểm tựa” cho con người mỗi phút giây yếu lòng. Nó đem lại cho ta niềm tin yêu cuộc sống và vững tin vào chính mình để thay đổi. Những sự “đổi đời” không phải nhờ có phép màu của ông Bụt, bà Tiên mà từ chính sức mạnh, tiềm lực bên trong. “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài đã làm được điều đó. Con người có thể thoát ra khỏi khổ đau để đến với niềm vui chỉ bởi một hành động: hành động Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ.


Sau Cách mạng, Tô Hoài được ghi nhận là một trong những cây bút khai phá một mảnh đất mới cho văn học cách mạng, đó là mảng văn học viết về miền núi Tây Bắc - một vùng đất xa xôi, hoang vu nơi địa đầu Tổ quốc. Tập "Truyện Tây Bắc" là vụ mùa thu hoạch từ chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của Tô Hoài năm 1952. Trong số ba truyện ngắn được giải Nhất Giải thưởng của Hội Văn Nghệ Việt Nam 1954 - 1955, "Vợ chồng A Phủ" có lẽ là truyện ngắn đọng lại ấn tượng sâu sắc nhất. Có thể nói: “đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên….” chẳng những nhắc nhớ người nghệ sĩ ấy ngày quay trở lạ mà còn “phải đem trả cho những người thương ấy” “một tấm lòng mình, một cái gì làm hiện lại cả cuộc đời người H'mông trung thực, chí tình…”.


Đọc truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, ta không thể quên được gương mặt “buồn rười rượi” của Mị. Đó là gương mặt mang nỗi đau của một kiếp người không bằng ngựa trâu. Đó là gương mặt tưởng như cam chịu, mất hết sức sống. Gương mặt buồn rười rượi ấy không phải là gương mặt đầu tiên của cuộc đời Mị. Mị lớn lên, xinh đẹp với bao nhiêu khát vọng hạnh phúc. Nhưng chính những hủ tục phong kiến đã biến người con gái kia quên mất đi gương mặt hi vọng của mình mà trở nên lầm lũi, chẳng thiết vui cũng nắng, xanh cùng cỏ cây. Và có lẽ Mị sẽ sống như thế đến chết nếu không có đêm tình mùa xuân và đêm đông. Nhờ có hơi men rượu và hơi ấm của đêm tình mùa xuân, Mị đã cảm nhận được sự sống, khát vọng ở bên trong mình. Nhưng sức sống tiềm tàng bên trong thực sự biểu hiện thành khát vọng sống bên ngoài, thành hành động chỉ xảy ra vào đêm đông ấy…


Ban đầu, khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đứng, Mị vẫn “thản nhiên thổi lửa, hơ tay”. Vì Mị đã quá quen với cảnh áp bức, bóc lột trong căn nhà này ròi. Đó là hệ quả của chuỗi ngày bị đọa đày. Hơn nữa, Mị và A Phủ- kẻ bị trói đây khác nhau về trạng thái nhưng thân phận cũng đâu có hơn nhau mà có thể nói hai chữ “cứu giúp”.


Nhưng “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” khiến Mị nhớ lại đời mình, nhớ lại những đêm Mị cũng bị trói đứng như thế, những giọt nước mắt còn không sao chảy ra được. Và như thế, từ mình mà nghĩ đến người, từ thương thân Mị cũng hướng tới thương người để rồi căm giận những thế lực tàn ác đã gây ra khổ đau cho những số phận như Mị. Rồi Mị tưởng tượng ra cảnh A Phủ trốn ra được và Mị sẽ là người thế chỗ trong dây trói đó. “Nghĩ thế nào Mị cũng không sợ”, vì đó vẫn là những hình dung, tưởng tượng rất xa.


Và Mị quyết định cởi trói cho A Phủ, chỉ thì thào một tiếng: “Đi ngay”. Rồi “Mị đứng lặng trong bóng tối”, căng thẳng, hồi hộp trước một phút giờ quyết định. Câu văn đứng riêng ra một dòng, là những giây phút quyết định cả cuộc đời và số phận của Mị. Đó như là một bản lề khép mở hai phần đời của Mị: nô lệ - tự do, sống – chết, bóng tối – ánh sáng. Cuối cùng, người con gái cũng chịu cất bước sau bao năm chỉ biết quỳ gối, Mị chạy theo A Phủ, nói: “A Phủ cho tôi đi”, “Ở đây thì chết mất”. Mị đã quyết định chạy trốn khỏi địa ngục, chạy trốn khỏi cái chết. Hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ là Mị đang làm ơn cho A Phủ? Không hẳn, cởi trói cho A Phủ khỏi sợi dậy hữu hình, Mị đồng thời cũng là cởi trói cho chính mình khỏi sợi dây vô hình của nỗi sợ hãi, buông xuôi và khổ đau, tù tối. Mị giải phóng cho A Phủ bằng con dao nhỏ còn giải phóng cho mình bằng khát vọng sống. Khát vọng sống đã cứu Mị, mở đường sống cho Mị thoát khỏi nơi địa ngục tối tăm và không có sự sống kia.


Đoạn văn ngắn chỉ có một vài câu thoại rời rạc, những hành động ngắn ngủi nhưng với ngòi bút tài hoa của Tô Hoài, không gian Tây Bắc vào đêm, bên ngọn lửa, nhân vật như được soi tỏ và tỏa sáng. Nhân vật được miêu tả trong cả một quá trình từ thờ ơ đến rung động, đấu tranh cuối cùng đi đến hành động rất nhanh nhưng lại phù hợp và logic. Qua đó, Tô Hoài đã miêu tả sâu sắc và cảm động sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. Sức sống ấy như ngọn lửa âm ỉ cháy không dễ gì có thế dập tắt được. Đó chính là niềm tin mãnh liệt của Tô Hoài vào khả năng tự giải phóng để đến với tự do, đến với cách mạng của những người lao động vùng cao bằng năng lượng tự thân của chính họ. Không phải cách mạng là người khai sáng cho những con người khổ đau kia, chính họ, bằng nghị lực và sức mạnh của mình mới có thể cứu được chính mình. Và cách mạng, cùng Đảng là mở đường cho họ, dẫn lối để họ tìm thấy đích hạnh phúc của mình. Ý nghĩa của câu chuyện đã vượt khỏi giá trị nhất thời của văn học: vận động quần chúng, cổ vũ chiến đấu mà vươn tới giá trị nhân bản, nhân văn: đề cao giá trị tự thân, khả năng tự giải phóng của con người – đó chính là giá trị cốt lõi và muôn đời của nhân loại.


Ai đó đã từng nói, khi một tác phẩm kết thúc, sự sống của nó mới thực sự bắt đầu. Sự sống của Mị, của “Vợ chồng A Phủ” vẫn còn đó, dù dấu chấm hết đã điểm,, và sẽ còn sống mãi đến chừng nào con người ta còn cần niêm tin, còn cần tiếp thêm sức mạnh và còn cần “vịn vào để đứng dậy”.

Bài văn phân tích hành động Mị cởi trói cho A Phủ số 4
Bài văn phân tích hành động Mị cởi trói cho A Phủ số 4
Bài văn phân tích hành động Mị cởi trói cho A Phủ số 4
Bài văn phân tích hành động Mị cởi trói cho A Phủ số 4

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy