Bài văn phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ
Là một nhà văn gắn bó thân thuộc với nếp sống sinh hoạt, phong tục tập quán của nhiều vùng miền cùng vốn ngôn ngữ phong phú, lời văn giàu hình ảnh, Tô Hoài đã lưu lại dấu ấn riêng của mình trong trái tim bạn đọc các thế hệ. “Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn nổi bật trong kho tàng văn chương đồ sộ của nhà văn. Trong truyện, hình tượng nhân vật Mị là một nét đặc sắc đánh dấu sự tinh tế và tài hoa nơi ngòi bút Tô Hoài.
Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: “Câu chuyện Vợ chồng A Phủ là câu chuyện hoàn toàn có thực. Tức là nguyên mẫu ở ngoài đời sống. Đợt ấy tôi đi công tác từ Tà Sùa sang Phù Yên (Sơn La). Ở Tà Sùa tôi gặp một cặp vợ chồng người Mèo vào đúng dịp tết truyền thống của họ, tức khoảng tháng 11 âm lịch, trước tết Nguyên đán của ta một tháng. Tết người Mèo kéo dài cả tháng. Tôi cùng đôi vợ chồng nhà kia đi ăn tết từ bản này sang bản khác. Ăn tết và uống rượu, rồi anh chồng kể chuyện. Anh kể về cuộc đời anh, cuộc đời chị vợ, về chuyện thống lý ở bản anh làm tay sai cho Pháp, rất tàn ác, cho nên anh phải đưa vợ đi chạy trốn nơi khác.
Câu chuyện của đôi vợ chồng nọ cộng với vốn hiểu biết của tôi về người Mèo làm cho cốt truyện cứ sáng tỏ dần. Và tôi bắt tay vào viết”. Có lẽ chính bởi những trải nghiệm khi được tiếp xúc với một hình mẫu thực cùng với tài năng, vốn hiểu biết về phong tục, lối sống người vùng cao mà nhà văn Tô Hoài đã chắp bút viết nên một tác phẩm xuất sắc. Hình tượng nhân vật Mị nhà văn xây dựng trong truyện đã để lại rất nhiều ấn tượng, nghĩ suy trong lòng độc giả.
Hình tượng nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài xây dựng trước hết là một cô gái với những phẩm chất tốt đẹp đáng trân trọng. Đó là một cô gái người Mèo đang độ trẻ trung, hồn nhiên, được nhiều chàng trai ngày ngày đi theo bởi tài thổi sáo rồi thì “thổi lá cũng hay như thổi sáo” làm biết bao người mê say. Đó là một cô gái đã từng được yêu, từng yêu, luôn mang trong mình trái tim cháy bỏng yêu thương, hạnh phúc. Cô gái ấy cũng vô cùng hiếu thảo với mẹ cha, chăm chỉ làm lụng cũng như ý thức rõ được giá trị của một cuộc sống tự do. Mị sẵn sàng xin cha làm lụng trên nương ngô để trả nợ thay, để không phải về làm dâu nhà thống lí Pá Tra bởi Mị hiểu rằng về đó đồng nghĩa với việc sa chân vào chốn tù đày, phải sống cuộc sống tù túng, mang danh con dâu nhà giàu nhưng phận tôi đòi hèn kém.Bên cạnh đó, nhân vật Mị trong truyện còn hiện lên với hình ảnh là một nạn nhân của áp bức bất công, của thế lực phong kiến lộng quyền. Nhiều người nhìn Mị mà ghen tị vì được làm dâu con nhà giàu lắm của nhiều nương ở bản, nhưng thực tế, cuộc sống của Mị chốn nhà quan chẳng hề dễ dàng và hạnh phúc. Là con dâu gạt nợ, ngày ngày Mị bị bóc lột sức lao động, quần quật làm việc suốt ngày đêm đến cái ngưỡng nhiều lúc chính Mị còn cảm tưởng như mình chẳng bằng thân trâu, thân ngựa ngoài kia, rằng “đàn bà trong cái nhà này chỉ biết vùi đầu vào công việc”. Dần dần, sống quá lâu trong cái khổ nên Mị quen khổ rồi, thân xác, tâm hồn ấy đã dần trở nên chai sạn với nỗi đau, với cực khổ đọa đày. Từ lúc nào mà Mị bỗng sống cuộc sống lầm lũi như “con rùa nuôi trong xó cửa”.
Dẫu cho cuộc sống có bộn bề trăm nỗi khổ đau, ở nhân vật Mị ta vẫn bắt gặp một sức sống tiềm tàng, một khát khao sống, khát khao tự do, hạnh phúc mãnh liệt. Khi bất ngờ trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí, bị A Sử bắt về làm vợ, Mị đã từng có ý định ăn lá ngón như là một cách để tự giải thoát mình. Trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài, sức sống đất trời rạo rực ngoài kia, không khí xuân tràn lên cuộc sống muôn người dường như phần nào đã đánh thức tâm hồn Mị khỏi những tháng ngày bị vùi mình trong đau khổ. Mị nhẩm thầm theo lời bài hát, trong thoáng chốc tâm hồn ấy như được trở về với thời thanh xuân tươi trẻ, nồng nhiệt, với thời được sống tự do, hạnh phúc. Ý thức được giá trị của bản thân, của sự sống, Mị “thấy phơi phới trở lại” và rằng “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Khi bị A Sử trói không cho đi chơi, tâm hồn Mị vẫn lửng lơ theo tiếng sáo ngoài kia, trong những cuộc chơi náo nức, rộn ràng. Và khát khao hạnh phúc, khát khao tự do trở nên mãnh liệt nhất khi Mị quyết định cắt dây cởi trói cho A Phủ và sau đó chạy bỏ trốn theo A Phủ.
Qua từng trang truyện “Vợ chồng A Phủ”, hình ảnh nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài khắc họa chân thực, sống động và qua số phận, nét đẹp tâm hồn ấy, ta cảm nhận được những thông điệp, những cảm xúc nghĩ suy sâu sắc mà nhà văn muốn gửi gắm tới người đọc để từ đó thêm trân trọng tác phẩm và trân quý tài năng, sự tài hoa tinh tế của tác giả.