Bài văn phân tích hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo số 8

Giọt nước mắt đòi quyền làm người của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao Đọc các tác phẩm của Nam Cao – Nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại người đọc thường bị ám ảnh bởi một chi tiết nào đó. Nếu như trong truyện ngắn Lão Hạc người đọc bị ám ảnh bởi hình ảnh nhân vật chính bị chết trong đau đớn bằng bả chó thì đến tác phẩm Đời thừa người đọc lại thấy xót xa trước tiếng khóc của Hộ. Cũng nằm trong mạch đó, đến tác phẩm Chí Phèo người đọc vừa bị ám ảnh bởi hình ảnh một anh Chí vừa đi vừa chửi ở ngay đầu tác phẩm, vừa cảm thấy xót xa cho cái chết để đòi được làm người ở cuối tác phẩm nhưng ám ảnh hơn cả chính là giọt nước mắt của Chí.


Chi tiết trong tác phẩm văn học là những tiểu tiết có sức chứa lớn về nội dung tư tưởng và cảm xúc. Hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm có sống động được hay không là nhờ các chi tiết. Thông qua các chi tiết giá trị nội dung của văn bản cũng được bộc lộ. Giọt nước mắt của Chí Phèo là một chi tiết nghệ thuật như thế ! Nước mắt là một sản phẩm cụ thể của tình cảm. Khi người ta rơi vào một cảnh huống, một trạng thái nào đó thì dễ nảy sinh tâm trạng, mà đỉnh cao của trạng thái tình cảm thường biểu lộ bằng những giọt nước mắt.


Có giọt nước mắt sung sướng, có giọt nước mắt ân hận, có giọt nước mắt đau đớn, xót xa,...Giọt nước mắt của Chí Phèo là nỗi đau đớn xót xa hay niềm hạnh phúc? Nguyên nhân nào dẫn đến tiếng khóc ấy? Trước khi gặp thị Nở, Chí Phèo từng là con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, chửi trong lúc say. Trên mặt Chí lằn ngang lằn dọc bao nhiêu vết sẹo, kết quả của những lần rạch mặt ăn vạ. Chí trở thành nỗi kinh hoàng, là sự ám ảnh của dân làng Vũ Đại. Cả làng Vũ Đại không ai dám giao tiếp với Chí, họ từ chối Chí, họ xa lánh Chí. Không chỉ đơn thuần vì họ sợ Chí mà quan trọng hơn trong mắt những người dân làng Vũ Đại Chí không còn được coi là một con người.


Thế nhưng từ chỗ khuất lấp của cuộc đời, có một người đàn bà "ma chê quỷ hờn" đã sưởi ấm tâm hồn giá lạnh của Chí bằng chút tình thương mộc mạc, chân thành. Cuộc gặp gỡ kì diệu, đặc biệt là sự chăm sóc đầy ân tình của thị Nở đã đánh thức nhân tính và khát vọng lương thiện đã bị ngủ quên từ lâu của Chí Phèo. Lần đầu tiên được chăm sóc bởi bàn tay của một người đàn bà, lần đầu tiien được cho dù chỉ là một bát cháo hành đơn giản nhưng Chí thấy mắt mình ươn ướt. Đó là lần đầu tiên hắn khóc sau khi ở tù về. Giọt nước mắt chưa thực sự rơi của Chí chính là giọt nước mắt của sự thức tỉnh.


Hắn bắt đầu nghe và nhận thấy được âm thanh của cuộc sống để mà thèm lương thiện để mà biết khát khao và hy vọng. Chí hy vọng hắn và thị sẽ làm thành một cặp xứng đôi với lời tỏ tình hết sức giản đơn, mộc mạc Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui. Chí cũng hy vọng thị sẽ là cây cầu nối để trở về với cuộ sống lương thiện với suy nghĩ đơn giản rằng Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện. Nhưng thị lại là người đàn bà dở hơi và nghe lời bà cô của mình mà từ chối Chí.


Sự từ chối của thị Nở đã đẩy Chí rơi vào một nỗi đau sâu thẳm trong cuộc đời. Như một thông lệ, Chí đã tìm đến với rượu, Chí muốn uống cho thật say để quên đi nỗi đau trong đời. Nhưng Chí càng uống càng tỉnh, càng tỉnh, Chí lại thấy hơi cháo hành thoang thoảng, Chí ôm mặt khóc rưng rức. Nếu tiếng khóc của Hộ là tiếng khóc của một người trí thức ân hận về những hành vi thô bạo của mình đối với vợ con thì tiếng khóc của Chí Phèo là tiếng khóc của một người cố nông nghèo bị tha hoá, bị tước đoạt quyền làm người. Nam Cao gói gọn nỗi đau trong tâm hồn Chí bằng ba chữ khóc rưng rức.


Bao nhiêu tủi hờn dồn nén lại để rồi bật lên thành tiếng khóc cho sự oan trái, sự thua thiệt của một người sinh ra là người mà lại không có quyền sống của một con người. Tiếng khóc của Chí chính là sự ý thức đầy đủ nhất về bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của anh. Đó còn là nỗi đau, là sự cay đắng, tủi nhục; là khát khao được sống là một con người bình thường. Ẩn sau tiếng khóc của nhân vật là niềm cảm thông, thương xót của nhà văn đối với người nông dân lao động nghèo. Nhưng quan trọng hơn tác giả đã cho người đọc thấy được những phẩm chất tốt đẹp của con người tưởng như bị vùi lấp thì nay chỉ cần có điều kiện hợp lý là nó lại trỗi dậy mạnh mẽ và quyết liệt.


Đối với Hộ là sự vươn lên để giữ vững lẽ sống nhân đạo; đối với Chí Phèo là khát vọng hạnh phúc, khát vọng lương thiện. Bởi vậy, giọt nước mắt của Chí là giọt nước mắt đòi quyền làm người đòi quyền sống như một con người; cái chết của Chí là cái chết trên ngưỡng cửa làm người, cái chết để được coi như một con người. Nhờ tiếng khóc của Chí mà tác phẩm có sức ám ảnh lâu bền trong lòng người đọc.

Bài văn phân tích hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo số 8
Bài văn phân tích hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo số 8
Bài văn phân tích hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo số 8
Bài văn phân tích hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy