Bài văn phân tích nhân vật Mị Châu và Trọng Thủy số 7
Mị Châu – Trọng Thủy, một mối tình có lẽ gây nhiều sự chú ý và tranh cãi nhất trong truyền thuyết Việt Nam. Vì yêu, vì hiếu nên họ đã mắc phải những sai lầm to lớn khiến mình phải đi vào con đường chết. Mị Châu chết hóa thành ngọc trai, còn Trọng Thủy vì thương vợ nên cũng chết trong giếng gần nơi táng Mị Châu. Ngọc trai càng rửa nước giếng này càng trong. Kết cục này vừa cảm động vừa ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa.
Theo truyền thuyết, thời Âu Lạc, vua An Dương Vương được Rùa Vàng tặng cho một chiếc vuốt làm nỏ thần để đánh giặc. Cứ lấy nỏ bắn là giặc sẽ thua. Lần đầu tiên, quân Đà sang đánh, vua An Dương Vương ứng nghiệm chiếc nỏ thần. Quả thật, quân Đà thua to. Ít lâu sau, con trai Đà sang cầu hôn với công chúa. Vua không để ý nên đã vô tình gả con gái cho kẻ đã bị mình đánh bại. Đúng như âm mưu trước đó, Trọng Thủy đã dỗ Mị Châu cho xem trộm chiếc nỏ thần rồi ngầm làm một cái khác thay thế vào đó. Trong lúc chia ly, Mị Châu dặn Trọng Thủy nếu sau này hai đất nước loạn lạc, Mị Châu đi đâu sẽ rắc lông ngỗng đến đó để làm dấu cho Trọng Thủy tìm cứu nàng. Mất nỏ, vua An Dương Vương không hề biết nên khi quân Đà sang khiêu chiến, vua đã chủ quan và để mất nước Âu Lạc.
Vua dẫn con gái chạy theo phí bờ biển. Mị Châu ngồi sau cha rắc lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy đúng như lời ước hẹn. Đến bờ biển, vua cha kêu sứ Thanh Giang, rùa vàng nổi lên vào bảo quân giặc ngay phía sau lưng. Ngay lập tức, vua tuốt gươm chém chết Mị Châu. Mị Châu chưa hiểu rõ vì sao lại bị cha chết, nàng khấn rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đề biến thành hạt châu. Khi Trọng Thủy đến chỉ còn lại xác Mị Châu. Trọng Thủy ôm xác Mị Châu đem về táng ở Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch. Trọng Thủy thương tiếc khôn cùng, khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết.
Như vậy, sau những sai lầm tai hại, cả hai đã cùng chết bên nhau. Đặc biệt, ngọc trai khi mang rửa ở giếng nước nơi Trọng Thủy chết, càng rửa ngọc càng sáng. Có nhiều ý kiến trái chiều nhau về cái chết của Mị Châu. Có người cho rằng: Mị Châu đã ngheo theo lời Trọng Thủy cho xem trộm chiếc nỏ thần chỉ là việc thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ với đất nước. Lại có kiến nói Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp đạo lý. Vậy ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai? Xét về việc cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần, Mị Châu làm việc này hoàn toàn không hề có âm mưu gì, nàng cũng không biết được ý định của Trọng Thủy đánh cắp chiếc nỏ thần và thay thế chiếc khác.
Chính sự khờ khạo này của Mị Châu là nguyên nhân đầu tiên khiến nước Âu Lạc bị mất. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Tại sao vua cha lại bị mất nỏ thần mà không hề hay biết? Và khi quân địch đến, vua cha còn thản nhiên ngồi đánh cờ, đến lúc dùng đến nỏ thần vua mới phát hiện ra đã bị mất. Lẽ ra một vật báu quan trọng như thế, liên quan đến sự sống còn của đất nước như thế, vua phải giữ gìn cẩn thận, thường xuyên kiểm tra. Nhưng vua An Dương Vương đã không làm điều đó. Còn Mị Châu thì vô tình bị Trọng Thủy dụ dỗ. Nhưng nàng cũng chỉ nghĩ rằng cho Trọng Thủy xem thôi rồi lại cất đi sẽ không ảnh hưởng gì. Như vậy Mị Châu vừa làm vui lòng chồng lại không làm nguy hại đến cha. Nhưng sự thật lại diễn ra hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ ngây thơ của nàng.
Chưa hết, khi cùng vua cha chạy trốn, nàng còn dứt lông ngỗng trên áo làm dấu cho Trọng Thủy đuổi theo với mong muốn chồng sẽ cứu mình đúng như lời ước hẹn trước đó. Nhưng lại một lần nữa, Mị Châu tiếp tay cho giặc mà không hề hay biết. Trong suy nghĩ của nàng, việc làm này hoàn toàn đúng đắn và nên làm, vì “thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khôn xiết”. Nếu như Trọng Thủy không phải con trai Đà, không phải kẻ địch của Âu Lạc thì có lẽ những gì Mị Châu làm hoàn toàn xứng đáng và hợp tình hợp lý. Nhưng thật éo le vì những việc làm mang ý nghĩa tình cảm vợ chồng sâu nặng của Mị Châu lại làm cho đất nước rơi vào tay kẻ địch. Giây phút cuối cùng của cuộc đời khi bị vua cha kết án là giặc, Mị Châu mới chợt nhận ra mình bị lừa.
Nhưng tất cả đã quá muộn. Nàng không chối, cũng không kêu oan mà chỉ khấn sẽ thành cát bụi nếu mình là kẻ phản nghịch, ngược lại nếu lòng nàng trong sáng, chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù. Quả nhiên, khi Mị Châu chết, máu của nàng chảy xuống biển, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Như vậy, nỗi oan của Mị Châu đã được giải. Chỉ tiếc rằng nàng đã chết, chết một cách bất ngờ đầy tiếc thương.
Cái chết của Mị Châu vừa chứng minh được tấm lòng trong sạch của nàng, vừa thể hiện hai phẩm chất đạo đức tốt đẹp trong nàng: thứ nhất, Mị Châu là một người vợ chung thủy, nặng nghĩa tình. Thứ hai, nàng là một người con gái hiếu thảo, có tấm lòng trong sáng rất đáng trân trọng. Đồng thời, Mị Châu chết một phần lớn vì sự chủ quan của vua cha. Lẽ ra khi gả con gái, vua phải xem xét kỹ lưỡng xuất thân của con rể. Mặt khác, nỏ thần là vật báu quý hiếm, vua phải kiểm tra thường xuyên và cất giữ thật cẩn thận. Nhưng vua An Dương Vương đã không làm điều đó. Cho đến giây phút cuối cùng, ông phải đành lòng chém chết đứa con gái yêu dấu khi nghe Rùa Vàng kết án chính kẻ ngồi sau là giặc.
Về phần Trọng Thủy, chàng đáng trách nhưng cũng đáng thương. Vì việc lấy nỏ trộm nỏ thần là do cha Trọng Thủy sai bảo. Mặc dù việc vua Đà đến đánh chiếm Âu Lạc, nhưng khi đưa sự việc ra đánh giá khách quan, khi đặt sự việc vào thời thế của đất nước, ta lại thấy Trọng Thủy làm đúng. Vì dù tình nghĩa vợ chồng sâu nặng nhưng chàng vẫn coi trọng việc nước hơn. Chàng hi sinh hạnh phúc riêng của mình cho đất nước. Chỉ tiếc rằng, cuộc chiến ấy lại là cuộc chiến phi nghĩa. Nếu là chính nghĩa thì Trọng Thủy sẽ trở thành một người hùng đẹp tuyệt vời. Trọng Thủy tuy là địch, tuy vâng lời cha lấy trộm nỏ thần nhưng mặt khác chàng không hề đối xử tệ bạc với vợ là con gái của vua An Dương Vương – người đã đánh bại cha mình. Khi vợ chết, Trọng Thủy vì thương nhớ mà cũng chết dưới giếng gần nơi chôn Mị Châu. Khi lấy ngọc đem rửa nước giếng này thì càng rửa càng sáng. Có lẽ Mị Châu đã thầm tha thứ cho Trọng Thủy. Và cả dân gian khi tạo nên cái kết này cũng đã dành sự cảm thông cho cả hai vợ chồng.
Bi kịch đau thương, đầy éo le và oan ức này đã làm cho người đọc không khỏi day dứt. Nhưng một mặt khác, nhân dân muốn qua câu chuyện để nhắn nhủ đến thế hệ trẻ sau rằng: Ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thật tỉnh táo, xem xét mọi sự việc thật kỹ lưỡng. Tuyệt đối không bao giờ được chủ quan. Nhất là những việc hệ trọng như giữ nước càng phải cẩn thận, phải biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, biết xả thân vì nghĩa, biết cân nhắc mọi hành động đúng, sai.
Cái chết của hai vợ chồng đã làm cho nhiều người trẻ thức tỉnh. Vì hiện nay trong xã hội có không ít những kẻ dùng mọi thủ đoạn để trục lợi cá nhân. Họ phụ vợ, phụ chồng, phụ nhau để đạt được những mục đích riêng của mình. Qua câu chuyện, mỗi người hãy tự nhìn nhận lại bản thân, để cùng hướng đến cuộc sống mới, cuộc sống với những hành động và lý tưởng tốt đẹp.