Bài văn phân tích hình tượng con sông Đà số 8

Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách độc đáo, tài hoa và có hiểu biết về nhiều lĩnh vực và có vốn ngôn ngữ giàu có, điêu luyện, là bậc thầy ngôn ngữ trong nền văn học nên ông được đánh giá là 1 trong số những nhà văn có ảnh hưởng lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Thể loại văn học thành công nhất của ông là bút kí và tùy bút với một số tác phẩm tiêu biểu như “Vang bóng một thời”, “Một chuyến đi”, “Thiếu quê hương”. “Chiếc lư đồng mắt cua”…nhưng trong số đó nổi tiếng nhất là tùy bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập “sông Đà”, tùy bút này là một áng văn đẹp được kết nên từ tình yêu quê hương đất nước tha thiết, say đắm để ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ hào hùng vừa trữ tình thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc cũng như “chất vàng mười” của con người nơi đây. Xuyên suốt tác phẩm là hình tượng con sông Đà vừa dữ dội hiểm trở nhưng cũng không kém phần thơ mộng, trữ tình.


Dưới ngòi bút miêu tả tài tình của Nguyễn Tuân con sông Đà hiện lên với 2 vẻ đẹp đối lập nhau, con sông Đà có lúc dữ dằn “hung bạo” nhưng chốc lại dịu dàng thơ mộng, hùng vĩ. Phải có con mắt quan sát tỉ mỉ và tâm hồn tinh tế, khéo léo lắm thì tác giả Nguyễn Tuân mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của con sông cũng như quá trình chuyển đổi phức tạp ấy. Ngay từ đầu đoạn trích, con sông Đà hiện lên với vẻ hung bạo, dữ dằn, nhiều thác ghềnh và hiểm trở, vẻ đẹp hùng vĩ của con sông Đà không chỉ có nhiều thác đá mà nó còn là những cảnh đá ở 2 bên bờ sông, đá dựng vách thành và những bức thành đá cao thành chẹt lấy lòng sông hẹp như một cái yết hầu. Với cách so sánh rất độc đáo, mới lạ nhưng cũng rất lạ lùng khi đem cái “yết hầu” của con người ra để ví von với những bức thành đá cao lớn ép chặt lấy lòng sông Đà.


Cái hẹp của lòng sông Đà được tác giả mô tả hẹp theo đủ cách khác nhau nào là chỉ và đúng lúc “ngọ” giữa buổi trưa, khi mặt trời lên cao nhất và chiếu thẳng xuống lòng sông thì lòng sông mới nhận được chút tia nắng ấm áp ít ỏi và khi thời gian trôi đi thì những tia nắng ấy cũng dần biến mất, hay là chỉ cần đứng từ bên bờ bên này nhẹ tay ném một hòn đá nhỏ cũng có thể qua đến vách đá bên kia bờ sông, hơn nữa có quãng hẹp đến nỗi con nai con hổ cũng có lần đã vọt từ bên bờ bên này sang được bờ sông bên kia, hay mùa hè ngồi trong khoang đò đi qua quãng sông ấy mà cũng cảm thấy mát lạnh, thấy mình như đứng ở một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ của một tòa nhà cao tầng nào đó. Bằng việc so sánh vừa chính xác, tinh tế, vừa bất ngờ lạ lùng tác giả Nguyễn Tuân như đã lục lọi hết cả kho từ ngữ phong phú của mình để tìm ra được những ngôn từ đắt giá nhất có thể làm kinh động đến hồn trí người đọc khi miêu tả những vách đá bên bờ sông Đà.


Con sông Đà không chỉ có những vách đá dựng đứng mà ở quãng Hát Loong còn có hàng dài cây số nước và đá, nước xô đá, đá xô sóng, sóng lại xô gió như một vòng tuần hoàn tự nhiên của con sông cứ lặp đi lặp lại và dòng nước lúc nào cũng cuồn cuộn chảy xiết với những luồng gió gùn ghè quanh năm như đòi nợ bất kì một người nào đi qua nó, bằng lối viết rất văn hoa, cấu trúc câu trùng điệp gợi lên hình ảnh một con sông Đà lúc nào cũng cuồng nộ, dữ dằn như lúc nào cũng muốn nuốt chửng bất kì con thuyền xấu số nào rơi vào trận địa mà nó đã bày sẵn.


Đến quãng Tà Mường, ta lại bắt gặp “những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”, trên bề mặt cái hút ấy lúc nào cũng xoáy tít xuống tận đáy và quay lừ lừ chỉ chẹc có con thuyền nào đi qua là “lôi tuột” ngay xuống đáy sông và đánh chúng tan xác ngay lập tức, hay âm thanh của tiếng nước kêu và thở ừng ực như cái cống bị sặc. Với lối so sánh độc đáo, sử dung những từ ngữ miêu tả rất chân thực sống động khiến con sông Đà hiện lên như một loài thủy quái luôn gầm gừ đe dọa với những âm thanh ghê rợn có thể khủng bố tinh thần bất cứ ai và uy hiếp con người.


Không chỉ miêu tả hình ảnh những vách đá dựng đứng, những cái hút nước sâu hút hay hơi thở ừng ực của dòng nước cuồn cuộn, con sông Đà còn phối hợp hài hòa với âm thanh réo rắt của những thác nước, Nguyễn Tuân như một nhạc trưởng đang đắm mình điều khiển giàn nhạc giao hưởng hùng tráng của sông Đà với bài ca của sóng hòa âm với tiếng gió xô nước lên những vách đá. Tiếng thác nước réo rắt nghe như ai oán, oán trách điều gì, rồi lại van xin, khiêu khích hay gằn mình lên chế nhạo, thế rồi âm thanh được phóng đại lên bất ngờ như bừng lên cơn thịnh nộ đỉnh điêm và “rống lên như hàng ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu tre nứa nổ lửa và rừng lửa cũng gầm thét lên với nó”, tác giả Nguyễn Tuân đã miêu tả âm thanh của thác nước như một trận đánh kịch liệt, dữ dội của tự nhiên.


Khi đến cái thác với sóng bọt trắng xóa cả một chân trời, và xung quanh đó là một trận địa đá bằng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, tác giả như thổi hồn vào từng hòn đá khiến chúng trở nên chân thực và sống động. Trận địa đá với kích cỡ đa dạng từ to đến nhỏ ấy đã “mai phục” ở lòng sông từ ngàn năm trước rồi , có hòn thì “nhổm cả dậy” khi có chiếc thuyền nào đó nhô vào đường ngoặt của sông hay mặt hòn đá nào ở đây cũng trông “ngỗ ngược” như một đứa trẻ bướng bỉnh hay “nhăn nhúm méo mó” hơn cả mặt nước cuộn sóng, những hòn đá muôn hình vạn trạng có hòn “đứng” có hòn “nằm” hay “ngồi” tùy vào sở thích riêng của chúng. Qua ngòi bút miêu tả tài tình của tác giả thì những hòn đá vô tri vô giác ấy như được thổi hồn vào một cách chân thực sống động khiến chúng giống như những tên du côn hung dữ của thiên nhiên hoang dại. Những “tên du côn” ấy còn hống hách bày thạch trận trên lòng sông để giăng bẫy mọi thứ đi qua con sông này, ở thạch trận thứ nhất bày ra năm cửa trận thì có đến 4 cửa tử và chỉ duy nhất 1 của sinh ở giữa, bọn đá đứa thì hất hàm đứa thì thách thức trêu ngươi, đến cả mặt nước cũng hùa vào với bọn đá ùa vào bẻ gãy cán chèo, sóng nước đá trái thúc gối vào bụng thuyền và hông thuyền. Thạch trận thứ hai với sông nước cũng bài binh bố trận ở khắp nơi trên lòng sông, tăng nhiều cửa dinh cửa tử ở phía hữu ngạn con sông, còn thạch trận thứ ba thì trái phải đều là luồng chết, duy chỉ có luồng sống ở ngay chính giữa. Qua đó, ta thấy con sông Đà hung bạo hống hách như một loài thủy quái hết bày thạch trận lại đến thủy trận nhằm uy hiếp, nuốt chửng những con thuyền trên lòng sông, nó như là “kẻ thù số 1” của con người nơi vùng Tây Bắc hùng vĩ, nhờ vậy mà có thể tôn vinh tài năng nghệ thuật tài hoa của tác giả với cách sử dụng từ ngữ điêu luyện, độc đáo.


Hình ảnh con sông Đà hiện lên dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân không chỉ mang vẻ “hung bạo, dữ dằn” mà còn ẩn chứa nét thơ mộng, trữ tình. Dòng sông Đà không chỉ có những vách đá dựng đứng, những cái giếng hút sâu hoắm hay những trận thạch bàn nguy hiểm mà còn là bức tranh thủy mặc vấn vương lòng người. Từ trên tàu bay nhìn xuống, dòng sông Đà như cái sợi dây thừng ngoằn ngoèo không còn nét dữ tợn hung bạo nữa mà thay vào đó nó tuôn dài như một áng tóc trữ tình, cả đầu tóc và chân tóc như đang thoắt ẩn thoắt hiện trong làn mây trời xanh thẳm rợp trời sắc trắng của hoa ban hay sắc đỏ của hoa gạo và cuồn cuộn mù lên những làn khói của những người đốt nương xuân chuẩn bị canh tác. Như có một người vô hình điều khiển mà dòng nước sông Đà thay đổi theo mùa, vào mùa xuân là sắc nước màu xanh ngọc bích, có lẽ sức sống xanh mơn mởn của cây cỏ mùa xuân đã nhuộm cho dòng sông màu ngọc bích đẹp đến nao lòng như vậy. Nhưng mùa hạ qua đi khi mùa thu đến dòng sông như cởi bỏ lớp áo cũ để khoác lên mình chiếc áo màu lừ lừ chín đỏ như da mặt một người say rượu hay giận dữ việc gì đó.


Cứ mỗi mùa qua đi dòng sông Đà như được thay da đổi thịt, mỗi mùa nó mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp quyến rũ tình tứ, thơ mộng đến xao xuyến lòng người. Nguyễn Tuân nhìn con sông Đà như một người cố nhân đã lâu không gặp lại, tác giả say mê đến mức như sắp đổ ra sông Đà, nó mang vẻ gợi cảm nhưng trong con mắt mỗi người nó lại được cảm nhận theo cách khác nhau. Cảnh ven 2 bên bờ sông lặng như tờ nhưng lại mộng mơ, quen thuộc với những nương ngô mới nhú lên xanh mướt, bãi cỏ gianh góc kia đang nhú lên những búp xanh mơn mởn hay những chú hươu cái cúi đầu bứt những búp cỏ xanh non vẫn còn đẫm sương mai rồi ngẩng đầu lên khỏi những áng cỏ sương, bờ sông mang vẻ đẹp hoang dại của một bờ tiền sử cổ kính, hay hồn nhiên như một câu chuyện cổ tích xa xưa. Bức tranh thơ mộng về sông Đà được Nguyễn Tuân miêu tả một cách tỉ mỉ, tinh tế bức tranh ấy có màu sắc, hình ảnh hiện lên với nét hoang sơ nguyên thủy chưa có đôi bàn tay con người tác động.


Bằng cả tâm hồn yêu thiên nhiên, quê hương đất nước say đắm, thiết tha và lòng ngưỡng mộ, trân trọng, nâng niu vẻ đẹp của một dòng sông nơi Tây Bắc của tổ quốc, tác giả Nguyễn Tuân đã mang cho người đọc hình dung ra được hình ảnh con sông Đà vừa mang vẻ “hung bạo, dữ dằn” nhưng cũng không kém phần “thơ mộng, trữ tình” cùng hình ảnh giản dị của những người lao động bình dị ở vùng Tây Bắc. Bằng tài năng và việc sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, tác giả Nguyễn Tuân đã viết nên tùy bút “Sông Đà” và khắc họa thành công hình tượng con sông Đà cũng như “chất vàng mười” của những người dân lao động bình dị, tác phẩm xứng đáng là một tuyệt tác của của một tài năng nghệ thuật độc đáo những không kém phần tinh tế.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy