Bài văn phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn "Bến quê" số 7
Nguyễn Minh Châu một trong những nghệ sĩ đổi mới âm thầm mà quyết liệt nhất của văn học Việt Nam sau năm 1986. Bởi vậy ông được đánh giá là người mở đường tinh anh và tài hoa của văn học nước nhà. Cả cuộc đời ông là hành trình khám phá, tìm tòi không ngừng nghỉ trong việc đổi mới cách viết. Bến quê chính là một trong những tác phẩm như vậy. Với nhân vật Nhĩ, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm những triết lí sâu sắc của con người, của cuộc đời.
Cuộc đời, số phận của nhân vật này được tác giả dựng lên bằng hàng loạt các nghịch lí, và cũng từ chính những nghịch lí đó, Nhĩ đã nhận ra, đã chiêm nghiệm biết bao điều trong cuộc sống mà bấy lâu nay anh vô tình hoặc cố ý lãng quên. Cái hay của tác phẩm chính là ở chỗ đó.
Nghịch lí thứ nhất trong cuộc đời Nhĩ đó là cả đời di chuyển khắp nơi, không thiếu một xó xỉnh nào trên thế giới, ấy vậy mà những ngày cuối cùng của cuộc đời anh lại phải chôn chân giữa một tấm phản, mọi sự di chuyển đều khó khăn và phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Anh đi khắp mọi nơi nhưng cái bãi bồi bên kia sống Hồng, ngay trước mặt anh, anh lại chưa một lần đặt chân đến. Đây chính là một ngịch lí vô cùng đáng buồn. Người vợ tảo tần, những đứa trẻ hàng xóm đáng yêu, vậy mà bấy lâu nay anh bỏ bê vô tình hay cố ý lãng quên mất. Chỉ đến thời khắc ấy, khi bình tâm, anh mới nhận ra tất cả vẻ đẹp vốn có trong họ, để rồi xót xa, tiếc nuối về những gì đã qua. Đặt nhân vật vào một chuỗi những nghịch lí để rồi từ đó giúp Nhĩ nhận ra những gì mình đã bỏ lỡ, những giá trị đích thức của cuộc sống. Đồng thời cũng gửi gắm đến bạn đọc thông điệp: trong bước đường đời khó tránh khỏi những vòng vèo, chùng chính, chúng ta cần tỉnh tảo để nhận thấy và trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Nhĩ nằm đó trong những nỗi rối bời của cảm xúc, suy tư để rồi tự sám hối, tự nhận thức. Nhận thức đầu tiên chính là cảm xúc về khung cảnh thiên nhiên. Anh nhận ra những bông bằng lăng cuối mùa đã đậm sắc hơn, dòng sông Hồng mang màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra, và xa xa là cánh buồm màu nâu bạc,… Mọi thứ đã phô diễn trước khung cửa nhà anh, “màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”. Một chân trời ần gũi đến vậy, nhưng đối với Nhĩ “lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”. Có chăng đây chính là những tâm tư của con người đã từ đi đến bốn phương, nhưng phương quê nhà lại vô tình lãng quên. Đây cũng chính là những cái chùng chình, vòng vèo mà Nhĩ gặp phải trong cuộc sống, bởi vậy, trong giờ phút ngắn ngủi cuối đời anh càng cảm thấy tiếc nuối, xót xa hơn.
Sau những chiêm nghiệm về thiên nhiên, Nhĩ hướng mắt về người vợ suốt một đời của mình – chị Liên. Anh thấy ở chị đức tính dịu dàng, chu đáo, một đức hi sinh thầm lặng. Chiếc áo vá chị đã mặc biết bao năm, đôi tay gầy guộc, cư xử tinh tế để không khiến chồng lo lắng. Và Nhĩ chợt nhận ra sự nghiệt ngã của thời gian đối với mình, cả đời anh không quan tâm đến vợ con nhưng đến những ngày cơ cực, vợ anh vẫn tảo tần ở bên, Nhĩ cay đăng thốt lên: “Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm … mà em vẫn nín thinh”. Cho đến cuối đời Nhĩ mới nhận ra được cái đẹp trong tâm hồn vợ : cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hi sinh từ bao đời xưa và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm… Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này. Nhưng mọi sự ân hận của Nhĩ dường như đã quá muộn màng. Những ngày tháng dài rộng anh lại chẳng thể ở bên, đến khi nhận ra thì đã bước sang cái dốc bên kia của cuộc đời.
Từ những cảm nhận về thiên nhiên và vợ, Nhĩ nhận thấy vẻ đẹp muôn thuở của quê hương: “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất” đã thức dậy trong anh khao khát mãnh liệt được sang bãi bồi bên kia sông. Nơi tưởng gần mà đối với anh đã xa lắc, bởi vậy anh đã gửi gắm nguyện ước đó vào người con trai mới lớn của mình. Nhưng Tuấn – con trai anh, lại không hiểu cái thế giới mơ ước của cha, không hiểu được cái đẹp trong nét tiêu sơ ấy mà đã sa vào một ván cờ thế ven đường. Những hành động của Tuấn cũng chính là hình ảnh phản chiếu của Nhĩ thuở nào. Anh chẳng thể trách con, bởi chính bản thân mình cũng đã không tránh được những cái vòng vèo, chùng chình cuộc đời, để rồi cuối cùng chỉ còn mang nặng nỗi tiếc nuối trong tâm hồn.
Nhưng có lẽ hình ảnh ấn tượng và in dấu ấn đậm nét nhất trong lòng người đọc là khi Nhĩ có cử chỉ khác thường lúc nhìn thấy con thuyền duy nhất trong ngày từ từ đi sang sông. Anh bám chặt tay vào cửa sổ, đôi mắt long lạnh sáng một cách khác thường, anh run lên vừa say mê vừa đau khổ, cố bám víu niềm hạnh phúc cuối cùng của mình. Bằng chút sức lực tàn cuối cùng anh “đu mình, nhô người ra ngoài cửa sổ” như để với tới gần hơn miền đất đẽ đẹp trong mơ ước của mình. Cánh tay anh khoát khoát với con thuyền có lẽ cũng chính là lời tạ từ cuối cùng anh dành cho quê hương, tạm biệt mơ ước cả đời anh không thể thực hiện, tạm biệt với những gì thân thương, gần gũi nhất trong cuộc đời anh. Hành động cuối cùng của anh cũng chính là lời nhắc nhở, lời cảnh tỉnh đối với tất cả mọi người, hãy sống một cuộc đời có ích, hướng đến những giá rị đích thực của cuộc sống, đừng theo đuổi những điều xa vời, mà hãy trân trọng những tình cảm đẹp đẽ tồn tại xung quanh ta.
Với nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật tài tình, Nguyễn Minh Châu đã làm sắc nét chiều sâu tâm lí nhân vật. Qua đó làm toát lên những suy nghĩ, chiêm nghiệm về con người và cuộc đời. Để từ đó gửi gắm đến bạn đọc những bài học ý nghĩa của cuộc sống.