Bài văn phân tích nhân vật Hộ số 2
Nam Cao là người có vẻ ngoài lạnh lùng ít nói nhưng lại có đời sống nội tâm phong phú và một tấm lòng nhân hậu chan chứa tình thương. Ông hay suy nghĩ về nhiều vấn đề xã hội để rồi từ đó rút ra những nhận xét có tầm triết lí và nhân sinh mới mẻ. Nội tâm Nam Cao thường diễn ra xung đột gay gắt giữa cái tốt và cái xấu, giữa giả dối và chân thật, giữa tinh thần cao cả và dục vọng tầm thường. Một số tác phẩm mang tính chất tự truyện như Mua nhà, Trăng sáng, Đời thừa, Sống mòn… đã nói lên điều đó.
Truyện ngắn Đời thừa (đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, 1943) là một trong những sáng tác đặc sắc nhất của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám 1945. Thông qua nhân vật Hộ (bóng dáng nhà văn), tác giả phản ánh chân thực tình cảnh cực khổ, tủi nhục, bế tắc của tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ nghèo trong xã hội cũ. Nam Cao tập trung thể hiện bi kịch tinh thần của họ, từ đó đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn.
phan tich nhan vat ho trong truyen ngan doi thua cua nam caoHộ là một nhà văn có ý thức sâu sắc về cuộc sống. Anh muốn nâng cao giá trị đời sống cá nhân bằng một sự nghiệp có ích cho xã hội và được xã hội công nhận. Nhưng chỉ vì gánh nặng áo cơm hằng ngày cuốn anh vào những toan tính vụn vặt, tầm thường nên rốt cục anh chẳng làm được cái gì hữu ích cho đời. Anh đau khổ vì phải sống một đời thừa, bất lực nhìn những ước mơ, khát khao đẹp đẽ bị thực tế phũ phàng vùi dập.
Là một nhà văn, Hộ từng ôm ấp một hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương và vì nó, anh có thể hi sinh tất cả. Anh mong ước sẽ sáng tạo ra những tác phẩm thật sự có giá trị, vượt lên tất cả bờ cõi và giới hạn, bằng cách đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có.Hộ khao khát vinh quang, khao khát được khẳng định tài năng của mình trước cuộc đời. Anh không muốn sống một cuộc sống vô vị và vô nghĩa. Đó chính là niềm say mê quên mình vì một hoài bão lớn của con người sống có lí tưởng. Quan niệm về văn chương nghệ thuật của Hộ hết sức đúng đắn và tiến bộ. Anh đã từng phát biểu ý kiến trước bạn bè về giá trị của một tác phẩm văn chương đích thực: Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn.
Là kẻ có tâm, có tài, Hộ say mê văn chương đến độ coi văn chương là lí tưởng, là lẽ sống. Anh tự hào vì có được một tâm hồn nhạy cảm, phong phú và cho rằng không có lạc thú vật chất nào so sánh được. Hộ quyết tâm biến hoài bão lớn lao mà anh hằng ôm ấp thành hiện thực. Nhưng khổ thay cho Hộ, anh không thể biến ước mơ thành hiện thực vì những lo lắng liên miên về vật chất, những bận rộn tẹp nhẹp vô nghĩa lí của đời sống cơm áo hằng ngày mà anh phải lo cho gia đình đã choán hết tâm trí, thời gian của Hộ. Vợ yếu, con đau, nhà cửa xác xơ, túng quẫn…
Cái gì cũng cần đến đồng tiền, mà Hộ thì chỉ có thể kiếm tiền bằng ngòi bút. Cuộc sống nghèo túng, chạy ăn từng bữa bắt buộc Hộ phải viết những điều anh không muốn viết. Đó là thứ văn cẩu thả, dễ dãi, rẻ tiền mà anh gọi là văn chương quấy loãng để rồi hình dung ra lúc người đọc chửi mình mà xấu hổ đỏ mặt, tự rủa mình là đồ khốn nạn, bất lương. Hộ nói: Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Tấn bi kịch tinh thần giằng xé tâm can Hộ chính là điều đó.
Chưa hết, Hộ còn rơi vào một bi kịch thứ hai cũng không kém phần đau đớn. Đó là bi kịch của con người coi tình thương là nguyên tắc sống cao nhất, sẵn sàng hi sinh tất cả cho tình thương nhưng tại phải sống tàn nhẫn, thô bạo với vợ con, chà đạp lên nguyên tắc sống do mình đặt ra. Vậy đâu là nguồn gốc nỗi đau giằng xé con người Hộ? Cả hai bi kịch của anh đều phản ánh một mâu thuẫn của xã hội: Người có tài, có tâm muốn sống đẹp, sống tốt thì lại phải khốn khổ.
Bản chất của Hộ là người tốt. Anh quan niệm kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình. Vì thế anh đã cứu giúp Từ, một cô gái lỡ làng và cưới Từ làm vợ. Hộ đã cúi xuống nỗi đau khổ của Từ; thực hiện một hành vi như người ta làm việc nghĩa. Những đắng cay của cuộc đời mà Hộ phải nếm trải nhiều khi khiến anh trở nên cau có, tàn nhẫn với vợ con. Bế tắc, anh tìm đến rượu để giải sầu nhưng mỗi lần tỉnh rượu, Hộ lại ân hận, xót xa. Anh xin lỗi vợ trong tiếng khóc nghẹn ngào: Anh chỉ là một thằng khốn nạn!
Muốn thoát khỏi tình trạng đời thừa, Hộ chỉ còn một cách là rũ bỏ trách nhiệm đối với gia đình, thoát li vợ con để rảnh rang theo đuổi giấc mộng văn chương. Nhưng vốn nhân hậu, anh không thể chấp nhận sự tàn nhẫn. Với Hộ, tình thương là tiêu chuẩn xác định tư cách làm người. Không có tình thương, con người chỉ là một thứ quái vật : Hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường. Nhưng hắn còn được là người.Vì thế, anh không thể bỏ mặc vợ con để theo đuổi sự nghiệp văn chương. Anh đã hi sinh nghệ thuật để giữ lấy tình thương. Phải từ bỏ hoài bão lớn, anh âm thầm đau khổ, u uất, day dứt, nhất là khi gặp lại các bạn văn chương. Hộ thực sự lâm vào bế tắc. Không một chút tươi sáng dành cho số phận anh.
Nam Cao xoáy sâu vào bi kịch của người trí thức, văn nghệ sĩ nghèo, từ đó kín đáo kết án cái xã hội ngột ngạt, thối nát đã tước đoạt giá trị con người, không cho con người được sống đàng hoàng, tử tế theo đúng nghĩa của nó. Đối với tầng lớp trí thức vốn có ý thức cao về quyền sống, về đạo lí, thì đó là bi kịch tinh thần đau đớn nhất. Ý nghĩa nhân sinh của truyện ngắn Đời thừa là như thế.
Truyện ngắn Đời thừa là một tác phẩm có tính chất tự truyện của Nam Cao. Tác giả miêu tả tấn bi kịch của những người cầm bút trung thực. Đời thừa còn là một bản tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám. Qua nội dung tác phẩm, ông muốn nhấn mạnh vấn đề công phu và tài năng sáng tạo của nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong lĩnh vực này, nếu người cầm bút chỉ viết được những cái vô vị, nhạt phèo, không có đóng góp gì mới cho xã hội thì chỉ là một kẻ vô ích, một người thừa mà thôi.