Bài văn phân tích hình tượng con sông Đà số 4

Nguyễn Tuân (10 tháng 7 năm 1910 – 28 tháng 7 năm 1987), quê gốc ở thủ đô Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, nhưng lại gặp buổi Hán học đã tàn, người thân phụ dâu tài hoa nhưng lại bất đắc chí trong con đường công danh cũng là người đã có nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến con đường sáng tác của Nguyễn Tuân. Sở trường của Nguyễn Tuân là tùy bút và ký, bên cạnh đó ông cũng tham gia sáng tác cả truyện ngắn và tiểu thuyết, đồng thời ông còn là một diễn viên điện ảnh, kịch nói. Cuộc đời ông trải qua hai giai đoạn sáng tác, thuở đầu đề tài của ông chủ yếu hoài niệm về những vẻ đẹp cũ trong văn hóa dân tộc, chủ nghĩa “xê dịch” thoát ly, sau là phê phán lối sống trụy lạc, tầm thường.


Sau cách mạng, Nguyễn Tuân bắt đầu viết về đề tài yêu nước, ca ngợi vẻ đẹp của con người và thiên nhiên trong công cuộc lao động sản xuất. Có thể nhận xét chung về Nguyễn Tuân, với mấy chữ là uyên bác và tài hoa, văn chương của ông nổi bật lên với một chữ “ngông” rất riêng biệt, nêu bật lên cái cá tính muốn “xê dịch”, kết hợp với nghệ thuật sử dụng câu từ Tiếng Việt điêu luyện bậc thầy đã làm nên một Nguyễn Tuân - với ngón tùy bút đỉnh cao của văn học Việt Nam, được xếp vào 1 trong 9 tác giả văn học hiện đại tiêu biểu nhất. Người lái đò sông Đà trích rút từ tập tùy bút Sông Đà (1960), một trong những tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Tuân đã thể hiện được hoàn toàn cá tính và lối hành văn của nhà văn, trong đó nổi bật lên là hình ảnh con sông Đà với hai cá tính đối lập, vừa hùng vĩ, dữ dội, nhưng cũng chẳng thiếu phần dịu dàng, lãng mạn đậm chất trữ tình.


Nguyễn Tuân đã mượn thơ của Nguyễn Quang Bích để làm lời đề từ cho tác phẩm của mình rằng: “Chúng thủy giai đông tẩu/Đà giang độc bắc lưu”, rằng mọi con sông đều chọn xuôi dòng về hướng đông, riêng chỉ một mình con sông Đà chọn ngược dòng về hướng Bắc. Có lẽ rằng với cái thế chảy ngược đời chẳng giống ai này của con sông đã khơi gợi lên trong tâm hồn của Nguyễn Tuân sự đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc, bởi lẽ bản thân nhà văn cũng là một con người có cái “tôi” rất riêng, với ngòi bút độc lạ được ví như cây độc huyền cầm của nền văn chương nước ta. Chính vì thế nên từng câu chữ mà người viết về sông Đà luôn có một cái gì đó rất chuyên chú, rất tình cảm và thấm thía hơn bao giờ hết. Thế nên Nguyễn Tuân cũng mượn thêm một câu thơ khác của nhà thơ Ba Lan Wladyslaw Broniewski viết rằng: “Đẹp vậy thay, tiếng hát trên dòng sông”, bày tỏ cái nỗi lòng thương mến, xúc động trước vẻ đẹp của con sông hùng vĩ bậc nhất Tổ quốc, khơi gợi ra vẻ đẹp nên thơ trữ tình của dòng sông Đà với “tiếng hát” bay bổng, lãng mạn.


Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ rất tận tâm với nghề nghiệp của mình, sự uyên bác, tài hoa của ông thể hiện trong việc dẫn dắt người đọc tìm về nguồn gốc của con sông với những kiến thức Địa lý sâu rộng. Sông Đà vốn bắt nguồn từ Trung Quốc, trải qua hơn 400km lưu lạc nơi xứ người, rồi với về đến Việt Nam chính thức nhập tịch vào nước ta tại Mường Tè, Lai Châu. Nguyễn Tuân viết như thế, khiến độc giả bỗng có cảm tưởng, ừ hóa ra sông Đà cũng như một con người lam lũ, bôn ba, lắm tài nhưng cũng nhiều tật, trải qua biết bao sóng gió của cuộc đời, rồi khi bước chân vào nước ta nó mới lại có cái bộ dạng khó ở, lúc hung hăng, giận dữ, lúc lại hiền hòa, dịu êm. Khiến người ta phải quan sát, suy ngẫm thật nhiều về cuộc đời có lẽ chất chồng đầy chông gai, bão táp của con sông đặc biệt này.


Ở đầu đoạn trích, sông Đà đã hiện lên với một hình hài và dáng vẻ vô cùng hung bạo, nhưng lại mang trong mình những vẻ đẹp dữ dội và hùng vĩ nơi thượng nguồn, với hình ảnh những thác đá, ghềnh đá với độ dốc lớn, nước chảy xiết vô cùng hung hiểm. Người đọc ấn tượng với những hình ảnh hấp dẫn thể hiện sự tỉ mỉ, tinh tế của nhà văn trong công cuộc khám phá con sông Đà ví như “cảnh đá bờ sông dựng vách thành”, “đúng ngọ mới có mặt trời”, “chẹt lòng sông như yết hầu”, “con nai nai con hổ đã có lần vọt qua bờ bên kia”,”đang màu hè mà cũng cảm thấy lạnh”, khiến dòng sông hiện lên với những nét bí hiểm, khó lường, điệu bộ như đang ngấm ngầm quan sát từng con người bước vào lòng sông vậy. Nếu như hình ảnh mang đến cảm giác lạnh lẽo, rùng rợn thì âm thanh lại mang đến sự hung bạo và dữ dằn dường như đang thách thức và phô diễn cái vẻ hoang sơ, hùng vĩ của dòng sông.


Tác giả chọn viết về ghềnh Hát Loóng với lối viết trùng điệp và nghệ thuật dùng từ độc đáo, khúc ghềnh ấy “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy”. Làm nổi bật nên hình ảnh của một con sông dữ dằn, kinh khủng, cùng hình tượng ghềnh thác liên tiếp, gập ghềnh hiểm trở, sẵn sàng nuốt chửng bất kỳ kẻ nào lỡ sẩy chân lọt vào tầm ngắm. Cảm giác hầm hè, hung dữ của con sông còn tiếp tục được tác giả miêu tả ở cả quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La, với tiếng “thở và kêu như cửa cống cái bị sặc, nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Đôi lúc người ta còn cảm thấy con sông Đà có phần quái dị, với điệu bộ “nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”, khiến người ta phải dè chừng”. Rồi có lúc lại “rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa như nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng…”, gợi ra sự giận dữ, cảm giác sôi động của dòng sông khúc đổ thác, mở ra những dự báo về sự hủy diệt mạnh mẽ, điên cuồng của dòng sông, đe dọa tất cả những kẻ có ý định thách thức nhằm vượt đoạn thác này. Cảm xúc mạnh mẽ và ấn tượng đó đến từ cách sử dụng những câu văn ngắn, kết cấu trùng điệp, cùng với các từ ngữ đặc tả cực hạn, tất cả đã mang đến những cảm xúc dữ dội, hãi hùng, và ghi ấn tượng sâu sắc về một con sông Đà với cái vẻ hầm hố, ngang tàn.


Dĩ nhiên rằng con sông Đà không chỉ có mỗi những hình ảnh và âm thanh kỳ quái như thế, mặc dầu chúng ta cũng thấy nó đủ khủng khiếp rồi. Thế nhưng cái đặc sắc và ấn tượng hơn tất thảy có là hình ảnh những cái hút nước của con sông - mối kinh sợ của những người lái đò. Có lẽ chẳng có ai có thể đặc tả những cái xoáy nước này hay và ấn tượng hơn Nguyễn Tuân được, nhà văn đã tỉ mỉ quan sát, và thậm chí đã từng trải nghiệm cảm giác vượt thác sông Đà, để cho ra những góc nhìn rất kính nghiệp. Trong lăng kính của Nguyễn Tuân những cái hút nước được xây dựng bằng những hình ảnh rất độc lạ “giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”, “Mặt giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh”, tựa “Cốc pha lê nước khổng lồ”, rồi thì “Từ đáy hút nước nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao đến vài sải”,... Chỉ bấy nhiêu câu chữ thôi, thế nhưng cũng đã đủ để người ta hình dung ra những cái xoáy nước vừa đẹp nhưng cũng sẵn sàng nuốt chửng bất cứ kẻ nào dám bén mảng lại gần nó, nguy hiểm vô cùng. Một điều thú vị nữa là, vốn dĩ Nguyễn Tuân là một diễn viên và đạo diễn điện ảnh thế nên trong tùy bút của ông không bao giờ thiếu những liên tưởng thú vị đậm chất nghệ thuật ví như hình ảnh một anh quay phim cầm máy ảnh, cho cả mình cả máy quay xuống cái hút nước của sông Đà để có những khung hình tuyệt vời nhất, đem đến cho độc giả những cảm xúc chân thực như bản thân tự nhìn thấy vậy.


Một điểm nhấn khác khi Nguyễn Tuân nói về sông Đà ấy là những cái “trùng vi thạch trận” với những cửa sinh, cửa tự ngặt nghèo mà con sông đã giăng mắc ra để đánh bẫy những kẻ đi ngang qua nó, vô cùng nham hiểm và xảo quyệt. Kiến tạo nên cái “thạch trận” ghê gớm ấy là lũ đá với hình dạng quái dị và tính tình cũng chẳng dễ chịu gì cho cam. Mà theo như Nguyễn Tuân nói thì đá ở đây nghìn năm vẫn mai phục dưới lòng sông, chỉ trực chờ mỗi lần có chiếc thuyền nào mà đi qua khúc sông quạnh quẽ này thì chúng liền “nhổm cả dậy” để vồ lấy thuyền, hòn nào hòn nấy cũng mang bộ dạng “ngỗ ngược”, “nhăn nhúm”, “méo mó”, hòn đứng, hòn ngồi, hòn lại nằm, muôn hình vạn trạng. Những hòn đá ấy chính là tay chân của con sông Đà ghê gớm này, chúng dường như có linh tính, bày binh bố trận, lại giở trò khiêu khích, dường như có thù với tất cả những người đi qua khúc này, hoặc giả như lũ sơn tặc, biến những người lái đò thành miếng mồi ngon, quả là không thể khinh thường. Chúng là những tay lão luyện, đứa nào cũng chọn riêng cho mình một nhiệm vụ, dưới sự phân chia binh pháp của “thần sông thần đá”, lập thành hẳn ba “trùng vi thạch trận”, chỗ thì dàn hàng ngang chặn lối, chỗ lại đứng giữa khiêu khích, dẫn dụ, chỗ thì đòi đánh “giáp lá cà”, chỗ nhảy ra phục kích. Thông qua đôi mắt của Nguyễn Tuân, con sông Đà hiện lên như một kẻ thù không đội trời chung với con người, mỗi trận chiến đều là kẻ sống ta chết, không chừa lối thoát. Cũng chính vì điều ấy mà hình tượng người lái đò hiện lên thật ấn tượng và đặc sắc trong lòng người đọc sau trận chiến với con sông ngỗ nghịch đáng gờm này.


Bên cạnh vẻ hung bạo, dữ dội và hùng vĩ thì con sông Đà còn hiện lên với vẻ đẹp trữ tình, nên thơ sau khi về tới khúc sông ở hạ lưu, dòng sông trở nên hiền hòa và đằm thắm hơn hẳn trái ngược với cái vẻ bí hiểm, ghê gớm lúc thượng nguồn. Từ điểm nhìn trên cao và xa Nguyễn Tuân đã vẽ ra hình dáng của dòng sông thật mềm mại, dài rộng với hình ảnh “cái dây thừng ngoằn ngoèo”. Vẻ đẹp trữ tình của dòng sông hiện lên qua những liên tưởng rất đặc sắc, dòng chảy “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa Ban, hoa Gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.


Người ta nhận ra trong ấy là cái nét duyên dáng yêu kiều của một thiếu nữ e ấp, với mái tóc suôn dài, ẩn hiện trong sương khói, quyến rũ cả núi rừng Tây Bắc, nhưng cũng mang cả những nét đỏng đảnh, khó chiều của một mỹ nhân hiếm có. Rồi bằng tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, bằng tâm hồn tinh tế và nhạy cảm của mình, Nguyễn Tuân còn quan sát thấy cả sự biến đổi lãng mạn của con sông qua từng mùa, dáng vẻ nào cũng như khắc sâu vào lòng người đọc. “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích chứ Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô”, “Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”. Đấy con sông Đà đã hiện lên một cách sinh động như thế, dẫu có dịu dàng, nên thơ nhưng cái tính trái khuấy, thích làm mình làm mẩy, giận dỗi với cả Tây Bắc thì nó chưa bao giờ bỏ được. Và với Nguyễn Tuân con sông ấy, không chỉ là một mỹ nhân, mà còn là một “cố nhân”, đôi lúc còn là một “tình nhân chưa quen biết”, rất tình tứ, yêu thương với cảm xúc “màu nắng tháng ba Đường thi của “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu””. Người cố nhân ấy là người bạn tri kỷ, thân thiết, dẫu đôi lúc có gắt gỏng, khó chiều, nhưng trân quý vô cùng. Rôi những hình ảnh nương ngô, đàn hươu, đồi cỏ gianh, bờ sông hoang dại,... đã mang đến cho sông Đà một vẻ đẹp giản dị, mộc mạc và cổ điển, khơi gợi người ta nhớ về những ngày tháng xưa kia, êm đềm và lặng lẽ…


Bằng thái độ kính nghiệp, tinh thần nghệ sĩ, ham tìm tòi khám phá và ngòi bút độc đáo, uyên bác và tài hoa của mình, sông Đà trong tùy bút của Nguyễn Tuân đã hiện lên như một thực thể có linh hồn, có cuộc đời với những nét cá tính tính đối lập vừa hung bạo, hùng vĩ nhưng cũng lại có vẻ nên thơ, trữ tình. Từ đó là nổi bật lên tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào với vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc qua lối hành văn phóng khoáng, tỉ mỉ, chân thực và sáng tạo không ngừng nghỉ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy